Đâu chỉ tại cầu thủ?
Tôi không phải là người nắm rõ tình hình bóng đá Việt Nam nhưng chẳng cần nắm rõ tôi cũng hiểu được cái môi trường bóng đá nước nhà đang thảm hại như thế nào. Sinh ra tại Nam Định nhưng từ nhỏ tôi đã theo gia đình định cư tại Hà Nội nhưng nếu để dành tình yêu cho một đội bóng Việt Nam thì trong tim tôi vẫn mãi là hình ảnh sân Chùa Cuối và Nam Định mà thôi. Thực chất thì xét theo nguyên quán, tôi là người Hà Nội nhưng ông nội tôi ngày xưa hoạt động cách mạng và làm bí thư nhà máy dệt Nam Định nên bố tôi coi Nam Định như quê. Từ nhỏ tới năm cấp 3 tôi theo bố những chuyến xe khách về thăm ông bà nội và không quên nán lại mua vé xem Nam Định đá, tôi vẫn còn nhớ loáng thoáng những câu chuyện về Văn Sỹ, Đặng Phương Nam rồi Achilephu, Amaobi những sát thủ ngoại một thời làm mưa, làm gió cùng đội bóng thành Nam. Rồi cứ khi nào đá với Hà Nội ACB hay Hoà Phát tại Hàng Đẫy hoặc Mỹ Đình thì còn kéo theo cả chị gái và anh rể cùng một đoàn các anh chị sinh viên đi cùng dù có lúc 2 đội bóng cưa đôi khán đài A, gạch đá, guốc dép, mắm tôm phi qua, phi lại tùm lum. Xem bóng đá thời đó vui lắm, bố tôi bình thường hiền lành mà chửi bậy rất ghê, Nam Định đá với ACB lẹt đẹt thì hai bên CĐV, bên nào hô tên đội mình thì bên kia hô theo: "Xuống hạng". Lớn hơn một chút thì biết Văn Biển, Văn Nhiên, Quang Huy góp mặt trong tuyển quốc gia cũng rất tự hào. Nói chung tôi xem Nam Định từ cái thời lót báo sân Chùa Cuối cho đến mãi, mãi lúc nào thì tôi chẳng còn nhớ vì Nam Định xuống quá. Mẹ tôi cứ cười bảo hai bố con toàn đi xem cái lũ bán độ, một lũ xì ke, ma tuý trước trận đấu toàn dắt gái vào nhà nghỉ gần SVĐ, thế mà hai bố con cứ nhất quyết đi cho bằng được, đến giờ khi nhắc về đội bóng, bố tôi chỉ thở dài và thốt lên một từ: "Nam Đoạn".
Lại nói thêm, tôi có quen một người anh, bố mẹ của anh là bạn của mẹ tôi. Anh học giỏi, vẽ giỏi, đá bóng hay... đá hay đến mức là Nam Định thời 7,8 năm trước nghĩa là còn nổi nổi và đứng vững ở giải vô địch quốc gia đến nhà anh thuyết phục cho anh gia nhập đội bóng. Nhà anh nghèo lắm, anh lại là con thứ 3 vì trước anh là hai chị gái, nhà đã nghèo nuôi 3 người con ăn học lại càng nghèo hơn. Lúc Nam Định gửi giấy mong muốn cho anh vào đội trẻ, anh cũng thích nhưng mẹ anh cản anh bằng được mặc dù nếu anh thi đấu cho đội bóng chả mấy chốc lương anh cũng cả ngàn đô/ tháng. Mẹ anh tâm sự với mẹ tôi là biết anh ham đá bóng nhưng cho anh vào môi trường như vậy chẳng khác nào làm hại tương lai của anh, kiếm được một núi tiền nhưng rồi anh cũng xì ke, ma tuý, hư hỏng mẹ anh không cần những đồng tiền như thế. Cuối cùng anh thi vào một trường quân sự và vì học giỏi, trường đưa anh qua bên Ngoại Thương để đào tạo, cho đến giờ anh làm việc cho hai công ty, lương cao và vẫn đều đặn đi đá bóng dù nghiệp dư nhưng quyết định của mẹ anh thật đúng.
Đừng vội trách các cầu thủ bóng đá, họ phần lớn xuất thân trong gia cảnh không mấy khá giả. Trưởng thành và phát triển từ những sân chơi đầy bùn đất của ruộng lúa, bên cạnh con trâu và khóm tre làng. Người may mắn thì học hết cấp 3, còn người xui xẻo thì có khi chỉ biết chữ và đếm tiền. Nếu có trách, phải trách nền giáo dục của nước nhà trước, tại sao một cầu thủ khi quyết định dấn thân vào nghiệp quần đùi áo số, lại phải bỏ dở việc học hành? Ồ, nếu là một sinh viên thì bạn tất sẽ hiểu, thời khoá biểu dày dặc như vậy làm sao sắp xếp và luyện tập cùng đội bóng. Không ai nói việc học những môn học lịch sử đảng hay kinh tế chính trị là sai nhưng để lựa chọn ra việc học những môn học chuyên ngành, tiết kiệm thời gian cho sinh viên vừa học, vừa làm chẳng phải là tốt hơn hay sao. Đó là lý do vì sao mà các cầu thủ nước ngoại họ tốt nghiệp bằng đại học là chuyện bình thường, thâm chí một số người còn học cao hơn như thạc sĩ... Tôi có may mắn được đi học nước ngoài, thời gian học tập trên lớp trong kì học này là chẵn 11 tiếng, còn lại là làm bài tập ở nhà hoặc trên thư viện. Nếu như đất nước ta có một mô hình giảng dạy hiệu quả và tiết kiệm thời gian như vậy, liệu những trường hợp như Huy Hoàng mới đây dư luận có chán chẳng buồn nói hay không?
Nếu trách cầu thủ, nên chăng trách các bậc quản lý đội bóng, các bậc lãnh đạo ngành thể thao và cả ngành giáo dục nước nhà nữa. Nói chung trách đến khi nhìn lên không còn ai cao hơn để mà trách nữa thì thôi. Nhìn sang bóng đá nữ, phóng viên hết lời khen ngợi các cô gái vàng Việt Nam rồi kể lể về việc sau những đợt tập trung lên tuyển, có người đi bán bánh mỳ. Nghĩ lại nếu các cô có đồng lương và nhiều nhà tài trợ như bóng đá nam, liệu những phóng viên từng hết lời ngợi khen các cô có viết bài đại loại như: "Nữ tuyển thủ quốc gia mặc váy ngắn lên sàn" hay "Nữ tuyển thủ quốc gia phê thuốc khi điều khiển phương tiện giao thông" hay không? Có thể bỏ cả Paris vào cái chai với một chữ "Nếu" nhưng không thể phủ nhận rằng việc tuyển thủ quốc gia phê thuốc hay tuyển thủ quốc gia bán bánh mỳ đều là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục lạc hậu và những nhà lãnh đạo vô trách nhiệm.
Qua một bài viết trên FCBVN, tôi được biết Laureano Ruiz đã thay đổi quan niệm, cầu thủ sinh hoạt tại La Masia chỉ biết chơi bóng. Ông đã kiến nghị ban lãnh đạo Barca để thúc ép các cầu thủ đi học và đi làm. Kể ra trong hàng ngàn học sinh của La Masia, có bao nhiêu cái tên đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp? Chẳng ai tính ra tỉ lệ đó nhưng ngàn người thì được 1 người như Messi, ngàn người thì được 3 cầu thủ xuất sắc nhất hàng tiền vệ là Xavi, Iniesta và Busquets. Vậy số còn lại nếu họ không đi học và đi làm thì Tây Ban Nha đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Có lẽ họ là nước có nền kinh tế tụt hậu nhất châu Âu và qua đó sẽ chẳng bao giờ là số 1 thế giới ở môn thể thao vua. Đáng tiếc là Laureano Ruiz đã phát hiện ra vấn đề này từ năm 1974 trong khi Việt Nam, gần 40 năm sau vẫn chưa hiểu tại sao nền kinh tế và bóng đá nước nhà lạc hậu đến vậy.
Khi chúng ta không ở vào hoàn cảnh của từng cầu thủ, chúng ta không thể khẳng định mình sẽ miễn nhiễm với các thói hư tật xấu. Chúng ta chê trách nhưng chúng ta không hề làm một hành động để cải thiện cái tình trạng nghèo văn hoá trong giới thể thao nước nhà và nói vậy thôi chỉ một vấn đề trong thể thao đã chỉ ra cho chúng ta thấy nhiều thứ lắm. Chắc chắn một điều rằng khi chúng ta không thay đổi, dù có ông bầu nọ, bầu kia đổ bao nhiêu tiền vào bóng đá thì Việt Nam cũng đừng bao giờ mơ tới việc giành huy chương vàng tại Sea Game chứ đừng nói ở sân chơi châu lục hay World Cup hoặc phát triển nền kinh tế sánh cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã dạy.
Bao nhiêu người trẻ còn nhiệt huyết với bóng đá nước nhà và bao lâu nữa thì họ sẽ cạn kiệt tình yêu với đội bóng quê hương? Đó chỉ là câu hỏi yêu cầu đưa ra một khung thời gian cụ thể mà thôi, không có đáp án không cho câu hỏi này.