Điều đầu tiên phải khẳng định, dù cho những sự thay đổi có diễn ra, Barça không còn là chính họ kể từ thời điểm Pep Guardiola rời chiếc ghế HLV. Tuy vậy, HLV không phải là vị trí duy nhất phải chịu trách nhiệm về sự đi xuống của đội bóng. Đồ thị hình sin là quy luật tất yếu trong cuộc sống và những gì Martino làm được trong khả năng là rất đáng khen ngợi. Những trận thua sẽ tiếp diễn hay trở lại vào một ngày xấu trời, không ai có thể biết trước, nhưng nó quả thật đơn giản và dễ hiểu, từ ngay chính bản thân đội bóng cho đến quan điểm chỉ đạo của Tata.
Có lẽ nên nói một chút về quan điểm của Tata để dẫn dắt ngược trở lại về việc tại sao Barça không còn là chính mình. Trong mọi trận đấu kể từ khi vị HLV người Argentina đảm nhận cương vị HLV trưởng, quan điểm duy nhất của ông để mang về chiến thắng có thể gói gọn trong 4 chữ: Phải ghi bàn trước. Tata phân định rạch ròi quá trình để đi đến chiến thắng bao gồm 4 bước:
Bước 1 - Ổn định thế trận
Barça chơi chậm rãi và chắc chắn, không vội vàng tấn công phủ đầu. Đây là kết luận được rút ra kể từ những kết quả của Barcelona trong 5 năm vừa qua trong đó bao gồm 4 năm của Pep và 1 năm của Tito. Có một sự thật là dưới triều đại của Guardiola, Barça khá dễ dàng để thủng lưới trong 20' đầu tiên của trận đấu, kể cả khi đó có là một đội bóng cỡ bự như Real Madrid hay các đội bóng làng nhàng ở nửa cuối bảng xếp hạng La Liga. Thời điểm đó, thật sự khó có thể tìm thấy một đội bóng thứ hai trên thế giới có thể chấp đứt Los Blanco 1 bàn thắng mà hầu như luôn ra về với kết quả khả quan. Barça của Pep là như vậy đó, một sự tiệm cận hoàn hảo của những cầu thủ đạt độ chín trong sự nghiệp với nền tảng thể lực tuyệt vời. Sau 5 năm, một khoảng thời gian đủ dài của nghiệp cầu thủ, hầu hết đội hình chiến thắng của Guardiola ngày ấy đã bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp, và đó là đội hình mà Tata đang nắm giữ ở thời điểm hiện tại. Lý giải cho sự thay đổi này thì cũng dễ hiểu thôi, Pep Guardiola yêu cầu ở các học trò một cơ chế pressing tuyệt đối cả trong tấn công lẫn phòng ngự, liên tục di chuyển tìm cơ hội ghi bàn bên cạnh gây sức ép để bóp chết mọi đường lên bóng của đối phương trong khoảng thời gian chưa tới 10 giây. Để làm được việc đó, các cầu thủ được yêu cầu phải chạy bứt tốc, cự ly ngắn trong toàn bộ thời gian có mặt trên sân. Nhưng Barcelona của Tata thì đã quá già để có thể làm được công việc tương tự, yêu cầu những cầu thủ như Xavi, Puyol, Alves... Di chuyển liên tục quả là một sự khắt khe quá đáng đối với độ tuổi của họ. Một Barça không có khả năng duy trì pressing trong cả trận đấu, tất nhiên phải hạn chế bàn thua sớm để tránh một thất bại hiển hiện ngay từ khi trận đấu chưa bước qua nửa thời gian thi đấu của hiệp một.
Bước 2 - Tăng tốc & Tìm kiếm bàn thắng
Đây chính là thời điểm mà Barça của Tata vận dụng toàn bộ sức lực và khả năng sáng tạo để tìm lấy cơ hội dứt điểm trận đấu kể từ khi hiệp 1 đang diễn ra. Lúc này, Barça sẽ tấn công dồn dập với hi vọng tìm kiếm bàn thắng dẫn trước, khoảng thời gian này chỉ kéo dài khoảng 20', tất nhiên bởi vì thể lực của đội bóng không cho phép. Mặc dù không phải trận đấu nào Xavi và Alves cũng ra sân, nhưng so với nền tảng thể lực mà Guardiola xây dưng thì có thể nói thể chất của hầu hết các cầu thủ Barça đều đi xuống trong khoảng 2 năm đổ lại đây. Bằng chứng là các chấn thương liên tục kể từ khi Tito lên nắm quyền cho đến bây giờ. Quay trở lại phân tích bước 2, đa số các trận đấu đã diễn ra, Barça đều tìm ra lời giải về bàn thắng trước. Nhìn chung sau khi có bàn thắng thì lối chơi của Barcelona sẽ trở nên linh động hơn và đội bóng sẽ lập tức chuyển sang số 3 và số 4 để kết thúc trận đấu với kết quả chiến thắng chung cuộc. Trong trường hợp đội bóng không thể ghi bàn thì 10' cuối hiệp 1 là khoảng thời gian giảm nhịp độ trận đấu, hiệp 2 sẽ là quá trình tương tự bắt đầu từ bước 1. Phương pháp của Tata, rút gọn một cách tối đa thời gian mà toàn bộ cầu thủ của Barça lên tham gia tấn công xuống còn 40' trong một trận đấu đồng nghĩa với việc các cơ hội phản công của đối thủ chỉ có thể xuất hiện trong 40' chứ không xuất hiện trong hầu hết trận đấu như trước đây. Bởi 50' còn lại, đội hình của Barça không dâng quá cao và thi đấu an toàn đồng thời rình rập chờ cơ hội.
Bước 3 - Giảm nhịp độ & Tập trung số đông bên phần sân nhà (Chỉ xuất hiện sau bàn thắng dẫn trước)
Đây là một giải pháp bắt buộc cũng đồng thời là một bước đi sáng tạo của Martino. Hãy nhớ rằng, Barça không đủ thể lực để duy trì pressing trong cả trận đấu, vì thế đa số cầu thủ tham gia tấn công cũng không đủ khả năng bóp chết các đường lên bóng của đối thủ. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng thủ của đội bóng đỏ-lam sẽ phải hứng chịu nhiều hơn các đợt tấn công và khả năng thủng lưới chắc chắn sẽ cao hơn thời kì Guardiola rất nhiều. Vì thế, cách tốt nhất là tập trung số đông cầu thủ bên phần sân nhà, giảm nhịp độ trận đấu để hạn chế thấp nhất khả năng bị gỡ hoà. Vì sao đây là một bước đi sáng tạo của Martino? Hãy nhớ rằng Tito đã không hề quan tâm đến việc khả năng pressing của Barça bị ảnh hưởng nặng nề vì lý do tuổi tác. Do đó, dù đoạt Liga, đội bóng của Tito vẫn bị đánh giá yếu về mặt phòng ngự, dễ bị thủng lưới trước và cũng dễ bị gỡ hoà. Martino đã gạt sang một bên cái gọi là truyền thống kiểm soát bóng của Barça vì ông hoàn toàn hiểu được cơ chế pressing dưới triều đại của Pep Guardiola đã không còn sử dụng được nữa. Barça có những chiến thắng an nhàn hơn, duy trì thể lực cho chặng đường phía trước.
Bước 4 - Tăng tốc cuối trận & Tìm kiếm bàn thắng ấn định tỷ số (Bước phụ)
Đây chỉ là một bước phụ nhưng đối với các đối thủ lớn, có thể nói bước này quyết định cơ hội chiến thắng của đội bóng xứ Catalan. Trận El Clásico mới đây là một ví dụ điển hình. Bàn thắng thứ 2 của Alexis Sanchez đã nhấn chìm mọi cố gắng san bằng tỉ số của Real Madrid và kể cả khi họ tìm được bàn thắng rút ngắn tỉ số, thời gian không còn ủng hộ họ nữa rồi. Khoảng thời gian đột ngột chuyển từ phòng ngự sang tấn công sẽ làm bất ngờ toàn bộ các cầu thủ của đối phương. Đôi khi Barça không cần phải sử dụng đến bước 4 bởi vì, họ đã có bàn thắng ngay từ bước 3 với những đường phản công được tận dụng thành công rồi. Nhưng nhìn chung, chúng ta sẽ còn được thấy bước 4 nhiều hơn nữa khi Barcelona bước vào hành trình knock-out tại đấu trường Champions League.
Nếu nhìn vào cả một quá trình thi đấu vừa qua, không khó để nhận ra tầm quan trọng của việc ghi bàn thắng trước đóng góp vào chiến thắng của đội bóng. Trong tổng cộng 5 trận đấu mà Barça để thủng lưới trước, họ thua 2, hoà 2 và chỉ có duy nhất một lần lội ngược dòng thành công trước Valladolid. Và cũng không khó để nhận ra quan điểm củng cố hàng công của Tata trong khi hầu như toàn bộ nguyện vọng của các culé là đưa về một trung vệ đẳng cấp. Sự có mặt của một tiền đạo sẽ đa dạng hoá các miếng đánh nhằm thực hiện yêu cầu "PHẢI GHI BÀN TRƯỚC" của Martino. Bên cạnh đó, chắc chắn Martino hiểu rằng để nâng tầm đội bóng này, một trung vệ đẳng cấp không bao giờ là đủ, pressing mới là mục tiêu mà ông nhắm tới trong tương lai xa. Ở thời điểm hiện tại, một số 9 thuần có vẻ... Quan trọng hơn.
Vì thế mà hai trận thua dưới đây, quả thật đơn giản và dễ hiểu. Barça không còn ở đẳng cấp như xưa và tất cả đã nằm trong dự liệu của Martino rồi: Thủng lưới trước đồng nghĩa với đánh mất chiến thắng. Một Barça không có khả năng duy trì pressing ngay cả khi có bàn thắng trước thì liệu sẽ tìm kiếm bàn thắng gỡ hoà và lật ngược thế cờ bằng phương pháp nào?
or post as a guest
Be the first to comment.