Lễ trao giải Quả Bóng Vàng FIFA 2012 đã qua, nhưng mấy ngày nay những vĩ thanh của sự kiện này vẫn âm vang trên khắp các mặt báo, như để đáp lại sự mong đợi và kỳ vọng của độc giả, những người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới.
{xtypo_dropcap}K{/xtypo_dropcap}hi FIFA – một tổ chức lớn thứ 3 hành tinh sau IOC và Liên Hiệp Quốc kết hợp cùng France Footlall công bố Messi lần thứ tư liên tiếp đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh theo cái cách không thể thuyết phục hơn với hơn 41% phiếu bầu (gần gấp đôi người về thứ 2), thì tại khắp các mặt báo uy tín, Messi đã thực sự trở thành nhân vật của thời đại. Màn trình diễn của anh trong năm 2012 sẽ còn được nhớ mãi trong lòng người hâm mộ, lối sống và cách ứng xử của anh mãi mãi sẽ được các thế hệ thanh thiếu niên noi theo như một biểu tượng của nghị lực, tài năng, niềm đam mê và lối sống chuẩn mực, thì ở đâu đó lại xuất hiện vài tờ báo lá cải, một sản phẩm không mong muốn nhưng chẳng thể thiếu ở Phương Tây loan tin (vịt) về một âm mưu của FIFA dồn phiếu cho Messi nhằm đánh bại Ronaldo.
Nhưng ở một xã hội văn minh, sẽ chẳng cần một cơ quan định hướng, chỉ bảo người dân “điều này đúng hay chuyện kia sai” mà tự bản thân họ nhận thức được rằng nên tin vào điều gì. Không có buổi phỏng vấn độc quyền, không một phát ngôn chính thức và chẳng có phiên điều trần nào từ các quan chức, bởi vì một tổ chức uy tín, nơi hội tụ gần 200 thành viên như FIFA đã là một sự đảm bảo. Ở khía cạnh khác, các tờ báo lớn cũng không dại mà quẳng vào sọt rác uy tín cả trăm năm viết bài của mình để hùa theo những tin tức kiểu như vậy. Rốt cuộc, những tin tức thất thiệt, câu khách tự động sẽ rơi vào quên lãng mà chẳng đáng để kèm theo một tiếng thở dài của bất kỳ ai. Với họ việc gian dối (nếu có) của FIFA sẽ không thể là cách thức thô sơ như vậy trong thời đại này. Những tên tuổi như Perkeman, Ibra, Thiago Silva, Rosicky nếu bị lừa dối, sẽ lập tức đồng loạt lên tiếng để bảo vệ nhân phẩm và lẽ phải – những thứ họ được học từ bé, được bao bọc trong cả cuộc đời và vì những điều đó mà thành danh. Như cái cách mà Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ bầu chọn trao giải Oscar, như cái cách các nước tổ chức bầu nguyên thủ quốc gia, mà ở đó luôn đề cao (và cố hướng đến) sự minh bạch, công bằng, thì chẳng có lý do gì FIFA lại áp dụng cách thức ngược lại như Libi, Siria, Ai Cập và một số nước khác thường làm.
Nhưng lạ kỳ thay (hoặc chẳng có gì là lạ?) tin đồn bên trời Tây chỉ nhẹ như một làn gió thoảng qua đã phút chốc trở thành một trận cuồng phong ở làng báo Việt, thôi thì đủ các loại báo, không chỉ báo lá cải (đã đành thế) đón nhận tin như nhặt được 1 “tờ vé số chưa điền số, điền ngày”, lập tức dịch, đưa tin hối hả, mà cả những tờ báo lớn, có uy tín vài chục năm nay cũng nhanh nhảu đưa theo. Mà ở cái thời đại công nghệ thông tin này, tin đồn như những vệt dầu loang, làm bùng lên sự giận dữ của những độc giả cả tin, làm hả hê những fan cuồng thiếu suy nghĩ và đâu đó có cả sự thất vọng về một giải thưởng cao quý bỗng chốc trở nên tầm thường. Cũng phải thôi, khi ở một đất nước sản sinh ra The Voice dàn xếp, giải thưởng âm nhạc khuất tất, khi nền bóng đá đầy rẫy bán độ và âm mưu thì những scandal dưới góc nhìn của độc giả sẽ có nhiều phần “thật”. Khi một xã hội đã không còn niềm tin thì chính scandal kiểu này (chứ không phải những câu chuyện mang tính nhân văn) sẽ đóng vai trò "quan trọng" của nó, như liều morphine tiêm vào cơ thể đang đau đớn vì ung thư vậy.
Có thể đối với người Pháp, một mẩu bánh mì vẫn là chiếc bánh mỳ, nhưng chắc họ cũng chẳng thể tưởng tượng được rằng ở một nơi xa xôi cách họ 6 múi giờ, những hạt vụn của chiếc bánh mỳ có thể và đầy nguy cơ trở thành sự thật.
or post as a guest
Be the first to comment.