Những bức ảnh trẻ em của năm 2011 do UNICEF bình chọn
Những bức ảnh trẻ em của năm 2011 do UNICEF bình chọn
[Trong bài viết có một phần đề cập đến Bắc Triều Tiên]
Mỗi bức ảnh tự nói thay cho nó một thông điệp, nhưng nếu bạn hiểu (dù chỉ chút ít) câu chuyện đằng sau nó, bạn sẽ thấm nhuần hơn giá trị mà bức ảnh mang lại…
Kể từ năm 2000, UNICEF của Đức phối hợp cùng Tạp chí GEO đã tổ chức giải thưởng thường niên dành cho các tác phẩm là những bức ảnh dự thi lưu lại những khoảnh khắc của trẻ em trên toàn thế giới. Và năm 2011 này, 9 bức ảnh trẻ em tiêu biểu nhất đã được chọn ra, 3 giải nhất - nhì - ba, cùng 6 giải khuyến khích.
Giải khuyến khích: "Somalia: Đó có lẽ là sự vô vọng" (Jan Grarup - Đan Mạch)
Biến đổi khí hậu kết hợp với hạn hán kéo dài cùng diễn ra trong một thời gian ngắn, chiến tranh tàn phá nặng nề cơ sở vật chất, nghèo đói nghiêm trọng và giá cả lương thực tăng cao đã dẫn đến tình trạng thiếu đói khủng khiếp đe doạ hàng ngàn sinh mạng, trong đó có đến 320.000 trẻ em đang chiến đấu vì cái ăn từng ngày.
Somalia là tâm chấn của cuộc khủng hoảng tồi tệ đó: 25% dân số đang bị đe doạ một cách sâu sắc và bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình, đặc biệt là bộ phận dân số ở miền Nam đất nước. Đây là nơi diễn ra cuộc nội chiến, một cuộc xung đội sắc tộc giữa một bên là quân đội Hồi giáo Al Shabaab và một bên là liên minh quân Chính phủ lâm thời Mogadishu với lực lượng gìn giữ hoà bình châu Phi, cuộc nội chiến diễn ra đúng lúc với đợt hạn hán nặng nề đầu năm 2011. Nhiều tổ chức cứu trợ quốc tế đã phải rời bỏ Somalia bởi tình hình an ninh cực kì bấp bênh. Một số khác thì bị buộc phải rời khỏi khu vực chiếm đóng của quân Hồi giáo.
“Tôi có thể chụp những bức ảnh cho thấy sự kinh sợ có thể làm bất cứ người xem nào cũng phải quay lưng không dám nhìn. Nhưng điều đó chẳng thể nào giúp ích được gì cho những người tị nạn.” Lời của tác giả bức ảnh trong một cuộc phỏng vấn.
Mặc cho tình trạng an ninh ở miền Nam Somalia, nhất là ở biên giới với Ethiopia, UNICEF cùng với các tổ chức cứu trợ quốc tế khác và các nhân viên địa phương đã tận dụng một cách triệt để cơ hội có được để tiếp cận và giúp đỡ những người tị nạn khó khăn nhất.
Giải khuyến khích: "Nga: Người mẫu trẻ của sàn Catwalk" (Anastasia Taylor - Anh)
Chúng sống ở vùng Siberia lạnh lẽo của nước Nga, chúng vẫn còn là những đứa trẻ và chúng mơ ước trở thành những siêu mẫu tại những kinh đô thời trang của thế giới. Chúng đăng ký vào những trường đào tạo người mẫu – một khoản đầu tư đắc đỏ so với tài chính của những ông bố bà mẹ chúng – với hy vọng một ngày nào đó được góp mặt vào một trong những show diễn thời trang của truyền hình Nga. Chúng tập luyện cách đứng làm sao cho thật ăn ảnh trước ống kính của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng và chúng tập cách hình dung mình là những cô gái chân dài trên những sàn diễn thời trang của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới.
Khi nói về những cô người mẫu “trẻ em” này, người ta còn nói đến những “tuyển trạch viên trong làng thời trang”, những người săn tìm tài năng của những công ty thời trang quốc tế, họ là những người sẽ khai thác hy vọng và giấc mơ của những cô gái trẻ tuổi này. Các tuyển trạch viên này nắm bắt được những nơi đâu tồn tại cơn khát nổi tiếng, cơn khát đổi đời và họ mang đến nơi đó những hứa hẹn về tiền tài, danh vọng làm ngất ngây biết bao cô gái. Họ đưa ra cái giá vô cùng cao cho những cô gái này mặc dù họ thừa hiểu đôi khi những cô người mẫu tuổi teen chỉ xuất hiện tích tắc dù chỉ một lần trước ống kính máy quay.
Tác giả của bức ảnh này thường xuyên lui tới những trường đào tạo người mẫu, những buổi trình diễn thời trang tại các CLB đêm hay những buổi chụp hình áo tắm trong những công ty thời trang; những lần như thế, cô cảm thấy một nỗi buồn miên man xâm chiếm lấy mình, nhưng cô đành miễn cưỡng chấp nhận một thực tế rằng việc sử dụng thân thể người khác được xem là một món hàng mang lại lợi nhuận. Bởi cô cũng hiểu rằng, những cô bé gái này sẽ chịu làm mọi thứ để có thể chạy trốn khỏi vùng đất Siberia lạnh lẽo u buồn.
Giải khuyến khích: "Bắc Triều Tiên: Nền độc tài khan hiếm" (Jurgen Escher - Đức)
Chúng tôi nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi đang co ro, kín rít chen chúc nhau giữ ấm dưới một cái chăn trong một căn phòng lạnh lẽo. Chúng tôi nhìn thấy Ri, một cụ bà gầy rạc đang nhịn ăn để dành phần cho những đứa cháu thiếu đói của mình. Chúng tôi thấy một bà mẹ Kim suy dinh dưỡng và đang sốt cao với niềm an ủi bé bỏng trên đôi tay mình, sức khoẻ của cô vẫn sẽ chằng thể khá hơn nổi bởi cô không thể tìm thấy thuốc men. Tại khu nội trú của Bệnh viện Nhân dân tỉnh miền nam Pyongan, những bà mẹ đang sống với nỗi sợ hãi về sự đe doạ mạng sống của những đứa con mình bởi ngay cả ở bệnh viện, người ta cũng không thể tìm thấy những lọ thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, những người nông dân đang chăm chỉ trồng ngô bằng tay trên những cánh đồng khô cằn “đất cày lên sỏi đá”. Ngay cả ở Thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên, người già kiếm tìm trong tuyệt vọng những cây thuốc có thể ăn được trong những khu căn cứ quân sự bỏ hoang.
Những người dân hốc hác, những nhà kho trống không, không điện nước: những người Cộng sản ưu tú của Bắc Triều Tiên “khép mình, bó bọc” đất nước không thương tiếc trong hàng thập kỷ qua và nhìn những người dân của mình bị tước đi quyền được ấm no, quyền được hạnh phúc.
Chế độ viện trợ lương thực chỉ cho phép hoạt động trong những trường hợp tồi tệ khẩn cấp nhất, chẳng hạn hồi tháng 5 và tháng 8 năm 2011, khi tổ chức cứu trợ Cap Anamur được phép mang gạo và ngũ cốc vào trong đất nước. Cap Anamur cung cấp lương thức dưới các điều kiện sau: có khả năng tự xác định được nhân thân người nhận cứu trợ và phải để nhiếp ảnh gia Jurgen Escher (tác giả bức ảnh các bạn đang xem) chứng kiến tận mắt cảnh cứu trợ. Ông đã hoàn toàn bị sốc khi chứng kiến những trẻ em chậm phát triển bởi suy dinh dưỡng mãn tính.
Một mình các tổ chức viện trợ lương thực không thôi là chưa đủ để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng của đất nước này bởi gần như toàn bộ hệ thống y tế của nó là không đủ sức để giúp đỡ người dân. Trong nhiều năm qua, UNICEF là một trong số hiếm hoi các tổ chức quốc tế hiện diện tại Bắc Triều Tiên. UNICEF đã và đang hỗ trợ cho các trung tâm phục hồi chức năng dành cho trẻ em cũng như cho xấp xỉ 2.800 trạm y tế của đất nước. UNICEF cũng tiến hành các chiến dịch tuyên truyền thông tin với đối tượng là những bậc cha mẹ bởi họ gần như hoàn toản không biết rõ tình trạng thực sự về sức khoẻ của con cái mình là ra sao. Điều này cũng không lấy gì làm ngạc nhiên – khi ở một đất nước mà trẻ em là gần như cùng bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, thiếu cân.
Giải khuyến khích: "Pakistan: Mắc kẹt sau trận lũ" (Luca Tommasini - Ý)
Chúng ta nên đặt tên thế nào cho một khối lượng nước khổng lồ đã tàn phá khoảng 20% diện tích đất nước Pakistan và cướp đi nhà cửa, ruộng vườn, gia súc, cũng như chính mạng sống của xấp xỉ 20 triệu con người đất nước Nam Á này trong năm 2010? Trận lụt của thế kỷ? Hay trận lụt của thiên niên kỷ?
Và chúng ta nên đặt tên thế nào cho sức tàn phá khủng khiếp không ngừng nghỉ mà cơn lũ lụt đã ập vào các tỉnh Punjab, Balochistan và Sindh của Pakistan trong năm 2011? Trận lụt trong Kinh thánh ư?
Đầu tiên, những gì chúng ta chứng kiến được chỉ là những cảnh người dân đang đấu tranh với thiên nhiên để giành quyền được đứng trên một mặt đất khô ráo – trong những túp lều đơn giản bằng đất sét, hay trong những lớp học được dựng tạm, và chúng ta chứng kiến chúng trên TV. Nhưng liệu chúng ta có chứng kiến được điều gì sẽ xảy ra sau tất cả những điều đó? Những người còn sống sót sẽ tìm đâu ra thức ăn, nước sạch, thuốc men và cả việc làm trong tương lai gần? Chính phủ, quân đội và các tổ chức cứu trợ đang phải đối đầu trước những khó khăn tuyệt đối không thể vượt qua.
Trong số những nạn nhân của trận lụt tại Pakistan là 9 triệu trẻ em. UNICEF đã chủ trì tiến hành các hoạt động cứu trợ khẩn cấp như cung cấp lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết để bảo vệ trẻ em. Xa hơn nữa, UNICEF còn tiến hành xây dựng các trường học dã chiến, các trung tâm chăm sóc sức khoẻ và tiêm chủng Vắc-xin cho 1,2 triệu phụ nữ và trẻ em vào tháng 8 năm 2010. Nhưng rồi, thảm hoạ lại trở thành một cơn ác mộng tái diễn với nhiều gia đình. Khi Pakistan chưa kịp gượng dậy sau trận lụt năm 2010 thì những trận mưa gió mùa như trút nước lại tiếp tục nhấn chìm quốc gia Nam Á này vào năm 2011. Khoảng 5 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thiên nhiên này, và trong số đó có hơn 2 triệu trẻ em.
Giải khuyến khích: "Nga: Chốn trường học nghiêm trang" (Sergey Kozmin - Nga)
Đây là Trường Nội trú Học sinh quốc gia Moscow! Nó là tên gọi của một loại hình trường học khác thường dành cho các bé gái tại Thủ đô của nước Nga. Ngôi trường này chỉ dành cho những học sinh nữ từ lớp 5 đến lớp 11. Và nó mang đến một nội dung chương trình học tập vô cùng đặc biệt: ngoài các môn học phổ thông khác, những cô bé học tại đây còn được học về nghệ thuật quân sự, tìm hiểu các vũ khí chuyên môn, các bài tập thực hành quân sự và kĩ năng y khoa cơ bản. Múa ba-lê, thể thao, thường thức thủ công hay hát xướng trong các dàn đồng ca, là miễn bàn ở ngôi trường này. Thái độ yêu nước và kỉ luật luôn được xem trọng. Sự kiện chính trong năm tại đây chính là Buổi dạ hội mùa đông. Đây là một trong những cơ hội hiếm hoi để những cô gái của ngôi trường này gặp gỡ với những đối tượng khác giới của mình, những học sinh nam đến từ Trường Nội trú Cossack Moscow, đó cũng là dịp để những cô gái tận dụng sự duyên dáng, quyến rũ của mình để “gài bẫy” những học sinh nam kia.
Những ngôi trường thế này ở nước Nga được nhiều cơ quan hàng đầu của đất nước đánh giá cao, bởi họ cho rằng đây là biểu hiện của “ý thức bảo vệ Tổ quốc từ bé”.
Giải khuyến khích: "Rumani: Kẻ thù Roma" (Mugur Varzariu - Rumani)
Theo quan điểm của tác giả bức ảnh, điều tồi tệ nhất một con người có thể làm với chính bản thân mình cũng như với thế giới đó là (tỏ ra) không hay biết gì trước một sự bất công rõ như ban ngày. Và bức ảnh mà các bạn đang xem là một cậu bé người Roma (người Gypsi hay người Di-gan) tại thị trấn Baia Mare, phía Bắc của đất nước Đông Âu Rumani.
Trong một nền kinh tế thị trường đầy bão táp kể từ sau sự sụp đổ của hệ thống Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô, quốc gia này (Rumani) cần tìm cho nó một vật tế thần để xua tan đi bao nỗi thất vọng đang chìm khắp. Thế là lối sống “độc đáo – trái với lối thường” của những người Roma trở thành đối tượng cho sự ghét bỏ, bài trừ. Những cuộc tấn công có ý đồ nghiêm trọng và sự nghèo đói đã trở thành một nét phổ thông với người Roma. Những căn lều tạm của họ bị phá bỏ và họ bị buộc phải tản cư đến những nơi không có điện, nước toạ lạc trên những bãi chôn cất rác thải hoặc những nơi nước thải nhà máy được xả ra. Rất nhiều người Di-gan vẫn còn phải sống trong nỗi sợ hãi và nguy hiểm rình rập.
Thực tại xã hôi này là hoàn toàn trái với những gì được Hiến pháp Rumani 1991 bảo vệ, trong đó ghi rằng mọi công dân Rumani có quyền bình đẳng như nhau
“mà không có bất kì sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở quốc tịch, chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, giới tính, quan điểm, đảng phái, giàu nghèo hay thứ tầng xã hội.”
Giải ba: "Nigeria: Bại liệt - một bước tiến, hai bước lùi" (Mary F. Calvert - America)
Đây là cảnh những trẻ em được cho uống Vắc-xin ngừa bại liệt ở tỉnh Kano, phía Bắc Nigeria. Kano là thủ phủ của bang cùng tên ở Nigeria. Vào năm 2002, niềm tin mù quáng vào tín ngưỡng Hồi giáo cùng sự thiếu kiến thức trầm trọng đã hại Kano. Những chiến dịch phòng chống bệnh bại liệt do Tổ chức y tế thế giới WHO bị bài trừ. Người dân cùng chính quyền nơi đây cho rằng người phương Tây thông qua thứ Vắc-xin chống bệnh bại liệt để truyền đi căn bệnh HIV/AIDS cũng như khiến phụ nữ không thể sinh sản được. Kết quả là sau 4 năm sai lầm, hơn 3000 trẻ em đã bị lây nhiễm virus bại liệt và căn bệnh này là không có thuốc chữa.
Số lượng trẻ em mắc bệnh quá cao đã khiến các nhà chức tranh thay đổi quan điểm. Cùng với những chiến dịch y tế, được hỗ trợ bởi UNICEF, từ năm 2009-2010, tỷ lệ trẻ em bị bệnh bại liệt đã giảm đến 95%.
Hẳn các bạn vẫn còn nhớ Quỹ từ thiện FC Barcelona và Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates đã chung tay hợp tác bài trự căn bệnh bại liệt trong nhiều năm qua?
Giải nhì: "Guatemala: Sự khác biệt của đói ăn" (J. M. Lopez - Spain)
Marisela (cô bé trong ảnh) 6 tuổi rưỡi và nặng 9kg. Alex 6 tuổi và nặng 3kg. Maira 16 tuổi và nặng 20kg. Đó là 3 trong số rất nhiều những trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng thuộc Đông Guatemala, quốc gia mà thế giới gọi bằng cụm từ “hành lang hạn hán”. Do thiếu thức ăn với những thành phần dinh dưỡng thiết yếu trong giai đoạn phát triển mà những đứa trẻ này đã phải gánh chịu những thiệt hại về tinh thần lẫn thể chất không thể xoay chuyển được.
Tình trạng hạn hán thường niên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng ảnh hưởng của cải cách nông nghiệp bất bình đẳng khi vẫn còn đến 15% dân số độc quyền đất nông nghiệp canh tác của toàn quốc gia, đã khiến những trẻ em như Marisela thiếu ăn, thiếu chăm sóc và suy dinh dưỡng.
UNICEF cùng các tổ chức cũng như chính phủ Guatemala đã vào cuộc và đặt chỉ tiêu đến năm 2014 giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi 10% cũng như hỗ trợ các dịch vụ y tế cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Đặc biệt, chiến dịch sẽ tập trung vào 130 cộng đồng với chỉ số phát triển xã hội cực thấp, chiếm tỷ lệ phần trăm cao về nghèo đói và sống ở nông thôn của Guatemala.
Ở Guatemala, khoảng 1 triệu trẻ em thiếu đói và cứ 2 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ em bị suy dinh dưỡng mãn tính, như cô bé Marisela, theo ước đoán của UNICEF.
Giải nhất: "Ghana: Khi rác thải được xuất khẩu đến Phi châu" (Kai Löffelbein - Đức)
Chúng ta không biết tên của cậu bé này, chúng ta chỉ biết cậu bé mang quốc tịch Ghana và đây là khung cảnh chụp tại một bãi rác thải công nghệ tại Ghana. Và cậu bé cùng bức ảnh này đã trở thành một thông điệp nổi tiếng đi vào lòng người trong những ngày Giáng Sinh vừa qua… Trong khi chúng ta cũng như biết bao con người có cái may mắn được ngồi quay quần bên người thân, gia đình và bạn bè, cùng nhau ăn những món ăn của ngày lễ Giáng Sinh, cùng dạo phố đón Giáng Sinh, cùng nhận những món qua – những tin nhắn chúc mừng của ngày lễ Giáng Sinh và chờ đón năm mới 2012… thì cậu bé của chúng ta trong bức ảnh này đang mạo hiểm mạng sống của mình, để bương chải ngày qua ngày. Nơi cậu bé đến mỗi ngày để làm việc, bãi rác này, toạ lạc tại Agbogbloshie, gần Accra, và Accra lại được xem là nơi cực kì nguy hiểm với nồng độ khí độc tập trung cao. (Cái tên Accra có gợi cho các bạn - những Culés điều gì? Đây là nơi mà vừa qua tiền vệ Seydou Keita của Barça đã tiến hành tài trợ cho một làng trẻ em)
Và cậu bé người Ghana, đang cố gắng vác chiếc màn hình Tivi này về, đập vỡ nó ra, cậu sẽ có được vài thứ kim loại có thể bán lấy tiền. Rác thải công nghệ của phương Tây (chủ yếu là từ châu Âu), thứ mà người ta không còn cần đến, được “xuất khẩu” đến Lục địa đen và với con người nơi đây, đó là thứ mang lại cuộc sống! Công nghệ ngày càng tiến bộ và phát triển cũng như sự đổi thay của chiếc Tivi này và sự đau khổ của con người cùng sự tàn phá của môi trường thì cũng ngày càng “phát triển”. Người ở các nước phát triển “vứt” những thứ mình không cần đến, “vứt” những thứ mang lại bệnh tật, cho người ở các nước kém phát triển. Liệu người phương Tây phải chăng đang nghĩ rằng những bãi rác như thế này là đích đến cuối cùng của thứ mình vứt bỏ?
“Tôi ước đoán có khoảnh 800 người làm việc tại bãi rác độc hại đó, và hơn phân nửa trong số ấy là trẻ em…” – tác giả bức ảnh cho biết.
Nghèo đói, mù chữ, HIV/AIDS và hiểm nguy; niềm tin, nghị lực, đam mê và niềm vui; đó có lẽ là những gì cậu bé đang khoác lên người bộ áo đấu Barcelona lam-đỏ mang trong mình. Cho dù hoàn cảnh, cho dù khó khăn và khổ đau, cậu vẫn luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc mà bóng đá và Barça mang lại… Không chỉ khoác lên người bộ đồ lam-đỏ một cách “khá tươm tất”, hãy quan sát kĩ chiếc vòng nhựa ở cánh tay trái của cậu bé!...
Nếu Barça còn “hơn cả một CLB” thì bức ảnh này – bức ảnh trẻ em của năm, theo UNICEF, còn “hơn cả một bức ảnh”.
--Tác giả bức ảnh: Kai Löffelbein, sinh năm 1981, người giành chiến thắng trong cuộc thi Bức ảnh trẻ em của năm của UNICEF trong năm 2011, hiện đang sống cùng vợ và 2 con gái tại Hannover – Đức. Nhiều bức ảnh của anh đã được trưng bày tại Brussels, London, Moscow và nhiều thành phố khác của Đức.
Kai Löffelbein là một nhiếp ảnh gia tự do, sau khi học xong Khoa học chính trị tại Berlin, anh học tiếp Báo ảnh và nhiếp ảnh tài liệu vào năm 2008 tại trường ĐH Khoa học ứng dụng và Nghệ thuật của Hannover. Từ năm 2007, anh làm việc với tư cách là nhiếp ảnh gia tự do cho một vài tổ chức phi chính phủ (NGOs) cũng như nhiều tờ báo.
Kai Löffelbein từng đến nhiều quốc gia của Nam Phi, châu Á và Đông Âu. Trong những chuyến đi như thế, công việc và những bức ảnh đã mang đến cho Kai Löffelbein những cái nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống và sự mưu sinh của con người. Được gặp gỡ những con người phải chiến đấu từng ngày để giành quyền sống còn với hoàn cảnh đã càng thêm thôi thúc anh truyền đi thông điệp thức tỉnh và sự chú ý của con người thông qua các bức ảnh của mình. Những bức ảnh của Kai Löffelbein mang đến cho người xem những tác động của địa chính trị - kinh tế đối với cuộc sống của những con người vô cùng bình thường trên thế giới này.
Chia sẻ về hoài bão nghề nghiệp, Kai Löffelbein từng viết:
“Những bức ảnh của tôi luôn mang đến nhiều bộ mặt. Nó không chỉ khắc hoạ chân dung con người và cuộc sống, thu hút sự bất bình của mọi người đối với các vấn đề xã hội khác nhau mà còn giúp cho mỗi chúng ta thấy được trách nhiệm của mình đối với sự toàn cầu hoá đang diễn ra. Mong muốn của tôi chính là phục vụ cho tất cả mọi người với sự tôn trọng và cảm thông tối đa thông qua những bức ảnh chứ không phải mang đến cái nhìn giật gân về những con người nghèo đói, cùng cực. Con người, với tất cả sự phức tạp vốn có của mình, luôn luôn là trung tâm trong công việc của tôi.”
“Điều khiến tôi bị chinh phục chính là khát khao được sống một cách kiên cường và một thái độ vô cùng lạc quan về cuộc đời của những đứa trẻ này.”
[Tổng hợp từ UNICEF và Guardian]