Phần 4 - Còn hơn cả một chiếc cúp
[JUSTIF]Thế là trận đấu tại Wembley đã khép lại, để tôn vinh đội bóng xuất sắc nhất, quyến rũ nhất, có tính nhân văn nhất thời điểm hiện tại là Barca. Khi những lời chúc tụng, cảm giác bay bổng qua đi, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta cùng nhìn lại 1 số nhận định về chuyên môn của Barca và MU trong buổi tối hôm đó.
I. Về đội hình – chiến thuật:
- Với Barca, Pep vẫn đưa ra một đội hình quen thuộc, trừ sự vắng mặt đáng tiếc của Puyol do chấn thương chưa bình phục để chơi hết trận, và được trám vào bằng Mascherano, hành lang cánh trái có sự góp mặt của Abidal thì toàn bộ thành viên còn lại vẫn là những cái tên cũ để đảm bảo sự vận hành lối chơi Tiqui Tacca được nhuần nhuyễn nhất. Sơ đồ 4-3-3 không làm mấy người ngạc nhiên, nhưng lối đá và các mảng miếng chiến thuật có 1 chút thay đổi để hóa giải lối chơi của MU.
- Rõ ràng trong trận này, các cầu thủ Barca đã chịu khó sút xa, tận dụng tối đa khoảng trống cách cầu môn 20-25 mét, khi những Park, Carick, Gigg hay Valencia có xu hướng thu vào trung lộ và đá đội hình thấp.
- Điểm thứ 2, nếu các bạn để ý, tất cả các pha phạt góc (trừ 1 tình huống) Xavi hay Messi đều đá ngắn, chứ không câu bổng vào trong. Tại sao vậy? Thật dễ hiểu, bởi với chiều cao của Vidic hay Ferdinand, thật khó để tạo cơ hội với đường bóng bổng, khi mất Puyol và trong đội hình chỉ có Busquet là khả dĩ để tranh chấp bóng bổng. Hơn nữa, Pep quá rõ với những đường phát động tấn công của Van De Sar chỉ 2 giây bóng đã đến được vị trí của Rooney và chỉ cần thêm 3 giây Hernandez đã có cơ hội dứt điểm. Đây rõ ràng là 1 sự quán triệt từ ban huấn luyện của Barca trước trận đấu.
- Với MU, tôi thực sự ngạc nhiên với cách bố trí đội hình “bình thường” của Alex, đành rằng đó là những con người tốt nhất ông hiện có trong tay, tuy nhiên tôi không nghĩ, “những con người tốt nhất” đồng nghĩa với 1 “thế trận tốt nhất” và 1 “lối chơi tốt nhất”. Thật vậy, theo phần 2 đã đề cập trước trận, tôi đã tin rằng Alex sẽ sử dụng hàng tiền vệ 3 người (ngoài 2 tiền vệ cánh) là Anderson, Fletcher và Carrick trong đó có 1 tiền vệ phòng ngự phá lối chơi (có thể là Anderson). Theo cách bố trí đó, sẽ hy sinh “hạt đậu nhỏ” và Rooney là tiền đạo ẩn lên công về thủ để đảm bảo sự chắc chắn ở tuyến dưới. Cho đến thời điểm này thực sự tôi vẫn nghĩ đó là cách bố trí hợp lý nhất cho trận chung kết.
- Tôi cũng không tin Gigg có đủ khả năng kiến tạo và làm chủ trugn tuyến bằng những đường chuyền sắc như dao cạo cho Rooney hay Hernandez ghi bàn. Thực tế chứng minh đúng như vậy, Gigg gần như mất hút trong rừng Xanh-đỏ đá như thêu hoa dệt gấm cả trân.
- Tôi cũng không tin Hernandez có thể làm nên chuyện khi đây mới chỉ là lần đầu anh góp mặt vào ngày hội của bóng đá châu Âu cấp CLB. Thực tế cũng cho thấy ngoài vài pha việt vị, anh không để lại 1 dấu ấn nào. Wembley đã biến anh thành 1 sản phẩm thổi phồng của báo lá cải Anh trong suốt mùa giải qua. Thực sự, xét công bằng về các mặt, anh không hề xuất sắc hơn Pedro hay Bojan. Thực sự là vậy.
- Có thể thấy Alex đã phạm “sai lầm” như 1 hiệp sĩ Anh khi không học hỏi theo lối đá của Mou, khi những con người ông có trong tay không đủ để chơi 1 cách “sòng phẳng trong giới hạn” với Barca trong một vài thời điểm chứ đừng nói cả trận. Tôi thực sự thấy nhớ Anderson và Fletcher buổi tối hôm đó. Nếu có 2 anh, trận đấu sẽ còn nhiều thú vị hơn.
- Sơ đồ 4-4-1-1 của Alex nếu chuyển thành 4-5-1 hay 4-3-2-1 (sơ đồ cây thông) có thể sẽ hợp lý hơn, với so đồ đó Alex có thể điền đầy vào những khoảng trống mênh mông cách khung thành Van De Sar 20-25m. Một sự an toàn hơn rất nhiều.
- Về lối chơi, Alex đã quá tự tin khi định thi triển 1 lối đá giống 2 trận với Shalke 04 vài tuần trước mà không nhận thức được là Barca không phải là Shalke, thiên tài Messi không phải là ông lão Raul và Xavi, Inieasta hay thậm chí Busquet không phải là những cái tên lạ hoắc như Papadopoulos, Jurado, Farfan, Baumjohann. Sự phá sản trong lối chơi đã dẫn đến kết cục thảm bại mà không thể bào chữa. Nếu MU chủ động đá bóng dài, sử dụng nền tảng thể lực của Anderson, Park hay Rooney, nhằm giảm áp lực trên phần sân nhà, thì theo tôi, MU vẫn có thể trụ được trong 1 giờ đồng hồ và chờ những điều kỳ diệu tiếp theo.
- Đến đây, chắc một số bạn sẽ có ý kiến, nếu MU đá vậy, sẽ là lối đá tiêu cực kiểu MOU, nhưng theo tôi, không đến mức như vậy, vì trong đội hình MU không 1 cầu thủ nào có thiên hướng phá phách như Pepe, kể cả những Fletcher, Anderson cũng là những nghệ sĩ trong “đẳng cấp” của họ.
II. Diễn biến trận đấu:
- Các số liệu chuyên môn chỉ ra rằng với thời gian kiểm soát bóng gần gấp đôi, số cú sút trúng đích gấp 12 (!), hiệu số phạt góc 6-0 người không theo dõi trận đấu cũng có thể hình dung thế trận 1 chiều và MU đã phải gánh chịu sức ép như thế nào trên phần sân nhà. Hơn nữa, người xem trận đấu này còn thấy sự bất lực của cả 3 tuyến của MU khi hàng tiền vệ không triển khai được 1 đường bóng nào sắc nét (pha ghi bàn trong tình huống Abidal cố tình dâng cao để Gigg việt vị), hàng tiền đạo luôn đói bóng và hàng hậu vệ luôn trong cơn sợ hãi, hoảng loạn khi Xavi như thần sấm có thể đưa ra 1 đường chuyền sắc lẹm như tia chớp, khi Messi lao nhanh như 1 cơn gió mà khi qua rồi, các cầu thủ MU vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra, khi mọi sự truy cản bất lực, đó là lúc Tiqui Tacca lên ngôi.
- Khi Messi ghi bàn thứ 2 cho Barca, tôi nhận thấy 1 sự xuống tinh thần rõ ràng và sự bế tắc, mất phương hướng của các cầu thủ MU. Ngay kể cả 1 HLV lão làng như Alex cũng không thoát khỏi cảm giác bất lực, hình ảnh cái nắm tay run run của ông lão 70 tuổi đã làm nhiều người xem truyền hình thật cảm động. Như xét cho cùng, trong cuộc sống, người ta chỉ có thể chọn 1. Hoặc như Alex đã làm (không thay đổi lối chơi vốn có bằng lối chơi tiêu cực) và được tôn vinh như 1 hiệp sĩ thực thụ, hoặc sẽ được lên báo như MOU ngay ngày hôm sau không phải vì kết quả có lợi cho đội bóng.
- Khi Villa ghi bàn thứ 3, đó là thời điểm Matador vung nhát kiếm kết liễu số phận của bò tót thành Manchester, có lẽ tất cả, từ 22 cầu thủ, tổ trọng tài, 2 HLV và các CĐV trên sân đều hiểu đoạn kết của câu chuyện, cái họ chờ là tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Barca cũng không ham dâng cao và MU cũng đã thay những con bài dở hơn vào thi đấu như để tạo điều kiện cho các cầu thủ dự bị cảm nhận không khí của trận chung kết mà thôi. Các nhà báo hối hả viết bài với cái tên nhà vô địch có sẵn, các cule chuẩn bị cho bữa tiệc thâu đêm và những CĐV MU cũng đã nghĩ đến chuyến tàu về thành phố quê hương họ trong đêm. Tất cả đã khép lại.
III. Hơn cả một chiến thắng:
- Barca đã vô địch, chiếc cúp đã trao, đó là chiếc cúp thứ 2 trong 3 năm hay chiếc cúp thứ 3 trong 6 năm. Cả thế giới đã ngợi ca họ, đã tôn vinh họ như là 1 đội bóng vĩ đại, xuất sắc nhất thập kỷ dù mới chỉ qua khoảng thời gian 1/10 thập kỷ này. Tại sao vậy?
- Nhìn lại lịch sử, trừ 5 cúp C1 của Real khi bóng đá còn mông muội với đội hình 4-2-4, trừ 3 chức vô địch liên tiếp của Ajax vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi lối đá tổng lực lên ngôi với cánh chim đầu đàn mang áo số 14 luôn được thế giới ca tụng, thì có nhiều đội bóng xuất sắc giành nhiều cúp C1 hơn Barca hiện nay, nhưng họ không được nhớ đến, đó là Liverpool, 8 năm (78-85) 5 trận chung kết và 4 chức vô địch, là Bayern vô địch 3 năm liền (74-76) và vô số những Inter, AC, Benfica vô địch 2 năm liên tiếp. Tại sao họ không được tôn vinh như Barca hiện nay?
- Câu trả lời nằm ở lối đá Tiqui Tacca của Barca, ở tinh thần Catalan từ những người con của chính quê hương mình, họ đá bóng, tranh tài ở đấu trường danh giá nhất châu lục, nhưng khác với đối thủ, họ đá như để tận hưởng niềm vui, niềm phấn khích từ trái bóng. Nhìn những Xavi, Iniesta, Messi phô diễn, khán giả ngây ngất mà quên đi bao phiền muộn lo toan, các nhà báo luôn đầy ắp những ca từ để ngợi ca họ. Tất cả đều thấy ở Barca – 1 đội bóng mẫu mực, trong đó không chỉ là những nghệ sĩ trình diễn bậc thầy mà còn chất chứa những hành động nhân văn đáng khâm phục. Hình ảnh Abidal với chiếc băng thủ quân trong tay sẽ in đậm mãi trong lòng giới mộ điệu còn hơn cả những chiếc cúp mà họ đã có được.
Một mùa giải đã khép lại, cả thể giới đang ở dưới chân những chàng trai nhỏ bé mà vĩ đại này. Chúng ta - những người yêu bóng đá đẹp, đầy tình người, luôn hy vọng sẽ còn nhiều nhiều nữa những màn trình diễn như tại Wembley ngày 28/5/2011 của họ.[/JUSTIF]