Cầu trường này đã từng chứng kiến những tên tuổi lớn như Queen, Bob Dylan hay Metallica đến biểu diễn. Nằm giữa những khu chung cư, dãy nhà khối màu gạch toát lên vẻ u buồn, thứ mà người ta có thể chứng kiến ở nơi đây, không phải là sự nguy nga và tráng lệ như trong trí tưởng tượng, mà là những điều hết sức bình dị và rất đỗi đời thường: như những chiếc quần lót được phơi ngoài ban công các căn hộ chẳng hạn. Địa điểm mà chúng ta đang nhắc tới, chính là sân nhà Vallecas của CLB tí hon Rayo Vallecano.
Trước trận đấu với Barcelona vừa qua, HLV Paco Jemez đã nói rằng ông không quan tâm Rayo sẽ thua 1 bàn hay 7 bàn, điều quan trọng là các học trò của ông sẽ vẫn thi đấu như mọi khi. Và cuối cùng, đội bóng của Paco để thua 6-1. Thua đậm trước Barça, không phải là chuyện mới với Rayo một khi nhìn lại lịch sử đối đầu giữa hai đội. Cũng chỉ là chuyện cũ, nếu nhìn vào lối chơi của họ. Dù thắng hay thua, dù trước Barça, Real Madrid, hay bất kỳ đối thủ nào, các học trò của Paco Jemez vẫn đá theo một bài học mà họ được dạy trên sân tập. Và nói như Paco sau trận đấu tại Camp Nou, thì "Rayo không mơ mộng, bởi tuần nào chúng tôi cũng đá như thế. Bạn có thể không tin, nhưng giờ phút này tôi thật sự cảm thấy thoải mái, dù đội bóng đã thua 6 bàn. Tôi tự hào về các học trò của mình, bởi họ đã ra sân và cống hiến hết mình."
Kết quả quan trọng, nhưng giữ được chính mình mới là điều cốt lõi trong triết lý bóng đá của Paco - Rayo. Và hãy cứ tấn công không việc gì phải sợ chính là bài học vỡ lòng các cầu thủ được dạy ở Vallecas. Thời lượng kiểm soát bóng trung bình chỉ xếp sau Barça và Real Madrid, tỷ lệ đường chuyền chính xác xếp thứ 4, và số cú sút trung bình đứng thứ 5, những điều này đã giúp Rayo trở thành một trong những cái tên thu hút sự quan tâm nhiều nhất của La Liga hiện tại. Với riêng Paco, từng là một trung vệ trong những năm còn chơi bóng, và giờ đây đắm đuối với phong cách tấn công trong vai trò người thuyền trưởng, ngoài vị trí thứ 8 trên BXH La Liga ở mùa giải đầu tiên dẫn dắt Rayo, thì sự công nhận từ người hâm mộ chính là phần phưởng lớn nhất ông nhận được. Trong ngày nhận danh hiệu Antonin của năm từ tạp chí bóng đá Panenka uy tín tại Tây Ban Nha, Paco Jemez đã tâm sự rằng: "Niềm tự hào lớn nhất đối với tôi, chính là được nghe những người hâm mộ không phải của Madrid hay Rayo nói rằng tuần nào họ cũng bật tivi để xem Rayo thi đấu."
Nhưng khát khao và sự dại khờ ấy không phải là thứ duy nhất làm nên một Rayo Vallecano khác biệt. Cựu HLV Jose Ramon Sandoval, người từng giúp đội bóng này trở lại sân chơi La Liga vào mùa giải 2011/12, đã miêu tả Rayo là đội bóng duy nhất còn sót lại của Tây Ban Nha không đại diện cho một vùng đất hay thành phố nào. Nói cách khác, Rayo như một đội bóng cấp quận, cấp làng. Rayo Vallecano mang trên vai niềm tự hào của cộng đồng cư dân Vallecas, một khu dân cư được hợp thành bởi hai quận phía Đông Madrid. Chính Rayo Vallecano, chứ không phải Atletico Madrid, mới là CLB đại diện cho tầng lớp lao động và dân nhập cư đầy gan góc của Madrid.
Nằm gần như tách biệt với phần còn lại của thủ đô, khoảng 300.000 cư dân Vallecas luôn tự hào với mảnh đất nơi họ sinh sống, mảnh đất mà nhiều người trong số này thích gọi bằng cái tên Vallekas hay Cộng hoà Độc lập Vallekas, hơn là Vallecas với chữ "c" trong tiếng Tây Ban Nha. Trong quá khứ, dưới ách cai trị Franco, Vallecas nổi tiếng bởi phong trào phản kháng chế độc tài cánh hữu. Và ngày nay, nếp tư tưởng ấy vẫn không phai nhạt khi Rayo là CLB tả khuynh và ủng hộ Chủ nghĩa tự do. Còn với những Rayista, họ luôn tự hào là những anti-Phát xít, anti-Phân biệt chủng tộc và anti-Giới cầm quyền, nổi tiếng nhất chính là Hội CĐV cực đoan Bukaneros, ra đời vào buổi ban sơ mà nạn hooligan từ Anh hay Italia tìm đường len lỏi đến với Tây Ban Nha kể từ sau Thế vận hội mùa hè Barcelona 1992.
Ở Rayo, bóng đá và chính trị là hai câu chuyện không thể tách rời. Trên các khán đài sân Vallecas, người ta dễ dàng bắt gặp những lá cờ ba màu đỏ vàng tím thời Đệ nhị Cộng hòa, hay những bức chân dung của Che Guevara. Tứ phía rung lên những âm thanh của các ca khúc La Marseillaise, Yankee Doodle, và các CĐV hét vang "Ai không đứng nhảy, sẽ là kẻ Phát xít". Bản thân sân Vallecas cũng có riêng cho nó một câu chuyện, bởi với những gì bạn có thể chứng kiến, thì đây là một cầu trường khác biệt so với cả La Liga. Nếu Eibar không thăng hạng mùa trước, thì Vallecas đã tiếp tục là SVĐ có sức chứa ít nhất giải đấu, với chỉ 14.708 chỗ ngồi. Mặt sân cũng ngắn hơn 10m theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang so với Bernabeu. Sân Vallecas chỉ có 3 khán đài, không gian hạn hẹp đã khiến phần cuối cầu gôn còn lại chỉ là một bức tường lớn được dựng nên cho mục đích duy nhất: quảng cáo.
Nếu ngay cả Atletico Madrid cũng từng phải trải qua gần hai thập kỷ cố gắng vẫy vùng khỏi cái bóng quá lớn của Real Madrid, thì câu chuyện chỉ là một màu đen tối với Rayo Vallecano. Sắp bước sang tuổi 91, nhưng thời kỳ Rayo được góp mặt ở sân chơi La Liga chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã từng có giai đoạn Rayo lâm vào khủng hoảng và khánh kiệt, đến mức không thể có nổi một đồng để chi cho mua sắm cầu thủ kể từ 2007. Ngày nay, tình hình đã khá hơn khi Rayo sống sót qua cơn bĩ cực nhờ vào lực lượng 10.300 hội viên mới, cùng những đồng nhân dân tệ đến từ nhà tài trợ Qbao.com. Nhưng đây vẫn là một trong những CLB có ngân sách thấp nhất La Liga hiện tại, với 20 triệu euro.
Dù chỉ là một CLB nghèo, nhưng lòng tự tôn là điều luôn hiện diện tại Rayo Vallecano. "Nghèo nhưng tự hào" là dòng chữ thường xuyên xuất hiện trên các khán đài Vallecas. Tấm băng rôn ấy là cái vỗ ngực đầy kiêu hãnh của những Rayista, cho niềm tự hào giai cấp, cho niềm tự hào Rayo. Tháng 11 năm ngoái, có một câu chuyện diễn ra tại Madrid đã góp phần khắc hoạ nên chân dung của một Rayo Vallecano đầy trượng nghĩa.
Tại khu Sierra de Palomeras của Vallecas, bà quả phụ Carmen Martinez Ayudo 85 tuổi bị lực lượng cảnh sát cưỡng chế lấy đi căn nhà mà bà đã ở đó nửa thế kỷ. Cho đến lúc phải rời khỏi nhà, Carmen không hề biết rằng con trai của bà đã mang căn hộ của cả gia đình ra thế chấp cho một khoản vay mà lúc này đã lên đến 70.000 euro. Người chủ nợ xét thấy cậu con trai không còn đủ khả năng chi trả, đã thông qua Toà án xiết lấy căn nhà. Cụ bà nhăn nheo mất nhà ngồi ôm mặt khóc, trong khi đám đông người dân Vallecas phản đối hành động của cảnh sát. Bức tranh ấy đau lòng ấy đã đến được với HLV Paco Jemez và các cầu thủ Rayo. Xem lại những bức ảnh về Carmen, Paco nói rằng ông nhìn thấy hình ảnh của bố mẹ, ông bà mình trong đó. Thế là một quỹ từ thiện ngay lập tức được Rayo lập nên. Những sự đóng góp đầu tiên đến từ chính Paco và các học trò. 21.000 euro được gửi đến tận tay Carmen. Trong ngày đôi tay run run nhận lấy tấm séc được trao từ Chủ tịch Rayo và HLV Paco, bà Carmen nói rằng bà không xứng đáng nhận được điều này, bà cảm thấy xấu hổ và những gì CLB đã làm là điều đẹp đẽ nhất trên đời bà từng được chứng kiến.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Cũng vào khoảng thời gian đấy, cựu thủ thành bất hạnh của Rayo là Wilfred Agbonavbare trải qua những thời khắc cuối cùng của cuộc đời tại bệnh viện Alcala de Henares, sau quãng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Sau khi từ giã sự nghiệp, trải qua gần chục năm trời rời xa quê nhà Nigeria và bươn chải bằng nghề đưa thư báo ở Tây Ban Nha, Agbonavbare chưa một lần được gặp lại ba người con của mình. Những gì mà CLB Rayo còn có thể làm được cho cựu thủ thành của họ, chính là tìm cách đưa những người con của Agbonavbare đến gặp mặt cha mình lần cuối. Và cụ bà Carmen đã quyết định trích một phần số tiền bà nhận được từ chính Rayo, để giúp ba người con của Agbonavbare bắt chuyến bay sang Tây Ban Nha. Một ngày trước khi chuyến bay từ Nigeria hạ cánh ở sân bay Barajas, Madrid, Wilfred Agbonavbare trút hơi thở cuối cùng.
Đơn giản là có thể phó mặc cho thời gian và định mệnh, nhưng họ đã không lựa chọn cách im lặng. Những Paco, các học trò của ông, và cả bà Carmen đã lên tiếng và cố gắng. Với nhiều CLB, bạn dễ dàng nhận thấy rằng ở đó các cầu thủ và ban huấn luyện sẽ chỉ chuyên tâm vào công tác luyện tập và thi đấu. Nhưng với Rayo, đấy lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ở đó, những thành viên của CLB này, từ HLV cho tới các cầu thủ, tự thân hành động. Ở đó, bóng đá gắn cùng lương tâm xã hội và trách nhiệm với cộng đồng. Nếu có một CLB nào ở Tây Ban Nha mà cầu thủ của nó cùng nhân dân cần lao xuống đường tuần hành biểu tình, thì đấy chỉ có thể là Rayo, CLB duy nhất ủng hộ cuộc tổng bãi công tháng 11 năm 2012.
Ở một giải đấu có sự phân cấp giàu nghèo và thứ bậc rõ rệt như La Liga, một đội bóng nhỏ muốn trụ hạng, sẽ cần học cách nương theo đối thủ để lựa chọn lối chơi, và chắt chiu từng điểm số quý báu. Nhưng đấy là con đường mà Rayo Vallecano không chọn để đi. Sự ngây thơ dễ thương, cùng niềm kiêu hãnh không bao giờ tắt của đội bóng này đã xây nên con đường riêng để đi vào lòng người hâm mộ. La Liga vẫn còn nhiều bất công và lạc hậu, nhưng nó vẫn đáng yêu và cuốn hút bởi bên cạnh những cái tên lớn quen thuộc, còn có những gã khờ như Rayo. Rayo Vallecano, tiếng nói của lương tâm! Rayo Vallecano, niềm tự hào Vallecas!
Trước đây, Vallecas là một vùng tự trị cho đến năm 1950 thì một sắc lệnh được ký, Vallecas được sáp nhập vào vùng tự trị Madrid. Khi Rayo được thành lập năm 1924, đội bóng này có trang phục toàn trắng (tất đen) giống như Madrid. Năm 1948, Rayo gặp phải vấn đề về kinh tế. Đến năm 1949, CLB này nhờ cứu viện từ Atletico Madrid. Một thoả thuận được ký, theo đó Atletico gửi một vài cầu thủ đến thi đấu cho Rayo, nhưng đổi lại Rayo phải thay đổi màu áo không được giống với Madrid nữa. Thời kỳ này, River Plate là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất thế giới (có Di Stefano). Rayo thấy vậy nên bàn với Atletico cho phép họ đổi áo đấu giống với Dòng sông bạc cho dễ. Các bên đồng thuận, nhưng chỉ sau 1 năm thì thoả thuận "viện trợ" chấm dứt do Rayo không muốn bị xem là một nhánh của Atletico. Dẫu vậy, Rayo vẫn giữ lại trang phục đã thay đổi với sọc đỏ chéo thân. Năm 1953, River Plate có đến Madrid du đấu, lãnh đạo của Rayo có chụp ảnh kỷ niệm cùng với đội bóng Argentina. Đáp lại, River Plate tặng Rayo 2 bộ quần áo.
or post as a guest
Be the first to comment.