Dani Alves: còn hơn một hậu vệ cánh
Vắng mặt 2 tuần vì một chấn thương bắp chân và kẹt trong việc thương thuyết hợp đồng với Barca, đây dường như là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta đưa ra những đánh giá về giá trị thực sự của Dani Alves.
Người ta thường hay nói đùa rằng một hậu vệ công thì “thích chạy cánh hơn là phòng thủ”. Điều đó đặc biệt đúng trong trường hợp những hậu vệ người Brazin tính đến thời điểm này – trong những năm gần đây, đáng chú ý nhât là bộ đôi hậu vệ cánh Cafu và Roberto Carlos – những cầu thủ đã tham dự các kì WC 1998, 2002, 2006 trong thành phần đội tuyển quốc gia Brazin.
Đôi khi quan niệm về những cầu thủ này là không chính xác. Ví dụ như tại WC 2002, Cafu và Roberto Carlos thường xuyên bị gọi là hậu vệ trong khi thực tế họ là những hậu vệ cánh. Cứ cho là đó chỉ là một khác biệt rất nhỏ nhưng thực tế vai trò của một hậu vệ cánh trong sơ đồ 3-5-2 thì rất khác về ý nghĩa so với một hậu vệ trong sơ đồ 4-4-2. Trong chiến tích vô địch WC 2002 của ĐTQG Brazin thì vai trò của bộ đôi hậu vệ biên Cafu và Carlos là rất lớn, vì họ không chỉ hỗ trợ cho 3 trung vệ đảm bảo an toàn ở phía sau mà còn đảm nhận vai trò của 2 tiền vệ phòng ngự.
Cách sắp xếp này thoạt trông có vẻ rất mạnh về tấn công nhưng trong thực tế vẫn là sử dụng 5 hậu vệ có lối chơi thông minh để đảm bảo cho Brazin không dính phải những đòn hồi mã thương của đối thủ. Về mặt số học cơ bản, đội hình này không có sự khác biệt gì với việc sắp xếp 4 hậu vệ và 1 tiền vệ đánh chặn. Chính vì thế việc họ chơi rất cao trên sân là một điều rất tự nhiên. Hay nói đúng ra họ đã có xu hướng đá cánh nhiều hơn là phòng ngự bởi vì đó là yêu cầu chiến thuật của sơ đồ 3-4-1-2. Ở cấp độ CLB, mùa giải xuất sắc nhất của Cafu là khi được chơi trong sơ đồ 3-4-1-2. Phong độ ấn tượng của Roberto Carlos cũng là lần đầu tiên khi Real Madrid chơi với cùng sơ đồ chiến thuật đó.
Vai trò của Dani Alves:
Vai trò của Alves tại Barca có đôi chút khác biệt với Cafu và Carlos. Đó là vì trong đội hình Barca tiền vệ trụ Sergio Busquets thường xuyên được kéo về hàng hậu vệ để Barca chuyển sang sơ đồ 3-4-3 như trong trận đấu với Atletico Madrid vào đầu mùa giải. Lúc đó Alves trở thành một hậu vệ cánh phải trong nhóm phòng ngự bốn người ở khu vực giữa sân. Nhưg ngay cả khi được sắp xếp ở vị trí đó Alves vẫn chơi rất cao một cách không bình thường trong vài trận đấu. Ví dụ tiêu biểu nhất là chiến thắng hủy diệt của Barca trước Sevilla, trong trận đấu đó phần lớn thời gian trên sân của Alves là ở vị trí cao nhất trên hàng tiền vệ ngay cả khi Barca bị mất bóng. Sở dĩ như vậy là vì trong trận đấu đó đội hình Barca đã được sắp xếp khác đi để hỗ trợ cho việc hoán đổi vị trí của Alves – Lionel Messi và David Villa đều chơi ở trung tâm hàng tiền đạo, trong khi Pedro hoạt động rộng về bên phía cánh trái. Không có một cầu thủ tấn công nào bên phía cánh phải, điều này chỉ ra một sự điều chỉnh có tính toán của HLV Pep Guardiola. Ông đã yêu cầu Alves bao quát toàn bộ hành lang cánh phải của Barca. Và đó chính là điểm mấu chốt mang tính quyết định cục diện trận đấu – Alves đã buộc Diego Capel phải lùi sâu về tận sân nhà, khiến Sevilla phải chơi với 5 hậu vệ và để cho Barca tha hồ hành hạ. Điều tương tự cũng đã diễn ra trong trận đấu với Espanyol.
Sự hiện diện của Alves trong những pha tấn công của Barca có thể được chứng minh bằng những số liệu thống kê. Trong vòng bảng Champions League mùa giải này, anh đã tung ra nhiều đường chuyền trên phần sân gần khung thành đối phương hơn tất cả các cầu thủ trong giải đấu, 276 lần. Để so sánh công bằng hơn, hãy chuyển đổi con số đó thành số đường chuyền trên phần sân gần khung thành đối phương trung bình trong mỗi trận đấu, lúc này Alves vẫn ở vị trí dẫn đầu với 55,2 đường chuyền mỗi trận. Mặc dù rõ ràng là hiện nay Alves đang được chơi trong đội hình Barca – CLB có nhiều chân chuyền tốt nhất Châu Âu, nhưng điều đáng ngạc nhiên là Alves vẫn đứng đầu bảng mặc dù anh chỉ là một hậu vệ, đứng trên cả những tiền đạo thực thụ của Barca. Điều đó minh họa số đường bóng Alves đã cung cấp cho các cầu thủ ở vị trí tấn công và tầm quan trọng trong những pha chạy biên của anh với lối chơi của Barca.
Vậy vì đâu mà Alves có được một con số thống kê ấn tượng như vậy? Có lẽ tần suất hoạt động của Alves là một nhân tố chính để lí giải điều này. Nhiều người tin rằng Alves chỉ đơn giản là một cầu thủ sở hữu một nguồn thể lực dồi dào nhưng không mạnh về khả năng kĩ thuật. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp đó, sự kết hợp giữa thể lực và tốc độ ở Alves đã đủ khiến cho các cầu thủ đối phương không thể theo kèm anh ta trong suốt 90 phút của trận đấu. Đặc điểm này biến Alves trở nên cực kì nguy hiểm và nhiệm vụ ngăn chặn Alves trở nên quá khó cho các hậu vệ đội bạn. Vì vậy có một xu hướng chung ngày càng phổ biến là các đội bóng khác sử dụng những hậu vệ cánh trái chơi ở vị trí biên trái giữa sân để cố gắng ngăn cản Alves. Đó chính là lí do tại sao Valencia sử dụng Jeremy Mathieu hay là Inter sử dụng Cristian Chivu để bắt Alves trong các trận đấu của các CLB này với Barca.
Những pha đột kích ra sau lưng hàng hậu vệ:
Nói một cách cụ thể thì điểm lợi hại của Alves chính là ở những cú nước rút sâu ra sau lưng hàng hậu vệ đối phương để đón một đường chuyền bất kì từ một tiền vệ trung tâm chơi lệch trái trong đội hình Barca (Xavi Hernandez hoặc Andres Iniesta). Bằng cách đó Alves tạo ra một mối nguy hiểm cho khung thành đối phương gần giống như khi một tiền đạo trung tâm nhanh nhẹn dùng tốc độ từ phía sau lao lên đón đường chuyền ở cuối sân. Đây là một đặc điểm phân biệt giữa Alves với Cafu và Carlos vì dù có xu hướng tấn công nhưng chúng ta cũng rất hiếm khi thấy Cafu và Roberto Carlos chơi như vậy – thường họ chỉ đơn giản là chạy xuống đường biên cuối sân để kéo dài phạm vi hoạt động trước khi tạt một đường bóng vào trong (hoặc sút từ một góc rất dị). Chính vì đặc điểm này mà ta thấy Alves tạo ra nhiều nguy hiểm trực tiếp cho khung thành đối phương hơn so với Cafu và Roberto Carlos.
[ame="http://www.youtube.com/watch?v=nacuneyL_-M"]http://www.youtube.com/watch?v=nacuneyL_-M[/ame]
Nếu so sánh giữa những pha chạy chỗ của một trung phong theo kiểu truyền thống thì những pha thoát xuống từ biên phải của Alves có nhiều ưu điểm hơn vì năm lí do sau đây:
1. Để thực hiện bài tấn công này cầu thủ chuyền bóng sẽ phải tung ra một đường chuyền chéo sân chứ không phải một đường chuyền thẳng qua hàng hậu vệ. Những đường chuyền chéo sân có xác suất thành công lớn hơn chuyền thẳng vì nếu cầu thủ chuyền bóng thực hiện đường chuyền không chính xác thì cầu thủ thoát xuống vẫn còn thời gian và khoảng trống để sửa chữa sai lầm. Ngược lại nếu chuyền thẳng không chính xác thì bóng sẽ đơn giản là rơi vào tay thủ môn đối phương.
2. Nó giúp cho Alves đạt được tốc độ tối đa trong khi thoát xuống để thoát khỏi sự đeo bám của các hậu vệ. Lí do là vì Alves thường có khoảng 20m để bứt tốc trước khi chạm tới vạch việt vị, điều này khiến cho các hậu vệ đối phương rất khó khăn để xoay trở và bắt kịp anh trước khi anh nhận được bóng. Còn những trung phong chơi ở vị trí trung tâm thì khác, anh ta hoặc là không thể xuất phát trước vì sợ việt vị hoặc là xuất phát từ một vị trí quá gần nên không thể chạy hêt tốc lực được.
3. Alves có thể quan sát cầu thủ thực hiện đường chuyền và xác định quỹ đạo bay của trái bóng để đón bóng trong tư thế thuận lợi nhất mà không cần mất thời gian quay đầu nhìn lại.
4. Đối với một cầu thủ, khống chế bóng từ một đường chuyền ở bên hông thì dễ hơn là từ một đường chuyền qua đầu mình.
5. Nó có tác dụng như một pha đột kích vào hàng hậu vệ đối phương. Các hậu vệ luôn nhìn về phía phải của mình nơi đường bóng được phát đi, trong khi đó thì Alves đang âm thầm thoát xuống bên cánh trái.
Một ví dụ điển hình, hãy xem thử đường chuyền từ Xavi cho Alves và Messi là người dứt điểm:
[ame="http://www.youtube.com/watch?v=iKKsNUQUVNM"]http://www.youtube.com/watch?v=iKKsNUQUVNM[/ame]
Khả năng phòng thủ:
Nhiều người thường không để ý tới một đóng góp của Alves cho Barca. Đó chính là khả năng phòng ngự chắc chắn bên cánh phải. Từ trước tới giờ người ta luôn quan niệm là những hậu vệ biên theo kiểu Alves thường không mạnh về khả năng phòng thủ. Nhưng thực tế là trong những mùa giải gần đây với Barca, Alves đã rất tiến bộ về mặt này trong lối chơi của mình.
Quan niệm truyền thống trong bóng đá cho rằng những hậu vệ hàng đầu không nên bỏ vị trí mà nên là chốt chặn cuối cùng – một hậu vệ hàng đầu nên có mặt ở những tình huống nguy hiểm cho khung thành đội nhà và ưu tiên hàng đầu là phải ngăn chặn được những tình huống đó. Tuy nhiên quan niệm đó không đúng trong trường hợp của Alves. Vì mặc dù mỗi khi thi đấu trên sân Alves thường được yêu cầu chơi rất cao bên cánh phải. Nhưng anh ta vẫn chắc chắn sẽ chạy về trong chớp mắt và can thiệp kịp thời vào các pha phản công của đối thủ. Tốc độ không thể tin được của Alves đã giúp anh thường xuyên tham gia vào những pha tranh chấp mà những hậu vệ khác quá chậm chạp không thể đối phó được, đồng thời vẫn thực sự tham gia rất tốt vào những pha tấn công của Barca khi cần thiết. Đoạn video dưới đây thể hiện khả năng phòng thủ rất tốt của Alves.
Mặc dù vậy, trước khi xem nó, chúng ta phải nhìn nhận đóng góp quan trọng nhất của Alves cho Barca về mặt phòng ngự chính là khả năng tuyệt vời của anh ấy trong việc tạo ra sức ép lên đối phương trong suốt 90’ của trận đấu. Hãy để ý đến tình huống đuổi theo trong gần 37m để ngăn cản Joan Capdevilla ở giây thứ 49 trong đoạn clip sau. Mặc dù pha cản phá đó được thực hiện ngay bên ngoài khu vực cấm địa của CLB Villarreal nhưng đó vẫn là một trong những tình huống phòng thủ đặc trưng của Alves.
[ame="http://www.youtube.com/watch?v=KoufcxKfTUM"]http://www.youtube.com/watch?v=KoufcxKfTUM[/ame]
Bàn về khả năng gây sức ép, sự kết hợp giữa tốc độ và thể lực của Alves khiến anh có khả năng là một cầu thủ xuất sắc nhất trên thể giới nếu xét theo phong cách bóng đá thiên về thể lực và tốc độ. Rõ ràng anh ta là một cầu thủ thật phi thường về mặt thể chất, nhưng ngoài đặc điểm đó ra Alves còn có khả năng tạo ra một tinh thần chung cho toàn bộ đội hình Barca. Cũng như vai trò của Xavi trong việc duy trì nhịp điệu cho lối chơi “Tích – Tắc” của Barca thậm chí còn quan trọng hơn cả những đóng góp về mặt cá nhân của anh ấy (vì Xavi tạo ra sự mẫu mực với những đường chuyền ngắn và gọn ghẽ của mình). Alves cũng có những đóng góp tương tự mỗi khi Barca mất bóng, anh thường xuyên đuổi theo bóng khắp mặt sân để gây sức ép lên đối thủ.
HLV Pep Guardiola đã từng nói:
“Nếu không có bóng Barca chỉ là một đội bóng tồi tệ, một đội bóng thất bại, vì thế chúng tôi cần kiểm soát bóng”. Rõ ràng Pep đã nói quá, nhưng câu nói đó vẫn nói lên một quan điểm, và quan điểm đó đã được Barca thực hiện một cách triệt để bằng lối chơi thiên về giành quyền kiểm soát bóng và luôn tạo ra sức ép lên đối thủ của mình. Trong đội hình Barca, Alves chỉ là một cầu thủ trong hàng phòng ngự. Nhưng cũng chính vì vậy mà nó càng làm cho khả năng bao quát toàn hành lang cánh phải và tạo ra sức ép lên hàng phòng thủ đối phương của anh trở nên thật đáng kinh ngạc.
Kết luận
Hai năm trước, nhà bình luận Sid Lowe (nổi tiếng nhờ các bài bình luận về La Liga) đã nhận định Alves là một cầu thủ xuất sắc thứ hai trên thế giới. Đó chỉ là một quan điểm cá nhân, nhưng có lẽ quan điểm đó còn phản ánh đúng thực tế hơn nhiều so với số phiếu bầu cho Alves trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng Fifa 2010 vì bạn có tin được không – Alves chỉ có được 0,05% số phiếu, một tỉ lệ thấp nhất trong số tất cả các ứng cử viên được bỏ phiếu.
Với một lịch thi đấu khá nhẹ nhàng trong 2 tuần tới, chấn thương của Alves sẽ không phải là một tổn thất quá lớn với Barca. Thay vào đó việc thương thảo hợp đồng với anh sẽ khiến Barca lo lắng nhiều hơn. Alves được cho là muốn nhận được mức lương cao thứ 2 tại Barca (7,5 triệu € / năm) chỉ sau mức lương của Messi (9,5 triệu € / năm), và việc anh rời khỏi CLB vào kì chuyển nhượng mùa hè không phải là không thể xảy ra. Nếu Alves ra đi, rất khó tưởng tượng Barca sẽ mang về cầu thủ nào có thể thay thế được anh và vì vậy đó chính là vấn đề khiến ban lãnh đạo Barca phải băn khoăn.
Nhưng dù kết quả cuối cùng ra sao đi nữa, điều mà chúng ta có thể chắc chắn là sự kết hợp giữa Alves và Barca chính là một sự kết hợp hoàn hảo nhất. Nếu như Alves đã đóng góp rất nhiều vào những thành tích của Barca thi ngược lại, vào thời điểm này không một CLB nào khác ngoài Barca có thể giúp cho Alves bay cao đến như vậy. Nếu mục tiêu của Alves là được chơi thứ bóng đá quyến rũ nhất thế giới, anh ta nên ở lại Barca – CLB duy nhất nơi anh có thể bùng cháy hết những khả năng tuyệt vời của mình dù là khi có hay không có bóng. Còn nếu không anh vẫn có thể ngẩng cao đầu ra đi vì những đóng góp của anh cho Barca đã được lịch sử ghi nhận, và nếu điều đó là sự thật thì xin được mượn lời của thánh Johan Cruyff để kết thúc bài viết này: “Xin cảm ơn, tạm biệt, và chúc anh may mắn.”
PDDK1987 (Dịch từ Zonalmarking.net)