Gần như cứ trước và sau mỗi cuộc bầu chọn quả bóng vàng là dư luận lại dấy lên những cuộc tranh cãi về việc ai mới thực sự là người xứng đáng được tôn vinh hơn (tất nhiên mùa này cũng vậy). Chỉ có điều chắc chắn đây sẽ là đề tài muôn thưở và không thể tìm ra hồi kết…
Thực tế, kể từ khi khai sinh ra danh hiệu Quả bóng vàng thế giới, FIFA đã nhiều lần tìm cách cải tiến, thay đổi thể lệ bầu chọn nhằm có được 1 kết quả tối ưu nhất. Đầu tiên, cuộc bầu chọn này chỉ dành cho các HLV trưởng các ĐTQG và những ông thầy này muốn bỏ phiếu cho bất kì cầu thủ nào cũng được. Tuy nhiên, format này lại nảy sinh vấn đề là với tư duy cục bộ địa phương, nhiều vị HLV các ĐT nhược tiểu đã điền tên các cầu thủ vô danh của nước mình vào phiếu bầu. Vì vậy, từ năm 2004, FIFA đã chọn ra một danh sách rút gọn để bầu chọn, và đây cũng là lần đầu tiên ngoài các HLV trưởng thì các đội trưởng ĐTQG và đại diện FIFPro (hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới) cũng được quyền bỏ phiếu.
Thế nhưng, trong giai đoạn này, giải thưởng này vẫn phải nhận rất nhiều sự chỉ trích về sự thiếu công bằng. Người ta cho rằng FIFA đã quá thiên vị bóng đá châu Âu. Bởi trong danh sách đề cử mà tổ chức này đưa ra không có bất cứ cầu thủ nào thi đấu bên ngoài Cựu lục địa. Bất chấp người Nam Mỹ cũng có cái lí của họ rằng đây là mảnh đất ngọa hổ tàng long. Và quan trọng hơn nữa là trong cả 3 mùa giải đầu tiên của giải vô địch thế giới các CLB, các đại diện của Nam Mỹ đều đã bước lên ngôi cao nhất. Như vậy, có nghĩa là về lý thuyết các đội bóng Nam Mỹ mới là những người mạnh nhất thế giới chứ không phải châu Âu. Ấy vậy mà không có cầu thủ nào của các đội bóng này được đề cử, trong khi các bại tướng của họ lại có đến vài ba cái tên trong danh sách. Phải đến tận năm 2007 mới có cầu thủ đầu tiên chơi bóng bên ngoài Châu Âu được lọt vào danh sách bầu chọn của FIFA.
Tuy nhiên, điều này có được cũng là nhờ nhạc trưởng của Boca Juniors đã có nửa mùa năm đó chơi cho Villareal theo hợp đồng cho mượn. Và cho đến tận bây giờ mới chỉ có duy nhất Neymar là cầu thủ được lọt vào danh sách đề cử, mà hoàn toàn không dính dáng gì đến bóng đá châu Âu. Đến năm 2010, FIFA lại một lần nữa thay đổi thể lệ (do hợp nhất với giải thưởng quả bóng vàng châu Âu của France Football), theo đó thành phần bỏ phiếu còn có thêm các nhà báo thể thao. Dẫu vậy, ngay ở lần đầu tiên ra mắt FIFA Ballon d’Or đã khiến không ít người bức xúc khi Wesley Sneijder – tiền vệ đưa Inter Milan đến cú ăn 3 lịch sử và đưa ĐT Hà Lan vào tận CK World Cup 2010 thậm chí đã không có tên trong Top 3.
Ở đây có một vấn đề cần làm rõ. Đấy là hễ cứ là một cuộc bỏ phiếu đại chúng thì yếu tố cảm tính là điều không thể tránh khỏi. Dù thực tế người đưa ra quyết định là những người có hiểu biết về mặt chuyên môn, nhưng vấn đề là chắc chắn là số đông không có thời gian để theo dõi thường xuyên tất cả khoảng 20 chục cầu thủ trong danh sách được đề cử. Với các HLV, đội trưởng các ĐTQG thì phần lớn thời gian của họ cũng là dành cho tập luyện và thi đấu, chứ không phải là xem bóng đá. Còn các nhà báo cũng vậy, họ cũng chỉ phụ trách từng mảng nhất định.
Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên phần lớn phiếu bầu sẽ dựa trên ý thích cá nhân hơn là cân nhắc, nâng lên đặt xuống một cách chi ly (giống như chuyện HLV Lào bỏ phiếu cho cầu thủ Lào trước đây). Đơn giản vì đây không phải là công việc chính của họ. Họ chẳng được lợi lộc gì từ cuộc bỏ phiếu này. Tâm lý bỏ cho xong cũng là điều rất dễ hiểu. Do các cuộc bầu chọn với giới làm nghề thường chỉ là một cuộc vui không hơn không kém nên mới có chuyện HLV Wenger được nhận giải thưởng HLV xuất sắc nhất thập kỷ (2001-2010) do Liên đoàn Thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) tổ chức. Bất chấp việc từ năm 2005 đến giờ, ông không thể giúp Arsenal giành bất cứ danh hiệu nào.
Vấn đề đặt ra là liệu có cách nào để có được một kết quả vàng mười khiến tất cả đều hài lòng? Câu trả lời là không thể. Bởi bóng đá là môn thể thao rất khó định lượng. Người ta không thể chỉ đếm số bàn thắng, số danh hiệu mà kết luận ai là người xuất sắc nhất, khi mà đẳng cấp và ý nghĩa của các giải đấu là khác hẳn nhau. Nếu làm đơn giản theo phương pháp thống kê như vậy sẽ nảy sinh rất nhiều điều tréo ngoe, dở khóc dở cười. Ví dụ như chuyện cầu thủ Huỳnh Kesley Alves và Vũ Phong của Việt Nam từng lọt Top 50 các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng quốc tế nhất thế giới trong năm 2009 (tính đến ngày 30/6/2009) do IFFHS công bố. Thậm chí, Huỳnh Kesley Alves còn xếp tận hạng 9 hơn cả David Villa hay Rooney… Quan trọng hơn cả, bóng đá là một môn thể thao tập thể, mỗi cá nhân (dù là ngôi sao) cũng chỉ là một mắt xích trong cả guồng quay. Không thể có chuyện chỉ cần 1 cầu thủ làm nên tất cả. Nên dù có sở hữu chỉ số thống kê vượt trội vẫn chẳng thể khẳng định 100% rằng đó là người giỏi hơn.
Câu chuyện so sánh trong bóng đá luôn rất khó để đưa ra kết luận. Giống như kiểu Pele, Maradona hay Messi xuất sắc hơn, vì các phạm trù, điều kiện so sánh là khác hẳn nhau. Điều này là nguyên nhân mang đến những cuộc tranh cãi bất tận. Thế nhưng có lẽ đây cũng đúng là điều mà FIFA mong chờ, để cuộc chơi của họ luôn nóng, luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý!
Đức Phan
or post as a guest
Be the first to comment.