Nhắc đến FC Barcelona, người ta thường nhớ nhiều đến những chiến thắng, những danh hiệu, những ngôi sao, hoặc đến thứ bóng đá đẹp mắt hút hồn bao người hâm mộ. Nhưng đằng sau mọi vinh quang đều là những thử thách, những khổ cực gian nan và những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Mục bình luận hàng tuần El Pivote của tờ totalBarca viết bởi tác giả Anoop Jethwa là nơi những khía cạnh như thế của đời sống tại Camp Nou được quan sát và phân tích cụ thể. Từ những mảng sáng cho đến cả những mảng tối, tác giả đều cố gắng đào sâu khai thác nhằm phần nào hoàn thiện thêm bức tranh Blaugrana trong mắt người hâm mộ vốn thường ngày bị quá nhiều hào quang che lấp.
Chủ đề tuần này của El Pivote rất đơn giản nhưng cũng đang thu hút hàng ngàn hàng vạn những bài viết, những bình luận, tranh cãi từ khắp nơi trên thế giới: Quả bóng vàng 2012.
Trước khi vào học ở một trường đại học ở London, tôi đã dành hai năm cho nghiệp huấn luyện viên tại Mỹ. Quả thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi được sống trong một môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt, mà nhất là nơi bóng đá thu hút ít người quan tâm hơn nhiều môn thể thao khác. Tuy nhiên, trong bóng đá, ta lại được chứng kiến những nhiệt huyết mãnh liệt. Mỗi khi đến kỳ bầu chọn cho đội bóng xuất sắc nhất khu vực hay đội bóng xuất sắc nhất bang, những cuộc họp bỏ phiếu của các HLV lại trở thành diễn đàn cho hàng loạt những cuộc thảo luận, tranh cãi quyết liệt, bởi HLV nào cũng muốn thật nhiều những cầu thủ của mình được vinh danh.
Có thể chuyện này không diễn ra ở khắp mọi nơi trên toàn nước Mỹ, nhưng đó là những gì tôi đã tận mắt quan sát được, và sau đây là một dẫn chứng cụ thể. Trong một cuộc họp bình bầu những tập thể và cá nhân xuất sắc nhất bang, các HLV chúng tôi có nhiệm vụ đề cử những cầu thủ đến từ các trường phổ thông của Baton Rouge vào danh sách ứng cử viên, rồi từ đó bỏ phiếu cho những người mà mình cho là nổi bật nhất. Đội bóng của tôi có 2 em đã có tên trong danh sách, và tôi đang đề cử em thứ ba. Một HLV từ trường khác chỉ mới có 1 học sinh được ghi tên lập tức đứng lên kiến nghị bởi ông ta cho rằng việc tôi có đến 3 học sinh trong danh sách là không công bằng. Ban đầu tôi không thực sự quan tâm đến những lý lẽ của ông ta cho lắm, bởi rõ ràng là những cầu thủ của tôi ở một đẳng cấp cao hơn. Những con số thống kê đã chứng minh điều đó. Thậm chí có một học sinh còn được mời làm đại diện cho bóng đá “ngoại hạng” của bang ở độ tuổi em nữa. Nhưng sau đó thái độ gay gắt và đòi hỏi phải có một giới hạn cho số học sinh được đề cử mỗi trường của vị HLV này khiến tôi cũng phải có phản ứng.
Tôi kể ra hàng loạt những ưu điểm của học trò mình: một cô bé lanh lợi, tốc độ, có khả năng chuyển hóa ưu thế kiểm soát bóng ở khu trung tuyến thành những cơ hội tuyệt vời cho các đồng đội phía trên; không những thế còn luôn rất quyết tâm, biết hết mình vì mục tiêu chung. Tôi cũng nêu ra những con số thống kê thuyết phục và dẫn cả việc cô bé được mời làm đại diện bang nữa. Trong khi đó vị HLV kia vẫn không ngừng cố gắng lôi những nhược điểm của cô bé ra mà đào bới. Số lượng cầu thủ được danh sách gọi tên là có hạn, cho nên cũng dễ hiểu cho ông ta bởi muốn học trò của mình được tôn vinh thì chỉ có cách hạ thấp học trò của tôi mà thôi. Cuối cùng, người ta phải tổ chức một cuộc biểu quyết và cầu thủ của tôi đã chiến thắng với số phiếu áp đảo 14-2. Năng lực thực thụ là thứ khó có thể chối cãi.
Có lẽ đọc đến đây, nhiều bạn đang tự hỏi liệu những chuyện đó thì có liên quan gì đến Quả bóng vàng. Để tôi giải thích nhé. Nhìn vào vị HLV kia, hãy nghĩ đến Jose Mourinho. Như thế học trò của ông ta không ai khác phải là Cristiano Ronaldo rồi. Học trò của tôi, giả định là Messi. Xét về những con số thống kê của học trò tôi, ta có 82 bàn thắng trong một mùa bóng. Xét về việc được vinh danh, ta lại có 3 Quả bóng vàng liên tiếp, 2 Chiếc giày vàng, chưa kể vô số danh hiệu cá nhân khác. Mourinho muốn Ronaldo phải giành được chiến thắng, điều này cũng tương tự như vị HLV trong cuộc họp tôi kể bên trên cố gắng đấu tranh cho suất thưởng của học trò ông ta vậy. Đương nhiên trước một sự so sánh như thế, bạn có quyền ý kiến ngay rằng nó nhiều phần khập khiễng, bởi tiêu chuẩn và đẳng cấp bóng đá cấp phổ thông tại Mỹ gần như có thể biến nó thành một môn thể thao hoàn toàn khác so với thế giới của FC Barcelona. Nhưng quả thực giữa chúng không thiếu những điểm tương đồng kỳ lạ.
FC Barcelona là đội bóng vận hành dựa trên những giá trị cơ bản: chơi đẹp, năng lực và óc phán đoán tốt. Bởi thế, phải công bằng mà thừa nhận rằng Cristiano Ronaldo là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất ở thế hệ của anh ta. Tôi hoàn toàn có thể thẳng thắn khẳng định điều đó, và tôi chắc có không ít các cầu thủ Blaugrana cũng phải đồng ý với ý kiến này. Với số bàn thắng mà tiền đạo số 7 đã ghi được cho Manchester United và Real Madrid, anh xứng đáng nhận được sự tôn trọng và tán dương từ những cầu thủ khác. Đối với những culé đến đây vẫn không ủng hộ một sự công nhận dành cho Ronaldo, hãy nhớ lại quãng thời gian khó khăn ở mùa trước, khi chúng ta trông chờ trong le lói hi vọng rằng Real sẽ mất điểm, chỉ để rồi Ronaldo lại cứu họ bằng những pha ghi bàn đẳng cấp.
Tuy nhiên, tại sao tất cả những điều đó vẫn là chưa đủ để Mourinho nói về học trò của mình? Điều gì đang quấy nhiễu Người đặc biệt? Tại sao Ronaldo lại “buồn” và chẳng thèm ăn mừng bàn thắng khi đồng đội không đồng lòng nêu tên anh ta trước những câu hỏi về chủ nhân xứng đáng của Quả bóng vàng 2012? Vì cớ gì mà Mourinho hết lần này đến lượt khác đăng đàn tuyên bố rằng danh hiệu là tiêu chí quan trọng nhất, rằng đương kim vô địch xứ bò tót thì phải được trao giải thưởng, và rằng một cầu thủ đã nhận được nó những ba lần thì không nên có thêm lần thứ tư nữa? Thế lực nào khiến những người Bồ Đào Nha này muộn phiền đến như vậy? Câu trả lời không thể rõ ràng hơn: Lionel Messi.
Quả đúng là Ronaldo đã cùng CLB mình giành cúp vô địch La Liga. Cũng đúng là Messi đã nhận được Quả bóng vàng 3 lần liên tiếp. Nhưng những điều đó chẳng liên quan gì đến việc trao giải thưởng cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cả. Tôi đã dành những sự đề cao nhất định cho Ronaldo, nhưng cầu thủ người Bồ Đào Nha cũng không phải không có điểm yếu nào để xem xét. Khi Lionel Messi lập hattrick cho đội tuyển Argentina trong trận đấu gặp Brazil, mọi người đều nói rằng đây là cơ hội đáp trả tuyệt vời cho Cristiano Ronaldo bằng việc giành về chức vô địch Euro cùng với đội tuyển Bồ Đào Nha, hoặc ít nhất cũng thể hiện được một bản lĩnh và đẳng cấp ổn định. Và kết quả là gì? Bồ Đào Nha trắng tay trước Đức trong cuộc chạm trán đầu tiên, và trong trận đấu tiếp theo gặp Đan Mạch, người hâm mộ Bồ Đào Nha thậm chí đã hát vang tên Messi nhằm chế giễu Ronaldo. Phải đợi đến khi gặp được một hàng thủ tệ hại như của tuyển Hà Lan, Ronaldo mới lập nổi cho mình một cú đúp. Trong trận tứ kết, người ta còn nghe tên Messi từ những khán đài nhiều hơn gấp bội khi Ronaldo chỉ có đúng một cú dứt điểm thành bàn trong hai chục đợt tấn công mà các đồng đội của anh ta tạo nên. Cũng đúng lúc này, thay vì tập trung cải thiện màn trình diễn của chính bản thân mình thì trong buổi họp báo sau trận đấu, Ronaldo lại cố gắng nhắc mọi người nhớ rằng năm trước đội tuyển Argentina của Messi đã bị loại thảm thương trong giải đấu cấp châu lục ngay trên sân nhà cũng tại vòng tứ kết.
Trong trận đấu tiếp theo gặp Tây Ban Nha, các Madridista lâm vào thế khó khi không biết nên dành sự ủng hộ cho bên nào, bởi một mặt họ muốn Ronaldo chiến thắng, mặt khác lại không thể làm ngơ đội bóng quê hương mình. Và rồi sau đó, các phóng viên của tờ Marca nhận phải sự chỉ trích dữ dội vì đã ủng hộ Ronaldo trong cuộc đua đến danh hiệu của UEFA và bỏ qua hoàn toàn những siêu sao quốc tịch Tây Ban Nha khác. Trước Tây Ban Nha, Ronaldo hoàn toàn tịt ngòi. Mặc dù vậy, những fan trung thành của cầu thủ người Bồ Đào Nha vẫn thích dẫn trận đấu này làm bằng chứng cho việc thần tượng của họ xứng đáng nhận Quả bóng vàng đến thế nào. Bồ Đào Nha không ghi được bàn thắng nào, Casillas và Piqué đã giữ sạch được mành lưới, Xavi, Iniesta và Cesc cũng chiếm được 14% thời lượng kiểm soát bóng nhiều hơn so với đối thủ. Nhưng cũng đừng quên rằng trận đấu đã phải kết thúc sau loạt đá luân lưu. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để Ronaldo chứng tỏ năng lực cá nhân của mình cho một giải thưởng cá nhân như Quả bóng vàng. Nhưng kết cục là, không những không ghi bàn, đội trưởng Ronaldo thậm chí còn không thực hiện quả nào trong tổng số 4 lượt đá luân lưu của đội tuyển. Một cầu thủ được xem là xuất sắc nhất thế giới chắc chắn không nên chùn chân trước những tình huống như vậy, nhưng Ronaldo rất tiếc đã không vượt qua được chính bản thân mình. Mourinho lúc nào cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng một cầu thủ xứng đáng đứng ra cạnh tranh cho những giải thưởng cao quý chỉ với điều kiện anh ta phải đóng góp để đội bóng của mình đạt được những danh hiệu. Thế nhưng hình như ông ta lại quên phê bình chính cầu thủ đồng hương, người thậm chí còn không giúp đội tuyển quốc gia mình đánh bại đội bóng mà ông luôn ra rả chỉ trích là chẳng có nổi một cây săn bàn thực thụ? Còn nữa, cần phải nhắc cho số 7 nhớ thêm rằng trước khi Argentina bị Uruguay loại ngay trên sân nhà tại Copa America cũng sau loạt đá luân lưu, thì người đầu tiên bên phía Argentina bước lên đối diện với thủ môn đối phương vì màu cờ sắc áo chính là đội trưởng Lionel Messi.
Còn có thể suy ra rằng Cristiano Ronaldo đã quyết định thực hiện quả thứ năm trong loạt đá luân lưu đêm ấy, và rồi nếu thành công, tất cả mọi vinh quang sẽ đổ dồn về cho anh ta. Nếu đúng như vậy thì điều đó thể hiện một thái độ ngạo mạn và cực kỳ ích kỷ, và đừng nên quên rằng phẩm cách của một cầu thủ cũng là một tiêu chí đánh giá cho danh hiệu Quả bóng vàng. Bên phía ngược lại, tuy liên tục nhận được những giải thưởng cá nhân nhưng chưa bao giờ tiền đạo số 10 quên nhắc đến công sức của tất cả đồng đội mình, thậm chí anh từng nhấn mạnh những danh hiệu anh nhận được là “danh hiệu của cả tập thể”. Chưa bao giờ ta thấy Messi đăng đàn nói mình “buồn” cả. Và tôi cũng bảo đảm luôn rằng bạn sẽ không bao giờ nghe được thông tin rò rỉ nào đại loại như Messi muốn có thêm tiền hay đang tìm cơ hội chuyển nhượng tiềm năng mới. Thay vào đó, luôn luôn là hình ảnh một chàng lùn biết tôn trọng người hâm mộ, tôn trọng đồng đội và lãnh đạo đội bóng, thể hiện bằng việc anh vẫn thường xuyên khẳng định muốn kết thúc sự nghiệp tại chính câu lạc bộ mình. Chắc chắn sẽ có không ít những ông bố bà mẹ mong muốn con gái mình được may mắn kết duyên với người đàn ông khiêm nhường như vậy.
Dù gì đi nữa, yếu tố quan trọng nhất trong tất cả mọi cuộc tranh cãi cuối cùng cũng là năng lực. Lionel Messi đã là cầu thủ xuất sắc nhất thế hệ của anh ấy rồi. Và anh còn đang băng băng trên con đường trở thành một trong những tượng đài vĩ đại nhất giới túc cầu của mọi thời đại nữa. Có lẽ đỉnh cao thế giới hiện chỉ có thể mình anh ngự trị. Trước đây có những lời chỉ trích về phong độ tại tuyển quốc gia của anh, nhưng bây giờ họ đều đã phải câm lặng cả. Anh liên tục ghi bàn cho đội tuyển, gần như trong mọi trận đấu, và luôn cống hiến những màn trình diễn tuyệt vời. Ai hãy còn chút nghi ngờ, mời nhìn thêm vào quá trình Lionel Messi khắc tên mình vào danh sách những chân sút phạt đẳng cấp nhất hành tinh. Người ta thường ca tụng Cristiano Ronaldo là chân sút phạt hàng đầu thế giới, nhưng vào tháng ba năm nay, tờ El Pais đã tiết lộ rằng cho đến thời điểm đó (chỉ tính mùa bóng vừa rồi), Real Madrid là đội bóng được hưởng nhiều quả phạt trực tiếp nhất trong các giải đấu vô địch quốc gia châu Âu (44 quả), trong đó Ronaldo đã thực hiện hết 37 quả, và không hề có bàn thắng nào được ghi!
Như để xát thêm muối vào vết thương của Ronaldo, Messi đã ghi 2 bàn thắng mẫu mực từ điểm phạt trực tiếp ngay trước mặt Ronaldo trong hai trận đối đầu với Real Madrid, một tại Siêu cúp Tây Ban Nha và một tại La Liga. Iker Casillas hoàn toàn không có cơ hội nào để cản phá trước cả hai cú sút tuyệt đẹp này. Tôi tự hỏi vị đội trưởng của đội tuyển Tây Ban Nha sẽ bầu chọn cho ai – Cá nhân tôi biết cái tên anh nên điền vào lá phiếu của mình là gì. Kết thúc bài tranh luận, tôi muốn khẳng định thêm một lần nữa: Năng lực thực thụ là điều khó có thể chối cãi. Luôn luôn là như thế!
Anoop Jethwa - totalbarca
or post as a guest
Be the first to comment.