Khi thân hình bé nhỏ của anh đổ sập xuống sân vào đêm thứ tư tại Camp Nou, hơn 50 nghìn con người có mặt trên sân hôm đó đã chết lặng.
Khi những chiếc bánh của xe cứu thương chậm dãi đè nát thảm cỏ xanh mượt, thì ở trên khán đài và trước tivi, hàng triệu con tim cũng như bị đè nát bởi sự xót xa, tiếc nuối cho một kỷ lục có thể mãi mãi không xuất hiện nữa. Từ thời điểm đó, dường như chẳng ai quan tâm đến tỷ số của trận đấu dù đó là Champions League, một giải đấu danh giá nhất hành tinh.
4 ngày sau, khi lưới của Betis rung lên lần thứ 2 vào phút thứ 25, cả thế giới bóng đá dường như rung chuyển bởi một kỷ lục khó phá nhất đã thực sự bị vượt qua. Kể từ thời điểm đó những người Catalan, người Argentina và những đệ tử túc cầu giáo chẳng mấy quan tâm đến kết quả của trận đấu, dù Barcelona đang có một tỷ số mong manh, một thế trận chẳng rõ ràng và không xứng với tầm vóc của đội đứng đầu Liga.
Những ngày qua, từ Marca, AS, Sport, El Pais đến Mundo Deportivo, Ole hay Bild, Kicker, từ những tờ báo của “người Madrid”, “người Đức” cho đến những tờ báo “thân Barça”, nhất loạt gọi tên anh, như một vị thần cai quản bóng đá, như Apollo của ánh sáng, thơ ca, như Athena của thông thái. Vì lẽ đó, những Falcao (với 1 re-porker tại Liga), Rooney (lập cú đúp tại derby Manchester) hay Ibrahimovic (người hùng của PSG cuối tuần qua) cho dù rất xuất sắc vẫn bị lãng quên, như chưa hề tồn tại trên mặt báo khắp hành tinh.
Khi chúng ta chiêm ngưỡng anh “chơi bóng” và xô đổ mọi kỷ lục trong những căn phòng ấm cúng bên người thân và gia đình, thì ở trên đường phố Baghdad hay Damacus tiêu điều vì nội chiến, những đứa trẻ tật nguyền do bom đạn, những đứa trẻ bất đắc dĩ phải cầm súng thay vì cầm bút vẫn còn nguyên đó những khát khao cháy bỏng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống với những đam mê mà anh mang lại với quả bóng trong chân. Với những đứa trẻ này, chiến tranh, mất mát, khổ đau như dừng lại.
Khi lịch sử và định mệnh đã giao phó cho anh, từ một cậu bé còi cọc, thiếu hoóc môn tăng trưởng, chẳng có bước chạy như linh dương của CR7, chẳng có những động tác đi bóng thanh thoát như vũ bao lê của Zidane hay Iniesta, càng không có động tác làm xiếc với trái bóng như Ronaldinho hay mạnh mẽ như Ronaldo, Batistuta, anh lại có tổng hòa tất cả mọi thứ của những thiên tài bóng đá kể trên. Để rồi những pha đi bóng quá quen thuộc mà không thể hóa giải, những cú sục bóng cực kỳ tinh tế bằng mũi giày (các thủ môn thuộc nằm lòng nhưng vẫn phải vào lưới nhặt bóng), những cú úp mu lai má sắc lẹm, lạnh lùng, găm bóng vào góc trái được lặp đi lặp lại hàng tuần trước sự bất lực thậm chí cay cú của đối thủ. Mọi thứ thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng hàm chứa trong đó là những kỹ năng đá bóng bậc thầy và trí tưởng tượng của một nhà thơ.
Để viết về “khía cạnh chuyên môn” của anh - người đuổi kịp kỷ lục ghi bàn của Woodward từ 103 năm qua (với 25 bàn thắng quốc tế trong năm), người phá kỷ lục (được xem là vĩnh cửu) của Gerd Mueller từ 40 năm nay (với 88 bàn thắng ghi được trong năm) và là người sắp phá vô số các kỷ lục khác, thật là điều không dễ. Các mỹ từ đã dần cạn kiệt trong khi các kỷ lục bị anh phá bỏ dường như vẫn chưa dừng lại.
Nhưng ở một khía cạnh khác, sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến vì sao hàng triệu người lặng đi khi thấy anh ngã xuống, quặn đau trên sân? Tại sao có đến hơn 100 nghìn người nhấn like trên Facebook, hơn 5 nghìn lượt chia sẻ khi biết tin anh dần hồi phục sau cái đêm kinh hoàng ở Camp Nou trước những đòn triệt hạ của người Bồ? Tại sao hàng triệu độc giả lẫn nhà báo vẫn hàng ngày hàng giờ chờ đợi từng lời của anh qua phương tiện thông tin đại chúng, dẫu biết trước nội dung những câu nói giản dị, chân thật được lặp đi lặp lại trên khuôn mặt hiền khô và ngượng nghịu của anh?
Vâng, chúng ta – những người quá may mắn khi được chiêm ngưỡng anh thi đấu, được chứng kiến vẻ đẹp tâm hồn của anh phải thừa nhận rằng, nếu Barcelona “còn hơn một Câu lạc bộ” thì Lionel Andrés Messi – không nghi ngờ gì nữa “còn hơn một cầu thủ vĩ đại”.
or post as a guest
Be the first to comment.