Guardiola và mặt trái của thành trì triết lý
Vung tiền mua thêm hậu vệ chỉ là giải pháp vá víu cho hàng thủ Man City, bởi vấn đề sâu xa nằm ở chiến thuật của HLV Guardiola.
Những vấn đề Man City đang gặp phải ở hàng thủ là hệ quả từ việc Guardiola tôn thờ đến cứng nhắc triết lý bóng đá của ông. Ảnh:
Times
Pep Guardiola là một trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử, hoặc cũng có thể là HLV vĩ đại nhất. 16 tháng trước, khi
Man City đăng quang ở vòng hạ màn
Ngoại hạng Anh, đó là chức VĐQG thứ tám trong10 mùa giải ông làm HLV tại Tây Ban Nha, Đức rồi Anh. Man City của Guardiola còn lập hai kỷ lục giành nhiều điểm nhất trong một mùa giải Ngoại hạng Anh. Nhưng sau đỉnh cao ấy, lần đầu tiên sau 12 năm ông làm HLV đỉnh cao, sự thống trị của thời đại Guardiola bị lung lay.
Man City đã thua 10 trong 36 trận gần nhất ở hạng đấu cao nhất nước Anh. Số trận thua này nhiều hơn một trận so với toàn bộ ba mùa giải của Guardiola ở Bundesliga cùng Bayern, ít hơn một so với số thất bại suốt bốn năm ông lĩnh ấn ở Barca. Dù trận
thua Leicester City hôm 27/9 mới là lần đầu tiên một đội bóng của Guardiola
nhận năm bàn thua trong một trận đấu, đó cũng đã là lần thứ năm kể từ tháng 9/2019, Man City nhận tối thiểu ba bàn thua trong một trận. Điều gì đang xảy ra? Nó là một chuỗi trận đen đủi với các lỗi cá nhân không thể lường trước, hay kỉ nguyên của Guardiola đang bị phá hủy vì sự tàn bạo của Ngoại hạng Anh?
Có một điều chắc chắn: Các hàng phòng ngự của Guardiola sẽ hoàn hảo nếu họ... không phải phòng ngự. HLV người Catalonia không bao giờ chủ trương cho các hậu vệ làm công việc phòng thủ đơn thuần. Ông là người nâng tầm khái niệm thủ môn trong vai trò một người làm bóng, và sau một thất bại cũng dưới tay Leicester năm 2016, Guardiola nói: "Tôi không phải HLV của những cú tắc bóng".
Thay vào đó, các đội của Guardiola ngăn đối phương ghi bàn bằng cách cầm bóng áp đảo ngay bên phần sân đối phương, để giảm thiểu số pha dứt điểm của đối thủ. Đội hình Man City luôn dâng rất cao, cầm bóng nhiều vượt trội, mà một thống kê của mùa 2018-2019 có thể là ví dụ tiêu biểu: Trung vệ
Aymeric Laporte của Man xanh có số đường chuyền trung bình mỗi trận bên phần sân đối phương cao hơn cả... tiền vệ sáng tạo đội Tottenham mùa ấy Christian Eriksen.
Thảm bại 2-5 dưới tay Leicester tại Etihad hôm 27/9 đang phơi bày những vấn đề của hàng thủ Man City. Ảnh:
PA
Mặt trái của cách chơi này là nếu vượt qua hàng thủ dâng cao của Guardiola, đối thủ sẽ có khoảng trống mênh mông phía sau để tấn công. Các đội của Guardiola luôn cố gắng không cho đối phương vượt qua phòng tuyến này, và thường thì họ thành công. Trong bốn mùa dưới trướng Guardiola, Barca chỉ nhận trung bình 0,74 bàn thua mỗi trận. Tại Bayern, tỷ lệ này là chưa đến 0,57. Trong ba mùa đầu ông ở Man City, thống kê ở mức rất tốt là 0,78. Nhưng kể từ đầu mùa 2019-2020, City đã nhận hơn một bàn thua mỗi trận.
Man City cố gắng giảm số cú dứt điểm mà đối phương tạo ra. Tính từ đầu mùa giải trước, tỷ lệ này là 7,4 lần mỗi trận, thấp nhất Ngoại hạng Anh. Nhưng càng ngày, vấn đề không còn nằm ở số lượng mà chuyển sang chất lượng. Trong ba mùa đầu tiên của Guardiola, theo dữ liệu từ công ty phân tích bóng đá
Statsbomb, số bàn thắng kỳ vọng mà City phải đối mặt dao động từ 0,09 – 0,1, ở mức thấp nhất xét trong mặt bằng Ngoại hạng Anh. Nhưng mùa trước, thống kê này tăng lên mức cao nhất giải đấu, 0,12. Rất thường xuyên, thủ môn Ederson phải đối mặt với những cơ hội mười mươi của đối phương.
"Các đội bóng dễ dàng đối mặt thủ môn Man City chỉ sau một đường chuyền vượt tuyến", James Yorke, người đứng đầu bộ phận thống kê của
Statsbomb lý giải. "Trong hai mùa trước đây, họ chỉ chịu 21 cú sút và nhận ba bàn thua sau các cơ hội từ chuyền vượt tuyến. Mùa 2019-2020, họ cũng nhận từng ấy cú sút, nhưng chịu tới bảy bàn thua từ các pha bóng kiểu này".
Man City chưa thủng lưới từ các đường chuyền vượt tuyến của đối phương mùa này, nhưng sự sợ hãi của Guardiola được mô tả là dễ cảm nhận. Hình bên dưới cắt từ trận đấu đầu tiên mùa này gặp Wolverhampton: Kyle Walker, Nathan Ake và Benjamin Mendy đều đứng trên vạch giữ sân, trong khi John Stones lùi khá sâu. Vì thế, Joao Moutinho rất dễ đặt Daniel Podence trong thế đối mặt Ederson, với một đường chuyền trực diện.
Hàng thủ Man City trong một lần dâng rất cao, với Mendy, Ake và Walker đều đứng từ vạch giữa sân trở lên. Ảnh:
Sky Sport
Thiếu sự liên kết là một điểm yếu lớn của hàng thủ Man City, và điều này làm lộ thêm một hạn chế nữa mà Guardiola tạo nên cho đội bóng: Sự thiếu ổn định trong khâu nhân sự. Mùa trước, Guardiola có 144 lần thay đổi người ở đội hình chính, nhiều nhất Ngoại hạng Anh. Kể từ đầu năm 2020, chỉ hai lần ông giữ nguyên hàng thủ trong hai trận đấu liên tiếp ở giải đấu cao nhất bóng đá Anh.
Làm hậu vệ của Guardiola là công việc cực khổ. Hậu vệ ấy vừa phải có khả năng điều tiết bóng để xây dựng lối chơi tấn công cho cả đội, vừa tham gia phòng ngự ở khoảng trống mênh mông mà đội bóng tạo ra. Các hậu vệ phải có tư duy chiến thuật tốt, kỉ luật, khả năng liên kết với nhau, và khả năng đọc tình huống.
Ở Barca, Guardiola có Carles Puyol, Gerard Pique, Dani Alves và Eric Abidal. Tại Bayern, ông sử dụng Jerome Boateng, Dante, Joshua Kimmich và David Alaba. Bayern đến giờ vẫn đang chơi với hàng thủ dâng cao tương tự nhờ có Kimmich, Alaba và Alphonso Davies. Nhưng ở hàng thủ Man City hiện tại, trừ Laporte, không ai ở tầm cỡ những hậu vệ mà Guardiola từng có. Vì thế, ông phải xoay vòng. Khi nhân sự không làm nổi những gì ông yêu cầu, Guardiola đành loay hoay thử đủ phương án để thay đổi, và vô tình làm giảm sự gắn kết giữa các hậu vệ với nhau.
Trong cuốn tiểu sử về Guardiola, ký giả Guillem Balague viết: "Guardiola tìm kiếm một giải pháp lý tưởng, thứ không hề tồn tại... Ông không sẵn sàng làm bất cứ điều gì trái với triết lý bóng đá của mình". Xuyên suốt sự nghiệp, trung thành với triết lý là một điểm mạnh của Guardiola, nhưng khi đối diện với tình cảnh hiện giờ, tuỳ biến và linh hoạt có lẽ là hướng tiếp cận tốt hơn.
Thủ môn Ederson nhiều lần bị đẩy vào tình huống đồng đội mất bóng và đối mặt với cơ hội mười mươi của tiền đạo đối phương. Ảnh:
PA.
Trả lời phỏng vấn sau trận thua Leicester, tiền vệ Rodri vô tình tiết lộ về cách mà sự bảo thủ của Guardiola làm tổn hại đến các học trò. Anh mô tả cách tiếp cận trận đấu bằng phản công của Leicester "không phải là phương án tôi yêu thích". Rodri còn nói thêm: "Tôi không biết liệu chúng tôi quá kém hay họ quá hay..., nhưng cầu thủ chúng tôi chỉ cố gắng lặp đi lại lại lối chơi của mình, hai lần rồi ba lần..., còn đối phương thì cố khiến chúng tôi mất bóng rồi ghi bàn".
Phát biểu này chỉ ra một sự thật:
Man City luôn cố chơi theo cùng một cách trong mọi tình thế của trận đấu. Trong các trận thắng của họ mùa trước, số bàn thắng kỳ vọng của họ lên đến +30,3, so với của Liverpool chỉ là +13,1. Nhưng Liverpool chỉ đánh rơi 5 điểm tính từ đầu mùa trước (tất cả đều trong các trận thủ tục khi họ đã vô địch), còn City đánh rơi tới 12 điểm. Trong khi Liverpool biết khi nào nên đóng lại trận đấu, thì đội bóng của Guardiola cứ thế xông lên tấn công - điều giúp họ ghi nhiều bàn, nhưng thỉnh thoảng trừng phạt họ.
"Những con số đó cho thấy Liverpool thực dụng hơn nhiều", Yorke nói. "Triết lý của Guardiola bảo thủ hơn Juergen Klopp. Man City có thể khôn ngoan hơn nếu biết cách nhận định thế cục. Liverpool cũng giỏi kiểm soát trận đấu, nhưng họ không bị cuốn vào điều đó".
Trong hành trình tìm ra một giải pháp lý tưởng, Man City lại sục sạo trên sàn chuyển nhượng, và
lập kỷ lục của CLB với một hậu vệ khi chi 79 triệu USD mùa trung vệ Ruben Dias từ Benfica. Đây là hậu vệ thứ 15 được Man City mua về kể từ năm 2016, nâng tổng số tiền CLB
chi vào hàng thủ thời Guardiola lên 561,5 triệu USD (tương đương 479,2 triệu euro).
Guardiola buộc phải tìm kiếm cầu thủ mới để bảo vệ thành trì triết lý mà ông theo đuổi, còn Man City không có lựa chọn nào khác, ngoài mở két. Chuyện này chỉ chấm dứt, khi nào Guardiola tìm ra giải pháp hoàn hảo cho triết lý của ông - điều có vẻ rất khó xảy ra trong ngắn hạn.
Nguồn: VnExpress