Câu trả lời nhanh nhất cho vợ và con gái của tôi cho việc vì sao tôi lại ở lại Barcelona là vì tôi có một gia đình Catalunya. Nhưng nếu bạn chờ đợi một câu trả lời nghiêm túc thì đây: tôi ở lại Barcelona trong thời điểm tồi tệ và chán ghét thế này là vì chỉ cách nơi cầu thủ hay nhất lịch sử bóng đá thế giới chơi bóng hàng tuần có 40 phút đi xe lửa.
Nếu vợ con mà ép tôi trở lại Argentina vào lúc này, tôi ly dị ngay chỉ để ở lại, chí ít là đến hết mùa bóng. Đấy là vì tôi không nghĩ bóng đá sẽ lại chứng kiến một đội bóng hay đến chừng ấy và một cầu thủ hay đến chừng ấy. Messi đang ghi rất nhiều bàn. Có tuần lễ anh ghi 3 bàn cho Argentina, 5 cho Barca tại Champions League và tại La Liga. Nghĩa là 10 bàn trong 3 trận thuộc 3 đấu trường khác nhau. Messi tràn ngập trên báo, trên Internet, thay thế cho những thông tin khô khốc về khủng hoảng kinh tế. Và từ đó tôi lại nghĩ ra một lý thuyết lạ, rất khó giải thích. Tôi sẽ cố viết thử xem sao nhé.
Tất cả khởi đầu vào một buổi sáng. Tôi cứ xem những pha ghi bàn của Messi trên Youtube, bất chấp cảm giác có lỗi vì vẫn còn đang nợ bài của 6 tờ tạp chí. Rồi một đoạn video xuất hiện và làm tôi hút chặt vào đấy. Có hàng nghìn video về Messi trên Youtube, nhưng cái này hoàn toàn khác biệt. Nó không ghi lại những pha ghi bàn, những đường kiến tạo hay những pha bóng đẹp nhất. Nó là một đoạn clip ghi lại hàng trăm pha phạm lỗi mà Messi phải nhận, mỗi pha dài từ 2-3 giây.
Điều tuyệt vời là trong hàng trăm pha bóng ấy, Messi không ngã, anh không phàn nàn cũng không tìm một quả phạt. Mắt gắn chặt vào quả bóng, anh cố tìm lại thăng bằng và chạy tiếp. Xoạc bóng, kéo áo, ôm lại, tì vai, ngáng chân, đủ thứ mọi kiểu để ngăn Messi lại. Tôi sửng sốt khi nhận một một nét chung trong những hình ảnh ấy, buộc tôi phải coi lại từng pha một: mắt Messi không hề rời khỏi quả bóng.
Bóng đá hiện đại có những luật lệ bất thành văn. Khi đã ngã thì bạn phải cố kiếm một quả phạt, cố cho đối phương bị phạt thẻ để thuận tiện hơn trong những pha tấn công tiếp theo. Chỉ có Messi là phớt lờ tất cả những quy luật ấy, anh ta chỉ muốn đưa quả bóng đến khung thành đối diện, chả quan tâm đến kết quả hay luật lệ gì. Ngay cả khi bạn đâm anh ấy hay bầu trời sập xuống thì đối mắt ấy vẫn không rời khỏi quả bóng.
Rồi tôi chợt hỏi mình đã nhìn thấy điều ấy ở đây rồi? Tôi dừng đoạn video lại, phóng to đôi mắt ấy và nhớ ra: Totin cũng có ánh mắt ấy khi nó nhìn miếng bọt biển (dùng để rửa chén). Thuở còn bé tôi có một con chó tên Totin. Nó không phải là một con chó khôn ngoan gì. Trộm vào nhà lấy TV thì nó chỉ nhìn, người ta bấm chuông nó cũng chả buồn nhích ra khỏi chỗ ngồi, tôi có bệnh gần chết thì nó cũng chả quan tâm.
Ấy vậy mà khi có ai đó (mẹ tôi, chị tôi hay tôi) cầm cái bọt biển lên, Totin như phát điên. Nó muốn cái bọt biển màu vàng ấy hơn bất cứ thứ gì trên đời. Nó luôn muốn mang cái bọt biển ấy cùng đi ngủ. Tôi cầm bọt biển trên tay là mắt nó dính chặt vào. Tôi chuyển từ tay này sang tay khác, mắt nó dõi theo, không bỏ qua một cử động nào. Chiếc cổ của Totin di chuyển theo cái bọt biển trên tay tôi, đôi mắt thì ánh lên sự thông minh, say mê tột độ. Nó như đôi mắt của Messi khi nhìn quả bóng vậy. Trong thoáng chốc, bạn có cảm giác đấy là ánh nhìn đầy kiến thức của Sherlock Holmes.
Tôi phát hiện ra khi xem đoạn video kia: Messi là một con chó, một con chó chơi bóng, xin bạn đừng hiểu điều này như một sự sỉ nhục. Bởi vì con chó không biết giả vờ đau đớn, nó cũng không đến phàn nàn với trọng tài là con mèo đã thoát khỏi nó như thế nào, nó không chờ người đưa thư móc ra một thẻ vàng. Thuở ban đầu, người ta chơi bóng theo cách ấy. Họ đuổi theo quả bóng và không quan tâm đến những điều khác: không có thẻ vàng, không có vị trí chiến thuật, không có treo giò, không có luật bàn thắng sân khách. Trước đó mọi người chơi bóng như Messi và Totin vậy.
Bây giờ thì bóng đá đã thay đổi quá nhiều. Mọi người chú tâm quá nhiều vào luật lệ. Sau một trận đấu, chúng ta mất cả tuần để bàn về nó. John đã bị thẻ vàng, anh ta có bị treo giò trận El Clasico không? Luật 208 có cho Ernesto chơi cho đội U17? Pedro có ngã vờ không? CLB sẽ kháng án chứ? Trọng tài có cộng đủ phút bù giờ không?
Chỉ có con chó là không quan tâm những điều đó. Nó không nghe đài, không đọc báo, nó không quan tâm đấy là trận giao hữu hay tranh cúp. Con chó chỉ muốn miếng bọt biển của nó, dù khi nó buồn ngủ, ngay khi nó đang mơ. Messi là con chó. Anh ta đã phá vỡ hàng loạt những kỷ lục, đạt hàng loạt những danh hiệu, nhưng quả bóng mãi mãi là mục tiêu, như con chó không bao giờ cảm thấy chán với miếng bọt biển cho đến khi nó chết vậy. Nó có thể chơi với bọt biển cả ngày chả thấy mệt, ngày này qua ngày khác.
FIFA khiến trận đấu giờ chỉ gói gọn trong 50 phút, còn lại 40 phút dành cho luật lệ. Nhưng Messi chả buồn quan tâm. Anh ta thật bệnh hoạn, nhưng đấy là thứ bệnh hoạn hiếm hoi khiến tôi phấn khởi vì tôi yêu Totin. Tôi cũng yêu Messi vì anh ta là con chó cuối cùng trên sân cỏ. Đấy là lý do tôi phải ở lại Barcelona bằng mọi giá, để được coi Messi trổ bệnh ra hàng tuần.
Những người yêu bóng đá có những niềm tự hào vì họ được chứng kiến những cột mốc vĩ đại của bóng đá thế giới. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó chết và được lên thiên đàng, mọi người sẽ "chém gió" về bóng đá thời đại của mình. Có người bảo mình còn đang đi học tại Amsterdam hồi 1973, có người là kiến trúc sư tại Sao Paulo hồi 1962, có người còn tuổi teen tại Naples 1987. Bố tôi bảo ông đang ở Motevideo hồi 1967... Khi tất cả kể hết, tôi sẽ đứng dậy từ từ và nói: "Tôi từng sống ở Barcelona, nơi có một con chó chơi bóng trong thời đại của con người". Rồi Chúa sẽ xuất hiện và cho tôi sống lại vì Ngài cũng thích con chó ấy.
Hernan Casiari
Trần Minh (lược dịch)
or post as a guest
Be the first to comment.