Barça 2 - 0 Granada: Vẫn là Xavi!

Xavi ghi bàn thắng cực kỳ quan trọng mở tỷ số

La Liga
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Lại một trận đấu để chúng ta phải an ủi nhau: "Thắng là được rồi". Ừ thì chúng ta có 2 bàn thắng, 15 điểm sau 5 trận và đang tạm dẫn Real Madrid tới 11 điểm, còn gì hạnh phúc hơn?

Ấy vậy mà chúng ta vẫn buồn hay chí ít là chẳng có một chút cảm xúc nào sau trận đấu vừa qua bởi vì chúng ta là culé và đã là culé thì sẽ chỉ vui mừng khi Barcelona tấn công, ghi bàn và áp đặt thế trận mà thôi. Trận đấu với Granada này đã cho chúng ta thấy một vài cách nhìn mới, một vài hi vọng mới và cũng một vài cái nỗi sờ sợ mới.

"La Masia bỏ m...rồi"

Đó là kết luận đầu tiên của người viết khi nhìn thấy sự xuất hiện của Mascherano và Alex Song tại vị trí trung tâm hàng phòng ngự và nó càng được củng cố vững chắc với những gì bộ đôi Thiago Alcantara - Cesc Fabregas thể hiện trong suốt hiệp 1. Thực tế, cặp trung vệ trận này không mắc phải sai lầm nào nghiêm trọng nhưng đó là bởi Granada không có nổi một bài tấn công nào nên hồn. Alex Song là người chơi thấp hơn Mascherano một chút nhưng anh này sẵn sàng lao lên quá giữa sân để lấy bóng và tăng chút áp lực cho toàn bộ cầu thủ Barcelona đang phân phối đều quanh vòng 16m50 của đối thủ và điều này xuất hiện rõ ràng hơn trong khoảng thời gian Xavi được tung vào sân và Barça áp đặt hoàn toàn thế trận với hi vọng tìm kiếm bàn thắng. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng là trong những trận cầu không được đánh giá cao, vị trí trung vệ của đội bóng xứ Catalan cũng khó có thể trao cho các cầu thủ trẻ trưởng thành từ La Masia mặc dù bao nhiêu trung vệ Pep đem về từ các đội bóng khác hầu như là thất bại (Chygrynskiy, Martín Cáceres...). Bartra được đôn lên đội 1 nhưng chẳng ai nhớ anh chàng này đã được thi đấu một phút nào cho đội bóng mùa giải này hay chưa, đá với một đội bóng xếp thứ 18 La Liga và chỉ giành được 2 điểm sau 4 trận đầu tiên mà Tito vẫn nói không với các trung vệ "Cây nhà lá vườn" thì chúng ta sẽ phải đợi đến bao giờ để thấy Bartra, Fontas được ra sân thi đấu? Đừng nói là khi đá với 2 đội bóng xếp thứ 19 và 20 bởi vì họ là Espanyol và Osasuna. Trận Osasuna thì chúng ta đã thấy Barça chật vật như thế nào còn đá với Espanyol thì chắc chắn Bartra và Fontas không đủ kinh nghiệm vì gã hàng xóm khó ưa còn quyết tâm hơn cả bầy kền kền khi đối mặt với Barca. Nói trắng ra, trận đấu với Granada là trận đấu xứng đáng nhất cho hai trung vệ La Masia được quyền thể hiện bản thân thì Tito vẫn nói không. Hay phải đến khi gặp một đội bóng hạng nhất tại cúp nhà vua thì Bartra và Fontas mới có cơ hội thử sức?

Thứ hai nữa là qua những gì Thiago Alcantara và Cesc Fabregas thể hiện trong hiệp 1 thì đã quá rõ ràng để kết luận hai cầu thủ này chẳng thể nào sao y được phong cách của Xavi và Iniesta. Điều này có những cái lợi và hại riêng tuỳ theo quan điểm của chúng ta và đội bóng. Xin nói mặt hại trước, một khi mà hai cầu thủ trẻ Thiago và Cesc đã không thể hiện được giống như người đàn anh thì điều đó đồng nghĩa với việc tiki-taka sẽ đứt bóng ngay sau khi Xavi nghỉ hưu. Nếu đội bóng muốn duy trì chất tiki-taka nồng nàn thì bắt buộc BHL phải đi tìm ở ngoài kia môt cầu thủ có đẳng cấp và phong cách gần với Xavi nhất có thể chứ không phải là Thiago và Cesc. Ngay cả với hai cầu thủ tài năng như vậy cũng không thể ăn khớp với đội hình Barcelona thì có lẽ chúng ta không cần phải mơ mộng về các thế hệ tiếp sau của La Masia nữa mà sẽ chuyên tâm vào mảng tìm kiếm trên thị trường chuyển nhượng. Hoạ chăng 30 năm sau lò đào tạo này mới có thể cho ra lò hai sản phẩm ưng ý như Xavi và Iniesta. Mặt lợi, Barça vẫn sử dụng Thiago và Cesc nhưng tiki-taka sẽ biến tấu đi theo một cách nào đó mang phong cách riêng của hai cầu thủ này mà không ai có thể biết được, có thể kiểm soát bóng cao hơn hoặc thấp hơn, chuyền dài nhiều hơn hoặc sử dụng kĩ thuật cá nhân rê dắt nhiều hơn v.v... Nhưng thật khó gọi những lối chơi như vậy là tiki-taka. Đó sẽ là một loại võ công mới được sáng tạo bởi một bộ đôi mới. Cái gì cũng phải có sự hi sinh, vận động là quy luật của cuộc sống và khi Barça không thay đổi, đội bóng tất sẽ bị đẩy lùi. Hi sinh La Masia hay hi sinh tiki-taka, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Điểm sáng Xavi, Tello - điểm tối Sanchez, Villa

Chỉ cần Xavi vào sân, Barcelona linh hoạt hơn hẳn mặc dù người đáng bị thay ra là Cesc Fabregas chứ không phải là Thiago. Khi Tito tung vào sân một hàng tiền vệ không có bộ não Xavi thì điều đó đồng nghĩa với việc ông muốn xoay vòng và phân chia sức lực cho mọi cầu thủ. Dù sao thì Tito cũng đã đạt được mục đích khi Xavi chỉ cần thi đấu nửa trận và Barcelona vẫn bỏ túi 3 điểm. Mặc dù vậy, cái sự xoay vòng của Tito là một cách chữa cháy chứ không phải ý đồ cao siêu nào đó. Thông thường, đội hình xuất phát là đội hình mà HLV đã nghiên cứu để đảm bảo chiến thắng, có nghĩa là Tito tin tưởng Thiago-Cesc sẽ giúp Barça mang về bàn thắng mà không cần phải sử dụng Xavi. Tuy nhiên cuối cùng thì Xavi vẫn vào sân, kế hoạch của Tito coi như đổ bể và ông cần Xavi để xây lại chiến thắng và mang về 3 điểm. Một cách xoay vòng ngược đời và bôi bác nhưng qua đó chúng ta thấy rõ được tầm quan trọng của Xavi, khi anh vào sân cả đội bóng tràn lên áp đặt thế trận và cơ hội này nối tiếp cơ hội kia, để rồi anh trực tiếp phá vỡ thế bế tắc bằng một cú vuốt má từ khoảng cách 16m50 quá tuyệt vời. Cũng từ đó mà Barça cởi bỏ được khớp tâm lý nơi hàng tiền đạo và bàn thắng tiếp theo đến thật dễ dàng.

Tello chính là tiền đạo bám biên tốt nhất thời điểm hiện tại. Không phải Villa, Sanchez hay Pedro, Tello mới chính là cầu thủ nằm lòng những ý tưởng kì lạ cho một tiền đạo được xây dựng bởi Tito và Pep. Khi Cuenca trở lại sau chấn thương, hai cánh của Barça sẽ được đảm nhận bởi Tello và Cuenca chứ không phải là Pedro hay Sanchez. Nói về Villa, anh vốn là một tiền đạo săn bàn đẳng cấp và hầu như cả sự nghiệp cầu thủ, anh chỉ quen với một nhiệm vụ ghi bàn duy nhất, đó là lý do mà Villa khó có thể chấp nhận trở thành một tiền đạo bám biên cả trận chỉ được sút 1,2 quả còn lại là cố gắng tạt bóng vào cho đồng đội. Vấn đề thể lực, sức rướn thì cả Sanchez, Villa, Pedro không một ai có thể bằng được Tello. Rõ ràng, Sanchez được giao nhiệm vụ ở cánh phải đúng với chân thuận của anh ta cùng với sự hỗ trợ của Alves, đã không làm nổi một tình huống căng ngang nên hồn, hầu như toàn tạt bóng cầu may và bóng đi quá cao khỏi tầm khống chế của bất kì ai xuất hiện trong vòng 16m50. Trong khi Tello thuận chân phải, đứng cánh trái với một Adriano không thể so sánh với Alves thì toàn bộ bóng tập trung hết về phía cánh trái cho Tello. Cầu thủ này có phong cách rê dắt dựa vào thể lực, đó là lý do là sức rướn của anh rất tốt, Tello chỉ cần một khoảnh khắc vượt lên hậu vệ đội bạn là đã có một đường căng ngăng cực chuẩn vào trong cho các tiền đạo Barca. Trong trận đấu này, rõ ràng Tello đã tạo ra những cơ hội rõ rệt và nếu Xavi hay Messi chính xác hơn thì bàn thắng đã đến và Tello lại một lần nữa góp công lớn vào chiến thắng. Với một vị trí mang tính thể lực và yêu cầu chuyền bóng nhiều, dứt điểm tốt khi có cơ hội thì rõ ràng Tito tin tưởng vào Tello là hoàn toàn chính xác. Không nói quá khi cho rằng, Tello đã làm hồi sinh cánh trái nhờ vào chính khả năng của anh.

Villa là thần tượng và chiếm một vị trí quan trọng trong lòng các culé nhưng chúng ta phải nhận ra một sự thực rằng, sắp đến lúc những kỉ niệm đẹp về Villa chỉ còn nằm lại trong viện bảo tàng. Những bàn thắng mà Villa đóng góp cho tới thời điểm này chỉ có trách nhiệm tô điểm, trang trí cho chiến thắng thêm ngọt ngào và góp phần đem lại niềm vui cho người hâm mộ. Đừng kì vọng vào một sự hồi xuân ở một tiền đạo cao tuổi, sau chấn thương nặng mà mùa giải xuất sắc nhất của anh chỉ có thể ghi được 20 bàn cho Barca. Ngoài ra, nếu Tito trung thành với ý tưởng tiền đạo bám biên, Sanchez cũng sẽ là đối tượng phải nói lời chia tay với Barcelona dù khả năng của anh là rất tốt. Ngoài ra, Barça cũng không cần phải mang về thêm Neymar hay vội vàng đôn Deulofeu lên bởi họ là những sát thủ ghi bàn, đừng đẩy họ vào một vị trí chiến thuật như Tello hay Cuenca.

Nhìn chung, chúng ta đã tới gần thời kì chuyển giao. Đội bóng đang bâng khuâng giữa những dòng nước, La Masia hay tiki-taka, tiền đạo bám biên hay tiền đạo ghi bàn, Messi đá ở đâu v.v... Những êm đềm dưới triều đại của Tito sẽ chóng qua và đây là mùa giải mà đội bóng nên gắng sức gặt hái về những danh hiệu nhiều nhất có thể để dự phòng cho những năm khó khăn phía trước.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.