Ngay từ lúc này, khi vòng tứ kết vừa khép lại, không ít người đã đặt câu hỏi, liệu Barça có thể làm được điều như Milan mùa giải 2006/07, giành chức vô địch sau khi bỏ lại sau lưng 3 CLB Anh, hay đội quân của HLV Pep Guardiola một lần nữa sẽ phải đầu hàng trước sự thống trị của xứ sương mù?
Trên lý thuyết, Barcelona hoàn toàn có thể làm được điều kỳ diệu đó để lần thứ 3 trong lịch sử giành ngôi quán quân châu Âu (cấp CLB). Vì sao? Nếu so với Milan của hai năm trước, Barça hiện tại ổn định và có lực lượng đồng đều hơn, nếu không muốn nói là mạnh hơn, và chỉ thua về kinh nghiệm của 2 HLV (Ancelotti và Guardiola).
Cần nhớ rằng, cho đến trước khi Milan đăng quang ở Athens, với một đêm diệu kỳ của Pippo Inzaghi, đại diện của Serie A bị đánh giá thấp hơn so với cơ hội của 3 đối thủ còn lại. Cũng đúng thôi, khi M.U đang là đội bóng trẻ trung đầy sức mạnh, Liverpool rất ổn định khi đá Cúp, và Chelsea của Mourinho là một ẩn số.
Nhưng Milan vẫn thắng. Sau thất bại trong cuộc rượt đuổi ngoạn mục ở Old Trafford là chiến thắng tưng bừng 3-0 trong một đêm mưa tại San Siro. Ở Athens, một Milan già cỗi và bị đánh giá thấp hơn Liverpool đã biết phân phối sức mạnh đúng lúc để bước lên thiên đường thứ 7 (giành chức VĐ thứ 7).
Thực tế, chiến thắng năm 2007 là khoảnh khắc huy hoảng cuối cùng của Milan dưới triệu đại Carlo Ancelotti và đội trưởng Paolo Maldini (không tính Cúp các CLB và Siêu Cúp châu Âu). Kể từ đó đến nay, Milan như một kẻ vật vờ để rồi trải qua hai mùa giải liên tiếp không có một danh hiệu đáng kể nào.
Còn Barcelona mùa giải này lại ở một vị thế khác so với Milan 2006/07, khác cả chính họ một năm trước, khi bị M.U loại khỏi bán kết. Không giống như đội hình đã thất bại ở mùa giải trước, bởi đó là hệ quả của sự sụp đổ triều đại Frank Rijkaard, hiện tại đội bóng 110 tuổi này đang bắt đầu cho một chu kỳ mới và những khát vọng mới.
Tại La Liga, Barça gần như không có đối thủ. Trên sân chơi Champions League, Barça thắng như chẻ tre, và chỉ một lần thất bại khi tiếp Shakhtar, trong thời điểm mà đội bóng xứ Catalonia đã cầm chắc ngôi đầu bảng, và tung ra sân hơn 2/3 đội hình là những gương mặt quen với ghế dự bị.
Có thể nói, ở châu Âu thời điểm này không một đội bóng nào phô diễn sức mạnh tấn công khủng khiếp như Barça. Không một nơi nào trong số 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu còn lại (trừ La Liga) mà đội dẫn đầu vượt ngưỡng 60 bàn thắng. Chỉ còn Wolfsburg vừa chạm đến 60 bàn ở Bundesliga.
Nhưng con số ấy chẳng thấm vào đâu so với Barça. Sau 30 vòng đấu, Barça đã buộc các đối thủ của mình vào lưới nhặt bóng tổng cộng 87 lần (trung bình 2,9 bàn/trận). Đây thực sự là một "chiến lợi phẩm" đáng mơ ước với bất kỳ đội bóng nào.
Ở Champions League, Barça cũng là nhất, tính đến sau vòng tứ kết. 29 bàn thắng đã được các cầu thủ Barça thực hiện, trong khi đội xếp gần nhất là Bayern Munich, từng tạo ra kỷ lục về cách biệt tại vòng knock-out Champions League cũng chỉ ghi được 25 bàn.
Chiến thắng trước Bayern Munich sau hai lượt trận với tổng tỉ số 5-1 càng khiến các đối thủ phải tôn trọng Barça hơn. Không ít người lý giải một Bayern Munich đã đánh mất tinh thần Đức, đã không còn là chính mình ngoài cái tên, nhưng điều đó không làm giảm đi sức mạnh ấn tượng của Barça.
Trong đó, nổi bật nhất là hàng công gồm "bộ 3 nguyên tử" Messi, Henry và Eto’o (hai người đầu lệch cánh). 60/87 bàn thắng của Barça ở La Liga có tên một trong ba cầu thủ này (Eto’o 26, Messi 19, Henry 15), chiếm đến gần 69%. Ở Champions Leaugue, "bộ 3 nguyên tử" cũng đã có 16 bàn.
Tuy nhiên, sức mạnh thôi thì chưa đủ để tạo nên một nhà VĐ. Điều không thể thiếu là bản lĩnh, kinh nghiệm và tất nhiên cả may mắn. Bản lĩnh Barça có thừa, nên chắc chắn đội bóng xứ Catalonia không hề ngán Chelsea - kẻ cũng đang có địa vị nhất định tại Champions League.
Nhưng về kinh nghiệm cầm quân và sự bình tĩnh, Pep thua xa Hiddink, người đang tạo một dấu ấn đặc biệt kể từ khi thay Scolari. Đây mới chỉ là mùa giải đầu tiên Pep hành nghề HLV chuyên nghiệp, trong khi hơn 2 thập niên trước Hiddink đã từng đưa PSV đăng quang đầy ngoạn mục ở Cúp C1.
Vậy, để có thể xóa bỏ đi ký ức thất bại 1 năm trước và vươn tới đỉnh cao, Barça sẽ phải cần nhiều đến sự giúp đỡ của thần may mắn. Còn lúc này, khi vòng bán kết còn 2 tuần nữa mới diễn ra, chắc hẳn nhưng CĐV trung lập đang chờ đợi màn "khiêu vũ" của Barça, để có thể phá vỡ sự độc tôn của các CLB Premier League.
Có làm được không, Barcelona?
Champions League & những lần "khiêu vũ giữa bầy sói" |
Mùa 1999/00: Mùa 2002/03: Mùa 2006/07: Mùa 2007/08: |
Quỳnh Hoa (vietnamnet)
Cuộc đối đầu kinh điển trong thế kỷ 21 ở Champions League
Lần thứ 5 trong thế kỷ này, Barça và Chelsea lại gặp nhau tại Champions League. Cả hai sẽ cố gắng hết sức để giành một vị trí tại Rome vào tháng 5 tới.
Đây là mùa giải thứ hai liên tiếp, Barça đi tới vòng Bán kết của giải đấu hàng đầu châu Âu, trước mắt họ chỉ còn 2 trận đấu nữa để đặt chân tới sân Olimpico. Và đây cũng là lần thứ 10, Barça lọt vào Top 4 đội mạnh nhất châu Âu, tuy nhiên đây là lần đầu tiên Người khổng lồ xứ Catalan đụng độ Chelsea tại một vòng Bán kết. Những lần gặp gỡ trước đây giữa 2 đội luôn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị và hấp dẫn. Chúng ta hãy điểm qua một vài điều đáng chú ý nhất.
Kết quả đối đầu ở những vòng loại trực tiếp: 2-1 nghiêng về Barça
Hai đội đã gặp nhau 3 lần gần đây tại Champions League. Ở mùa giải 99/2000, chiến thắng 5-1 trong thời gian hiệp phụ ở trận lượt về đã giúp Barça giành quyền đi tiếp. Còn ở mùa giải 05/06, chiến thắng 2-1 ngay trên đất Anh đã giúp Barça mở đường đến Paris để rồi sau đó lên ngôi vô địch trên đất Pháp.
Nhưng ở mùa giải ngay trước đó, Chelsea đã đánh bại Barça bằng bàn thắng của Jonh Terry trên sân Stamford Bridge.
Kết quả các trận đấu: Cân bằng
Hai đội đã gặp nhau trong 8 trận, mỗi bên giành chiến thắng 3 trận và 2 trận hòa. Tuy nhiên, Barça ghi được nhiều hơn một bàn thắng vào lưới đối thủ đến từ London: 15 bàn so với 14 bàn mà Chelsea ghi được.
Những thay đổi từ băng ghế huấn luyện:
Những lần đối đầu trước đây là cuộc đấu trí giữa Van Gaal và Rijkaard (Barça) cùng với Vialli và Mourinho (Chelsea). Ở lần này, hai vị thuyền trưởng đều là những người lần đầu tiên đối mặt với nhau ở cương vị huấn luyện: Guardiola bên phía Barça và Hiddink về phía Chelsea. Mặc dù trước đây họ đã đọ sức với nhau khi huyền thoại một thời của Barça vẫn còn chơi bóng. Khi đó Pep Guardiola đã giành chiến thắng 5 trận và để thua một trận.
Những ngôi sao:
Cuộc đối đầu này cũng luôn quy tụ những cầu thủ xuất sắc của bóng đá thế giới. Bên phía Barça là những Messi, Eto'o, Valdés, Puyol, Iniesta, Henry và Xavi trong khi Chelsea có thể tự hào với những Terry, Lampard, Essien, Drogba và Cech.
Cũng đã có một vài vụ chuyển nhượng diễn ra giữa đôi bên trong vài năm gần đây. Cả Belletti và Deco đều đã chuyển từ Barcelona tới London còn Gudjohnsen thì di chuyển theo chiều ngược lại.
Trận Bán kết thứ ba với một CLB Anh của Barça:
Đây là lần gặp gỡ thứ ba của Người khổng lồ xứ Catalan với một đại diện của xứ sở sương mù trong lịch sử các lần tham dự C1/Champions League: Leeds (74/75), Manchester United (07/08). Trong hai lần đó Barça đều không thể giành quyền vào chơi trận Chung kết.
* Kết quả tất cả các trận đấu giữa Barça và Chelsea tại giải đấu hàng đầu châu lục:
1999/2000 (Tứ kết)
Chelsea – FCB: 3-1
FCB – Chelsea: 5-1
2004/05 (Loại trực tiếp)
FCB – Chelsea: 2-1
Chelsea – FCB: 4-2
2005/06 (Loại trực tiếp)
Chelsea – FCB: 1-2
FCB – Chelsea: 1-1
2006/07 (Vòng bảng)
Chelsea – FCB: 1-0
FCB – Chelsea: 2-2
* Thông tin bên lề:
Ba cầu thủ của Barça cần chú ý trong việc tránh phải nhận thẻ ở vòng Bán kết là: Puyol, Alves và Sergio Busquets. Việc phải nhận thêm một thẻ vàng nữa sẽ khiến cả ba phải vắng mặt ở trận đấu tiếp theo.
Lược dịch theo FCB.cat
or post as a guest
Be the first to comment.