Chiến thắng nhàn hạ là kết luận đơn giản khi chúng ta nhìn vào tỉ số và những gì đã diễn ra trên sân. Benfica mạnh hơn so với tưởng tượng nhưng trận đấu rạng sáng nay chỉ giống như một bài tập thể dục của Barcelona dù cái giá phải trả cho bài tập này cũng không hề nhỏ.
Hãy cùng điểm lại những diễn biến của trận đấu để thấy được sự chuẩn bị của Barça như thế nào trước khi hướng tới El Clásico:
Rõ ràng, Tito đã chứng minh được rằng dù triết lý của ông và Pep Guardiola là giống nhau, Barça dưới triều đại mới vẫn có những nét tiến bộ riêng mang đậm dấu ấn của tân HLV. Đầu tiên là phương pháp xoay vòng và những kinh nghiệm học được, còn nhớ trong trận đấu với Granada với phong cách này, Tito đưa ra đội hình xuất phát 3 cái tên: Thiago - Cesc Fabregas và Busquets, những cầu thủ non trẻ này không đủ giúp Barça có thể tạo được dấu ấn trước một đội bóng xếp thứ 18 trên bảng xếp hạng và Vilanova đã buộc phải đưa Xavi vào sân để cải thiện tình hình. Trong trận đấu này, Vilanova đã thay đổi quan niệm, Benfica không phải là một đối thủ khó chịu đến nỗi Tito phải đưa ra một đội hình gần như mạnh nhất của Barça ở thời điểm hiện tại nhưng tại sao Tito làm vậy? Với sự có mặt của Xavi trên sân, Barça dễ dàng điều khiển lối chơi với không nhiều sức lực và bàn thắng đến như một lẽ tất yếu, khi kết cục đã an bài sau bàn thắng của Fabregas. Tito thay đổi một loạt nhân sự. Villa, Iniesta và Song để bảo toàn thể lực cho các trụ cột. Hãy so sánh cùng là phương pháp xoay vòng như theo 2 cách khác nhau:
- Cách 1, tung một đội hình chưa đủ sức tạo nên chiên thắng và hiệp 2 phải gỡ gạc bằng cách đưa át chủ bài vào sân.
- Cách 2, tung ra đội hình mạnh nhất, chiếm lĩnh thế trận ghi bàn và hiệp 2 rút các cầu thủ chủ chốt ra.
Cách nào hiệu quả hơn chúng ta có thể thấy, cùng là chiến thắng 2 - 0 trước Granada và Benfica, đội bóng Bồ Đào Nha chắc chắn được đánh giá cao hơn Granada nhưng Barça lại có chiến thắng dễ dàng hơn. Vấn đề nằm ở tâm lý, khi một đội bóng xoay vòng theo cách 1, hì hục đi tìm bàn thắng mà không thành công trong suốt hiệp 1 và phần lớn hiệp 2, cả đội sẽ phải gồng lên tìm bàn thắng với nỗi lo hết giờ và mất điểm. Như vậy những lợi ích của xoay vòng là bảo toàn thể lực và làm mới đội bóng khi thử nghiệm coi như không thành công. Còn cách 2, đội hình mạnh nhất vào sân trong hiệp 1, ghi bàn, giải quyết trận đấu, rút trụ cột ra trong hiệp 2 và cho các cầu thủ còn non kinh nghiệm vào sân thi đấu với một tâm lý thoải mái để họ có thể phát huy hết khả năng.
Dấu ấn thứ 2 mà Tito đã, đang và sẽ thể hiện chính là cách ông sử dụng Messi, hãy nhìn vào hai thống kê như sau:
- 2 trận gần nhất Messi không ghi bàn, kiến tạo 4 pha bóng và tổng cộng 5 bàn thắng của Barça đều đi qua dấu giày Leo.
- Thống kê thứ 2: kể từ đầu mùa bóng đến giờ, chỉ có hai trận đấu mà Messi quyết định kết quả khi những bàn thắng của anh trực tiếp mang về chiến thắng cho Barça (đá với Osasuna và Spartak Moscow) còn lại các cầu thủ khác như Villa, Adriano, Tello, Xavi, Alexis mới là những người trực tiếp ghi bàn thắng mang về 3 điểm nhưng hầu hết đều do Leo kiến tạo.
Rõ ràng chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của số 10 nhưng cách anh tác động lên đội bóng khác rất nhiều so với những gì Messi đã thể hiện trong thời gian Guardiola dẫn dắt đội bóng. Trong 4 năm Pep dẫn dắt, Messi là trung tâm, bàn thắng của Leo nguồn sống của Barça, Messi không ghi bàn - Barça thất bại ví dụ điển hình nhất: 2 trận gặp Chelsea. Dưới thời của Tito, Messi đá thấp hơn, thu hút hậu vệ đối phương bằng cách đi bóng quen thuộc nhưng chỉ cần nhìn thấy một cầu thủ khác của Barça có khoảng trống, Messi ngay lập tức tung đường chuyền và sau đó sẽ là bàn thắng kết liễu. Để hình dung về hai phương pháp cũng như lợi và hại của nó không khó, Messi của Pep là một cỗ máy săn bàn, anh ghi bàn giỏi nhất thế giới và nhờ Messi, Barça ghi được rất nhiều bàn thắng với những chiến thắng 8 sao, 5 sao khá thường xuyên nhưng cả đội bóng bị phụ thuộc vào Leo và Barça bị bắt bài thật dễ dàng. Người Ý có câu: "Mọi con đường đều dẫn thành Rome" thì triết lý của Barça khi đó là "Mọi đường chuyền đều dẫn đến Messi". Các hậu vệ đối phương chỉ cần dính chặt lấy Messi thì coi như Barça vô vọng trong việc tìm đường đến khung thành. Dưới phong cách của Tito, Messi như một miếng bánh thu hút mọi ánh nhìn của những con ruồi làm nhiệm vụ phòng ngự của đội bạn. Khi ruồi đã bu vào một điểm thì tất nhiên những điểm còn lại phải ... ít ruồi hơn và chỉ cần một đường chuyền các cầu thủ khác của Barça mới là người kết thúc trận đấu, tất nhiên bởi vì không ai ghi bàn giỏi bằng Leo nên số bàn thắng sẽ giảm xuống những chiến thắng kịch tính nối tiếp nhau nhưng Barça vẫn dành trọn điểm và không bị phụ thuôc. Có hai giải pháp cho hậu vệ đội bạn, kèm chặt Messi và buông lỏng Messi để kèm các cầu thủ khác, tất cả đều...không ổn. Để Messi nhởn nhơ cũng là tự sát mà theo kèm Messi thì hàng phòng ngự tự nhiên mở toang cho những Villa, Pedro, Tello, Cesc vào hưởng của trời cho.
Bài toán Messi xứng đáng được đưa vào trong những câu hỏi kinh điển dành cho các HLV và Mourinho cũng vậy thôi. Trận tới đây gặp Barça, trong thế phải thắng Mourinho sẽ làm gì với chàng lùn số 10? Tung ra 4 cầu thủ Pepe, Essien, Xabi Alonso, Khedira để bóp nghẹt Leo mà lơi lỏng các cầu thủ khác hay cho Messi chạy rông cả trận và thử tài Casillas? Nhìn vào những gì Tito thực hiện, chí ít ta thấy được những điểm nhấn chiến thuật của ông là cao tay hơn Pep khi biết dùng những mặt mạnh khác của Messi trong khi Pep chỉ đơn giản là sử dụng vũ khí sắc bén nhất mà Messi có. El Clásico tới đây có gì mà phải lo nhỉ? Khoảng cách 8 điểm và thi đấu trên sân nhà Camp Nou, chẳng khó để Barcelona có thể kiếm được 1 điểm và giữ nguyên cách biệt, Real Madrid buộc phải tấn công nếu họ muốn nuôi hi vọng vào Liga nhưng đôi công với Barça là tự sát, lại thêm những sự lựa chọn làm Mourinho đau đầu.
Nỗi buồn duy nhất là hình ảnh Puyol đau đớn nằm trên sân với cánh tay bị gập sau một pha không chiến và tiếp đất bằng tay. Barcelona có thể sẽ bước vào El Clásico với những nỗi lo phòng ngự, thót tim với màn song ca quá sức của bộ đôi thảm họa Alex Song và Mascherano nhưng quan trọng nhất chúng ta nghĩ đến Puyol trước. Sẽ là ích kỉ khi chỉ lo nghĩ tới việc Barça ra sao khi vắng Puyol mà ngoảnh mặt trươc chấn thương của đội trưởng tinh thần. Siêu kinh điển rất quan trọng nhưng tựu chung lại nó cũng chỉ là một trận đấu 3 điểm mà đội bóng chủ sân Camp Nou có quyền thua nhưng hiện tại hãy để những nỗi lo đó cho Tito và những người có trách nhiệm mang về chiến thắng, chủ đề trong ngày có lẽ chỉ nên xoay quanh Puyol mà thôi.
Điều đơn giản nhất có thể làm cho Puyol là gửi tới anh một lời chúc: "Mau lành chấn thương nhé El Capitan"
or post as a guest
Be the first to comment.