Atletico - Barça: Khi Messi trên ngọn thập giá số phận

La Liga
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

La Plata, thủ phủ của Buenos Aires, đã chờ buổi trình diễn của U2 từ rất lâu. Nhưng U2 vẫn chưa thể diễn. Các thành viên của ban nhạc Ireland lừng danh đang cùng với hàng vạn khán giả có mặt tại sân Estadio Unico còn bận dõi theo một màn trình diễn cũng cảm xúc không kém của Lionel Messi. Phía trong hậu trường, Bono và các cộng sự theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Còn phía ngoài sân, tất cả đều hướng về màn hình lớn, trực tiếp những diễn biến tại Quito, Ecuador cho trận đấu chót tại vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ.

Hàng chục nghìn khán giả có mặt trong sân vận động chờ xem show diễn của U2, nhưng tất cả đều hướng lên màn hình lớn để dõi theo màn giải cứu tuyển Argentina của Messi. Ảnh: Clarin.

Show diễn đã bị đình lại hai tiếng, nhưng U2 không hề phàn nàn. Khi ban nhạc bước lên sân khấu, câu đầu tiên Bono nói vào micro là: "Chúa tồn tại các bạn ạ".

Với người Argentina, hôm ấy Chúa quả thực tồn tại trong hình hài của Lionel Messi. Ecuador ghi một bàn làm cả nước Argentina đứng tim, nhưng rồi một bàn, cú đúp rồi hattrick, Lionel Messi mang nụ cười trở lại quốc gia mê cuồng bóng đá này.

Lần gần nhất một cầu thủ khác không phải Messi ghi bàn cho Argentina ở một trận đấu chính thức đã cách đây gần một năm. Messi đoạt bóng, Messi dốc bóng, Messi kiến tạo. Nhưng khi chẳng ai biết cụ thể hóa cơ hội mà Messi tạo ra, thì chính anh làm nốt việc ấy.

Messi đã giúp Argentina tiến vào bốn trận chung kết của bốn giải đấu lớn, trong đó có trận chung kết World Cup. Nhưng chưa bao giờ, vai trò của anh lại quan trọng với Argentina đến nhường này. Chỉ có Messi mới cứu cho Argentina thoát khỏi một kết cục bẽ mặt: á quân World Cup 2014 lại làm khán giả tại World Cup 2018.

Argentina đã đứng rất gần bờ vực. Trước trận đấu, Messi thừa nhận anh sẽ phát điên nếu việc ấy xảy ra. Và anh cũng thừa nhận: Argentina đang sợ hãi. Nhưng rồi cũng chỉ có anh xua tan đi nỗi sợ hãi ấy. Argentina trở thành đội bóng một người đúng nghĩa. Angel Di Maria nói: "Chú lùn đã mang chúng ta đến Nga".

Bono cám ơn Messi, bởi Argentina mà thua thì họ cũng chả còn tâm trạng mà trình diễn, trước đám đông cũng chả còn tâm trạng nghe nhạc. Tiếng cám ơn vang lên ở mọi nơi, không phải là lời cám ơn thông thường, mà là một kiểu tạ ơn đấng cứu thế (Messiah trong tiếng Anh là đấng cứu thế).

"Ơn Chúa", El Mundo Deportivo giật tít. Tiêu đề của tờ Diario Sport là: "Chúa sẽ đến World Cup". Ngay cả tờ Marca thân Real Madrid cũng dành cho siêu sao của đại kình địch Barça một sự thán phục với tít: "Có một quốc gia mang tên Messi". Hôm thứ Tư vừa rồi, Argentian cần anh hơn bao giờ hết.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri lên tiếng: "Những ai từng hoài nghi Messi bây giờ đã mất tích". HLV đội tuyển Argentina, Jorge Sampaoli gọi việc hoài nghi Messi là "thiểu năng". Sampaoli đã bỏ cả một sự nghiệp đang thênh thang ở châu Âu để về cầm quân cho Argentina, chỉ vì Argentina có Messi. Khi còn làm HLV Sevilla, Sampaoli từng nói: "So sánh bất kỳ ai với Messi cũng giống như so sánh cảnh sát với Batman vậy".

Cánh nhà báo từ các nơi trên thế giới đã cạn kiệt từ ngữ về Messi. Guardiola từng nói: "Tôi cứ nghĩ mình giúp Messi thành cầu thủ hay nhất thế giới, nào ngờ cậu ta lại biến tôi thành HLV giỏi nhất". Sau nhiều lần ví von, tán dương đến cạn kiệt từ vựng, Guardiola bảo: "Thôi đừng viết về cậu ấy nữa, hãy tận hưởng Messi".

Martin Demichelis, cựu tuyển thủ Argentina gọi Messi "nhân vật huyền ảo". Javier Mascherano nói Messi thuộc về quần chúng, một kiểu di sản thế giới. Neymar, nhân vật xuất chúng nhất của bóng đá Brazil hiện tại, đã phải rời bỏ Barça vì anh biết còn ở đó, con đường trở thành số một của anh sẽ rất gian nan.

Nhìn cách người Argentina tôn sùng Messi hiện nay, thật khó tin khi nhớ lại cách đây nhiều năm, người ta đã chối bỏ anh. Messi từng bị xem như "người Catalonia đá thuê cho đội tuyển Argentina". Họ vẫn đến nhà bố mẹ Messi vẽ bậy lên tường, la hét chửi bới vì anh không thể hiện được phép màu ở đội tuyển như cách anh chơi hàng tuần ở Barça.

Nhưng rồi Messi lầm lũi thực hiện phận sự của anh. Sau khi Argentina vào chung kết World Cup 2014 với nguồn cảm hứng từ đôi chân của anh, đất nước Argentina thay đổi thái độ. Khi Messi tuyên bố giã từ đội tuyển trong mùa hè, người Argentina gọi đó là "thảm họa quốc gia". Và tất cả mở chiến dịch kêu gọi anh trở lại. Và bây giờ họ thở phào vì ngày ấy anh đã trở lại, để trục vớt tấm vé đến Nga ngỡ như đã chìm dưới ba tấc đấc. Tờ AS giật tít: "Argentina rốt cục cũng đã nhận lại đứa con thất lạc Messi".

"Cám ơn anh, cám ơn, cám ơn," là tít của tờ Ole Ole (Argentina). Tờ El Grafico giật tít: "Cám ơn Chúa, cám ơn Messi". Clarin gọi anh là "cỗ máy tạo hy vọng". La Gaceta viết: "Với Messi, không giấc mơ nào là bất khả thi". Ole, trong một bài khác, còn viết: "Messi chính là Argentina".

Nhưng trở lại sau kỳ nghỉ nhường chỗ cho các ĐTQG, Messi còn là Barça nữa. Cuộc trưng cầu dân ý quanh việc đòi độc lập cho Catalonia vẫn căng thẳng. Nội bộ Barça vẫn đang rối ren vì không biết nên ứng xử như thế nào cho phù hợp. Thật may là trong cơn hỗn mang ấy, họ vẫn còn đó "cỗ máy tạo hy vọng" đội.

Cỗ máy ấy, sau khi chạy hết công suất ở Argentina, đã vượt Đại Tây Dương lần thứ hai trong vòng mười ngày, trở lại Barça, để tiếp tục chạy hết công suất lần nữa. Bởi vì trước mắt anh không phải là một trận đấu bình thường, nó là cuộc đại chiến với Atletico Madrid, trên sân mới Wanda Metropolitano của đối thủ. Nó là trận đấu quan trọng thứ nhì với Barça trong mỗi mùa giải, chỉ sau trận El Clasico.

Trận gần nhất Messi đá cho Barcelona, anh phải chơi ở một Camp Nou không khán giả. Bây giờ anh sẽ đá trước 68.000 khán giả Madrid. Duyên nợ của Barça và Atletico từ thời Diego Simeone dẫn dắt đội bóng thanh Madrid đến nay ngày một dày lên. Barça vẫn thắng Atletico nhiều hơn bại. Nhưng họ từng bị Barça loại ra khỏi Champions League, họ từng chứng kiến Atletico vô địch La Liga lần đầu tiên sau 18 năm ngay trước mắt mình, với cú đánh đầu lịch sử của Diego Godin.

Đột nhiên Barça thấy đối thủ của họ tại La Liga ngày càng đáng sợ hơn. Atletico của Simeone luôn khó chịu, còn Real Madrid của Zinedine Zidane thì mạnh lên từng ngày. Và khi run rẩy, họ lại càng bấu víu vào Messi nhiều hơn nữa.

Khi không còn Neymar, Luis Suarez chỉ vừa trở lại sau chấn thương và chơi dưới sức, Ousmane Dembele đá được vài trận thì chấn thương, may mà còn có Messi lầm lũi kéo cả đội lướt qua gian khó. Barça đã toàn thắng mọi trận đấu từ đầu mùa, đang dẫn đầu bảng, không phải trận nào cũng thuyết phục, nhưng trận nào Messi cũng làm nguồn cảm hứng chủ đạo. Đấy là kết cục đã được dự báo trước, khi Barça kết thúc cuộc mua sắm mùa hè trong thảm họa.

Nhưng sau khởi đầu hoàn hảo, Atletico mới là một bài kiểm tra thực sự. Barça có thực sự mạnh dưới bàn tay của Ernesto Valverde, hay đó chỉ là một bình minh giả tạo, khởi phát từ thứ ánh sáng phát ra từ duy nhất Messi?

Atletico thì đang bước vào một bình minh mới thật sự, với một sân bóng mới, một hợp đồng với với Simeone và những cơ hội mới. Họ đang kém Barça sáu điểm, và họ muốn sau trận này khoảng cách ấy sẽ là ba điểm, thay vì chín điểm. Và Simeone biết để chặn Barça thì phải chặn Messi.

Trả lời phỏng vấn El Mundo tuần rồi, hậu vệ trái Filipe Luis của Atletico nói: "Nếu Messi chạy vào khu vực của tôi, tôi đành phải đóng vai gã chặt thịt. Bởi vì không thể cản Messi mà không phạm lỗi. Khi anh ấy xông đến trước mặt tôi ở tình huống một đối một, nếu tôi không đạp, không kéo hoặc không có điều gì kỳ quái xảy ra thì hai mươi lần, tôi chỉ mong đoạt bóng lại được một lần."

Messi là nỗi kinh hoàng của Luis và của Atletico. Anh đã ghi 27 bàn vào lưới Atletico, biến đội bóng thành Madrid này thành đối thủ ưa thích nhất. Dưới thời Simeone, Atletico phong tỏa Messi tốt hơn, nhưng anh vẫn ghi được 10 bàn trong 21 lần đối đầu với Atletico thời Simeone. Trong năm 2017 này, Messi đá 49 trận và đã ghi 49 bàn. Con quái vật đang trở lại.

Luis phải dùng tiểu xảo, và Atletico cũng dùng tiểu xảo. Cỏ sẽ dài và khô hơn sau khi nhận lệnh "cấm tưới" suốt tuần. Mang câu hỏi này đến cạnh khóe Simeone, ông nói: "Tôi không phải người làm vườn. Nhưng nếu tôi đến nhà bạn ăn tối, tôi buộc phải dùng bàn ăn nhà bạn".

Cuối cùng là nỗi lo kiệt sức. Messi đã chơi trọn vẹn tất cả các phút từ đầu mùa. Và ở những trận đó anh đều cày ải hết công suất. Anh đã phải di chuyển tổng cộng 30.050 km đợt này, với rất nhiều chênh lệch về múi giờ. Kết thúc trận đấu với Peru, Messi đã làm một việc anh chưa từng làm trong đời: vào phòng khóa trái cửa lại, không giao tiếp với bất kỳ ai và chuyển hết sự tập trung của mình cho trận đấu chót tại Quito. Người ta đã quá quen nhìn thấy điều kỳ diệu từ đôi chân của anh, mà quên mất anh cũng phải trải qua những đau khổ và khó khăn như thế nào.

Mà khó khăn của Messi đâu có khó nhận ra: cuộc bầu cử ở Catalonia, nơi anh đã sống hơn nửa đời người, thay đổi HLV, thay đổi cầu thủ, căng thẳng trong nội bộ, ba trận chung kết thất bại cùng Argentina và một trọng trách chuyên môn lớn hơn khi Neymar ra đi. Vậy mà Messi lầm lũi vượt qua hết. Một năm qua, Messi ghi bàn nhiều nhất cho Argentina, ghi nhiều thứ nhì là một cầu thủ mang tên "phản lưới nhà". Ở Argentina, các đồng đội cứ như bỏ mặc anh vậy.

"Leo vui vẻ là hạnh phúc của Barça," Andres Iniesta nói. "Vì anh ấy vui thì Barça sẽ khỏe mạnh. Giờ chúng tôi sẽ nghĩ về Atletico".

Nhưng có dễ vậy không? Atletico là một bài kiểm tra thực sự. Và chúng ta cũng biết trước một kết cục xưa như trái đất: Messi không tỏa sáng, Barça sẽ đón nhận thất bại đầu tiên trong mùa. Barça đã cố mua Luis Suarez và Neymar về để làm giảm bớt hội chứng Messidependecia (phụ thuộc Messi). Để rồi sau hai năm, họ thấy căn bệnh ấy từ chỗ rất nặng trở thành... không có thuốc chữa!

Hoài Thương (vnexpress) dịch từ ESPN

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.