Người Việt Nam (nhất là ở thành thị) không có thói quen đi bộ trong giao thông. Chúng ta thường rủ nhau đi bách bộ vào buổi tối như một hình thức thể dục trước khi đi ngủ. Điều đó không có tác dụng khi hòa mình vào văn hóa giao thông của châu Âu. Những người khổng lồ to lớn cho đến đứa trẻ bé tí teo đều đi bộ. Họ đi nhanh, đi đều, đi im lặng và tuân thủ đúng luật giao thông. Những con phố sạch sẽ không bụi bặm, thời tiết mát mẻ hoặc lạnh không khiến người đi bộ ra mồ hôi là hai yếu tố tuyệt vời giúp xây dựng văn hóa đi bộ ở châu Âu. Đối với chúng tôi, sau 1-2 ngày phải đi bộ thì cơ thể bị đau nhức khắp nơi, nhất là phần lưng. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng tôi chưa bao giờ đi bộ với một cường độ nhiều và liên tục đến thế. Đau đến mức đi đến đâu có việc cần dừng lại là ai cũng tranh thủ kiếm chỗ để ngồi hoặc nằm và không muốn đi tiếp nữa. Khi cơ thể vượt qua ngưỡng chịu đựng này thì những ngày tiếp theo chúng tôi đi như bay trên phố. Đấy, Tây hóa cũng đơn giản thôi.
Barcelona ngày thứ 2: Những lá cờ bên cửa sổ
"Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ", hóa ra chủ yếu vì 'jet lag'. Sáng ngày thứ 2 ở Barcelona, tôi dậy khá sớm, tầm 7h - hơn cả ở nhà. Theo thói quen, đánh răng rửa mặt xong mở cửa ra check thời tiết còn mặc quần áo. Tương đối lạnh. Nhưng đấy là điều thứ 2 tôi quan tâm, thứ đầu tiên đập vào mắt là mấy lá cờ Catalunya treo trên cửa sổ nhà đối diện.
Một trong những cảm giác của tôi về nơi này: Barcelona là một thành phố bất an. Những nơi khác tôi đi qua trong chuyến đi, bất kể giàu có sang trọng hay dúm dó nợ nần, đều chung một niềm hãnh diện với quốc gia mà họ thuộc về. Paris, Rome, Florence, Pisa, Athens, nơi nơi phấp phới Quốc kỳ. Barcelona khác hẳn. Khắp thành phố chỉ có Tòa Thị chính có cờ Tây Ban Nha, còn lại là cờ Catalunya và FC Barcelona. Điều này thể hiện một niềm tự hào, nỗi canh cánh đầy bất an, trong cảm nhận riêng biệt của tôi.
Vì Barcelona thuộc về Catalunya.
Catalunya có một lịch sử phức tạp, đau đớn nhưng đẹp đẽ. Điều đẹp đẽ nhất cho đến bây giờ, là sau ngoài ba trăm năm bị nhập về Tây Ban Nha, mảnh đất này vẫn kiên cường, kiêu ngạo và gìn giữ bằng được ngôn ngữ, tư tưởng và ước vọng độc lập của mình. Xứ Catalunya, mà đại diện là thành phố Barcelona, đều nhớ rất rõ họ là ai, từ đâu tới, từng có những gì, và bị kẻ nào vùi dập.
Tộc người này, kiêu hãnh về nguồn gốc, đến mức chỉ một nhóm nhỏ di cư đến cái làng Alghero bé tí teo trên đảo Sardinia nước Ý từ thế kỷ 12 cũng khiến tiếng Catalan được coi là ngôn ngữ chính thức thứ 2, và lá cờ Catalunya nằm trên logo làng đến tận bây giờ.
Chúa trời và Lịch sử cho họ tính cách ấy, nên họ phải kiên cường, trở thành cái gai trong mắt Hoàng gia Tây Ban Nha.
FC Barcelona là ngọn cờ đầu của niềm kiêu hãnh đau đáu trên.
Catalunya, từng là một dân tộc có lãnh thổ, có văn hoá, ngôn ngữ, di sản riêng. Cho đến thế kỷ thứ 17, sự qua đời của vua Tây Ban Nha Charles (Carlos) II đã châm ngòi cho Chiến tranh Kế vị, trong đó liên minh gồm các nước Âu muốn ngăn cản việc hợp nhất của Tây Ban Nha và Pháp dưới sự trị vì của Philippe (Felipe) Anjou, người vốn được chọn thừa kế bởi Charles. Ngày 11/9/1714, vua Philippe V vương triều Bourbon của Tây Ban Nha sau 14 tháng tấn công vây hãm thành Barcelona đã đánh bại quân đội Catalunya, vốn chiến đấu để ủng hộ vương triều Hapsburg nước Áo. Thất bại của Barcelona đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của Công quốc Catalunya, độc lập tự do của Catalunya không còn khi hoàn toàn bị hợp nhất với Tây Ban Nha.
Từ ấy, Catalunya nằm dưới quyền cai quản của Hoàng gia Tây Ban Nha. Nhưng mảnh đất này vẫn âm ỉ ngọn lửa hồi sinh quốc gia đã mất. Ước vọng lại bị vùi dập bạo tàn sau cuộc nội chiến năm 1936, dưới tay độc tài Franco - một kẻ hâm mộ Real Madrid. Cả một quốc gia, một nền văn hóa, một ngôn ngữ gần bị thủ tiêu. Catalunya chỉ còn một thành lũy duy nhất: sân Camp Nou. Một vũ khí duy nhất: FC Barcelona. Trong những ngày lầm than, đội bóng đã phải thua những trận 11 bàn trắng vì súng áp mang tai; Josep Sunyol - chủ tịch thứ 28 của FC Barcelona bị chính quyền Franco bắt và xử tử không cần qua bất cứ phiên tòa nào (nên đừng hỏi vì sao câu cửa miệng của tôi là Bọn Madrid!). Cho đến năm 1975, khi Franco chết, bởi một trong những đòn chí mạng cuối đời là trận thua 0-5 trên sân nhà của Real dưới tay Barcelona - Cruyff. Chủ nghĩa phát xít đã kết thúc, nhưng sự o ép vẫn còn, và độc lập lại càng chưa.
Ước vọng độc lập của xứ Catalunya chưa một ngày nguôi cạn. Mỗi giây thứ 14 trong phút thứ 17 các trận đấu trên Camp Nou, các culé lại hô vang từ Độc lập, để nhắc mình về năm 1714 đau thương. Trên ban công các tòa nhà, khu phố hay cơ quan công quyền, chỉ một màu cờ Catalunya.
Khát khao ấy càng bùng cháy trong vài năm gần đây, khi thành phố tổ chức cuộc bầu cử (bị chính quyền Tây Ban Nha cho là vi hiến) tháng 9/2015, rồi rậm rịch tuyên bố ly khai năm 2017. Ngày hôm sau, khi tôi hỏi chuyện Phó Chủ tịch Penya (Hội CĐV chính thức của FC Barcelona) lâu đời nhất thành phố Barcelona về tương lai FC Barcelona nếu Catalunya ly khai, người đàn ông tầm 38 tuổi ấy nói: "Điều lớn nhất chúng tôi ước mong là độc lập, tương lai FC Barcelona tính sau".
Chính biến đó là một trong những nguyên nhân thúc đẩy chúng tôi thực hiện chuyến đi này, trước khi các thay đổi (biết đâu) khiến các quy định về Visa hay tương lai của FC Barcelona bị ảnh hưởng.
Nhưng thôi, nói chuyện chính trị chính em mãi đau đầu, tôi đã thử thời tiết xong, và đóng cửa lại để chọn quần áo. Hôm nay, chúng tôi có một lịch làm việc với đại diện FC Barcelona, cũng như tiến hành Camp Nou Experience tour.
(bài hồi ký đăng trên blog riêng của Thùy Mai)
or post as a guest
Be the first to comment.