Bài báo trên tờ Newsweek
Ai là người vĩ đại nhất?
Barcelona !
Liệu các cầu thủ Barça, với thứ bóng đá đầy lãng mạn nhưng không kém phần chính xác của họ, đã vượt qua được những đội bóng vĩ đại nhất của mọi thời đại hay chưa?
Tiền đạo Lionel Messi lướt qua 2 tiền vệ Man United trong trận chung kết Champions League.
Đã có rất nhiều những bài ca được cất vang lên trong trận chung kết Champions League ngày 28/5 vừa qua giữa Barcelona và Manchester United. Nhưng trên mọi nẻo đường từ Wembley của London tới Calatunya của Barcelona, không khúc ca nào có thể vang dội hơn một bài hát biến tấu đầy ý mỉa mai được hát đi hát lại bởi hàng ngàn fan hâm mộ Barça: "Por qué, por qué, por qué, por qué?" Tại sao, tại sao, tại sao, tại sao?
Đó là câu hỏi của José Mourinho - HLV trưởng của Real Madrid, CLB thù địch của Barça. Ông ta là một kẻ hay gây tranh cãi, thích khiêu khích và hạ nhục người khác. Mourunho đã than vãn một cách quá lố trong tâm trạng bực tức tại cuộc họp báo sau khi đội bóng của ông ta chịu thua trong cuộc đua tại La Liga và đang trên đường bị Barça đá văng khỏi Champions League. Mourinho ám chỉ rằng việc các trọng tài thiên vị Barça cũng như những pha ăn vạ của họ chính là lý do duy nhất giải thích cho chiến thắng của Barça trước đội bóng của ông ta. Mourinho chỉ trích các cầu thủ Barça luôn giả té và vờ bị đau khi dính những cú tắc bóng của đối phương.
Thế nhưng Mourinho hoang tưởng đã ngay lập tức bị bẽ mặt. Chiến thắng 3-1 của FC Barcelona trước nhà vô địch nước Anh Man United không có nhiều những pha va chạm cũng như sự can thiệp của trọng tài. Thay vào đó, hàng triệu người hâm mộ toàn cầu đã đón nhận bài học tuyệt vời về tinh thần thể thao cao thượng, với những giảng viên hàng đầu thế giới, trong đó có vị HLV đáng kính của United - ngài Alex Ferguson. Trong một tuần lễ mà hình ảnh của thể thao đã bị xấu đi với những cáo buộc tham nhũng nhằm vào FIFA, tổ chức điều hành tối cao của bóng đá thế giới, thì màn trình diễn của các cầu thủ chính là một điều tuyệt diệu mà các tín đồ túc cầu giáo khắp hành tinh được chiêm ngưỡng. Ferguson, vị HLV lão làng của bóng đá thế giới, đã thốt lên rằng trong 25 năm dẫn dắt United, đây là đội bóng vĩ đại nhất mà ông từng phải đối mặt.
Điều này khẳng định một điều, Barça xuất sắc hơn hẳn đội hình xuất sắc nhất của United ở mùa bóng 1998-99, khi họ trở thành đội bóng Anh đầu tiên giành được cú ăn ba (Premier League, cúp FA, và Champions League) với lứa cầu thủ đầy tài năng trong đó có ngôi sao trẻ đang lên David Beckham.
Với những người yêu bóng đá đẹp, cách Barça dồn dập tấn công Manchester United chính là thứ bóng đá tuyệt vời nhất, với rất nhiều kỹ thuật đẹp mắt còn các pha bóng thô bạo thì được hạn chế ở mức tối thiểu. Trọng tâm trong lối chơi của Barcelona là khả năng kiểm soát bóng (hay là giành lại bóng ngay sau những lần mất bóng hiếm hoi), sau đó tấn công bằng một điệu múa ba lê phức tạp được biên đạo từ những đường chuyền ngắn chính xác khi các cầu thủ liên tục đập nhả bóng và di chuyển cực kỳ linh động. Theo như cách nói của Simon Barnes, cây bút chính về thể thao của tờ London Times, thì "tất cả những người xem bóng đá ngay lập tức trở thành những nhà phê bình để tán thưởng những vở diễn ba lê với phong cách đầy mỹ quan đi cùng với những giai điệu tuyệt vời, nếu không muốn nói là chết người, để vươn đến chiến thắng."
United nhận ra rằng học không cùng đẳng cấp với Barça, đó là điều không dễ để chấp nhận nhất là khi CLB đến từ nước Anh được xem là một trong 3 CLB hàng đầu thế giới, cùng với Real Madrid. Nhưng United đã không thể tìm ra phương thuốc hiệu qua để chống lại sự nhịp nhàng và ăn ý của bộ đôi thiên tài - Xavi Hernández và Andrés Iniesta - khi học chuyền bóng xuyên qua khu trung tuyến. Họ cũng không thể cản được những pha đi bóng đầy mê hoặc của Leo bé nhỏ, người mà ngày càng nhiều nhà phê bình bóng đá cho rằng, đó là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại. Nhưng không chỉ có 3 chàng ngự lâm đó toả sáng một cách rực rỡ. Cái cách mà toàn đội hình Barça di chuyển thật sự là một nghệ thuật trong chuyển động, không chỉ đẹp mắt mà còn vô cùng hiệu quả. Đó là một đội hình mà 4 ngôi sao quốc tế - Danny Alves của Brazil, Javier Mascherano của Argentina, Éric Abidal của Pháp và David Villa, cựu cầu thủ của CLB Valencia - đã ăn khớp với nhau như một thể thống nhất bên cạnh những cầu thủ đã thi đấu bên nhau từ thời niên thiếu.
Barcelona với chiếc cúp vô địch.
Phong cách thi đấu của đội bóng mang đậm dấu ấn cá nhân của HLV trưởng Pep Guardiola, ông chính là danh thủ một thời của Barça thời Dream Team I, đội bóng mà đến trước 28/5 vẫn được nhiều fan hâm mộ xem là đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sự. Guardiola đã phải thừa nhận rằng, triết lý bóng đá của ông chịu ảnh hưởng lớn từ Johan Cruyff, huyền thoại người Hà Lan đã dẫn dắt Barça tới danh hiệu vô địch châu Âu lầm đầu tiên vào năm 1992 với một đội hình trong mơ - nó là sự kết hợp của các ngôi sao nước ngoài và những tài năng bản địa. Cruyff đã đem tới Barça triết lý của "bóng đá tổng lực" mà ông đã học được khi còn là một cầu thủ của nhà vô địch Hà Lan Ajax Amsterdam, đội bóng đã 3 lần liên tiếp giành cúp châu Âu trong giai đoạn 1971-1973. Trái tim trong hệ thống vận hành linh hoạt của Cruyff là một "trục dọc trung tâm" : hàng tiền đạo và một tiền vệ trung tâm tự do luôn sẵn sàng liên lạc với nhau, cứ như có một sợi dây vô hình nào đó liên kết họ với nhau. Những người còn lại không được phép đứng yên. Hệ thống đó được thiết kế để liên tục tạo ra những cuộc tấn công không ngừng nghỉ, trong đó toàn bộ 11 cầu thủ kể cả thủ môn phải có trách nhiệm đưa trái bóng tiến về phía trước. Guardiola đã phát triển và hoàn thiện bóng đá tổng lực của Cruyff, và chiến thắng của Barça trước United chính là thành quả lao động ngọt ngào của ông.
Vậy thì Barça hiện tại thật sự vĩ đại đến nhường nào? Bản thân Cruyff đã thừa nhận rằng đội bóng này đã vượt qua Dream Team năm 1992 của ông. Vậy nếu ta đem so sánh với những đội bóng vĩ đại khác thì sao? Liệu Barça có phải là đội bóng vĩ đại nhất?
Ở cấp độ CLB, kẻ thù truyền kiếp Real Madrid có thể phủ nhận điều đó, họ đang nắm giữ kỷ lục vô tiền khoáng hậu của thế giới bóng đá. Trong khi Guardiola đã giành 2 danh hiệu vô địch châu Âu trong 3 năm dẫn dắt Barça thì Real Madrid đã giành 5 chiếc cúp châu Âu liên tục trong giai đoạn 1956-1960. Chủ tịch của Real khi đó Santiago Bernabéu - một chính trị gia bảo thủ nhưng lại là người làm bóng đá có tầm nhìn - là người tiên phong trong việc kết hợp những siêu sao quốc tế và những tài năng bản địa. Sức mạnh của Real khi đó có thể tóm gọn sự tinh nhuệ của Alfredo Di Stefano người Argentina và người đá cặp trên hàng tấn công, Ferenc Puskás người Hungary. Bộ đôi này đã ghi đến 7 bàn trong chiến thắng huỷ diệt năm 1960 của Real Madrid trước nhà vô địch nước Đức Eintracht Frankfurt, trận đấy mà thời đó và mãi về sau này vẫn được xem là trận chung kết hay nhất trong lịch sử các cúp châu Âu.
Sau đó là World Cup 1970 tại Mexico, nơi Brazil nổi lên như là một binh đoàn chiến thắng lẫy lừng. Phóng viên thể thao kỳ cựu Brian Glanville hồi tưởng về giải đấu: "Bỏ mặc sự kinh khủng của cái nóng và độ cao, vượt qua tất cả những đe doạ của lối chơi phản bóng đá đầy bạo lực," người Brazil đã đăng quang "với lối chơi ngẫu hứng, đầy nghệ thuật nhưng không kém phần mạnh mẽ đã đem đến niềm hy vọng cho bóng đá tấn công". World Cup 1970 đã ghi dấu ma thuật thật sự của siêu sao huyền thoại người Brazil, Pelé. Vào thời điểm sắp giải nghệ, Pelé đã vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp cầu thủ đầy huy hoàng trong màu áo tuyển quốc gia và Santos bằng trận chung kết với Italy, trận đấu có thể xem như lễ phong thần của Pelé. Bằng những kỹ năng vô song cùng với sự hiệu quả của mình, ông đã ghi một bàn thắng tuyệt vời đồng thời kiến tạo cho 2 bàn thắng khác, hoàn tất những lời ước hẹn của 12 năm qua[1].
2 thập kỷ trôi qua, AC Milan của bóng đá Italy tham gia vào cuộc đua để tìm ra đội bóng vĩ đại nhất lịch sử, với lối chơi là sự giao thoa của bóng đá phòng ngự tiêu cực và bóng đá tổng lực. Họ đã thắng 2 chiếc cúp châu Âu liên tiếp (1989-90) bằng sự kết hợp của bóng đá tấn công được du nhập bởi các cầu thủ Hà Lan và lối chơi phòng ngự chặt chẽ Catenaccio của các hậu vệ Italy.
Những ứng viên khác trong cuộc đua đó còn có: Bayern Munich năm 1974-76; Liverpool năm 1977-81; Argentina năm 1986 với bàn thắng đẹp nhất mọi thời đại của Maradona; Tây Ban Nha trong chiến thắng World Cup vào mùa hè năm ngoái (trong đó có 8 cầu thủ Barça được trao huy chương vàng), mặc dù đa số đều nhất trí rằng những trận đấu cấp CLB, hơn là những giải đấu giữa các đội tuyển quốc gia, mới là thước đo chính xác nhất cho sự ưu tú.
Để có thể nhận định rõ ràng liệu Barça có vĩ đại hơn những đội bóng vĩ đại nhất từ trước đến giờ hay không gần như là một điều không thể, nhất là trong bối cảnh bóng đá cũng như thể thao đã thay đổi rất nhiều theo thời gian. Ngay nay, các ngôi sao sân cỏ phải đối mặt với những thử thách cả về thể chất lẫn tâm lý mà trong thời đại của Pelé người ta không mơ thấy nổi: những trận đấu dày đặc, những chương trình tập luyện nghiêm ngặt, sự điên cuồng của nền thương mại và giới truyền thông.
Tóm lại, khi được hỏi rằng liệu Barça hiện nay có phải là đội bóng vĩ đại nhất lịch sử hay không, HLV Pep Guardiola đã nói rằng: "Tôi không được xem Ajax của Johan Cruyff, tôi cũng không được xem Real Madrid của Di Stefano cũng như Santos của Pelé. Nhưng nếu trong 10 hay 15 năm tới, người ta vẫn nhớ đến thứ bóng đá của chúng tôi hiện giờ, thì điều đó đã khiến tôi hạnh phúc lắm rồi."
dịch từ bài viết của Jimmy Burns[2]
Ghi chú của người dịch:
[1] Pelé đã cùng Brazil vô địch World Cup năm 1958. Tuy nhiên trong 2 kỳ World Cup tiếp theo năm 1962 và 1966, Pelé đều bị chấn thương sau trận mở màn và lỡ hẹn với chiếc cúp vô địch. Năm 1962 tuy Brazil vô địch nhưng Pelé bị chấn thương đến hết giải còn năm 1966 Brazil bị loại ở vòng bảng. Như vậy 12 năm sau chiếc cúp năm 1958, Pelé mới có được chức vô địch thế giới 1 lần nữa.
[2] Burns là nhà báo và là tác giả của cuốn sách "Barca: Say đắm lòng người" (nhà xuất bản Bloomsbury)