Tạm biệt Mourinho
Trong thế giới bóng đá luôn đề cao nhiều thuật ngữ mang yếu tố chi phối cuộc chơi được đề ra để hướng trận đấu theo đúng bản ngã trong sáng nhất của thể thao. Nhưng sự thực mọi cuộc chơi đối kháng thắng thua đều không thể chu toàn vẻ đẹp cao thượng. Đó là sự thực ta phải chấp nhận. Những cảnh tượng lịch lãm của vị huấn luyện viên hay những hành động chơi đẹp của cầu thủ được xem là điều hiển nhiên đại diện cho phần đông trong giới không phải là điều được nhắc đến nhiều vì sự tồn tại của truyền thông và xu hướng đánh giá cực đoan từ phía khán giả. Sức ép là rất ghê gớm và ai tồn tại, đối đầu hay thậm chí vượt qua được nó sẽ là biểu tượng. Trong một góc nhỏ, Mourinho là một biểu tượng, dù đẹp hay xấu thì ông cũng là một nhân cách đáng ngưỡng mộ.
Khi nhắc đến chiến thuật đối đầu, nước cờ phòng ngự thể hiện sự cao tay của người chơi. Nói cách khác là chiếm được đã khó mà giữ được thì càng khó hơn. Ở đây, ban đầu thế chủ động thuộc về người tấn công. Nếu anh không thành công thì kết quả của anh chỉ từ hoà vốn đến thua. Tháng 5 này chúng ta thường nhắc lại chiến tranh thế giới thứ 2 và bài học Hít-le thất bại toàn diện khi không thể đánh bại Liên Xô vì hồng quân đã phòng ngự ở Stalingrad quá tuyệt vời. Đối với bóng đá, việc nhập cuộc với tư thế tấn công toàn diện suốt thời gian thi đấu là điều mơ mộng mà thay vào đó là việc lựa chọn những thời điểm nhất định để biến hoá lối chơi. Barca là đội duy nhất dám mơ mộng trong quá khứ và được yêu quý bởi tinh thần hiệp sĩ đó. Ta đã yêu quý Barca bởi tinh thần đó thì cũng nên yêu quý Mourinho bởi ông ta là một hiệp sĩ đã dám mơ mộng và dám hy sinh. Thử hỏi liệu có ai ước mơ vô địch cháy bỏng hơn Mourinho và thành công hơn ông ta trong thời kỳ khắc nghiệt này của bóng đá hiện đại? Đừng vội mang những tên tuổi trong quá khứ ra đi so sánh vì đó là điều vớ vẩn nhất khi thời hiện tại xuất hiện một Barca xuất sắc nhất trong lịch sử.
Bản Rock buồn dang dở
Đỉnh cao của âm nhạc thường được gắn với giao hưởng. Thứ nhạc bác học này không phù hợp với số đông nhân dân vì xã hội đã quy định phân khúc như vậy. Cứ gắn Barca vào âm nhạc thì rõ ràng Barca là một dàn giao hưởng trứ danh được vỗ tay nhiệt liệt trong các khán phòng. Hãy chú ý nhé, đó là trong khán phòng tồn tại một vòm trời cao vút và dù có hay hoặc dở thì khán giả vẫn rất lịch sự vỗ tay. Và rồi tưởng tượng người cầm chiếc gậy nhỏ chỉ huy lịch lãm trong chiếc áo đuôi tôm đang chỉ vào người nghệ sĩ nghiêng ngả kéo cây vĩ cầm tạo thanh âm du dương khiến không gian trở lên réo rắt lạ thường. Một khung cảnh thơ mộng trong không gian hẹp. Thế rồi, Mourinho bước vào, tay cầm chiếc Gibson Flying mặt đối mặt với nghệ sĩ kéo vĩ cầm. Một âm thanh chói tai nổi lên kéo giật khán giả xuống mặt đất và đây đó còn khiến nhiều người hốt hoảng, trẻ con la khóc vì tần số âm thanh tức ngực. Ông ta chơi thứ nhạc metal chết chóc!
Âm nhạc nào khán giả đó. Sân khấu của Mourinho không phù hợp trong nhà hát. Ta phải mời ông ta ra sàn diễn thênh thang và để mặc ông ta gào thét, lăn lộn và tự hào sống với đúng bản chất nổi loạn vì dư thừa hóc-môn. Sàn diễn đó chính là sân vận động và tự nhiên thay khi biết rằng con người này có cá tính hoàn toàn ăn nhập với khung cảnh ồn ào của bóng đá. Sự thực thì tôi lấy làm lạ khi có rất nhiều người giữ được thái độ lạnh lùng và bình thản trước sự gào thét của hàng vạn người trên các khán đài. Có vẻ điều đó không tốt cho tim lắm.
Nhiều năm trước, Barca tàn sát châu Âu theo đúng nghĩa đen. Số đông nhân dân lao động tròn mắt nhìn các nghệ sĩ Barca múa ba-lê trên sân bóng như thể trẻ con lần đầu được cha mẹ dẫn vào trường múa. Không khí trên các khán đài mà Barca lưu diễn đều chung một không khí: yên lặng và bức xúc. Những thất bại bất ngờ của Barca không phải câu trả lời cho đáp án làm sao để mời các nghệ sĩ múa ba-lê về đúng sàn diễn của mình. Và rồi Mourinho chính là người dũng cảm nhất lao thẳng đến nhà hát múa đó để tìm cách đương đầu bằng bản hợp đồng với Real Madrid. Lần giáp mặt đầu tiên là một ác mộng với rocker này. Các nghệ sĩ múa đã khiến Mourinho tròn mắt, câm lặng và khán giả thì vỗ tay hoan hô nhiệt liệt để chê cười kẻ cùng khổ nhưng dũng cảm đó. Nhưng cuối cùng, Mourinho đã làm được điều mình mong mỏi như đã nói ở trên: ông bước vào nhà hát và chơi một bản nhạc rock khiến Camp Nou hỗn loạn, làm các cule sợ hãi và các báo đài thì thi nhau ra các ấn bản về thứ âm nhạc mới. Nó quá phù hợp với trình độ và tâm lý của số đông nên nó được số đông thích thú và lấy làm thứ để nghe và giải trí. Cố gắng bỏ qua chuyện vặt bên lề thì các khán giả nên cảm ơn Mourinho đã tạo ra sự tự tin cho châu Âu và truyền bá một lối chơi khắc chế Barca. Trên hết, phải ca tụng tinh thần chiến đấu không từ bỏ, thái độ cần lao và dũng cảm phi thường từ con người này đã khiến Barca dần chao đảo rồi thậm chí đã có lúc tuyệt vọng. Rủi thay, số phận của Rock không bao giờ đẹp như mơ và thời nổi loạn cũng có thì. Ngày ra đi của Mourinho đã đến. Hơi bi thảm một chút nhưng hãy dành tặng ông một không gian hẹp như Bon Jovi khi xưa để một lần được trở nên nhẹ nhàng, được thu đôi cánh ma quỷ, được giãn làn da sạm đen và mái tóc đã bạc màu không phải phất phơ trong gió tuyết để nhẹ nhàng theo tiếng ghi-ta acoustic bản nhạc It's my life: "Đây không phải bài hát dành cho những trái tim tan vỡ, không phải lời nguyện cầu cho kẻ ra đi...Đây là cuộc sống của tôi, bây giờ hoặc không bao giờ".
Tạm biệt Mourinho, tạm biệt một nghệ sĩ trên đường pít, tạm biệt một chiến lược gia xuất sắc, tạm biệt kẻ đã khiến Camp Nou tức điên lên. Từ nay Liga không còn dậy sóng, Camp Nou bớt nỗi buồn. Bóng đá sẽ trở lại với những thuật ngữ và giá trị từ hô khẩu hiệu của số đông. Chí ít khi chia tay ông, tôi cũng dằn lòng công nhận rằng người chiến thắng Barca vĩ đại nhất chính là ông.
[video=youtube;QdHcwaFZd_k]http://www.youtube.com/watch?v=QdHcwaFZd_k[/video]