Năm 2050 - Việt Nam vô địch WorldCup. Tại sao không?
Bước sang năm 2050, toàn thế giới vẫn không ngừng phát triển như vũ bão, thành tựu khoa học nở rộ, GDP các nước đều tăng từ vài chục đến vài trăm lần so với bốn chục năm trước. Bóng đá không những là môn thể thao vua mà vị thế và tầm ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài mọi giới hạn: từ thành thị đến nông thôn, từ giai cấp vô sản đến các chính trị gia, đâu đâu người ta cũng ăn bóng đá, ngủ bóng đá, sex bóng đá. Các giải bóng đá cũng đua nhau mở rộng ra. Không những Worldcup, Euro mà còn các giải đấu hấp dẫn khác: giải bóng đá tổ chức trong giới chính trị gia đã chính thức soán ngôi UCL để trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Chất lượng chuyên môn cùng các sơ đồ chiến thuật trở thành thứ yếu. Mưu lược, sách lược được tôn vinh. Hèn hạ có, vinh quang có. Người ta chấp nhận hết miễn là đội bóng đăng quang vô địch. Việt Nam bỗng chốc trở thành một thế lực cực lớn ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này. Đã 2 lần liên tiếp lên ngôi vô địch thế giới ở giải đấu này. Trên con đường chinh phục cúp vàng lần thứ 3 liên tiếp, Việt Nam lại một lần nữa vượt qua hàng loạt những đội bóng tên tuổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ.
Ở vòng đấu bảng Việt Nam nằm chung bảng với 2 đội bóng yếu là Singapore, Thái Lan, và 1 đội bóng khá mạnh là Zimbabue. Singapore là nước có nến chính trị ổn định nhất trong khu vực nên thật dễ hiểu là đội bóng chính trị gia của họ cũng kém nhất. Thái Lan khá hơn một chút nhưng thiếu ổn định vì các đảng phái mải tranh giành từng ghế ở nghị trường nên bỏ bê đá bóng đá banh. Việt Nam đã dễ dàng vượt qua 2 đội bóng yếu với cùng tỷ số cách biệt 11-1. Ở lượt đấu cuối với Zimbabue, Việt Nam cần phải thắng để đứng đầu bảng A để tránh đội bóng rất mạnh khác là Tây Ban Nha ở tứ kết. Đội bóng Zimbabue do đương kim tổng thống làm đội trưởng trước trận đấu đã in hàng trăm tấn tiền trở trực tiếp đến từng thành viên trong tổ trọng tài làm nhiệm vụ bắt chính trận đấu. Chiến lược của họ rất rõ ràng: câu bóng bổng vào vòng cấm địa, các tiền đạo trổ tài ngã vờ, ăn vạ để trọng tài thổi Pen. Đội trưởng của Việt Nam – đương kim thủ tướng Nguyễn Tạ Dũng là người chỉ huy hàng phòng ngự. Một chiến thuật cụ thể được vạch ra: khi bóng câu vào vòng cấm đội nhà, toàn bộ hàng phòng ngự làm duy nhất một nhiệm vụ là đứng càng cách xa tiền đạo đối phương càng tốt, quyết không để họ chạy theo túm áo, cài chân rồi tự ngã. Ở tuyến trên, dẫn dắt hàng công là đương kim bộ trưởng bộ giao thông vận tải Đinh La Thứ - linh hồn của đội tuyển là mẫu tiền đạo xông xáo, mạnh mẽ. Anh có mặt ở mọi điểm nóng, sở trường của anh là những tiếng La với âm lượng hơn 120dB sau mỗi pha xử lý bóng (kiểu như Nadal khi chơi quần vợt). Với bất kỳ một pha phạm lỗi nào của đối thủ, anh đều nhảy bổ vào, quát lác, nước bọt nước dãi văng đầy mặt đối thủ. Trọng tài cũng không phải ngoại lệ, anh sẵn sàng dọa dẫm, cách chức, trừ lương thậm chí tìm cách bỏ tù. Số lượng trọng tài nể sợ anh không ít. Chính vì lẽ đó anh đang là tiền đạo săn bàn hàng đầu của Việt Nam.
Trước đối thủ với lối đá đơn giản chỉ là ăn vạ trong vòng cấm, tuyển Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh trận đấu bằng lối đá Tiqui-taka trứ danh của người Tây Ban Nha 40 năm trước. Sức mạnh của đội tuyển Việt Nam là tinh thần trách nhiệm của mỗi vị trí trên sân. Nền tảng cốt lõi là làm sao chuyền quả bóng trách nhiệm càng nhanh càng tốt đến đồng đội. Có thể nói Zimbabue đã bất lực hoàn toàn trước lối đá thêu hoa dệt gấm của tuyển Việt Nam. Chống chọi được đến phút 30, Zimbabue bất lực để cho tiền đạo Đinh La Thứ ghi một bàn thắng tuyệt đẹp từ ngoài vòng cấm sau tiếng hét có âm lượng lên tới 125dB. Trận đấu kết thúc với tỷ số 4-0. Một chiến thuật hợp lý trước Zimbanue và Việt Nam hùng dũng vào tứ kết gặp Trung Quốc.
Điểm mạnh của Trung Quốc nằm ở tính kỷ luật. Bất kỳ một vị trí nào trên sân không được mắc quá 3 lỗi trong một trận đấu. Mắc bốn lỗi, cầu thủ đó sẽ dự bị ở trận sau. Mắc 5 lỗi có thể bị phạt tù 10 năm không giam giữ. Mắc 10 lỗi có thể bị tử hình. Chính vì lẽ đó, Trung Quốc trở thành đội bóng có lối chơi thô cứng nhưng vô cùng kỷ luật, các pha bóng đơn giản nhưng chính xác đến từng nanomet.
Kết thúc hiệp 1, Việt Nam vẫn bế tắc trước hàng thủ vô cùng kỷ luật của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc với một pha phản công biên mẫu mực đã có được 1 bàn thắng. Ở giải đấu này, Trung Quốc là bá đạo với lối chơi ở biên do có sở trường đánh chiếm biên giới và biển đảo. (Hiện tại toàn bộ biển Đông đã là của người Trung Quốc). Giờ nghỉ giữa hai hiệp, đội trưởng Nguyễn Tạ Dũng đã nhanh chóng họp kiểm điểm trong tình huống dẫn đến bàn thua của đội nhà. Nguyên nhân đầu tiên được đưa ra là do Đinh La Thứ mất bóng ở tuyến trên. La Thứ nhanh chóng đổ trách nhiệm sang Hoàng Văn Bút – chủ tịch TP Hà Nội về lỗi chuyền bóng 5 ăn 5 thua. Văn Bút đổ trách nhiệm sang Nguyễn Phú Trường – bí thư đảng về lỗi bỏ vị trí. Nguyễn Phú Trường thì đổ lỗi cho Nguyễn Tạ Dũng phát động tấn công thiếu chính xác. Kết luận cuối cùng được đưa ra là Nguyễn Tạ Dũng chịu trách nhiệm trước bàn thua của đội nhà. Anh phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất trong toàn đội: tự kiểm điểm. Trước tình thế khó khan, lại một lần nữa, tiền đạo mưu lược Đinh La Thứ lại hiến kế, với đối thủ Trung Quốc, chúng ta cần phải mềm dẻo, chủ trương đối thoại không đối đầu. Không hiểu đội trưởng của đội Việt Nam nói gì với Hồ Cẩm Quýt – đội trưởng Trung Quốc mà hiệp 2 phía Trung Quốc đá bóng như đi bộ. Việt Nam lội ngược dòng thành công 2-1. (Sau khi giải đấu kết thúc, người ta thấy người dân Trung Quốc di cư đến toàn bộ các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt nam: thỏa sức khai thác tài nguyên khoáng sản.)
Ở Bán kết, đối thủ của chúng ta là Triều Tiên. Một đội bóng có lối chơi máu lửa, không ngại va chạm, không ngại tranh chấp do đương kim đại tướng Kim Jo Ung làm đội trưởng. Đội bóng này đã hùng dũng vào tới Bán kết bằng đòn hăm dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối phương thắng trận. Quân đội Việt nam chúng ta lúc này tuy đông nhưng trang bị vũ khí thô sơ nên nhiều khả năng Triều Tiên sẽ lại bổn cũ soạn lại. Họp báo trước trận đấu, đội trưởng Nguyễn Tạ Dũng đột nhiên tuyên bố toàn bộ đội bóng đang bị ngộ độc thực phẩm, di chứng là tai tạm thời bị …điếc. Toàn đội vào sân với hai tai bị băng trắng. Đối thủ nói gì cũng lắc đầu nguầy nguậy là không nghe thấy gì. Việc này khiến cho Kim Jo Ung tức điên vì chiến thuật đội nhà mất tác dụng. Cũng cần nói thêm về khả năng diễn xuất của đội nhà: những khuôn mặt ngô nghê, ngơ ngác đến tội nghiệp trước những câu nói đầy tính hăm dọa của toàn đội Triều Tiên. Theo thông tin tình báo của Triều Tiên sau khi giải đấu kết thúc thì đây chính là chiến thuật sở trường của tuyển chính trị gia Việt Nam khi tham gia các giải bóng đá phong trào với các địa phương Việt Nam. Các địa phương trong trận đấu với các vị lãnh đạo nước nhà thường không màng thắng thua, lúc nào cũng tỉ tê về chuyện khiếu kiện, khiếu nại, bất bình đẳng, tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy ở địa phương. Rồi thì xin rót vốn ODA, FDI, xây dựng cảng biển, sân golf…nhưng câu trả lời lúc nào cũng là không nghe, không thấy và không biết.
Bước vào trận chung kết, đối thủ của chúng ta là Thượng viện Mỹ - đội đã đánh bại Hạ Viện Mỹ đoạt vé đến thẳng vòng chung kết lần này. Đây là đội bóng rất khó bị đánh bại vì họ hoàn hảo trong mọi kỹ chiến thuật: kinh tế học, luật học, chính trị học, chiến tranh học…Trên con đường tiến tới trận chung kết, họ đã vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn Hy Lạp (đất nước vẫn đang chìm trong cơn khủng hoảng nợ công khi mà nợ công đã vượt quá 1000% GDP), Tây Ban Nha (với trên 50% thất nghiệp toàn xã hội)…
Để giành chiến thắng, tuyển Việt Nam đã xác định rất rõ ràng chiến thuật trước trận đấu đó là lối chơi Tiqui-taka kết hợp với nghệ thuật du kích: ghi bàn ở những phút cuối cùng để đối thủ trở tay không kịp.
Hai đội nhập cuộc thận trọng vì đã quá hiểu nhau qua chiến tranh Việt Nam. Biết rõ sở trường du kích của Việt Nam, nên đội trưởng đương kim tổng thống Obaquy của Mỹ đã nhắc nhở toàn đội đề cao tinh thần cảnh giác cao độ.
Bước sang phút thứ 90, hai đội đang hòa nhau 1 – 1. Tiền đạo Đinh La Thứ có một pha ghi bàn vô cùng đẳng cấp gỡ hòa cho tuyển Việt nam. Anh sử dụng áo lót đồng mầu với áo đấu của tuyển Mỹ. Một pha phá bẫy việt vị hoàn hảo do trọng tài không thể phân biệt được màu áo trong một vài phần trăm giây khi La Thứ kéo áo lên tận cổ. Như thế là quá đủ cho một tiền đạo đẳng cấp như La Thứ.
Khi đồng hồ chuyển sang phút thứ 92. Đội trưởng Nguyễn Tạ Dũng sau khi cướp được bóng đã phá mạnh lên phần sân của tuyển Mỹ. Nhận thấy không có mối đe dọa nào thủ môn tuyển Mỹ khống chế một nhịp và đẩy bóng lên phía trước nhằm thực hiện một quả phát bóng mạnh. Bỗng từ sau pano quảng cáo sau khung thành, tiền đạo La Thứ nhảy vọt ra, nhanh chóng vượt lên giành bóng ngay trước mũi giày thủ môn đội tuyển Mỹ. Một pha ghi bàn dễ dàng khi trước mặt La Thứ là khung thành trống trải. Tuyển Việt Nam đăng quang lần thứ 3 một cách đầy thuyết phục. Người dân Việt Nam đổ ra đường. Một đêm không ngủ. Ước mơ World cup cháy bỏng mấy chục năm đã thành sự thực. Báo Nhân Dân giật tít to đùng ở trang nhất: Việt Nam vô địch! Tờ Ole thì giật tít – Việt Nam – đội bóng bất khả chiến bại!...