Kỷ lục ghi bàn của Messi trong năm 2012 đã chính thức dừng lại ở con số 91. Liga đã tạm nghỉ và chỉ bắt đầu sau 2 tuần nữa, nhưng những lời ngợi ca anh thì không, thậm chí còn rải đầy mặt báo, nhiều như những bông tuyết đang phủ trắng xóa Châu Âu vào lúc này.
Ở chiều ngược lại, tuy chỉ là thiểu số, đâu đó vẫn có những tiếng thở dài hoài nghi đầy cố chấp rằng Godfrey Chitalu từ Zambia xa xôi đã làm được nhiều hơn thế (107 bàn trong năm 1972), rằng thành tích ghi bàn đó sẽ chẳng bao giờ có nếu Messi không có Iniesta và Xavi, rằng Messi hưởng lợi quá nhiều từ lối chơi tiqui tacca của CLB xứ Catalan vân vân và vân vân.
Hãy tạm dẹp một bên “kỷ lục đáng ngạc nhiên của Chitalu ở xứ sở Zambia” vì chẳng ai có thể kiểm chứng, hãy bỏ qua những ồn ào về việc 91, 85 hay 89 bàn của Messi, Mueller hay Zico có đáng để được công nhận hay không, thì các nhà chuyên môn vẫn buộc phải tin vào những số liệu thống kê tuy khô khan nhưng đầy thuyết phục.
Đúng là Messi được thi đấu trong hệ thống tiqui tacca luôn lấy việc áp đặt lối chơi và làm chủ thế trận là tiêu chí hàng đầu nhưng cũng vì lẽ thế mà anh luôn bị bao bọc bởi 4-5 cầu thủ trong một phạm vi 25m2-30m2 xung quanh. Thống kê tại mùa giải 2010 -2011 cho thấy rằng, nếu Ronaldo mỗi trận tung ra 7.3 cú sút, thì Messi là 3.9. Con số thống kê ở 2 mùa giải tiếp theo là khoảng 7 và 4.9. Như chúng ta đã thấy, câu chuyện 1 chọi 10 trước Benfica hay Valladolid không còn hiếm gặp trong những trận đấu có Messi, khiến số lần chạm bóng và cơ hội của anh vô cùng ít, ít hơn nhiều so với đồng nghiệp người Bồ tại Real. Các bàn thắng vào lưới Aletico hay Valladolid khó có thể nói được Messi chuyển hóa từ những “cơ hội”, vì trong thế “thập diện mai phục”, chính số 10 tự “vẫy vùng” mà tự tạo cho mình khe hẹp để sút bóng. Trong khi đó, ở Real cho dù cũng là lối chơi áp đặt nhưng lại dựa vào việc chuyển đổi từ thế phòng ngự sang tấn công một cách nhanh nhất có thể, dẫn đến những pha 1 chọi 1 hay nhưng khoảng trống mênh mông dành cho CR7 phô diễn. Vậy nên, con số 63 càng nhỏ bé khi đứng trước số 91 khổng lồ, mặc dù không ai có thể phủ nhận, “chỉ” ghi 63 bàn thắng trong 1 năm thôi đã là phi thường.
Thêm một câu hỏi lại được đặt ra, Xavi và Iniesta đã đóng góp như thế nào trong việc xây dựng một Messi chói sáng đến vậy? Câu trả lời là: Có, thậm chí đóng góp cực lớn nhưng...cũng chẳng lớn bằng những gì Ozil, Di Maria hay Benzema dành cho C.Ronaldo. Cũng từ những thống kê cho thấy, ở mùa giải 2010-2011, Xavi (4) và Iniesta (7) có 11 đường chuyền quyết định cho Messi (trong tổng số 53 bàn, chiếm 20.7%) thì ở thủ đô, Ozil (15), Di Mari (6), có tổng cộng 21 đường chuyền quyết định trong tổng số 53 bàn của CR7 (chiếm 39.6%), đó là chưa kể, tại Real có đến 13 cầu thủ “xúm” vào giúp anh trong 40 bàn (còn lại 13 do đối phương phạm lỗi và CR7 tự tạo cơ hội cho riêng mình), còn ở Catalan, con số này chỉ là 7 cầu thủ trong 28 bàn của Messi. Sang năm 2012, số 6 và số 8 đóng góp 11 đường chuyền trong tổng số 91 bàn thắng của Messi (12%) thì Ozil và Di Maria đóng góp 17 đường chuyền quyết định trong 63 bàn thắng của Ronaldo (chiếm 27%). Vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, chính Ronaldo đang được hưởng lợi quá nhiều (mà một số người không biết hoặc cố tình không biết) từ sự giúp sức của đồng đội chứ không phải Messi.
Từ những phân tích nêu trên, thử hỏi một cơn địa chấn đưa Messi đến Thủ đô, nơi có một lối chơi tạo nhiều cơ hội 1 chọi 1 để anh có thể phát huy kỹ thuật đi bóng, qua người thượng thừa, nơi có những đồng nghiệp “tốt bụng” như Ozil, Di Maria hay Benzema thì con số 107 của người Zambia tưởng tượng ra e rằng sớm muộn cũng bị phá bỏ. Nhưng rồi ở đâu đó tại Camp Nou người ta lại thấy thấp thoáng một tuýp Gareth Bale mang áo số 7 ghi “đều đặn” hơn chục bàn cho đội bóng Catalan mỗi mùa, thì lúc đó những giá trị đích thực của bóng đá cùng tài năng, kỹ thuật và tư duy chơi bóng có một không hai của Messi còn vang dội hơn nhiều.
or post as a guest
Be the first to comment.