Một chút cho Arruzzi...
Một kết cục buồn, nhưng hợp lí dành cho Italia. Dù sao, người hâm mộ đổi tuyển Thiên Thanh vẫn có lí do để tiếc nuối nếu so sánh màn trình diễn của Italia với Pháp hay kể cả Anh. Vấn đề của Italia nằm ở sự bảo thủ của Lippi. Domenech là một kẻ bất tài, Lippi không hẳn như vậy. Nhưng ông đã quá cứng nhắc khi không đem theo bất cứ một ngôi sao có khả năng gây đột biến đến Nam Phi. Có lẽ ông đã tính toán mọi thứ xoay quanh Pirlo. Nhưng chấn thương của anh đã khiến tất cả những hi vọng của người Ý tiêu tan. Rõ ràng dù đã ở những trang cuối của sự nghiệp, tiền vệ của Milan vẫn là người quan trọng bậc nhất trong mọi sơ đồ chiến thuật mà Lippi áp dụng. Montolivo dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể khỏa lấp chỗ trống mà Pirlo để lại. Marchisio thì chỉ là một sự thất vọng. Chỉ có De Rossi chơi tạm được, nhưng anh lại là nhân tố dẫn đến bàn thua đầu tiên trong trận gặp Slovakia hôm qua. Hàng tiền đạo thì thật sự đáng buồn. Ai theo dõi tuyển Ý thi đấu lần này chắc hẳn đều không khỏi chạnh lòng. Dù chưa bao giờ là một đội bóng chơi tấn công đẹp mắt, Ý vẫn luôn đóng góp cho bóng đá thế giới những tiền đạo đẳng cấp bậc nhất, thậm chí là những nghệ sĩ sân cỏ thực thụ. Nhưng đã xa quá rồi, cái thời của Mazzola, Baggio hay Totti, Del Piero. Những người Ý hiếm hoi có thể tạo ra sự khác biệt như Cassano, Miccoli thì không được đoái hoài. Nhìn Italia bế tắc trước Paraguay, chật vật trước New Zealand và thê thảm trước Slovakia, không hiểu Lippi có nhớ đến những cầu thủ mà ông đã bỏ qua. Đáng buồn cho nhà ĐKVĐ. Không còn hình ảnh oai hùng của một đội bóng đã băng qua tất cả để đăng quang ở Berlin 4 năm trước nữa. Giờ chỉ còn là sự yếu đuối, bạc nhược và bế tắc đến cùng cực. Quá buồn cho Italia.
Nhưng nhìn một cách tích cực, thất bại này có lẽ không phải là quá tệ cho tuyển Ý. Phải vấp ngã để biết cách đứng dậy. Ý thất bại, khi mà những cựu binh nhưng Cannavaro đã không còn nhiệt huyết chiến đấu. Lẽ ra Lippi phải nhìn thấy bài học từ Brazil 4 năm trước. Ông vẫn tin tưởng những cầu thủ từ lâu đã không còn là chính mình. Đừng so sánh với Loew của tuyển Đức. Loew tin vào Klose hay Poldi vì họ vẫn luôn tạo nên sự khác biệt khi thi đấu trong màu áo tuyển QG. Canna và những người Ý già nua khác thì không. Nhưng không phải tất cả người Ý đều thiếu quyết tâm. Hãy nhìn Quagliarella bật khóc nức nở cuối trận, nhìn De Rossi hát quốc ca như gầm lên trong họng, bạn sẽ hiểu họ vẫn luôn thừa nhiệt huyết chiến đấu. Italia cần những người như thế. Dù sao, sau World cup này, mọi thứ sẽ thay đổi. Prandelli chắc chắn sẽ biết gây dựng một thế hệ mới, một lối chơi mới. Một thế hệ trẻ trung hơn, nhiệt huyết hơn và tài năng hơn. Một lối chơi linh hoạt hơn, một lối chơi có khả năng mang đến sự bùng nổ và chiến thắng mà không cần đến Pirlo. Thất bại này sẽ càng khiến Prandelli quyết tâm cải tổ, và không thể vương vẫn bất cứ tàn dư nào nữa.
Dù chưa bao giờ hâm mộ Italia, nhưng những gì họ mang lại cho bóng đá vẫn đáng khâm phục. Thất bại của tuyển ý có thể khiến cho World cup bớt đi phần nào sự thú vị. Nhưng thôi, phía trước là bầu trời. Italia luôn mang trên mình màu áo xanh hi vọng, vậy thì chẳng có lí do gì không hi vọng vào những sự đổi thay tích cực của họ. Mong là sẽ nhìn thấy một Italia khác, tươi mới hơn, mạnh mẽ hơn ở những giải đấu sau. Còn giờ, tạm biệt màu xanh. World cup này không có chỗ cho sự bảo thủ. Tạm biệt Quagliarella và những giọt nước mắt của anh. Hẹn gặp lại vào một ngày không xa, mong là anh sẽ không phải bật khóc vì thua trận nữa. Tạm biệt Italia.