Thị trường châu Á: Trời chuyển lạnh

Pep ký hợp đồng có thời hạn đến năm 2016

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Có lẽ tin tức Messi ký hợp đồng mới gắn bó với Barça đến tuổi băm tràn ngập trên báo không được quan tâm là mấy khi đó gần như là chuyện tất yếu. Quả bom lớn nhất chính thức được quan tâm đặc biệt cục bộ ra ngày hôm nay khi tập đoàn kinh tế của Rosell tung ra mới thật là độc đáo. Barça đã nhắm đến thị trường Việt Nam.

Trận đấu vòng 23 sắp tới sẽ chẳng có gì đặc biệt với fan hâm mộ Barça trên thế giới. Nó rơi vào ngày 10-2. Ngày đó thì các toà báo chuyên nghiệp ở Việt Nam đang bận rộn nghỉ ngơi. Chỉ có các fan hâm mộ là háo hức chờ đón. Chả mấy khi Barça đá vào lúc 6h chiều theo giờ Việt Nam và đây là lần đầu tiên sân Camp Nou làm vậy. Chúng ta sẽ xuất phát từ Nhật Bản.

Xứ hoa anh đào luôn là số 1?

Thị trường hình ảnh của FC Barcelona vốn dĩ quá lép vế so với Real Madrid, Inter Milan...trước kia và so với Manchester United thì thôi đừng có hỏi. Do đó chính sách thu hút sự chú ý từ thị trường này là cực lớn trong gần chục năm qua. Rất dễ hiểu, châu Á là cội nguồn của cá độ. Gần như các tay trùm cá độ, các trận bóng bị mua bán, các giải đấu bị lũng đoạn và thiếu thương hiệu đều xuất phát từ châu lục này. Trái lại, người châu Á lại thích thú tham gia cá độ các trận bóng ở châu Âu nhiều hơn cả vì ai cũng cho rằng thương hiệu và chất lượng từ cựu lục địa rất đảm bảo. Thế nhưng khi cơ quan cảnh sát châu Âu vừa phanh phui hàng loạt các phi vụ mờ ám về bóng đá ở châu Âu mà đứng đằng sau đều có nguồn gốc từ các tay trùm châu Á thì người dân châu Âu bắt đầu vỡ lẽ hoá ra họ hâm mộ bóng đá xứ mình chưa chắc nhiều bằng lục địa lớn nhất thế giới. Nhưng các ông chủ các đội bóng thì biết được điều này từ lâu và họ đều vạch ra những kế hoạch thâm nhập thị trường châu Á hoặc thậm chí xuất khẩu hẳn thứ bóng đá của mình sang tận đây nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao.

Một thập niên trước, Nhật Bản là số 1 của châu Á về kinh tế. Kể cả bây giờ về thực chất. Laporta tung tiền ra thăm dò khắp thế giới và chốn dừng chân đầu tiên không phải cộng đồng nói tiếng Ả Rập vốn rất đông đảo về số lượng mà là xứ sở hoa anh đào. Khỏi cần dài dòng thì mọi fan hâm mộ Barça đều ghen tỵ với thực chất cuộc sống và mức thu nhập của người dân đất nước này. Bạn có thể tìm đỏ mắt hay cố gắng lục tung các chợ đầu mối của Tokyo hay Kyodo để tìm một món đồ mà ở Việt Nam hay Trung Quốc nhan nhản. Đó là chiếc áo đấu của FC Barcelona có xuất xứ không gắn nhãn hiệu chính hãng. Do đó rất dễ hiểu Laporta chọn đất nước này để đặt một chân vào thị trường châu Á thay vì Trung Quốc hay Ấn Độ có tiềm năng lớn hơn trong tương lai.

Một điều dễ hiểu nữa giải thích cho sự thống trị niềm tin về người Nhật của Laporta rằng đất nước này sở hữu giải bóng đá hấp dẫn nhất châu lục cùng với một phong trào cổ động cực kỳ chuyên nghiệp. Các sân bóng của Nhật Bản và hình ảnh những rừng cổ động viên của họ phất phới bóng mềm hay cờ hiệu từng được mọi kênh truyền hình đưa tin về bóng đá trên thế giới gắn vào trailer giới thiệu. Đến tận ngày nay rất khó tìm ra một giải đấu nào ở châu Á có thương hiệu tốt đến thế và lẽ dĩ nhiên đội bóng của người Nhật cũng là số 1 ở châu Á. Mặc dù nền kinh tế đất nước này đã tụt xuống sau Trung Quốc nhưng sẽ thật dốt khi hỏi ban lãnh đạo FC Barcelona câu hỏi với họ Nhật Bản có còn là thị trường số 1 đối với Barça ở châu Á hay không.

Trung Quốc và phần còn lại

Sau Nhật Bản, FC Barcelona bước đầu thâm nhập các thị trường khác có tiềm năng hơn. Bước đi đầu tiên tất yếu đều theo lộ trình bắt đầu từ những hội cổ động viên được công nhận chính thức tại nước đó. Singapor, Thái Lan, Ấn Độ rồi đến Trung Quốc. Singapor quá yếu về số lượng và ta không cần bàn đến. Có lẽ hội cổ động viên được công nhận ở đất nước này giờ cũng không còn quan tâm đến mạng internet nữa. Thái Lan đã từng có nhưng rồi người Thái cũng bỏ không tham gia nữa vì cuộc chơi với FC Barcelona hao tốn hơn họ tưởng. FC Barcelona đã có thương hiệu tại Ấn Độ nhưng tế nhị ở chỗ đất nước này không coi bóng đá là số 1 giống Mỹ. Chỉ còn Trung Quốc.

Khi ở Ấn Độ không quan tâm lắm đến FC Barcelona thì mọi đất nước còn lại (trừ Nhật Bản) cộng lại cũng không thể bằng Trung Quốc xét về dân số. Ở Trung Quốc duy trì hai hội cổ động viên chính thức của FC Barcelona là Bắc Kinh và Thượng Hải. Năm 2010, Barça kênh kiệu không muốn vào đất nước này dù đã được hai hội cổ động viên liên lạc. Quan điểm lúc đó khá nhạy cảm: ngồi cùng mâm với Real Madrid. Rosell không thể công khai chuyện phải nghe theo Perez giống như đàn em. Đó là điều tối kỵ đối với tân Chủ tịch. Mặc kệ Perez hứa hẹn với người Tàu, Rosell lẳng lặng bỏ về. Nhưng rõ ràng Trung Quốc quá lớn và một tay con buôn cự phách như Rosell cũng đủ chiêu trò để dựng lên bên cạnh một cánh tay trái về truyền thông người gốc Trung Quốc Lee Hsing và chẳng lâu sau Barça đã có phiên bản tiếng Trung Quốc phục vụ dân tộc này cho dù không được chính quyền Hồ Cẩm Đào cho phép mua tên miền riêng (buộc phải dùng tiên miền ở trọ với trang qq của Trung Quốc). Chuyện sâu xa của dân tộc này Barça có lẽ sẽ còn nhiều bí ẩn liên quan đến giới cầm quyền không tiện nói ở đây. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng dù đã làm bộ làm tịch khá nhiều nhưng Barça rất rất quan tâm đến Trung Quốc hiện tại và trong tương lai. Thị trường này là tương lai quan trọng nhất khi bản thân xứ Catalan cũng khó sánh nổi về độ lớn so với một hội bên đất nước đông dân này.

Vậy Việt Nam đứng ở đâu?

Rất khó so sánh và khó trả lời dứt khoát được câu hỏi này. Bản thân dân tộc ta đúc kết một kinh nghiệm đại loại: "Đoàn kết là một khái niệm xa xỉ, người Việt Nam chỉ đoàn kết khi dân tộc bị lâm nguy". Điều này khá đúng với mọi tổ chức hay thành phần. Do đó có thể nhìn nhận một cách tương đối về vị trí của Việt Nam trong tương quan bản đồ của FC Barcelona. Nhưng nó đủ lớn và có tiếng vang để FC Barcelona nhận thấy không nên bỏ qua đất nước nhỏ bé nhưng coi bóng đá là số 1 và đang ngày càng có xu hướng xa rời bóng đá nội để hướng ngoại. Trong 10 đứa trẻ mặc áo bóng đá ở Việt Nam rất khó, thậm chí là cực kỳ khó tìm ra con số chẵn mặc áo tuyển Việt Nam chứ đừng nói đến các đội bóng. Nếu mở rộng ra 100 đứa trẻ thì dĩ nhiên cũng có 2-3 màu áo từ các đội bóng địa phương có truyền thống giữ gìn bản sắc lâu đời. Nhưng nó vẫn quá ít và quá yếu so với thương hiệu của bóng đá châu Âu.

Không có một con số thống kê chính thức nào nhưng có thể khẳng định Việt Nam đứng đầu đông Nam Á về tỷ lệ người xem bóng đá sau 12h đêm đến 6h sáng hôm sau nhiều nhất. Điều này có thể tương đương với số người say mê bên chai bia có quãng thời gian tương tự. Đây là một dân tộc gắn kết một cách kỳ lạ hai thứ không hề liên quan đến nhau đó lại cùng một mâm và đó chính là điều mọi hãng bia, mọi kênh truyền hình gật gù nghĩ kế chinh phục thị trường này. Một ví dụ nho nhỏ chính là ngày 7-1 vừa qua khi Fifa tổ chức trao giải Ballon d'Or. Kênh Youtue tràn ngập các fan hâm mộ tới từ Việt Nam với mọi lời bình luận "không thể nào tả nổi đối với Fifa" và khi chuẩn bị kết thúc người hâm mộ Việt Nam đi ngủ thì lượng xem trực tuyến giảm quá đột ngột. Điều đó nôm na khẳng định số lượng người Việt hâm mộ bóng đá và có khả năng trực tuyến rất lớn và thậm chí người Trung Quốc có ước ao được xem Youtube và lướt Facebook nhiều như Việt Nam quả là chuyện mơ giữa thiên hà.

Đối với thực tại, việc Việt Nam duy trì một hội chính thức với FC Barcelona là quá sức về kinh tế và phi lý về mục đích. Đó cũng là một cản trở để FC Barcelona tiến tới thăm dò thị trường đất nước ta. Nếu nói FC Barcelona trực tiếp làm việc với VFF hay những đại gia về kinh tế thì họ gần như đã bỏ đi kiểu làm ăn xưa nay muốn đi lên từ gốc rễ người hâm mộ. Do đó chuyện hợp tác và sự có mặt của FC Barcelona tại Việt Nam nằm ở thì tương lai và phụ thuộc cơ bản vào sự quan tâm đến đâu từ phía người hâm mộ (thực ra là từ các thành viên câu lạc bộ là người Việt Nam). Điều đó sẽ giải thích trước chuyện thi thoảng cũng có những quả bom tung ra hoàn toàn mang ý nghĩa...nổ cho vui tai.

Và quả bom đó là...

Là lời chúc Tết Nguyên Đán đến người hâm mộ Barça trên facebook của Việt Nam. Giật mình chưa. Kênh facebook chính thức của FC Barcelona đăng một lời chúc thuần tiếng Việt (cho dù có sai chữ tý chút) cũng đủ chỉ trong 3 giờ có gần 2000 lượt like (người Việt Nam hiểu được nội dung) nhưng về lượt xem của 40 triệu thành viên fan page này thì sẽ không hề nhỏ. Đó chỉ là một sự quảng bá nho nhỏ về trận đấu vào ngày Chủ Nhật tới nhưng là một sự kiện to lớn đánh đúng tâm lý khán giả.

Barca chọn đúng ngày Tết này của thị trường Trung Quốc để bố trí chiếu trận đấu lúc 6h tối. Còn gì tuyệt vời hơn. Cả tỷ người Trung Quốc được nghỉ ngơi vui chơi ngày này và thời gian đó họ hay xem tivi. Cạnh tranh với bóng đá Anh không phải vào lúc này, trận này, ngày này thì vào bao giờ nữa. Một bước đi quá tuyệt vời mà bộ sậu Rosell tung ra nên dĩ nhiên Việt Nam cũng được hưởng lợi đôi chút. Việc xem sớm hay muộn đối với người hâm mộ Barça từ gót chân đến cọng tóc mà nói chả quan trọng lắm. Thậm chí nhiều người còn băn khoăn xem sớm quá cảm thấy lạ lạ. Nhưng quả bom mà facebook FC Barcelona vừa tung ra lại có ý nghĩa khá lớn về thương hiệu.

- Ở Việt Nam, có vẻ thành viên bấm Like trang facebook FC Barcelona khá đông. Rất đơn giản để tìm hiểu điều này nhờ vào hệ thống thống kê của facebook.

- Ở Trung Quốc cho dù có trang web riêng nhưng nó không hề có đầy đủ thương hiệu của Barca. Ở facebook cũng vậy. Nhưng dù sao nó là những kênh kết nối đắc lực cho hai thị trường. Người Trung Quốc cấm facebook nên dễ hiểu khi FC Barcelona dùng hình ảnh và lời chúc bằng tiếng Việt trên facebook cho người Việt Nam.

- Thị trường truyền hình của Việt Nam là một mớ hổ lốn và người hâm mộ quá khó để biết hôm nay xem kênh nào, ngày mai kênh nào, năm sau kênh nào chỉ để xem Barça đá bóng. Đây có thể là một bước đi hoàn toàn mang tính quảng bá doanh nghiệp từ một kênh truyền hình.

- Chí ít người Việt Nam cũng có danh tiếng với thế giới. FC Barcelona viết hẳn tiếng Việt cơ mà. Chúng ta nên nhớ FC Barcelona mới chỉ nói ra những thứ tiếng sau: tiếng bản địa, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp và giờ là tiếng Việt Nam.

- Việt Nam có thể tự hào vì cùng ngày tết âm lịch này còn có Hàn Quốc. Một quốc gia khá mạnh về kinh tế và bóng đá. Nhưng FC Barcelona không nói tiếng Hàn Quốc.

Xét một cách thực chất, quả bom này giống một miếng thính được rắc ra để nhử bầy chuột. Bầy chuột này không phải là những người hâm mộ Barça thực chất mà là những người hâm mộ đang bơ vơ chờ đợi đến giờ xem bóng đá Anh và thường hy hữu lắm được xem Barça một vài lần đầy đủ cả trận hay chỉ xem qua báo chí và đoạn video clip nào đó. Cứ xem đi thì biết. Hãy bỏ đi những lối mòn được nhồi nhét từ những tờ báo quen chém gió hơn là bình luận phân tích để thấy Barça thực chất là như thế nào. Hãy dành chút thời gian ngày mùng một tết quan trọng để thử ngó xem đội bóng đang được mệnh danh xuất sắc nhất từ xưa đến nay đá ra sao. Hãy xem đi trước khi đội bóng này biến mất thì có hối tiếc cũng đã muộn. Quả bom này chả khiến người hâm mộ Barça chính gốc yêu quý gì hơn Barça nhưng nó sẽ giúp Barça có thêm người hâm mộ và dân Việt Nam thì rất hay tự hào vì đất nước. Gì chứ được sánh ngang với bè bạn năm châu là một điều ước xa hoa mà hóa ra bỏ tiền ra mua cũng khá đơn giản. Gì chứ cứ hơn cái anh Trung Quốc trên facebook là thấy vui rồi. Nghĩ đến đây thấy lạnh hết người. Hóa ra Hà Nội gió mưa lạnh đang ùa về.

Chúc mọi người một năm mới nhiều niềm vui và sức khỏe!

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã