Đêm nay Barça ra sân, và ngày mai, người dân Catalunya sẽ lại ra đường tham gia vào một "cuộc trưng cầu dân ý nhưng không phải là trưng cầu dân ý" - tạp chí Time miêu tả như thế.
Dưới sức ép của chính quyền Madrid, cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật này không còn là một cuộc trưng cầu dân ý (ràng buộc) đúng nghĩa như tại Scotland hay Quebec mà người dân Catalunya mong muốn, cũng chẳng phải là một cuộc thăm dò ý kiến (không ràng buộc) như một giải pháp cứu cánh của chính quyền Catalunya kỳ vọng. Nó đơn giản chỉ là một "phương pháp PP" (một tiến trình tham gia dân chủ của người dân) - theo cách gọi có chọn lọc của ông chủ tịch chính quyền Catalunya, Artur Mas trong một bài phát biểu hôm 05 tháng 11. Với hình thức này, chính quyền không tổ chức bỏ phiếu chính thức, người dân ai muốn bỏ phiếu thì đi mà cũng chẳng cần phải ký tên đăng ký gì. Gọi đây là dị bản của một cuộc tuần hành cũng không sai. Và dù có như thế, Madrid vẫn xem đấy là một "cuộc xuống đường" bất hợp pháp.
Giới phân tích cho rằng vì những mục tiêu đặt ra ban đầu đã không còn, chính quyền Catalunya hy vọng cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật sẽ đánh động cộng đồng quốc tế, kêu gọi sự quan tâm ủng hộ của EU. Nhưng có một thực tế đã từng diễn ra với trường hợp Scotland, là EU không can thiệp vào. "Đấy không phải chuyện của tôi, mọi thứ tuỳ thuộc vào UK cả." Và vì thế, Catalunya khó có thể mong chờ EU sẽ rỉ vào tai Madrid "Anh thấy chưa, anh phải để chuyện này xảy ra thôi." Một bước đi tiếp không như ý, nhưng khi Madrid đã không cho mở ra một cánh cửa nào, Catalunya phải tự tìm lối thoát cho chính họ. Không đi là không được.
Người Catalunya vẫn sẽ bỏ phiếu, mặc cho những lực cản và mây mù vẫn đang che phủ đường chân trời. Không chỉ vì xuất phát điểm là một dân tộc có văn hoá, tiếng nói và lịch sử của riêng mình mà người Catalunya muốn khẳng định sự tồn tại rõ ràng trên bản đồ thế giới. Mà còn bởi vì sau 300 năm kể từ ngày đánh mất nền độc lập tự do, họ cảm thấy đã đến lúc cần phải lên tiếng, tự định đoạt những gì thuộc về mình - như định đoạt thành quả lao động, của cải do chính họ làm ra, thay vì phụ thuộc vào những chính sách "ban phát", kiềm toả thiếu công bằng của Tây Ban Nha.
Một cuộc bỏ phiếu, diễn ra trong hoà bình và dân chủ, là điều không thể bị ngăn cản. Sẽ có người lên án việc chia rẽ ngay trong lòng một xã hội, một lãnh thổ, kiểu "thế đ** nào bọn này cứ muốn chia tách, độc lập?". Nhưng tự do bày tỏ nguyện vọng, ý chí là quyền không thể bị phủ nhận. Chống lại điều này, là đi ngược lại những nguyên tắc của một nhà nước dân chủ. Người Catalunya tin rằng 40 năm sau cái chết của độc tài Franco, nền dân chủ Tây Ban Nha vẫn như "đàn bà". Giờ đây, với sự kiện Catalunya, nền dân chủ này cũng đã khước từ đi cơ hội để chứng tỏ nó đã trưởng thành. Những chính sách của nó, thay vì phụng sự người dân, đã không khác gì bức tường thành ngăn cách được dựng lên. Nhưng khi ý chí con người được tích tụ, động lực xô đẩy ngày càng lên cao, khi mà tới hạn của một điểm không còn có đường lùi, thì không một bức tường hay rào cản nào có thể tiếp tục trụ vững. Người Catalunya chọn ngày Chủ nhật, 09 tháng 11 của kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, là có lý do cả đó đấy!
or post as a guest
Be the first to comment.