BARÇA CHÍCH QUÁI
(Dựa theo "Lĩnh nam chích quái")
Barcelona tuy ở cõi Catalunya, xa nước Việt ta nửa vòng quả đất, nhưng núi non kỳ lạ, đất đai linh thiêng, nhân dân anh hào, truyện tích thần kỳ, và có Barça vi diệu.
Từ sau thời “6 năm trắng tay”, cách thời đại giờ không xa, giai thoại về Barça lộng lẫy, hiếm thể chế nào sánh bằng, sử thi chép không xuể, truyền thông ấy thế xem làm mảnh đất màu mỡ để khai thác, cho nên nhiều truyện được lan truyền, cũng không ít tam sao thất bản, người đời không ít kẻ mê muội, lấy làm hoang tưởng, coi City bằng dung. Đến nay, qua các đời Rijkaard, Guardiola, Tito và Tata, may còn nhiều truyện được gìn giữ cẩn thận, cất giữ trong rương vàng lịch sử Forum (Cộng đồng Barçamania Việt Nam), đề cao lấy làm tự hào có, châm biếm tự phê cũng không ít, xem như là bài học răn hậu thế, được truyền miệng khắp chốn nhân gian, quanh cốc cà phê hay bên chai lúa mạch.
Barça ta, tự cổ vốn là một đội bóng, ra đời trong thời buổi thể thao và bóng đá là mốt của cựu lục địa. Từ một mẩu quảng cáo nhỏ trên tờ Los Deportes, có 12 con người tập hợp trong buổi lễ thành lập CLB vào tháng 11 năm 1899, từ kim chỉ nam là giao lộ của những con người đam mê quả bóng tròn, mượn khối vật chất ấy để bộc bạch tinh thần dân chủ, Barça giờ đây đã trở thành một thiết chế siêu cường trên bản đồ túc cầu giáo địa cầu. Més que un club từ ấy mà có!
Những truyện chép qua hơn thế kỷ, cất trong rương vàng Forum, đều là sử trong truyện, lai lịch rõ ràng, thời đại tường minh, tên họ nhân vật đều thấu đáo. Viết nên những trang sử vẻ vang ấy đều là những bậc tài cao học rộng ở các đời Gamper, Samitier, Zamora, Alcantara, Kubala, Suarez, Rinus Michels, Menotti, Cruyff, Koeman, Stoichkov, Rivaldo, Van Gaal, Rijkaard, Ronaldinho, Guardiola, Xavi, Iniesta, Puyol, Messi,… Còn những người nhuận sắc là các bậc quân tử bác nhã hiếu cổ ngày nay như Tata, Neymar,…
Kẻ ngu này yêu Barça không phải muộn, cũng chẳng gọi là sớm, đến với túc cầu giáo từ Hoa Kỳ 1994, theo gót Baggio đến nước Ý, được “người ngoài hành tinh” dẫn dắt đến và đem lòng mến mộ Inter bởi “chàng trai Trung Quốc” Recoba. Nhưng một buổi chiều định mệnh, trên sóng truyền hình nhà hàng xóm, giọng nói bình luận viên cất lên hai tiếng “Nu-Câm” chảo lửa của gã khổng lồ Catalunya và kẻ ngu này được dẫn lối. Sống trong thời đại của những cú click chuột, kẻ ngu này thử nghiên cứu gốc ngọn, suy xét cho sáng tỏ ý người xưa.
Xem truyện Gamper thì hiểu rõ được việc khai sáng ra FC Barcelona. Có truyện Siêu kinh điển chép lại mối thù truyền kiếp với Real Madrid và khắc hoạ tinh thần dân tộc Catalunya, nhắc nhở con cháu không quên thù với kẻ địch, chớ lấy chốn thành đô Madrid xa hoa mà ngã lòng. Truyện Kubala kể về chiến công “5 cúp”. Biểu tượng của Barça không đâu khác ngoài thánh địa Camp Nou hùng vĩ, âu cũng là cách tiền nhân tôn vinh Kubala và để lại di sản cho hậu thế. Anh hùng Blaugrana không thể không nhắc tới giai thoại về Johan Cruyff, của chiến công La Liga sau gần 15 năm chờ đợi. Có truyện về cuộc nổi loạn Hesperia gắn với tên tuổi cựu chủ tịch Nunez tuy là vết đen nhưng cũng là bài học nhắc nhở chúng ta về cách cai trị. Người hùng Cruyff đâu chỉ xuất hiện trong sử sách Barça một lần, cuộc đổ bộ lần hai của ông cũng là cuộc đổ bộ vào ngôi đền thiên liêng của CLB với những thành tựu mà khó ai sánh bằng. Chiến công của đêm Wembley huyền ảo 1992 mang về chiếc cúp danh giá C1 mà lịch sử Barça còn thiếu. Barça những năm tháng nhuộm màu da cam của cuộc Hà Lan hoá là câu chuyện đầy thi vị nhưng đều chứa đựng những cái kết thử thách niềm tin của người đời. Laporta đắc cử chức chủ tịch CLB, mở ra kỷ nguyên mới, mới biết Barça ta đời nào cũng có người tăm tiếng, tài nhân không hề thiếu, đồng thời là bài học về thuật đắc nhân tâm và bản lĩnh thống soái. Rijkaard “gá nghĩa” với Ronaldinho, cho nên, ân đức không phai nhạt. Than ôi, Barça sau đời Rijkaard, vẫn có thể tìm lại hào quang. Guardiola là nhà truyền giáo vĩ đại, huyền thoại sánh cạnh người thầy Johan, một đằng nêu cao ngọn cờ La Masia, cầu thủ trẻ được hưởng phước, những người “hobbit” Xavi, Iniesta được nâng tầm trở thành biểu tượng, một đằng thì truyền bá tiki-taka ra toàn thế gian, phòng truyền thống CLB chứa cúp không hết, vang danh muôn đời, tuy thần kỳ mà không nhảm nhí, tuy hoang đường mà vẫn minh chứng hùng hồn! Những truyện về Abidal, Tito há chẳng phải là lời giáo huấn người đời về tinh thần oanh liệt, vượt lên nghịch cảnh, ai dám nói không? Thánh Messi sáng toả, phá cường địch, Barça gặp cảnh khó thì bèn xuất hiện hoá phép, rõ quá đó ru! Truyện Bayern hạ Barça ta không thể lấy làm tủi nhục mà cố lãng quên, ắt xem đấy làm đòn roi mà sửa lấy. Truyện Rosell mất đầu để đổi lấy Neymar thì giống sách “chiếc Lexus và cây Olive”, bài học về phát triển và truyền thống, duy trì và kế thừa, âu cũng là tiền đề cho các đời chủ tịch.
Than ôi! Barça trích quái liệt truyện ghi vào đá, khắc vào tre, lưu danh thiên cổ! Từ đứa trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều truyền miệng và yêu dấu, từ Facebook đến Twitter kể hoài không xiết!
Ngày 18 tháng 02 năm 2014, kẻ ngu này ôm lấy truyện xưa mà đọc, tóm tắt lấy không tránh chữ nọ xọ chữ kia mà quên mình tài đức hèn mọn. Sử xưa đã vậy, City đang thế cường, tự hào xen lẫn cẩn trọng, bậc quân tử bác nhã hiếu cổ như Tata há chẳng hề hay biết?