Tối chủ nhật, trong trận đấu với Rayo Vallecano, Dani Alves đã khoe kiểu tóc nổi bật của mình. Hậu vệ phải người Brazil thừa nhận rằng mái tóc ngắn, ngả trắng của mình là kết quả của một vụ thua cược (chắc chắn có liên quan đến cú ngược dòng lịch sử của Barca trước Milan!).
Tuy nhiên, đây chưa phải là điều bất ngờ nhất trong ngày. Thiếu vắng Xavi, Barcelona chơi có phần khác thường, vẫn hiệu quả nhưng có những sự thay đổi đáng kể trong lối chơi. Soi kĩ hơn vào chiến thắng 3-1 ( trong đó có 2 bàn của Barca xuất phát từ những tình huống phản công) cho thấy sự hoán chuyển vị trí giữa các tuyến đã khiến đối phương mất cảnh giác (điều mà các culé đã rất quen thuộc). Dù lối chơi này có thể là tạm thời nhưng đó là dấu hiệu cho biết Barcelona luôn sẵn sàng làm mới bản thân.
Sự thiếu vắng Xavi và ý nghĩa của nó
Kết quả trước mắt đã khiến chúng ta dễ dàng quên mất Barcelona là một đội bóng luôn biến thiên. Xavi đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ huy nhịp và điệu của dàn nhạc Barca và chúng ta còn lâu mới có thể tìm ra người kế thừa xứng đáng cho vị trí của anh. Cách Xavi một tay điều khiển lối chơi của Barca càng ngày càng trở nên không thể học theo và không thể thay thế. Dù Thiago có những khoảnh khắc đột biến nhưng ở anh vẫn thiếu một chút điềm đạm và ổn định của Xavi. Cesc, người gánh trên vai một sự kì vọng lớn lao, vẫn chưa thể tìm cho mình vị trí chắc chắn trong đội hình xuất phát. Anh thường xuyên phân vân giữa việc ép lên hỗ trợ Messi hay lùi xuống dẫn dắt khu trung tuyến và phân phối bóng. Chính vì thế, anh thường dẫm chân Messi ở khoảng giữa hàng phòng ngự đối phương và vạch giữa sân.
Sau khi buộc phải xem trận lượt về Champions League với AC Milan từ băng ghế dự bị, có một sự thay đổi được nhiều Culé để tâm: Cesc được ra sân ngay từ đầu trong trận đấu với Rayo Vallecano. Sự hiện diện của Cesc được đánh dấu bằng nhịp độ nhanh của trận đấu. Không giống như Xavi thường phân phối bóng theo chiều ngang, khoảng thời gian chơi bóng tại Premier League đã khiến anh thiên về lối chơi theo chiều dọc hơn, cũng là một điều mới mẻ với một Barcelona đôi khi có chút nhàm chán. Có Cesc thay thế cho Xavi, Barca phải trông cậy nhiều hơn vào những đường bóng dài từ 2 trung vệ - Pique và Mascherano cùng những sự hoán đổi vị trí trong đội hình. Sự chú trọng vào các đường ban ngắn đã giảm đi. Có một cuộc đánh đổi diễn ra: Barcelona cầm bóng ít hơn (đội hình đá thấp hơn) nhưng tay vào đó là những cơ hội tấn công chớp nhoáng, theo đó tận dụng khoảng trống đằng sau hàng phòng ngự đối phương và trở nên khó đoán hơn trong lối chơi. Thật không may, cách tiếp cận của Barca và sự thành công của nó lại đến chủ yếu nhờ vào sự vắng mặt của Xavi và quyết định dũng cảm của ông Jémez khi đẩy cao đội hình của Rayo chứ không phải sự xuất sắc của Cesc.
Messi-Villa, cặp bài trùng sát thủ
Trong trận đấu với Milan, đối mặt với hàng phòng ngự lùi sâu và chỉ trực chờ bảo vệ thành quả 2-0 của lượt đi, Villa đã được cho đá cao nhất cùng với Messi lùi sâu. Tuy nhiên, rõ ràng việc sử dụng Villa như một “số 9 cổ điển” không phải là thay đổi vĩnh viễn mà chính xác hơn là một giải pháp tình thế cũng như đối với đội hình 3-4-3. Trong trận đấu với Rayo ở Liga ta thấy Villa lùi về vị trí quen thuộc bên cánh trái, với Messi đá chính giữa như một số 9 ảo. Trong khi có những tranh cãi về tính hiệu quả của Villa khi đá lệch cánh (một số cho rằng vị trí sở trường của anh trước kia là tiền đạo cắm), câu hỏi đặt ra là liệu lí do đó có đủ sức nặng để kéo Messi khỏi vị trí giữa sân hay không. Dù sao thì trước Rayo, cả 2 đều chơi tốt ở vị trí mới và tận dụng khoảng trống ngon ăn của đối phương. Rõ ràng là khi thích nghi với lối đá theo chiều dọc, họ là người hưởng lợi thế từ sự hoán chuyển nhanh, dễ dàng nắm bắt cơ hội thọc sâu bằng những tình huống đối mặt và trình diễn lối đá cầm trịch.
Phản công và cầm bóng
Có được hàng công chất lượng, việc Barca dễ dàng phản công là không bất ngờ. Trận đấu chỉ ra những con số thống kê khác thường. Rayo có tỉ lệ cầm bóng cao hơn hầu hết các đội bóng làm khách tại Camp Nou. Dường như là kỉ lục từ thời Rijkaard, đội bóng thành Madrid có tỉ lệ cầm bóng lên tới 46%, con số thống kê cùng với kết quả trận đấu đã hoàn toàn tổng kết được diện mạo mới của Barca. Đáng chú ý là Dani Alves chứ không phải tiền vệ nào của Barca có số đường chuyền cao nhất (67) dù ra sân từ băng ghế dự bị (thú vị hơn là Trashorras đã thực hiện tới 87 đường chuyền cho Rayo!). Trong bàn thắng đầu tiên của Barca, Iniesta lấy bóng từ sâu trong phần sân nhà và lập tức chuyền lên cho Messi, người đã dẫn dắt màn công thành 3 đấu 2 hoàn hảo, dẫn tới cú dứt điểm dễ dàng của Villa. Villa đứng sau hàng thủ của Rayo và trở thành người kiến tạo bàn thứ 2, trong khi đó bàn thứ 3 đến từ đường tấn công từ góc đối diện, một đường phản công đậm chất Real Madrid. Vừa lạ lùng vừa mới mẻ khi chứng kiến cách mà các cầu thủ Barca ghi bàn ít chạm như vậy.
Tổng kết
Trận đấu với Rayo không nói rằng Barcelona sẽ trở thành đội đá phản công. Tuy nhiên, điều đó cho ta thấy được một khía cạnh khác trong lối chơi của Barcelona và nó có thể trở thành một lựa chọn khả thi trong tương lai. Cesc được kì vọng sẽ đóng vai trò chính, dù hiện tại anh vẫn đứng dưới bóng Xavi và Iniesta. Cách chơi của anh là sự trung hòa của 2 đàn anh. Những sự không rõ ràng trong lối chơi chỉ ra rằng anh chưa đủ khả năng giữ một vị trí nhất định trong đội. Trường hợp của anh gợi nhớ lại Xavi – anh quá chật vật trong cái mác “người kế nhiệm Guardiola". Anh đã thất vọng tới mức tại một thời điểm nào đó đã tính đến việc rời đội bóng. Cesc (cũng như một số culé) cần phải nhận ra rằng anh sẽ không chơi y hệt Xavi hay Iniesta, anh được đưa về để cải thiện hàng tiền vệ chứ không phải đá dự bị cho ai. Điều này càng xảy ra nhanh bao nhiêu, chúng ta sẽ được chứng kiến khả năng thực sự của anh sớm bấy nhiêu.
or post as a guest
Be the first to comment.