Đó là một cuộc chuyển nhượng của cảm xúc hơn là một mong muốn của lý trí. Sau 3 năm dài theo đuổi, “đứa con lưu lạc” Cesc Fabregas đã trở về mái nhà Camp Nou, kết thúc một trong những vụ chuyển nhượng kéo dài và đình đám nhất suốt những năm qua.
Sự trở về ấy là định mệnh. Cậu bé tài năng của La Masia ngày nào, người từng ở chung một phòng với Lionel Messi, ra đi để tìm kiếm cơ hội khi còn nhỏ và trở về trong tư thế của một người hùng, một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới.
Nhưng cuộc tái ngộ không phải toàn màu hồng
Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều năm sau ngày Cesc ra đi, lò đào tạo trẻ của đội bóng xứ Catalunya vẫn tiếp tục sản sinh ra những tên tuổi đẳng cấp. Điều đặc biệt là hầu hết trong số họ đều chơi ở cùng khu vực với Fabregas. Sergio Busquets, Xavi và Andres Iniesta đã tạo thành một bộ ba hoàn hảo, không thể ngăn chặn và là chìa khóa mở ra kỉ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử Barcelona. Người ta đã từng hỏi Cesc sẽ thích ứng như thế nào với một hệ thống gần như hoàn hảo ấy? Hay anh sẽ trở về và dát thêm vàng lên băng ghế dự bị của sân Camp Nou? Mười hai tháng trước, không ai có thể ngăn được những nỗi băn khoăn, lo lắng trên xuất hiện? Ngay lúc này đây, sau những gì đã diễn ra từ đầu mùa tới giờ, dù không muốn, chúng ta có thể phải đi tới một kết luận: Fabregas thực sự không phù hợp với Barcelona.
Sau sự ra đi của Pep, trong năm 2012, Cesc và Barca phải trải qua 2 thời kì huấn luyện khác nhau. Chính cựu tiền vệ Arsenal từng thừa nhận rằng: “Dưới thời Guardiola, tôi chưa bao giờ thực sự cảm thấy ăn khớp với hệ thống chiến thuật. Tôi đã chơi với một phong cách khác, việc thích ứng quá nhanh là rất khó bởi tất cả những người khác đã có chỗ của họ. Một số người đã bình luận rằng tôi thiếu một cái gì đó ở mùa giải năm ngoái, trong đó có cả Guardiola.”
Khi Cesc mới trở về từ nước Anh, mọi thứ có vẻ khá suôn sẻ. 11 pha lập công trước Giáng sinh, cao hơn tổng số bàn thắng của Iniesta trong toàn bộ mùa giải, cho thấy tiềm năng tấn công của Cesc – thứ năng lực đã được trui rèn tại Arsenal (mùa đỉnh cao 2009/2010 ở Arsenal, Cesc ghi 19 bàn sau 36 trận). Một mẫu cầu thủ tấn công đa năng, người có thể chơi tốt ngay sau tiền đạo cắm đồng thời hoạt động hiệu quả ở trung tâm hàng tiền vệ.
Nhưng những con số ấn tượng trên nhanh chóng biến mất. Nguồn cung bàn thắng cạn kiệt, những đường kiến tạo lệch địa chỉ. Kết thúc mùa giải, Cesc chỉ ghi được tổng cộng 15 bàn thắng trên mọi mặt trận. Cuộc hội ngộ không suôn sẻ như những gì mà cựu đội trưởng của Arsenal kì vọng. Thực tế là phong cách của Fabregas và Barcelona có sự lệch pha. Và anh đang phải học lại những bài nhập môn của La Masia, thích ứng lại với hệ thống đã từng đào tạo ra mình.
Ở Arsenal, Fabregas là một ông hoàng…
Ở Arsenal, Cesc được đảm nhiệm vai trò kiến tạo và sở hữu không gian hoạt động không giới hạn. Anh được tự do nhận bóng, cầm bóng phía sau trung phong cắm đích thực (trước kia là Emmanuel Adebayor, sau đó là Robin van Persie). Anh được nhận bóng và thực hiện kiến tạo. Không gian không bị hạn chế, được phép dứt điểm khi cần thiết và có thể tham gia vào mọi tình huống mà không sợ bị đồng đội dẫm chân. Lãnh thổ của anh, quyền quyết định của anh, anh là người áp đặt lối chơi. Với những giới hạn ấy, Cesc nhanh chóng trưởng thành và khẳng định mình như là một trong những tiền vệ công hay nhất thế giới.
Hệ thống của Arsenal phục vụ Fabregas...
Màn trình diễn của anh trong thắng lợi 3-0 trước Tottenham ngày 31 tháng Mười năm 2009 đã thể hiện tất cả những phẩm chất mà người ta vẫn ca ngợi cầu thủ này. Anh thực sự kéo cả đội bóng tiến lên theo mình, là tâm điểm của mọi đợt lên bóng và mọi lời khen ngợi. Trận đấu đó, van Persie lập cú đúp còn Fabregas đích thân ghi 1 bàn.
Nhưng Barcelona là một hệ thống hoàn toàn khác. Ba tiền vệ của họ di chuyển linh hoạt và hoán đổi nhiều hơn. Cesc từng thừa nhận anh đã cố gắng thể hiện và thích ứng với CLB mới. Anh cho biết: “Đó là lỗi của tôi vì đã cố gắng để không trở thành bất kì ai. Tôi không phải Xavi, Iniesta hay Thiago.”
Không giống như ở Arsenal, hệ thống của Barcelona vận hành với sự ưu tiên tuyệt đối dành cho một cái tên: Lionel Messi. Cách đây 3 mùa giải, Pep Guardiola đã có một quyết định lịch sử khi đẩy thiên tài người Argentina vào trung tâm hàng tiền đạo, từ bỏ vị trí chạy cánh phải ban đầu để đá tiền đạo cắm. Một “số chín ảo” ra đời và thống trị làng túc cầu giáo từ đó tới nay. Ở Camp Nou, quyền thống trị là của Messi. Và bất cứ ai nghĩ rằng họ có thể tác động tới vị trí này đều sẽ bị bật bãi (như Zlatan Ibrahimovic) hoặc buộc phải thay đổi để thích nghi (David Villa).
… nhưng Barcelona có Lionel Messi
Guardiola đã đặt Messi vào một vị trí bất khả xâm phạm. Sau 3 Quả bóng Vàng mà Messi đã giành được, chiến lược gia huyền thoại của Barca hoàn toàn có lý. Mùa trước, Messi chỉ nghỉ thi đấu đúng 151 phút tại Liga. Trên sân, anh hầu như có mặt ở mọi vị trí. Trong khi Cesc vẫn chưa thể tìm ra một vị trí chính xác (như một phần trong tuyến tiền vệ 3 người) thì Messi đã khẳng định vững chắc vai trò của mình ở khu vực trung tâm. Cùng lúc ấy, một siêu sao khác của Barcelona là Iniesta cũng áp đặt được tầm ảnh hưởng của mình ở hành lang trái. Anh lên bóng từ biên trái, tổ chức lối chơi và tạo mối liên hệ mật thiết với Messi. Trong hệ thống hoàn thiện đó, Cesc bỗng thấy mình trở nên cô độc. Anh hoạt động cùng khu vực với Messi và vì thế, bị giáng cấp thành vai trò hỗ trợ (thay vì là điểm tham chiếu chủ đạo như khi còn ở Arsenal). Anh thành điểm luân chuyển bóng, người kiến tạo chứ không còn được cung cấp các đường chuyền như trước kia.
... còn hệ thống của Barca bắt anh phải phục vụ
Bằng chứng được thể hiện trong trận gặp Valencia hôm Chủ Nhật. Cesc bỏ lỡ một cơ hội từ đầu trận sau đó không thể hiện được gì nhiều trước khi bị thay ra bởi Iniesta. Quá khó cho anh khi phải cạnh tranh với Messi trong vai trò điểm đến cuối cùng của những đường chuyền.
Trong 3 trận được đá chính tại Liga mùa này, anh thậm chí còn thi đấu nhiều hơn Iniesta (185 so với 128 phút). Trong thời gian đó, Cesc đóng góp 2 cú sút trong đó có 1 cú trúng đích, 1 đường chuyền quyết định. Với thời gian ít hơn hẳn, Iniesta có 5 lần dứt điểm, 2 trúng đích và 2 đường chuyền quyết định. Nên nhớ, Iniesta chỉ ra sân có 2 trận. Như một lẽ tự nhiên, Iniesta rõ ràng đã tham gia vào nhiều tình huống bóng hơn hẳn Cesc. Đó là kết quả của sự phân công vị trí cực kì rõ ràng, của một hệ thống đã hoàn thiện từ lâu trước khi “đứa con lưu lạc” trở lại Camp Nou.
Những người lạc quan có thể tin rằng Tito Vilanova đã cho Cesc nhiều cơ hội thi đấu ở Liga. Nhưng sự thật là Fabregas được ra sân bởi Tito muốn giành sức cho các trụ cột trong 2 trận Siêu Cúp Tây Ban Nha – cuộc chiến có ý nghĩa lớn hơn nhiều với Real Madrid. Buồn cho Cesc vì ở cả hai lượt trận Siêu Cúp, anh chỉ được đá đúng 10 phút.
Bất chấp tất cả, Cesc không phải là một kẻ yếu đuối. Cậu bé từng rời La Masia từ năm 16 tuổi và về lại Barcelona khi đã trở thành một người đàn ông hiểu rõ những thách thức mình phải đối mặt. Những năm dài trắng tay ở Arsenal, thất bại trong trận Chung kết Champions League 2006 và việc phải gánh vác cả một tập thể khi còn rất trẻ giúp Fabregas sở hữu một cá tính cứng cỏi hơn nhiều người vẫn tưởng. Anh cho biết: “Nếu tôi phải mang một bộ mặt không vui trở về nhà, tôi cũng sẽ không bao giờ để cho các đồng đội hay HLV thấy nó vào ngày hôm sau.”
Dưới thời Guardiola, ông đã không thể giúp Cesc hòa nhập với hệ thống của Barca. Bây giờ, Vilanova lại gặp phải vấn đề tương tự. Dù thế nào đi nữa, Cesc cũng rất quan trọng với tương lai của Camp Nou, Tito biết điều đó. Tài năng của Fabregas là không phải bàn cãi và bài toán sử dụng hợp lý anh sẽ là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng với tương lai của Barcelona.
Minh Chiến (theo Goal)
or post as a guest
Be the first to comment.