Một buổi sáng trong lành của tháng giêng, dưới cái nắng dễ chịu của Địa Trung Hải, những bậc phụ huynh với khuôn mặt rạng rỡ đổ xô nhau về thành phố Barcelona với mong muốn được chứng kiến những đứa con của mình đang được ăn tập trong học viện bóng đá của một trong những câu lạc bộ xuất sắc nhất thế giới. Theo dõi những đứa trẻ được các HLV hướng dẫn, uốn nắn từng động tác trên sân tập, dạy dỗ những thói quen trong sinh hoạt, những bậc làm cha làm mẹ không khỏi xúc động và tự hào khi con của họ được sống trong một môi trường cực kì bổ ích, tại nơi đó, khẩu hiệu: “Més que un club - Hơn cả một câu lạc bộ” được lấy làm kim chỉ nam.
“Trứ danh” hay “bậc nhất” - đó là những từ mà người ta thường nói đến khi nhắc về lò đào tạo của FC Barcelona - La Masia. Có một sự thật rằng, La Masia là một trong những học viện đào tạo bóng đá trẻ chất lượng nhất thế giới trong suốt 25 năm qua. Năm 1988, Johan Cruyff và các cộng sự hoàn thành dự án tái thiết học viện, kể từ đó đến nay, La Masia luôn là đứa con tinh thần của cả thành phố Barcelona và xứ Catalonia. Tại sao lại ví La Masia như là đứa con tinh thần? Có lẽ những Puyol, Xavi, Iniesta, Busquets, Messi,...là câu trả lời hoàn hảo nhất cho câu hỏi đó.
Cựu giám đốc La Masia Carles Folguera từng chia sẻ: ''Ở đây chúng tôi ưu tiên phát triển tư duy chơi bóng cho các học viên nhưng cũng không quên việc phát triển con người, chúng tôi muốn họ trở thành những cầu thủ có tư cách đạo đức chuẩn mực. Những cầu thủ nhí ở đây còn được học về lòng kính trọng, tính khiêm nhường, đức hy sinh và khả năng làm việc nhóm, chúng tôi dạy họ rằng ông đầu bếp cũng phải được tôn trọng ngang với Huấn luyện viên. Cứ như thế, lứa này nối tiếp lứa kia, đến bây giờ chúng tôi vẫn tự hào về điều đó''.
Kể từ sau cuộc chia tay giữa Luis Enrique & Barça B vào năm 2011 và đặc biệt là sau án phạt cấm chuyển nhượng của FIFA đối với FC Barcelona năm 2014, La Masia dường như có sự chững lại nhất định. Càng ngày xuất hiện càng nhiều cầu thủ phải sớm nói lời chia tay đội chủ sân Camp Nou để tìm cho mình một bến đỗ mới. Để lại sự nuối tiếc cho người hâm mộ nhất phải là Thiago Alcantara, người anh nhà Alcantara rời khỏi Barça để đến với FC Bayern München sau khi không tìm một chỗ đứng cho mình trong đội hình chính. Tài năng là điều mà chúng ta có thể thấy rõ ở Thiago, nhưng từng đó vẫn là chưa đủ khi trong tay Pep lúc đó đang có hai bậc thầy về chuyền và kiểm soát bóng là Xavi Heznández và Andrés Iniesta.
Sinh ra ở Madrid nhưng có gốc gác là Ma Rốc, Munir El Haddadi được hy vọng rằng sẽ cùng với Luis Suarez trở thành đối tác ăn ý của Neymar Jr. và Leo Messi. Tuy nhiên, dù được cho mượn để tích lũy kinh nghiệm ở Valencia CF hay Deportivo Alavés thì khi trở về, cầu thủ này vẫn không đáp ứng được kỳ vọng chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với Suarez. Một cái tên khác là Sandro Ramírez, gia nhập La Masia khi mới 14 tuổi, được nhìn nhận có thể chơi tốt ở đội một, cũng chỉ có bảy lần ra sân tại LaLiga trong mùa giải 2014/15 với vỏn vẹn 2 bàn thắng. Chàng trai trẻ này sau đó chuyển đến Málaga CF trước khi trôi dạt sang nước Anh với điểm đến là Everton Football Club rồi lại trở về Tây Ban Nha trong màu áo các đội Sevilla FC, Real Sociedad de Fútbol và mới đây là Real Valladolid C.F. S.A.D. Sau này, những Marc Bartra, Sergi Samper cũng không để lại được nhiều ấn tượng sau khi được đôn lên đội một.
Những năm gần đây, số lượng cầu thủ La Masia góp mặt trong đội hình chính chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, người duy nhất có thể trụ lại và có cho mình một vị trí chính thức là Sergi Roberto. Nhưng tiền vệ sinh năm 1992 cũng không quá xuất sắc nếu như không muốn nói là để lại nhiều thất vọng. Xuất thân là một tiền vệ tấn công, nhưng Sergi lại được HLV Valverde bố trí ở vị trí hậu vệ cánh phải, rõ ràng với một người giỏi tấn công như Sergi khó có thể thể xuất sắc trong khâu phòng ngự.
Việc các cầu thủ trẻ không thể chen chân vào đội một để lại trong lòng các Culé không ít những sự hoài nghi: liệu chất lượng của La Masia đang xuống dốc hay chính chúng ta đang đặt quá nhiều kì vọng vào lò đào tạo trẻ khi hoài niệm về thế hệ vàng Xavi, Iniesta, Sergio Busquets, Messi,..?
Một điều mà ai cũng có thể nhận thấy được đó là tất cả các HLV từng dẫn dắt Barça ít nhiều đều hiểu triết lý bóng đá của Johan Cruyff, và như một điều tất yếu, trong thời gian tại vị của mình, họ đều ý thức được rằng ưu tiên phát triển cầu thủ trẻ là chiến lược mang tính xuyên suốt, lâu dài của đội bóng.
Không ít cầu thủ thuộc đội trẻ đã được đưa lên tập luyện và thi đấu cùng những người đàn anh với hy vọng họ sẽ làm sống lại La Masia một thời. Cụ thể, từ khi lên nắm quyền tại Barça, HLV Ernesto Valverde đã trình làng 15 cầu thủ thuộc Barça B, tất cả họ ít nhiều đã chứng tỏ được bản thân khi được trao cơ hội. Nhưng nói gì thì nói, những trận đấu mà các cầu thủ trẻ được ra sân đa phần đều là những trận thuộc Cúp Nhà Vua, hoặc là những trận không quá quan trọng tại La Liga. Câu hỏi được đặt ra là: phải chăng HLV không còn trọng dụng và tin tưởng những cầu thủ cây nhà lá vườn ở những trận đấu quan trọng như trước hay năng lực cầu thủ không đáp ứng được những trận cầu đỉnh cao?
Phải thừa nhận một điều rằng bất kì cầu thủ nào, HLV nào cũng phải chịu rất nhiều áp lực khi thi đấu và làm việc tại một đội bóng lớn như Barça. Vô địch La Liga là điều đã được lập trình sẵn trong hầu hết suy nghĩ của các Culé, còn ở đấu trường châu lục thì sao? Việc lọt vào tứ kết hay bán kết coi như là một thất bại của Messi cùng các đồng đội. Với nhiều người, đưa cúp UEFA Champions League về với phòng truyền thống đội bóng mới xứng đáng với danh tiếng của CLB và sự kì vọng của toàn thể Culé trên khắp thế giới. Song song đó, đội bóng phải trình diễn một thứ bóng đá đẹp mắt, làm mê hoặc lòng người và quan trọng là: phải tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Nếu đáp ứng được 3 yếu tố trên thì mới được xem là thành công. Thực tế thì trước đây Pep Guardiola ít nhiều đã làm được điều đó, nhưng quá khứ vẫn chỉ là quá khứ, còn hiện tại thì sao?
Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, việc đáp ứng đồng thời 3 mong muốn đó là điều không thể, hoặc là chấp nhận rủi ro và tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ, hoặc là nhanh chóng đưa về những bản hợp đồng mới với mong muốn thành công sẽ nhanh chóng đến, hoặc không có gì cả. Và như chúng ta thấy, phương án thứ 2 được đưa ra: đổ tiền vào những bản hợp đồng mà Ban Lãnh Đạo tin là sẽ mang lại vinh quang cho đội bóng.
Và thực tế thì sao? Những năm trở lại đây, chúng ta luôn là ông Vua của giải Quốc nội, vô địch Cúp Nhà Vua là điều quá đỗi bình thường, còn một nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất: vô địch UEFA Champions League thì lại chưa làm được.
Tất nhiên là đối với bộ máy của một đội bóng tầm cỡ như Barça thì họ luôn tính toán rất kỹ trong mỗi đường đi nước bước của mình. Việc quyết định chi những khoản tiền khổng lồ trên thị trường chuyển nhượng là hoàn toàn có nguyên do. Thứ nhất, họ nhận thấy rằng các cầu thủ trẻ của mình không thể đáp ứng được yêu cầu cũng như mong mỏi của người hâm mộ. Yêu cầu ở đây là gì? Tất nhiên rồi, đó là chiến thắng và chiến thắng. Thứ hai, bóng đá bây giờ là những sự tính toán vô cùng tỉ mỉ, ngoài việc có tài năng bạn phải có tư duy chiến thuật tốt, phải đảm bảo có đủ thể lực để triển khai ý đồ chiến thuật đó.
Việc để nhiều cầu thủ trẻ thi đấu cho đội một chưa hẳn đã thành công, trái lại đó có thể là một sự thụt lùi. Thực tế đã chứng minh điều đó khi mà lối chơi của Blaugrana những năm gần đây một phần nào đó đã bị nhiều đội bắt bài và khắc chế thành công. Ngay cả những cầu thủ sau khi rời khỏi Barcelona cũng không có được màn trình diễn quá xuất sắc trong màu áo đội bóng mới, vậy nên vệc họ không thể trụ lại ở Camp Nou là một lẽ đương nhiên.
Chủ tịch Josep Bartomeu cùng các cộng sự bắt tay vào chiến dịch đưa những cầu thủ đắt giá về với Camp Nou, điểm nhấn của phương án này có lẽ là việc chiêu mộ hai ngôi sao có tổng giá trị chuyển nhượng lên tới gần 300 triệu Euro: Ousmane Dembélé và Philippe Coutinho. Cả tiền vệ người Brazil lẫn cầu thủ sinh năm 1997 đều được mong mỏi sẽ lấp đầy khoảng trống mà Neymar đã để lại, nhưng đến bây giờ, hai cầu thủ triệu đô trên vẫn chưa thể làm yên tâm người hâm mộ đội bóng xứ Catalan.
Barça thì ra sức mua sắm, còn ở La Masia thì sao? Sau thế hệ của Roberto, rất nhiều cầu thủ khác phải đào tẩu khỏi Barça, người thì ra đi sau khi gây thất vọng ở đội một, người thì được mang đi cho mượn với mong muốn sẽ học hỏi được kinh nghiệm trước khi trở về cống hiến cho đội bóng. Thậm chí, có nhiều cầu thủ đã rời khỏi Barça khi còn rất trẻ, tất cả họ cho rằng tương lai của mình sẽ rất mờ mịt nếu cứ tiếp tục ở lại nơi đây.
Chưa có một thống kê chính xác nào chỉ ra được số lượng cầu thủ đã rời La Masia trong vòng vài năm qua, nhưng nếu theo dõi kĩ thì chúng ta dễ dàng nhận ra rằng con số đó là không hề nhỏ. Gần đây, hai cuộc đào tẩu làm tốn rất nhiều giấy mực của giới báo chí đó là Takefusa Kubo và Xavi Simons.
Takefusa Kubo - một tài năng thự sự của bóng đá Nhật Bản nói riêng và bóng đá Châu Á nói chung. Tháng 3/2015, sau khi đội bóng chủ quản FC Barcelona kháng cáo không thành công về việc bị cấm chuyển nhượng, Kubo cùng 10 cầu thủ nhí khác phải trở về quê nhà chơi bóng sau 4 năm ăn tập tại La Masia. Đầu năm nay, Kubo chính thức quay trở lại Barça và chuẩn bị cho việc kí một bản hợp đồng mới với đội chủ sân Camp Nou, mọi chuyện bắt đầu trở nên rắc rối khi cả hai bên không tìm được tiếng nói chung. Người đại diện của cầu thủ trẻ người Nhật Bản đưa ra những yêu sách cực kì vô lý đối với Barça: Kubo phải được trả không dưới 1 triệu Euro mỗi mùa, đồng thời được đảm bảo một suất ở đội một. Đáp lại những yêu cầu đó, bên phía Barça tất nhiên là không thể đồng ý, con số 1 triệu Euro mỗi mùa không đáng là bao nếu so với hàng trăm triệu mà đội bóng bỏ ra trên TTCN, nhưng sẽ là rất đáng kể nếu đó là số tiền bỏ ra cho một cầu thủ trẻ, một cầu thủ thậm chí chưa ra sân một phút nào trong màu áo Barça B, đó là chưa kể số tiền 2 triệu Euro phí chuyển nhượng mà bất kì đội bóng nào cũng phải bỏ ra cho FC Tokyo nếu muốn đưa Kubo về. Hơn nữa, việc đảm bảo một vị trí ở đội một cho một cầu thủ bất kì là điều mà chưa có tiền lệ trong lịch sử CLB. Và rồi hai bên đã đi đến quyết định cuối cùng - đường ai nấy đi. Kubo bất ngờ đầu quân cho đội bóng đại kình địch Real Madrid C.F. trong sự ngỡ ngàng của tất cả người hâm mộ.
Giải thích về cuộc chia tay này, bên phía La Masia cho rằng ngoài những yêu sách mà phía cầu thủ người Nhật Bản buộc họ phải đáp ứng thì yếu tố chuyên môn cũng là một phần nguyên nhân: ''Kubo là một cầu thủ có phẩm chất tuyệt vời, cậu ấy rất giỏi. Nhưng Take sẽ gặp những khó khăn lớn về vấn đề chiến thuật với 4-3-3 của Barça, điều này cũng cần được đánh giá." - một quan chức La Masia cho hay.
Nhưng cầu thủ người Nhật Bản chưa phải là trường hợp để lại cho các Culé nhiều sự tiếc nuối nhất. Xavi Simons - chàng trai được gọi với cái tên Xavi đệ nhị khi sở hữu mái tóc giống Carles Puyol, cái tên gần giống với Xavi Hernandez và phong cách chơi bóng giống Andrés Iniesta, được xem là một trong những tài năng sáng giá bậc nhất của lò La Masia. Simons từng phát biểu một cách ngây thơ trước báo giới: ''Cháu không thể chờ để được chơi với Messi nữa, cháu phải lớn nhanh lên để được lên đội một, được chơi cùng Messi''. Thực tế thì Xavi Simons luôn là người đeo băng thủ quân cho bất kì lứa U nào mà cậu bé trải qua. Và sức hút của cậu bé cũng không hề nhỏ, bằng cách nào đó, số người theo dõi cậu trên các trang mạng xã hội đều ở một ngưỡng mà người ta không thể ngờ đến đối với một cậu bé chưa bước qua tuổi 18. Hợp đồng của Simons và Barça đáo hạn vào ngày 30/6, một bản hợp đồng mới là điều mà tất cả mọi người đều nghĩ đến, nhưng thực tế thì mọi chuyện lại không thuận buồm xuôi gió như vậy. Giống như Kubo, chế độ đãi ngộ chính là vấn đề mà Barça và Simons gặp phải. Người đại diện của cầu thủ sinh năm 2003 là Mino Raiola đòi hỏi cho thân chủ của mình số tiền lương lên tới 200 ngàn Euro mỗi năm (cao hơn nhiều người đàn anh khác đang khoác áo U19, U21), không những thế Simons phải được đôn lên Barça B, điều mà trước đây chỉ có Bojan Krikic là người được đặc cách khi đang ở độ tuổi của Simons.
Đáp lại những yêu sách đó, BLĐ Barça một lần nữa nói không, mức lương họ đưa ra cho tài năng trẻ người Hà Lan là 100 ngàn euro mỗi năm và thế là một lần nữa, La Masia phải đón nhận nhiều chỉ trích từ giới báo chí khi không giữ được một trong những học viên ưu tú nhất của mình.
Điều dễ nhận thấy ở cả Kubo và Simons là họ (hoặc là người đại diện) đều đòi hỏi số lương quá mức bình thường đối với một cầu thủ trẻ. Hãy thử đặt ra một câu hỏi: liệu nếu những lời đề nghị đó được chấp nhận thì các cầu thủ khác của La Masia sẽ phản ứng ra sao? BLĐ đội bóng sẽ phải chịu áp lực ghê gớm đến mức nào? Đó là chưa kể những cầu thủ ở đội một. FC Barcelona là một gia đình, yếu tố quan trọng nhất để gia đình có thể tồn tại chính là sự công bằng. Thứ hai, việc ''nhảy U'' liệu có thực sự tốt cho chính bản thân các cầu thủ trẻ - những người đang ở trong giai đoạn nhạy cảm nhất của sự nghiệp?
Chúng ta thừa hiểu rằng chỉ cần sai một công đoạn thôi là sẽ phá hoại hoàn toàn sự nghiệp đầy hứa hẹn của những cầu thủ như Kubo hay Ximons. Những người hiểu rõ các cầu thủ trẻ nhất phải là HLV của họ, việc có nên thi đấu ở các lứa lớn tuổi hơn hay không, chính các HLV là những người biết rõ nhất.
Thông qua hai trường hợp trên, chúng ta có thể dừng lại một chút, suy ngẫm về cái gọi là "tình yêu Catalunya, tình yêu La Masia".
Phải chăng những đứa trẻ vô tội đang bị điều khiển một cách thái quá bởi những đồng tiền?
Chúng ta luôn tự hào rằng La Masia luôn sản sinh ra những cầu thủ nhí với tình yêu bất diệt dành cho Barça. Vậy mà bây giờ vấn đề lớn nhất mỗi khi chia tay một cầu thủ trẻ chính là tiền và tiền. Và chắc hẳn nhiều người đều tự hỏi mình rằng cái điều khoản ''phải có một suất trong đội hình chính'' xuất hiện từ bao giờ?
Chung quy lại, những cầu thủ trẻ, những cậu bé ngây thơ kia là những người vô tội, lỗi thuộc về chính chúng ta, những người ngày ngày nghĩ về những Messi, Iniesta, Xavi,..rồi lại so sánh và hy vọng rằng thế hệ sau này sẽ làm được điều tương tự hoặc ít nhất cũng được một phần của những người đàn anh. Phải chăng giá trị của La Masia đang bi thổi phổng lên khiến những cậu bé kia phải chịu vô vàn áp lực từ bên trong lẫn ngoài sân cỏ? Có một sự thật phũ phàng mà chúng ta phải thừa nhận, đó là: sẽ không có những Messi, Xavi, Busquets,.. nào nữa cả. Lứa cầu thủ vàng đó là món quà duy nhất mà thượng đế đã ban cho La Masia và cả Barça.
Xin kết thúc bài viết với một câu nói của José Bakero - người đứng đầu La Masia trong một chia sẻ với tờ Mundo Deportivo:
"Không có cầu thủ La Masia nào ở U21 Tây Ban Nha. Khủng hoảng ư? Ở Barça thật khó để có thể chen chân vào các đội hình như thế này bởi nhiều cầu thủ U21 ở những CLB khác được thi đấu ở đội 1 còn tại FC Barcelona họ thường chơi cho Barça B chứ không ở đội một. Tại sao như vậy? Bởi đẳng cấp và áp lực giành chiến thắng ở Barça là rất lớn."
or post as a guest
Be the first to comment.