Một ngày bận rộn của trưởng ban biên tập mảng tin văn hoá hãng X bắt đầu bằng chuyên đề: tìm hiểu thực trạng và phân tích mối quan hệ biện chứng giữa việc ngoại lai và nội hóa trong tên gọi của người Việt. Đến cuối buổi, hãng cho ra lò một phóng sự đầy gai góc phản ánh rằng yếu tố ngoại lai là điều tất yếu và đang tràn lan khắp xã hội do ý thức dân tộc kém cỏi của một bộ phận nhân dân...có trí thức.
Nào là trong giới ca sĩ thì phải đặt cái tên thật tây như Justa Tee, Mr Siro, Mr Đàm...hay có như ta thì cũng Akira Phan, Noo Phước Thịnh. Giới nhạc sĩ thì phải chèn cho vào được vài từ thật lạ để gây cảm giác mới như 'Ông xã em Năm bờ oăn'. Nôm na là nên có tý chút ngoại ngữ để gia tăng thêm phần chuẩn Tây. Đảo qua các bài viết mang tính bình luận cao ở cái chốn có chút 'tai tiếng' như diễn đàn Barça thì ngay cả các cây bút nổi tiếng cũng thi thoảng chèn vào các cụm từ như list cầu thủ (thay vì danh sách cầu thủ), show trình diễn (thay vì màn trình diễn) tràn lan khắp. Rồi bỏ chút thời gian đến các tờ báo mang tiếng cơ quan ngôn luận này nọ thì ôi thôi rồi các kiểu viết tắt rất chuyên ngành như TBN (Tây Ban Nha), BĐN (Bồ Đào Nha), VĐV (vận động viên). Ngôn ngữ viết còn tắt thế thì các bạn đừng quan tâm đến khi nói sẽ còn tắt đến thế nào nữa nhé. Mà chuyện nói so với viết vốn dĩ có sự khác biệt cơ bản về tư duy nên đôi lúc không nên đánh đồng.
Cái hãng X này cũng thật cục bộ địa phương và ngành nghề. Năm 2002, giải V-League ra đời. Người Nghệ An sắm ngay được bộ đôi người châu Phi làm mưa làm gió sân cỏ nội. Anh chàng được nhớ đến nhất được các cổ động viên xứ Nghệ gọi bằng một cái tên thân mật: I-nốc. Rồi người Nam Định cũng kéo về anh Achilefu. Cứ sau mỗi trận đấu, khán giả trên sân gọi 'Phu ơi, em yêu anh' là y như rằng tiền đạo xuất sắc này quay lại vẫy tay và không quên khoe độ trắng hàm răng với khán giả. Về sau này, hàng loạt các cầu thủ người nước ngoài đều mang đơn lên gặp cán bộ năn nỉ xin chữ ký. Họ xin thay đổi tên để nhập tịch: Phan Văn San Tốt, Đoàn Văn Sắc Đa, Trần Lê Mác Tin, Huỳnh Két Ly, Nguyễn Hoàng Helio... Đấy, hãng X chẳng chịu nhìn sang mảng bóng bánh mà chăm chăm nhìn với giới ánh đèn sân khấu rồi vội vã kết luận một vấn đề rất chi là nóng hổi rằng đó là tảng băng chìm.
Chưa hết! Ngay chuyện gọi tên cũng lắm điều thú vị.
Mùa hè năm 2010, các quán cà phê ở Việt Nam gần như chỉ có một câu chuyện duy nhất được bàn đến: World Cup. Một hôm trời nắng như đổ lửa, tôi ngồi cà phê với một tay hâm mộ Brazil như điếu đổ. Và dĩ nhiên đối tượng bị anh đưa ra ném đá nhiều nhất là những cái tên:
- Anh nói chú nghe nhé! Lão Ma Bư (Maradona) thì gà mờ. Cứ tung sạch các bố tiền đạo vào sân rồi tự đá với nhau thế là xong. Cả đội toàn Mặt Xị (Messi), Hèn Dở (Henize), Dốt Nát (Jonas) thì...vô địch thế đếch nào được .
Nghe thì đúng là tức anh ách. Nhưng hóa ra lão đó nói đúng khi Argentina thua liểng xiểng. Thế là kết quả khi gặp nhau sau giải là kết luận: đội toàn tên hãm thì vứt.
Vui thôi, nhưng để gọi những cái tên thành ra như trên có lẽ là cả một quá trình xã hội học phát triển lâu dài theo thời gian và giờ ít thấy trong cách hành văn của những người còn hoạt động trên thế giới ảo. Diễn đàn Barça thì cấm tiệt cái kiểu viết tắt chữ cái đầu kèm theo số. Ờ thì rút ngắn thời gian đấy, viết ai cũng hiểu đấy nhưng cứ thử viết tắt tên Jo mặc áo số 99 đi cái đám lười. Thế là tranh cãi nổ ra. Một biện luận đưa ra rằng năm nay mặc áo số 10 là chú M. Thế khi nó treo giày mà có cậu thế vào cũng tên M thì mai sau ai dại dột ngồi tìm tư liệu khác gì đánh đố nhau. Nghe cũng có lý. Nhưng thây kệ xác đám nhỏ ở thì tương lai. Cãi chán thì lại trưng cầu xã ý và quyết định đưa ra là cấm và phê phán. Trong khi đó ở phương trời khác đồng ý cho phương án viết tắt kiểu trên nhưng lại cấm tiệt kiểu viết đánh vần giống đám Barça hay làm. Luật đưa ra là hoặc viết chính xác hoặc viết tắt để thể hiện sự tôn trọng. Nghe cũng hay hay và tây tây. Thế là có hôm một ông nhảy bổ vào thách: đố chúng bay viết được cái tên Chygrynskiy hay Wojciech Szczęsny đấy. Lại đánh đố nhau và phương án được đưa ra là: không nhớ thì google. Tay kia phủi mông đứng dậy: tiên sư bố chúng bay, ông mà thuộc được gõ ra tên nó thì cần chó gì phải google. Cãi chán nhưng không trưng cầu thành ý vì đó chưa phải nét khác biệt trong văn hóa viết, nên cứ đánh vần hay xuyên tạc là cấm. Ngẫm lại thấy cấm cũng đúng. Kiểu đánh vần như i-tờ hay cao hơn là lợi dụng để xuyên tạc khiến tư duy ngôn ngữ bị chậm phát triển và khi viết ra thì quả là hơi kỳ cục, quê quê theo kiểu ít học. Rõ ràng chất xám về phong cách trích dẫn nguyên văn không được tôn trọng chắc chắn thiếu sức thuyết phục người đọc. Thế nhưng cũng chính tay nóng nảy vỗ ngực tuyên bố: chả sao, ta đây bản chất nông dân. Hóa ra ngoài chuyện xuyên tạc Barça thành Bà Xã và từ đó ấn định bản chất vùng ven thành xã của dân Barçamania cũng vô tình thể hiện được phong cách chân quê trong đối xử.
Đứng trước các luồng ý kiến và phản hồi, chúng ta đặt ra câu hỏi rằng cái gì là đúng, cái gì là nên và cái gì là thiết thực!
Đỉnh cao của sự phức tạp là đơn giản
Chắc hẳn những ai từng trải qua thời kỳ báo viết hoặc xa hơn là thời kỳ nâng niu những từ báo để bọc lấy cuốn vở, sách giáo khoa và cẩn thận dán nhãn lên ghi rõ ràng họ tên bản thân mỗi khi năm học mới bắt đầu sẽ rất nhớ đến tờ báo Nhân Dân. Tại sao lại là tờ Nhân Dân? Khá đơn giản: tờ báo này có tiếng nhất và có khổ giấy to nhất. Đại loại có thể to bằng khổ giấy A1 ngày nay. Và chính trong thời gian này chúng ta đều nhớ như in những thông tin được đăng trên báo rất...nhân dân. Mọi tên nước ngoài đều được đánh vần viết ra thành tiếng Việt để nhân dân dễ đọc: Tổng thống Gioóc-giơ Bút của Mỹ vi hành đến trung đông đã có cuộc hội đàm với chủ tịch A-ra-phát của Pa-lét-tin trước khi đến ăn tối với tổng thống Phăng-xoa-mít-tơ-răng của Pháp tại điện Ê-li-dê.
Có dễ đọc không? Chắc chắn là có và còn dễ hiểu. Cách đơn giản hóa vấn đề của tờ Nhân Dân nằm trong tư duy chính trị cấp lãnh đạo muốn những tên gọi đó được dễ gần, thân quen và phù hợp với mọi độc giả có trình độ tri thức khác nhau. Khi sống qua thời kỳ này, chúng ta không thể quên được cách làm Việt Nam hóa của báo chí lúc đó. Đến tận những năm 90 thế kỷ trước thì việc đơn giản hóa cách đọc cũng được áp dụng cho nhóm học sinh cấp 1,2 bắt đầu chập chững theo giáo án học tiếng Anh của bộ giáo dục. Nhiều học sinh không thể nhớ được cách đọc từ đều ghi phiên âm theo phong cách Việt Nam ra bên cạnh để nhớ: Hê-lô, Hau a diu. Am-phai, Thanh-kiu. Thú thực đến tận ngày nay tôi vẫn thấy nhiều người ở thế hệ trước tôi vẫn áp dụng cách làm đó trong học ngoại ngữ. Dĩ nhiên trình độ của họ ở mức i-tờ.
Vết tích lịch sử để lại, cộng thêm sự khác biết về hệ thống ngôn ngữ và chữ cái đã đặt những người hâm mộ Barça thời kỳ đầu (tạm gọi là thế cho những ai trên tuổi băm) vào một vòng xoáy. Thật hay khi trong hội nhập đó thì tính lười, khả năng ngôn ngữ kém và có chút cực đoan đã khiến FCBVN ngả theo một bản sắc chẳng giống ai. Đúng ra là chưa rõ hay dở thế nào nhưng sự khác biệt của FCBVN có thể là một mảng nổi mà hãng X không biết để phản ánh. Việt Nam hóa tên gọi nước ngoài có thể giải quyết vấn đề ngoại lai mà hãng X nêu ra trong phóng sự đã phát và rõ ràng trong ngoại giao thì việc hiểu ý nghĩa tên gọi cúng cơm cũng là yếu tố giúp rút ngắn khoảng cách giữa con người với nhau. Giả sử em tên Hoa, em giúp anh tây cố gắng phát âm đúng tên của em khiến người đọc có đôi chút ngờ nghệch. Nhưng khi anh tây mỉm cười thân ái và nói rằng ở nước anh, tên em được gọi là Flower thì em sẽ vui biết chừng nào. Dĩ nhiên có người cho rằng sự thái quá trong cách phiên âm sẽ mang tính xuyên tạc là không thể chấp nhận được và cần phải tránh. Có điều, sự xuyên tạc hóm hỉnh sẽ chấp nhận được nếu đó là số đông và không tục tĩu. Còn nếu không, chỉ sau một thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều đổi thay trong cách hành văn, bình luận, tranh luận ở diễn đàn. Có khi lúc đó tôi cũng phải nghĩ cho mình một danh xưng kiểu hót boy MaHi (nhại theo hót gơn MiDu).
Dù sao thì tương lai nằm ở ngày mai. Trong thời điểm hiện tại này, tôi thấy đâu đó là những cô bé mang tên Sa Vy, cậu bé gọi là An Việt...cổ vũ cho phong trào nội hóa các yếu tố mang tính nước ngoài nhằm mục đích gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ú ớ chục năm nữa tôi phải mang đơn lên Bộ Nội Vụ nhằm nhập tịch cho đứa em: Họ và tên - Lý Mặt Sị tức Lionel Messi.
or post as a guest
Be the first to comment.