Tấn công và phòng ngự phản công là hai tinh thần cơ bản mà một đội bóng buộc phải lựa chọn cho lối chơi của họ, và lịch sử bóng đá thế giới đã chứng minh rằng bất kỳ ai lừng khừng giữa hai dòng nước này đều phải trả giá đắt. Nói nôm na, chúng ta không thể tạo ra một đội bóng vừa tấn công hay như Barcelona, vừa có khả năng đổ bê tông như Inter 2010 và Chelsea mùa trước.
Cuộc đối đầu giữa Barcelona và Chelsea tại Champions League mùa trước chính là cuộc chạm trán kinh điển giữa hai trường phái tấn công và phòng ngự phản công.
Khi Herbert Chapman lên dẫn dắt Northamton Town vào năm 1907, ông nhận ra rằng kiểm soát bóng không phải là chìa khóa vạn năng để mở ra chiến thắng. Điều quan trọng là bạn kiểm soát bóng trong hoàn cảnh như thế nào. Ngược lại với xu thế đề cao việc giữ bóng của bóng đá thời kỳ sơ khai, Chapman chỉ đạo cho đội bóng của ông lùi thấp, chờ thời cơ để tăng tốc và tấn công rất nhanh vào khoảng trống đối thủ lộ ra khi dâng cao.
Chapman chính là người đặt nền móng và đề ra những nguyên tắc cơ bản của bóng đá phòng ngự phản công, lối chơi đem lại thành công cho ông tại Huddersfield và Arsenal. Phong cách ấy bị thời đại dè bỉu. Số đông cho rằng chiến thắng bằng bóng đá phòng ngự là quá tầm thường, phụ thuộc nhiều vào yếu tố may mắn và đi ngược lại tinh thần của bóng đá. Tuy nhiên, đó thực sự là một phát minh có giá trị vĩnh cửu của ông Chapman.
Bằng chứng rõ nét nhất được thể hiện trong các trận đấu tại EURO 2012. Điểm chung ở các cặp đấu Hà Lan- Đan Mạch, Đức – Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha- Ý, Ireland-Croatia, Pháp-Anh đó là sẽ có một đội nắm thế chủ động và kiểm soát được thế trận, đội còn lại sẽ lui về phòng ngự, cố gắng ngăn chặn mọi hướng tấn công và chờ thời cơ ghi bàn.
Hóa giải Tiki-taka?
Tây Ban Nha và Barcelona là đội bóng tiêu biểu cho lối chơi Tiki-taka, một con “quái vật” nuốt chửng thời lượng cầm bóng của đối phương trước khi tiêu diệt. Và sự thống trị của họ bằng trường phái tấn công đã thúc đẩy sự quyết đoán của các đội còn lại khi lựa chọn giữa hai lối chơi tấn công và phòng ngự phản công.
Phần lớn những đội bóng có ý định tấn công Barça hay Tây Ban Nha đều thảm bại. Họa hoằn lắm mới có một vài đội tạo ra bất ngờ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, trước khi… sụp đổ, như Espanyol; hay Shakhtar Donetsk. Trong vài năm trở lại, chỉ có Chile tại Wolrd Cup 2010 được xem là một bất ngờ thú vị: Trận nào đội bóng của Marcelo Bielsa cũng nhập cuộc với tâm lý hừng hực như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ, ngay cả khi đó là Tây Ban Nha. Và thực tế ngay cả khi chơi thiếu người thì Chile vẫn gây không ít khó khăn cho thầy trò Del Bosque.
Sở hữu bóng đôi khi cũng là một biện pháp khiêu khích. Bạn sẽ làm gì khi bóng được đập đi đập lại qua 25 đường chuyền ở khu vực giữa sân chỉ trong một phút? Real Madrid dưới thời Jose Mourinho đã thử “chơi dao”, dâng lên và cố khiến Barça “buông” bóng ra, nhưng thảm bại 0-5 đã khiến họ phải suy nghĩ lại. Mùa trước, Chelsea thậm chí còn chơi cực đoan hơn, và thật bất ngờ, cái “xe bus” luôn là giải pháp hiệu quả để phá Tiki-taka. Như Inter 2010. Tại Confederations Cup 2009, Mỹ đã sử dụng lối chơi tương tự trước Tây Ban Nha và thu về hiệu quả đáng kể: Họ sử dụng trung vệ cao to Jay DeMerit phong tỏa Fernando Torres bằng sức mạnh, trong khi các cầu thủ còn lại của đội áo đỏ quá nhỏ bé để phá vỡ bức tường bê tông rất kỷ luật của người Mỹ.
Nguyên lí bất định
Tựu trung, muốn đối phó với một đội tấn công ở đẳng cấp đỉnh cao như Barça, phòng ngự triệt để được coi là giải pháp duy nhất. Nếu Barça kiểm soát bóng là điều đã được mặc định, thì những đối thủ của họ buộc phải chấp nhận nhường hoàn toàn bóng cho Barça, và tỉnh táo hơn khi đứng vị trí, đảm bảo sự tập trung tối đa khi phòng ngự. Như Guardian chơi chữ: Possession (sở hữu bóng) hay Position (chọn vị trí)? Bạn phải lựa chọn một, và chỉ một mà thôi. Bóng đá đẹp là phải giành thế chủ động chiến thuật bằng tấn công, nhưng không có nghĩa phòng ngự là xấu. Chính sự phân chia rạch ròi hai trường phái như thế mới tạo ra vẻ đẹp của bóng đá.
Rinus Michels (Ajax), Arrigo Sacchi (Milan), Pep Guardiola (Barcelona) là những người tôn thờ lối chơi tấn công đẹp mắt. Còn Chapman (Arsenal), Helenio Herrera (Inter) và Roberto Di Matteo (Chelsea) lại chuộng lối chơi phòng ngự chắc chắn. Những người thành công với con đường của mình thường phải rất cực đoan: Tấn công triệt để, hoặc thực dụng đến tàn nhẫn. Sự thỏa hiệp đồng nghĩa với tự sát.
Nhưng trong sự cực đoan ấy, mỗi đội bóng phải tìm được sự hài hòa cho riêng mình khi ứng phó với các tình huống của trận đấu. Khi Barcelona đối đầu với Chelsea và Tây Ban Nha gặp Italia, họ thường xuyên phải chuyền ngang hoặc chuyền về khi cố xâm nhập khu vực 30 mét cuối cùng. Kết quả là họ cần một cầu thủ lôi kéo đối phương: Tung Fernando Torres vào sân có thể khiến lối chơi chung của Tây Ban Nha bị lạc nhịp, nhưng họ đã có một cầu thủ tì đè và tạo khoảng trống cho các tiền vệ (Fabregas chẳng hạn) dâng lên và ghi bàn.
Nhưng sự hài hòa ấy chỉ là biện pháp trong từng tình huống cụ thể. Về cơ bản, bạn chỉ có thể mài sắc một thanh kiếm. Tấn công, hoặc phòng ngự phản công. Barça chơi xe bus là điều không thể, vì ngoài việc không hề muốn sử dụng nó, họ còn không thể chơi như thế.
An Nhiên (theo Guardian)
or post as a guest
Be the first to comment.