Tiếp theo loạt bài nói về các trường phái bóng đá trên thế giới, giờ chúng ta sẽ nói về một hiện tượng có một không hai trong lịch sử, người đoạt cả 6 danh hiệu cao quý nhất một CLB có thể có trong ngay năm đầu tiên dẫn dắt. Vâng, đó là Pep Guardiola.
Pep – Triết lý bóng đá "duy mỹ" đến cực đoan
Trước hết, chúng ta cần quay lại hơn 20 năm trước, khi Johan Cruyff bắt đầu những năm tháng dẫn dắt Barça. Lúc bấy giờ, bộ não của đội bóng không phải là Pep mà là Laudrup, đá cao hơn, với vai trò tiền vệ kiến thiết và lối đá hoàn toàn khác so với Barça ngày nay (không như mọi người lầm tưởng). Ở Barça đầu những năm 90, lối đá thoáng đạt, kết hợp những cú chuyền cự ly ngắn và trung bình cũng như không hiếm các pha lật cánh tầm thấp uy hiếp hệ thống phòng thủ của đối phương. Nhờ nhãn quan chiến thuật của mình, Laudrup kết hợp cùng Stoichkov và Koeman tạo nên một trục dọc khác biệt so với phần còn lại của Liga (vượt trội so với Sanchis, Michel và Butragueno của Real Madrid). Cũng vì thế nên các miếng đánh của Barça có thể đến từ mọi hướng. Từ pha phát động 50 mét của Koeman, tình huống chọc khe của Laudrup hay những pha dàn xếp tấn công nhuyễn của dàn cầu thủ Bakero (giữa), Amor (tiền đạo) hay Sergi (hậu vệ cánh). Các bàn thắng cũng vì thế mà đa dạng hơn, với sự xuất hiện thường xuyên của những pha đánh đầu, dù các cầu thủ Barça không hề có ưu thế về chiều cao. Một điều đặc biệt nữa, ở thời điểm đó Barça không có tỷ lệ kiểm soát bóng nhiều như bây giờ, do vậy đối phương cũng ít khi co cụm và dựng xe bus như ta thường thấy.
Vậy lý thuyết của Johan Cruyff là gì? Có khác biệt so với Pep sau này không?
Câu trả lời là có và không. Về tổng thể, Pep tuân theo Cruyff với nguyên tắc rất đơn giản: "Khi bạn giữ bóng trong chân, có nghĩa là đối phương không thể ghi bàn. Trong trường hợp mất bóng, hãy giành lại quyền kiểm soát càng xa sân nhà càng tốt, để ngay lập tức có thể gây sức ép lại và không tốn thể lực để tiến về phía khung thành đối phương". Nhưng với Cruyff triết lý đó không "cực đoan hóa" vai trò của việc giữ bóng trong chân vì 3 nguyên nhân: Thứ nhất trong tay ông không có đội ngũ La Masia hùng hậu, cùng nền tảng lối chơi tiqui tacca như bây giờ; Thứ hai, các đội bóng thời đó không chọn lối chơi tử thủ như Chelsea hay Celtic; Thứ ba, với Laudrup gần như các đường bóng tấn công đều tìm được lời giải rất nhanh mà không mất nhiều thời gian soi xét (dù thành công hay không). Có thể nói Barça thời đó là sức mạnh, kỹ thuật, hào hoa nhưng luôn kém kiên nhẫn và hớ hênh với 4 hậu về dàn hàng ngang cách khung thành 30 mét.
Đối với Pep, người viết bài luôn nghi ngờ về sự sao chép y nguyên những gì Cruyff đã làm cách đây hơn 20 năm, bởi càng về sau, Pep dường như quá "say mê" đến mức "cực đoan" chỉ số "giữ bóng" trong mỗi trận đấu. Theo quan điểm của Pep, kể cả việc giữ bóng không tạo nên sức ép cho đối phương, thì việc này cũng sẽ dẫn đến cơ hội cho đội nhà. Hay nói cách khác, tính kiên trì, nhẫn nại của Barça đã được nâng lên một bậc. Liệu pháp tâm lý kèm theo đạt hiệu quả đến mức bất kể Iniesta hay Xavi đều tin rằng cứ giữ bóng trong chân, vết nứt của khối bê tông kiểu gì cũng lộ ra. Pep đã đúng, ít ra là trong thời kỳ đầu, nhưng càng về sau, tính kiên trì của Barça đã lan sang đối thủ, khi họ cũng có cơ sở để cho rằng cứ phòng thủ kín kẽ thành một khối, trước sau "thợ săn" sẽ mắc sai lầm và trở thành "con mồi".
Pep – Người thày CHỈ của những cầu thủ có lối đá "bóng gần chân"
Để duy trì lối đá đó, Pep phải có trong đội ngũ của mình những siêu kỹ thuật gia, kể cả ở vị trí cần ít tố chất này nhất. Ngay từ mùa giải đầu tiên, tài năng và vững chãi như Toure cũng đã phải ra đi đủ để biết tầm vóc kỹ thuật và trình độ "diêm dúa" của Busquet ở mức nào so với mặt bằng chung của những Gattuso, Davis, Van Bommel. Những cú xử lý ngoặt bóng, gẩy gót của con trai thủ thành Busquet xưa kia dường như tô điểm thêm triết lý bóng đá duy mỹ Pep muốn ghi dấu tại Barça. Tại nơi đây, không có chỗ cho những cầu thủ chỉ biết chạy, chạy và chạy. Liệu có quá khắt khe với tuýp Ronaldo hay Bale hay không? Câu trả lời có lẽ là không, hoàn toàn không. Bởi với cách tiếp cận trận đấu như vậy, Pep đã chấp nhận cho đối phương thời gian, không gian đổ "bê tông mác cao" ở phần sân nhà, chấp nhận lấy thế trận để hy sinh thời cơ hay yếu tố bất ngờ tạo nên sự xô lệch của hàng thủ đội bạn. Do đó, thật dễ hiểu khi lũ lượt những Sanchez, Villa hay đến tầm Ibra đều phải ra đi (hoặc chấp nhận dự bị) bởi họ không đủ tố chất vượt hẳn lên so với yêu cầu ở vị trí rất cần kỹ thuật xử lý khoảng hẹp thượng thừa cỡ Xavi, Iniesta hay Messi.
Những cầu thủ trên hẳn phải có chung một đặc điểm để có thể tồn tại và được cưng chiều đến vậy. Vâng, thật dễ hiểu, họ đều có kỹ thuật thượng thừa, một nhãn quan sắc bén và trên hết, lối đi bóng gần chân đặc trưng ở các cầu thủ khéo léo. Với bộ 3 MIX, cổ chân cực dẻo là yếu tố quan trọng khiến họ lừa bóng, ngoặt bóng rất "ngọt" trong phạm vi hẹp, rất phù hợp với sự hạn chế về không gian do lối chơi áp đặt, chậm rãi, chờ thời cơ của Pep. Khi trái bóng chờn vờn ở cách khung thành 30 mét, khi hệ thống phòng ngự được đúng thành khối bê tông với không dưới 7 cầu thủ, thì không những tuýp cầu thủ như Ronaldo, Bale đương nhiên không có đất diễn, mà những cầu thủ kỹ thuật bậc trung như Ibra, Villa, Bojan, Sanchez hay phần nào là Pedro khó có cơ hội làm nên điều phi thường, trừ khi CHẤP NHẬN đóng vai phụ trong vở diễn "Pep và các học trò cưng".
Bóng đá luôn chứa đựng những quy luật riêng, không hiếm những điều lạ lùng. Nếu như Mourinho là bà đỡ mát tay cho những ngôi sao Ronaldo, Bale tỏa sáng, thì với lối đá duy mỹ đến "cực đoan" của mình, Pep có lẽ chỉ thu nạp được những đệ tử có lối đi bóng gần chân như bộ ba Messi, Iniesta và Xavi.
or post as a guest
Be the first to comment.