Bóng đá châu Âu đang trải qua một mùa giải kỳ lạ. Ở Đức, Pháp, Anh hay Tây Ban Nha đều chứng kiến cách biệt lớn của các đội đầu bảng đối với bạn hữu chung giải. Nhưng điều kỳ lạ nhất vẫn xảy ra ở Tây Ban Nha khi giải ngân hà chói lọi của thủ đô đất nước vừa vinh quang mang những chiếc cúp ra khoe thì ngay lập tức bị mấy ông nhà quê xứ Catalunya bạt tai bôm bốp. Chưa bao giờ cách biệt giữa hai đội lớn đến thế. Nói Bayern Munchen bỏ xa đội nào đó ở Đức thì cũng bình thường nhưng nói Real Madrid bị Barça bỏ xa thì ối cụ té ghế. Hóa ra sự thật này mang đến rất nhiều điều thú vị mà bấy lâu nay mọi người không để ý vì cái danh tiếng quá lớn của El Clásico.
Duyên nợ Barça - Espanyol
Giờ mà ai hỏi Real Madrid có phải đội bóng Barça ngán nhất không thì thể nào cũng bị ăn mắng cho tối mặt. "Cái thằng hạng tư vừa xuất sắc cầm hòa đại gia Levante anh em ạ" hay "Soi gương mãi đếch thấy nhất đại tông sư thiết đầu công đâu cả"..vân..vân... Đội bóng sọc xanh-đỏ đang có chuỗi bất bại kéo dài hăm hở đã phải dừng lại khi đối đầu với người anh em cùng thành phố. Cả Tây Ban Nha mừng ra mặt. "Derby nó phải thế" hay "Cho chúng nó biết thế nào là Tây Ban Nha đi". May mắn cho Barça khi thắng chung cuộc ở cúp nhà vua nhưng trận đấu vừa qua ở La Liga thì lại thổi bùng lên ý nghĩa của cặp đấu mà lẽ ra phải có tầm cỡ châu lục.
Lội ngược dòng lịch sử, khi mấy ông tây ba lô hẹn hò nhau ở quán cafe để lập ra Bà Xã đệ nhị thì đám sinh viên theo tinh thần ái quốc một Tây Ban Nha cũng đua đòi rủ nhau trà sữa để lập Espanyol. Ban đầu lấy tên là Sociedad Española (dịch ra có nghĩa là đội bóng Xã hội Tây Ban Nha). Nghe đã thấy toàn mùi chính trị chính em nên về sau ông em ở Barcelona này cũng phải vài phen đổi tên gọi cho hợp với thời đại. Mấy ông sinh viên hăng hái được vài năm cho đến khi ra trường bơi vào cuộc sống thì dần bỏ bê và tan đội sau 6 năm thành lập. Nhưng 3 năm sau thì nó được tái thành lập để đi theo định hướng phân tầng chính trị khá rõ rệt. Năm 1912, Alfonso XIII trao quyền cho Espanyol để thêm vào chữ Hoàng gia trong tên đội. Đó là chữ R mở đầu có ý nghĩa cho cái tên chốt hạ ngày nay: RCD Espanyol (Real Club Deportivo Español theo tiếng Tây Ban Nha, còn theo tiếng Catalan thì thành Reial Club Deportiu Espanyol). Chính điều này khiến trận Derby Barcelona không đơn thuần chỉ là bóng đá. Nói rõ là Derby Barcelona thôi nhé chứ mà ông nào nhỡ mồm gọi là Derby Catalonia thì mấy ông Girona bên cạnh nhảy lên cãi ngay cho mà xem.
(logo ban đầu sặc mùi Tây Ban Nha của Espanyol, logo sau đội vương miện, logo sau nữa là đợt bị tẩy chay phải bỏ bỏ đi hết các đặc trưng chính trị, logo cuối được dùng hiện tại)
Người ta hay coi cặp đấu Real Madrid với Barça là kinh điển thể hiện sự đối lập về chuyên môn lẫn chính trị độc đáo duy nhất trên thế giới. Sai toét. So với Espanyol thì chú em ở thủ đô còn thua xa. Thuở hàn vi, Espanyol ra đời đã bá đạo. Không thế mới lạ khi toàn đám sinh viên trai tráng xách giày đá phủi khắp nơi chạy khỏe như bò tót (ở Việt Nam thì hay gán chạy nhanh như ngựa nhưng ở xứ bò tót thì ngựa chỉ để làm cảnh trong khi dân ta lại hay đổ tại ngu như bò mà ngày nào cũng thi nhau uống sữa bò để thông minh hơn mới lạ). Giải Catalunya lúc đó đông vui lắm mà Bà Xã đệ nhị của đám Gamper phải đến tận sau này mới có thể vô địch (1905) trong khi đàn em Espanyol ẵm vài cái rồi. Cho đến khi tan đàn xẻ nghé lần một thì Bầy Vẹt là thế lực của Catalunya và chuyện vua Alfonso thích chí vỗ đùi ban cho danh hiệu hoàng gia cũng diễn ra trước đám Kền kền trắng đến cả chục năm chứ không phải nói phét. Tiện đây cũng nói qua để các bạn nghi ngờ việc Catalunya tách ra độc lập thì chuyện gì sẽ xảy ra. Giải bóng đá Tây Ban Nha tận năm 1928 mới ra đời và đám Catalunya vuốt mặt chẳng nể mũi gì khi vô địch luôn năm đầu tiên. Nhưng đó cũng chỉ là giải đấu hạng đàn em nếu đem so với giải vô địch của Catalunya đã phát triển mạnh trước đó hàng chục năm có ba bốn chục đội phủi tiếng tăm cỡ Barça. Giải Catalunya có từ năm 1900 và diễn ra trong 40 năm trước khi bị chính quyền xóa sổ sau cuộc nội chiến. Thế nên giờ mà có độc lập thì việc lập lại vài chục đội đá giải sau vài năm cũng không phải quá khó với dân tộc này.
Ông em Espanyol quy tụ những người theo tinh thần Tây Ban Nha được hoàng gia Madrid bảo trợ. Bà Xã đệ nhị thì toàn dân tứ xứ lập ra có tinh thần dân chủ và trung dung đồng thời lê la khắp các ngã tư để thi đấu nên lôi kéo được đám quần chúng nhân dân. Cả đời chỉ thay tên đổi họ có một lần khi bị các đệ tử của anh Franco ép đổi sang tiếng Tây Ban Nha là CF Barcelona . Sau này trời ban cho tự do nên quay lại với tên húy FC Barcelona đến ngày nay. Sự đối lập về 'tuyên ngôn quần đùi' của hai đội lôi kéo rõ ràng các tầng lớp chính trị khác nhau trong xã hội. Ông nào giàu, tư sản có xe riêng, có gậy ba-tong theo tư tưởng nhìn xuống thấy cả vạn người nhìn lên thấy mỗi anh đội vương miện thì hò nhau đi xem Espanyol. Thằng nào không coi vua Tây Ban Nha ra gì, suốt ngày đòi khoác vai hò hét bình đẳng với chả bác ái thì bệt mông ngồi xem Barça. Xã hội nào cũng có cái giống nhau là đám nghèo luôn đông vui hơn đám giàu nên dĩ nhiên Barça hút người hâm mộ hơn bạn cùng thành phố. Thế mới thấy cái tầm vĩ mô của kẻ lập ra đội bóng chắc là thuộc lòng kinh sử phương Đông: lấy dân làm gốc, lấy lòng quần chúng.
Derby Barcelona
Sự khác biệt trong tư tưởng khiến tuy cùng thành phố nhưng Espanyol chẳng khác gì là kẻ gián điệp, đám ngoại lai trong mắt số đông người hâm mộ Barça. Thế nên Madrid gặp Barça mang ý nghĩ tượng trưng cho căng thẳng trong quá khứ dần phai nhạt ở thời đại thế giới không biên giới thì cặp đấu Espanyol - Barça mới khắc họa rõ nét tinh thần bài trừ và dân tộc chủ nghĩa nhất ở hiện tại. Đá ở Camp Nou, cờ Catalunya tung bay, cổ động viên Barça hò hét (nhưng đám quá khích cực đoan kiểu Boixois Nois thì đã bị cấm tiệt đến sân từ thời Laporta làm chủ tịch). Sang sân Espanyol thì toàn cờ Tây Ban Nha với dàn quá khích được phép vào sân. Vậy mới có chuyện mấy anh áo xanh-trắng căng băng rôn chọc Pique rằng 'vợ của mày là dành cho tất cả' (đúng kiểu của chùa). Mà vì sao đám đó lại ghét nhất Pique?
Theo quan điểm chính trị chính em, Pique có nguy cơ là Chủ tịch của Blaugrana tương lai, suốt ngày ủng hộ độc lập và tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tuyển Tây Ban Nha. Theo quan điểm sâu-bít thì thằng này sính ngoại, lấy vợ người Colombia mà lại là hàng sao số khiến đa phần không tránh khỏi ghen tỵ. Còn theo quan điểm của hội Brigadas Blanquiazules thì cái mặt thấy ghét nên ghét thôi (Blanquiazules là một tên gọi khác của Espanyol, hội này có nghĩa đại loại là Ultras Espanyol theo tư tưởng bạo lực). Bản thân Pique cũng từng đá xoáy đối thủ khá nhiều trong thời gian qua do phong độ Barça tốt hơn hẳn đối thủ nên sự căng thẳng càng tăng lên.
Mang tiếng là Derby Barcelona và Barça là đội bóng đại diện tinh túy nhất của Catalunya thế nhưng cứ nhìn trên sân sẽ thấy sự khác biệt lớn. Sau thời gian được ban tước, Espanyol không thể cạnh tranh về mặt thương hiệu do có ít người hâm mộ hơn. Bản thân Espanyol cũng là đội bóng tổ chức theo mô hình ông chủ cầm phần trăm nhiều nhất khác biệt với mô hình hội viên sở hữu của Barça nên số tiền rót vào chu cấp cũng không sánh bằng (điều này khác hoàn toàn ở Việt Nam khi đội nào có ông chủ nhiều tiền kiểu bầu Đức, bầu Hiển thì dân tình kéo nhau đến xin ký hợp đồng đầy ngoài cửa). Nói xa xôi thì có nghĩa Espanyol bị hoàng gia từ bỏ để đi theo tình mới ở trên thủ đô và quả thật nhờ tiềm lực lớn mà tình mới phát huy hết tinh hoa trở thành số một quả đất. Bầy vẹt giờ chẳng khác gì ngọn hải đăng cho tinh thần Tây Ban Nha 'bất khuất' giữa biển Catalunya. Càng chèn ép họ, người Tây Ban Nha càng ủng hộ họ nhất là trong lúc Madrid đang trượt dốc. Hãy nhìn đội hình ra quân ở trận đấu giữa 2 đội vừa qua:
Barça - đại diện cho Catalunya chỉ có 4 cầu thủ người Tây Ban Nha với 2 anh gốc Catalunya. Trong khi Espanyol có đến 9 anh Tây Ban Nha với 5 người Catalunya. Tính ra ông Barça bằng nửa chất Catalunya của Espanyol chứ mấy. Trong lịch sử, nhiều cầu thủ khoác áo cho cả 2 đội. Nổi tiếng thì cỡ Kubala, Zamora, Czibor; ít nổi thì cũng Ivan de la Pena, Coutinho. Đặc điểm chung cho tất cả họ: đá hay thì lên Barça, đá kém hoặc hết thời thì về Espanyol. Thế chẳng khác gì Espanyol là cái sọt rác cho ông anh cùng thành phố nên cứ mỗi lần thắng được đám 'nhà giàu' ở Camp Nou sẽ chẳng khác nào thành tích vang dội cỡ U23 Việt Nam thắng U23 Qatar vừa qua.
Thời thế thay đổi. Đúng thật Espanyol vẫn vẫy cờ Tây Ban Nha trên khán đài nhưng giờ đây họ không thể so sánh độ giàu có với Barça. Đội bóng này vẫn cho phép các hội quá khích vào sân để liên tục chửi rủa cầu thủ đối phương - một nét văn hóa bóng đá Tây Ban Nha giữa lòng Catalunya. Đến khi Pique bật cao ghi bàn gỡ hòa cho Barça thì nó chẳng khác gì vết dao cứa vào mọi hy vọng của cổ động viên Tây Ban Nha. Có thể hành động của Pique khiến kẻ đối lập ghét cay ghét đắng nhưng với những người theo chủ nghĩa dân tộc Catalunya thì đó chẳng khác gì một bàn thắng của một vị Thánh mang đủ mọi ý nghĩa từ bóng đá đến chính trị. Chẳng ai đi phạt một hành động không bị cấm trong mọi văn bản luật trừ khi họ muốn làm trò cười cho thiên hạ. Càng lùm xùm nhiều thì Derby Barcelona càng nổi tiếng. Ú ớ có ngày LFP lên kế hoạch sử dụng cặp đấu này làm thương hiệu thì lúc đó giá vé tăng lên cao phải biết. Không hay mới lạ, một trận đấu trong một thành phố lại đại diện cho 2 tinh thần dân tộc khác biệt. Ở xứ này tồn tại được chứ ở nước khác thì có mà đánh nhau to. Đấy là chưa thèm bàn đến yếu tố 'nước ngoài' đang lãnh đạo Bầy Vẹt thì cặp đấu này càng thêm phức tạp.
(ở Việt Nam, cứ khi nào nhắc đến Tàu khựa là chính quyền dùng cụm từ nước ngoài để nói nhẹ nói tránh. Chủ tịch của Espanyol hiện tại là nhà tài phiệt người Quảng Đông - Chen Yansheng)
or post as a guest
Be the first to comment.