Trong thế giới những CLB "nhái"
[h=3]Trong thế giới những CLB "nhái"[/h]
Chúng ta đang sống trong một thế giới hàng fake (hàng nhái, hàng rởm). Buổi sáng, ta xỏ quần jeans Levies, kết hợp với áo thun golf Nikes màu cam sành điệu và đôi giày Sonic Boost của Adiddas trông rất hầm hố. Đội mũ lưỡi trai Reebook cá tính, vớ lấy chiếc laptop Sony VaiC, rồi ta phi đến một quán cà phê WIFI free, bắt đầu truy cập vào mạng để xem Barcelona có còn dẫn đầu giải VĐQG… Ecuador không? Barca của Ecuador chứ không phải là Barca đang làm mưa gió La Liga nhé. Ngạc nhiên? Nhưng chưa hết, M.U, Chelsea, Juventus… cũng có hàng nhái tất.
MANCHESTER UNITED
Cách đây ít lâu, một hãng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam ký hợp đồng tài trợ với M.U vì tin rằng ở ta có ít nhất 20 triệu fan của Quỷ Đỏ (theo công bố của hãng này). Tưởng với lượng “khách hàng tiềm năng” như thế, hãng này sẽ thắng lớn ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả lại trái ngược hoàn toàn.
Các chuyên gia kinh tế - bóng đá nhận định rằng, nguyên nhân thất bại là hãng này chọn nhầm đối tượng. Bởi có vẻ 20 triệu fan kia lại hâm mộ CLB Manchester United ở Gibraltar, vùng lãnh thổ nằm ở bán đảo Iberia nhưng lại thuộc Vương quốc Anh. Xét về mặt địa lý, từ M.U Gibraltar đến sân Bernabeu còn gần hơn đến sân Old Trafford.
Bạn không biết Gibraltar? Nhiều người cũng vậy, bởi đây là thành viên mới nhất UEFA (kết nạp hồi tháng 5/2013). Còn M.U hàng nhái? CLB “khổng lồ” này đang đứng cuối BXH giải Ngoại hạng Gibraltar mùa này. Một chi tiết đáng chú ý, đây là món hàng fake hợp pháp bởi chính Sir Matt Busby của M.U xịn đã cho phép đội bóng này nhái tên.
CHELSEA
Gần đây, Chelsea thì nổi tiếng vì giàu có rồi. Thế nhưng, như một bi kịch của số phận, ông em của ông anh giàu có thì thường là rất nghèo khổ. Chelsea xịn ở thủ đô London vung vinh tiền bạc, mua cầu thủ siêu sao, tậu HLV siêu đẳng, đoạt liên tiếp Champions League rồi đến Europa League. Trong khi đó, ông em Chelsea nhái (tên đầy đủ là Berekum Chelsea) đang lăn lóc trong cảnh nghèo đói ở giải bóng đá Ghana.
Sự chênh lệch giàu nghèo của những kẻ “cùng huyết thống quý tộc” thể hiện rõ ở chuyện: nội tiền lương mùa 2013/14 của HLV Mourinho (8,5 triệu bảng) có thể nuôi cả CLB Berekum Chelsea trong vòng 15 năm. Nghèo giàu đối nghịch chan chát là thế, song số phận của 2 anh em nhà Chelsea lại khá giống nhau ở nhiều điểm.
Cũng như ông anh quyền quý, ông em đang phải đau đầu với địch thủ cùng thành phố là Berekum Arsenal trong trận derby London – châu Phi. Ngôi sao của Berekum Chelsea là Alfred Arthus cũng từng sát cánh cùng Michael Essien tại CLB Rainbow Star (Ghana). Tuy thế, gã anh giàu có vẫn keo kiệt không cho thằng em một thứ gì, kể cả là những món mất giá hoặc quá đát như Fernando Torres…
LIVERPOOL
Chân sút ngôi sao Luis Suarez của Uruguay đang khoác Liverpool. Lý do anh chọn đội bóng lừng danh vùng Merseyside để khoác áo sau khi chia tay Ajax Amsterdam chắc chắn là vì… quen tai. Nói vậy là bởi vì khi đó Suarez vẫn là một “gã nhà quê ra tỉnh”, vẫn giữ thói quen “thổ dân ăn thịt người” ở châu Âu văn minh.
Thế nên, khi được Liverpool hỏi mua là Suarez gật đầu ngay vì tưởng đó là CLB Liverpool ở Uruguay. Chỉ khi sang đội bóng mới, Suarez mới ngã ngửa vì biết đấy là một Liverpool oai hùng từng 5 lần ăn Cúp C1/Champions League chứ không phải Liverpool chưa từng vô địch giải Uruguay và ngôi sao sang nhất chỉ là thủ môn Roque Maspoli ở World Cup 1950.
Nhưng không biết Luis Suarez có biết rằng, vụ nhái tên này hoàn toàn vì lợi ích kinh tế cấp chính phủ. Số là mấy chục năm trước, tàu chở than xuất khẩu sang Uruguay toàn xuất phát từ cảng Liverpool. Thế là một CLB bóng đá địa phương của Uruguay đã lấy luôn tên Liverpool cho oách.
BARCELONA
Ai cũng biết Barcelona tung hoành bá đạo giang hồ nhờ tuyệt chiêu trấn phái “Tiqui-Taca”. Nhưng nếu bạn xem Barcelona thi đấu bằng chiến thuật phòng ngự - phản công thì sao? Chắc chắn bạn cũng sẽ phải vỗ đùi đen đét: “Tiên sư anh Bác Sa, tài đến thế là cùng. Nhạc nào cũng nhảy được”.
Lý do, với chiến thuật phòng ngự - phản công, Barcelona cũng đã kiếm được 14 chức vô địch và 2 danh hiệu Á quân Copa Libertadores. Ơ, sao chỉ có 14 chức VĐQG, phải là 22 chứ? Đừng vội “cãi đài”, đây là Barcelona của Ecuador chứ không phải cái đội bóng mang tiếng “phản loạn” ở TBN đâu.
Khác rất nhiều là đằng khác, Barcelona – Ecuador chẳng những không bị coi là “bọn ly khai” đáng ghét mà còn được ca tụng bằng biệt danh “Thần Tượng Của Bến Cảng” vì đây là niềm tự hào của thành phố cảng Guayaquil - nằm ở phía Tây quốc gia Trung Mỹ này. Ngôi sao của Barcelona nhái tất nhiên không phải là “Messi trốn thuế” mà là “Agustin Delgado từng khoác áo Southampton”.
JUVENTUS
Mọi người cứ chê Juventus chơi bóng khô khan, thực dụng theo kiểu “đổ bê tông” chẳng hấp dẫn chút nào hoàn toàn là tin bịa đặt. Ngược lại là đằng khác, trên sân cỏ cầu thủ Juventus “quẩy” bóng dẻo như xiếc và thi đấu cực kỳ hoa mỹ, đẹp mắt và hồn nhiên.
Nhưng “Bà đầm già” được đề cập ở đây là Atletico Juventus, một đội bóng đặt đại bản doanh ở bang Sao Paulo (Brazil) chứ không phải bên Turin (Italia). Đây là đội bóng khởi nghiệp của những ngôi sao lớn như Deco, Thiago Motta, hay Lucas Moura…
Việc nhái tên ở đây cũng hoàn toàn là tình cờ về mặt ngôn ngữ. Juventus là một từ trong tiếng La-tinh và có nghĩa là “tuổi trẻ, thanh xuân”. Việc cả “Bà đầm già” lẫn “Những chàng trai hay đùa” (biệt danh của của Atl.Juventus) chọn trùng tên chỉ là ngẫu nhiên.
Trong thế giới hàng fake cỡ CLB bóng đá còn có những nạn nhân sau: Everton hàng fake tại Chile (đặt đại bản doanh ở một ổ resort phục vụ đánh bạc); Benfica bị nhái ở Luxembourg, Angola, Cape Verde và Mozambique; Valencia bị ăn cắp thương quyền ở Maldives; rồi cả đến những đội làng nhàng như Blackburn Rovers cũng có hàng rởm ở Nam Phi…
Nguồn:
http://bongdaplus.vn/tin-bai/65/64850/cau-chuyen-bong-da-trong-the-gioi-nhung-clb-nhai.bdplus