Tản mạn về các trường phái bóng đá: Mourinho - Triết lý bóng đá khoa học “duy lý”

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mourinho - Triết lý bóng đá khoa học “duy lý”

Như đã đề cập ở bài trước, lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến cách tiếp cận khung thành rất khác nhau, dù cùng dựa trên một nguyên tắc chung: phá vỡ khối bê tông trong hệ thống phòng ngự của đối phương, hoặc ít ra làm chúng xô lệch, các mắt xích trong tuyến mất khoảng cách tối ưu.

Tuy nhiên bóng đá hiện đại 10 năm trở lại đây đã khác trước rất nhiều, việc ÁP ĐẶT lối chơi đối với nhiều chiến lược gia không còn là vấn đề ưu tiên nữa mà thay vào đó là việc CHỦ ĐỘNG trong lối chơi. Điển hình trong trường phái này là Mourinho. Được "học" những bài học đầu tiên tại môi trường siêu kỹ thuật là Barcelona, nhưng người HLV này lại theo đuổi lối tư duy khác biệt. Với một chút catenaccio từ Inter thập niên 60, một chút Sachi của AC Milan và Lippi thời huấn luyện Juve năm 1995, Mourinho đã nhận thấy rằng việc CHUYỂN TRẠNG THÁI từ phòng ngự sang tấn công NHANH NHẤT mới là cốt lõi của việc ghi bàn. Bằng việc sử dụng 2 tiền vệ đánh chặn, các đợt tấn công của đối phương khi bị vô hiệu đã trở thành nỗi ác mộng, khi cả hệ thống đã được "chuẩn bị chu đáo" cho một cuộc phản công được lập trình chính xác đến từng tiểu tiết. Để rồi bàn thắng đến, đối phương sẽ đánh mất tất cả: sự chính xác, tỉnh táo, điều tối quan trọng cho cuộc lội ngược dòng. Phần lớn nạn nhân của Mourinho sẽ nhận thêm bàn thua thay vì có thể gỡ được. Porto, Chelsea, Inter hay Real (năm đầu tiên dẫn dắt) đã đá theo lối đó và không thể phủ nhận được rằng Mourinho đã có những thành công nhất định (kể cả năm trắng tay của Real).

Sở dĩ người viết bài chia quãng thời gian Mourinho dẫn dắt Real ra 2 giai đoạn, bởi cũng lối chơi đó, nhưng sang năm thứ 2 và thứ 3 đã có đôi chút khác biệt. Nếu năm đầu tiên lối chơi đơn giản từ 3 đội bóng trước còn "ám ảnh" Mourinho, khiến Real đá khá "thuần" thậm chí "yếu bóng vía" trước các đối thủ lớn, thì từ năm thứ 2 trở đi, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của Ozil, Mourinho đã nhào nặn Real thành đội bóng không chỉ chủ động trong lối chơi mà nhiều lúc còn áp đặt được lối chơi lên các đội bóng ngang tầm dù vẫn sử dụng 2 tiền vệ đánh chặn. Sơ đồ 4-2-3-1 "truyền thống" được mang ra sử dụng trong các trận quan trọng vẫn tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn, và cùng với đó là sức ép khủng khiếp lên tuyến phòng thủ của đối phương.

Nhưng có một điều đặc biệt là: phần lớn các đường lên bóng và tấn công của các đội bóng Mourinho cầm quân (nhất là Chelsea và Real) đều ở thế trống trải và thoáng đạt, họ ít khi "bắt" đối phương co cụm như những gì đối thủ lớn nhất – Barca thực hiện.

Nếu đặt câu hỏi, Mourinho có đủ năng lực và đội bóng của ông ta cầm quân có đủ "trình" để uy hiếp tinh thần, làm khiếp đảm đối phương đến mức buộc họ phải co cụm, tử thủ hay không? Câu trả lời là ... không nên hỏi như vậy. Bởi cách tư duy, cơ sở lý thuyết của 2 lối chơi (ở đây là Real theo kiểu Mou và Barca theo kiểu Pep) hoàn toàn khác nhau. Những đội bóng Mourinho dẫn dắt luôn đủ "cởi mở" và sự hớ hênh "có toan tính" để không làm "con mồi" dựng xe bus trước khung thành. Đối thủ của họ vẫn luôn nghĩ có cơ may khi tấn công và thế là "cái bẫy" sập xuống, nạn nhân có thể là bất kể đội bóng nào có số thứ tự từ 3 đến 20 tại Liga và khoảng 20 đội bóng tầm khá tại Châu Âu. Như đã phân tích ở trên, nét "đẹp" nhất của cú lừa này xuất phát từ sự chuyển trạng thái cực nhanh từ phòng ngự sang tấn công, bao gồm cả các pha dàn xếp nhóm, bật 1-2, trồng cánh (chứ không riêng gì những pha phản công phất bóng dài như nhiều người lầm tưởng).

Bà đỡ mát tay cho mẫu cầu thủ "bóng xa chân"

Lối chơi này còn được cho là "hệ sinh thái" lý tưởng nhất cho các cầu thủ tấn công theo trường phái "bóng xa chân" như Ronaldo và Bale. Sẽ không có gì tuyệt vời hơn khi trước mặt họ luôn là không gian 20 mét thảm cỏ trống trải và thời gian đủ để những toan tính hình thành: chuyền cho ai, đẩy bóng về hướng nào, sút luôn hay phối hợp v.v Đặc điểm của những cầu thủ như Bale hay Ronaldo là những cú đẩy bóng dài (thường cách xa chân khoảng 1 mét), ở tốc độ cao có thể vượt qua bất kỳ hậu vệ nào "vô tình" nhầm trụ, nhưng sẽ là vô hại nếu khoảng cách giữa các chốt chặn trong hệ thống phòng ngự quá gần nhau, hay nói cách khác, nếu hàng phòng ngự có khả năng bọc lót với khoảng cách dưới 5-7 mét, thì lối đá bóng xa chân lập tức phá sản.

Nhưng may thay, như loài cá không thể thở trên mặt đất, tạo hóa vẫn dành cho chúng môi trường nước để tồn tại và phát triển. Với lối đá của Mourinho, Ronaldo và Bale đã gặp được đúng "bà đỡ mát tay" đủ đảm bảo tương lai và sự nghiệp của họ.

Ngược lại, nếu ai có óc tưởng tượng, sẽ không thể hình dung Bale (hay kể cả Ronaldo) làm được gì ở Catalan khi hàng tuần không được đẩy bóng chạy dài trên bãi cỏ sânCamp Nou vì trước mặt luôn là 7 cầu thủ phòng ngự đối phương đứng sát nhau như nêm, với cái đầu nóng và đôi chân không khoan nhượng.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã