Luis Enrique và nỗi ám ảnh mang tên El Clasico
Đấy là vào tháng 5 năm 1996, Johan Cruyff bị sa thải một cách tàn nhẫn. Trắng tay trong hai năm liền, mâu thuẫn nghiêm trọng với Chủ tịch Josep Lluis Nunez, và đỉnh điểm là lần bật lại Phó chủ tịch Joan Gaspart bằng những lời lẽ xúc phạm đến từ cả hai đã khiến huyền thoại người Hà Lan phải ra đi. Người kiến tạo nên Dream Team, mang về chiếc cúp C1 đầu tiên cho lịch sử Barça sau 37 năm kể từ khi giải đấu được bắt đầu, chính thức chia tay đội bóng khi mùa giải còn chưa kết thúc.
Người hâm mộ Barça phản đối quyết định đó, cộng đồng bóng đá châu Âu bàng hoàng. Bởi đấy không chỉ là dấu chấm hết cho một triều đại, một kỷ nguyên, mà dấu chấm ấy được ban lãnh đạo Barça viết ra theo cách vụng về, không một chút tình.
Trong những hoàn cảnh như thế, một CLB luôn tìm cách để có một phương án nhằm xoa dịu dư luận. Giống như những bậc cha mẹ sau khi phá hỏng món đồ chơi ưa thích của đứa con hay nói: “Thôi nào con, ta biết mình đã làm sai rồi, nhưng đền cho con thỏi sô-cô-la này…” Và thường thì nó hiệu quả, ít nhất là trong tạm thời. Năm 1996, thỏi sô-cô-la ấy là Luis Enrique.
Thời điểm đó, ở Barcelona, cái tên Luis Enrique xuất hiện đầy rẫy trên báo chí, trở thành chủ đề nói chuyện trong mọi quán bar. Quan trọng là hy vọng đã được thắp nên. Chàng trai này, người từng giành HCV Thế vận hội, nhà vô địch La Liga, và là tiền vệ của Real Madrid, đã vượt qua ranh giới ngăn cách lớn nhất.
Bốn năm trước khi Luis Figo đi theo chiều ngược lại để tự biến mình thành kẻ thù không đội trời chung tại Camp Nou (kéo dài cho đến tận ngày nay), Luis Enrique đã báo trước với ban lãnh đạo Los Blancos rằng ông sẽ đến Barça sau khi hợp đồng kết thúc vào ngày 30 tháng 6. Đấy là một quyết định táo bạo! Tháng 10 trước đó, sau khi không được ra sân trong trận đấu trước Albacete, HLV Jorge Valdano của Madrid lúc bấy giờ đã nói với báo chí, rằng Luis Enrique được nghỉ ngơi cho trận đấn trên sân khách trước Ferencvaros tại Champions League vào tuần kế tiếp. Nhưng Luis Enrique đã vặn lại phát ngôn ấy: “Tôi dễ gì được ra sân. Nếu họ cứ tiếp tục để tôi ‘nghỉ ngơi’ như thế này, có lẽ đến năm 70 tuổi tôi mới treo giày.”
Nhưng trả thù bằng cách đầu quân cho kẻ thù truyền kiếp, thì đấy đúng là một phong cách “Lucho” điển hình.
Phải đến ngày 30 tháng 6, Barça mới có thể thể ra mắt bản hợp đồng mới của mình, không chỉ bởi đó là thời điểm Luis Enrique chấm dứt hợp đồng với Real Madrid, mà còn vì ông bận thi đấu cùng tuyển quốc gia tại Euro trên đất Anh. Trong ngày đến với Barcelona, Luis Enrique đã thẳng thừng từ chối trả lời cho một câu hỏi về Madrid. Ông nói rằng những gì mình từng kỳ vọng khi gia nhập Madrid, nhưng đã không được như ý, thì giờ đây, ông mong muốn sẽ tìm thấy tại Camp Nou.
“Vậy đó là những điều gì?” một phóng viên hỏi. “Tôi không phải là loại người ném đá CLB cũ,” Lucho trả lời. “Tôi không bắt anh nói xấu CLB cũ, tôi chỉ muốn anh kể lại câu chuyện!” phóng viên bắt bẻ lại. “Hẳn là anh đã từng có những khoảng thời gian tốt đẹp tại đó?”
Tân binh của Barça dán mắt về phía người phóng viên và nói: “Chuẩn, nhưng tôi cũng sẽ không nói bất kỳ lời ca tụng nào dành cho họ. Tôi giờ là người của Barça, và Real Madrid là kẻ thù truyền kiếp của chúng tôi.”
El Clasico đã trở thành một phần khắc hoạ nên con người Luis Enrique. Ông từng thua 4 trận với Real Madrid sau 11 lần đối đầu Barça, và ghi bàn vào lưới Busquets cha trong chiến thắng nổi tiếng 5-0. Nhưng cùng với Barça, thành tích của Luis Enrique còn ấn tượng hơn: ông chỉ trải qua 3 trận thua sau 16 lần chạm trán đội bóng cũ, giành 7 chiến thắng và ghi được 5 bàn. Với Los Blancos, Lucho là cái gai dai dẳng khó ưa.
Không thể có lần trải nghiệm đầu tiên cùng Barça, Luis Enrique trở lại Bernabeu một năm sau đó, vào tháng 11 năm 1997, và ghi bàn trong chiến thắng 3-2 của các vị khách. Chàng trai năm xưa từ chối ném đá CLB cũ của mình trước báo giới, đã có một pha ăn mừng khiến các CĐV đội nhà phải nóng máu: ông chạy đến một góc sân trước đám đông CĐV Madrid, với hai tay túm lấy chiếc áo Barça trên người, kéo căng nó về trước đến hết mức như thể muốn hét vang lên rằng: “Hãy xem tôi đang chơi cho đội nào này, hãy xem tôi vừa ghi bàn cho đội nào này…”
Đổi đội, đổi màu áo, đổi thời, và đổi cả thái độ! Pha ăn mừng đầy cay độc ấy đã trở thành một hình ảnh biểu trưng của El Clasico đến tận ngày nay.
Luis Enrique kết thúc sự nghiệp El Clasico của mình vào năm 2004. Thời điểm đấy, mà sau này chính ông từng kể lại, là Phó chủ tịch Ferran Soriano của Barça bấy giờ đã ‘phàn nàn’ một cách lịch sự với Frank Rijkaard, rằng vì sao chiến lược gia người Hà Lan vẫn còn tin dùng một cựu binh như Lucho trong đội hình. Barça đang tiến lên một kỷ nguyên mới, và cho dù đã nỗ lực tìm lại phong độ khi xưa, nhưng tiền vệ xứ Asturias đã già rồi.
Rijkaard mới nói với Soriano rằng ông đang tìm kiếm sự ủng hộ, cần tạo được sức ảnh hưởng trong phòng thay đồ. Vì thế, ông không muốn đứng ra đá đi các cựu binh khỏi đội bóng, để rồi lãnh phải những tai ương đến cuối mùa. Hơn nữa, theo giải thích của Rijkaard thì Luis Enrique là một người có phẩm chất thủ lĩnh, một người đàn ông cứng cỏi, ngoan cường, tuy đôi khi thất thường nhưng biết cách thu phòng lòng người.
Cũng theo Rijkaard, và thực tế đã được chứng minh. Trong khoảng thời gian đó, từ việc gần sát nhóm rớt hạng và Rijkaard sẵn sàng tư thế cuốn gói ra đi, Barça ‘mới’ chuyển mình trở nên lôi cuốn. Luis Enrique truyền bá phúc âm đến sân tập, thúc giục các cầu thủ trẻ và mang trở lại những tư tưởng của kỷ nguyên Johan Cruyff, về cách đội bóng thi đấu, tư tưởng cũng như sự chuẩn bị. Để rồi, vào tháng 5 năm 2004, Lucho chính thức từ giã El Clasico, bằng một màn trình diễn 5 sao.
Trên sân Bernabeu, khi Barça đang bị dẫn trước 1-0, Luis Enrique được tung vào sân ở phút thứ 56 thay cho Marc Overmars, đi kèm với đó là những lời lăng mạ, những tiếng huýt sáo, la ó từ trên các khán đài. Quen quá còn gì! Chỉ trong vòng 1 phút, ông khởi đầu một tình huống với kết thúc là pha làm bàn cân bằng tỷ số của Patrick Kluivert. Barça từ đó làm chủ tình hình, đảo ngược thế trận, và giành chiến thắng khi giờ thi đấu chính thức còn 4 phút từ một cú bật cao lốp bóng của Xavi qua đầu thủ môn Iker Casillas. Chiến thắng đấy đã chặn đà tiến của Madrid và trở thành nét son cho hành trình trở lại để rồi kết thúc chung cuộc bằng vị trí thứ 2 trên BXH La Liga của Barça. Trên chặng đường đó, Rijkaard đã đúng đắn khi tin tưởng vào Luis Enrique.
El Clasico với Lucho là như vậy đấy, cho đến hồi tháng 10 năm ngoái…
Luis Enrique là một người xứ Asturias. Quê hương ông nằm giữa Basque Country và Galicia, một vùng đất nằm ở phía Bắc đầy xinh đẹp, cây lá xanh tươi và rực rỡ. Đến giờ, ông vẫn hay gọi thành phố nơi mình sinh ra, Gijon, là thành phố “đẹp nhất thế giới”. Và dù xét ở mức độ nào đi chăng nữa, Lucho vẫn không phải là một người Catalunya. Nhưng ông đã trải qua những sự chuyển hoá trong những năm tháng tại Camp Nou. Nếu không phải là thẩm thấu tính cách Catalunya, thì chắc chắn cũng phải là một Culer. Có một điều gì đó ở CLB này, một kiểu đặc tính rất có ý nghĩa đối với Luis Enrique, đã biến ông gần như trở thành một người say mê Barça như Pep Guardiola.
Hồi tháng 8 năm ngoái, khi ra mắt trước giới truyền thông, đầu tiên là tại sân Camp Nou, và sau đó là tại phòng họp báo, một bức tranh vẽ bằng bút chì khắc hoạ gương mặt đầy gai góc của Luis Enrique từ từ hiện lên trên màn hình lớn, ông cố gắng bộc lộ nhẹ nhàng nét hài hước khi được hỏi về cảm giác trong lần trở lại này… “Tôi cảm thấy cao lớn, tài năng, thân thiện, đẹp trai… nhưng tôi vẫn là một người Asturias!” ông nói đùa. Nhưng chỉ một phút sau, Luis Enrique tâm sự rằng trong những ngày tháng 8 ủ dột và xám xịt, vẫn có những tia nắng sáng loáng rọi thẳng vào nhà ông, rọi vào người ông, soi rọi vào một ngày đặc biệt khi ông nhận được món quà đặc biệt. Đó là Barça, nơi Lucho có cảm giác như là Disneyland.
Một số người vì thế đã nói rằng đội bóng của ông đã chỉ có một màn trình diễn kiểu Chuột Mickey ở trận El Clasico hồi tháng 10. Dẫn trước 1-0 – Lucho tung nấm đấm vào không khí và hô to “Toma!” (Chết mày nè!), nhưng sự rệu rã, yếu ớt đã khiến Barça cuối cùng nhận thất bại 1-3.
Luis Enrique phần nào từng nếm trải cảnh ngộ đó, khi còn dẫn dắt Celta Vigo ở mùa giải trước. Madrid đánh bại đội bóng của ông 3-0 trong trận lượt đi, nhưng ở lượt về, tại Vigo, Os Celestes giành chiến thắng 2-0. Trước trận El Clasico lượt về, mọi thứ đều đang góp phần giúp Luis Enrique tái hiện lại câu chuyện cũ của mùa trước. Có hai thứ rất rõ ràng: các cầu thủ đã hiểu được ý đồ chiến thuật của ông tốt hơn nhiều so với hồi tháng 10; và bản thân các cầu thủ Barça đang có phong độ, thể lực và tinh thần rất cao.
Mục tiêu chắc chắn là chiến thắng, là 3 điểm, một sự đảm bảo cần thiết trong cuộc đua La Liga, và là một sự chuẩn bị đối với chặng đường ‘tourmalet’ tháng 4 tới. Nhưng trận đấu này còn có một ý nghĩa khác. Luis Enrique có thể sẽ không còn dẫn dắt Barça mùa giải tới. Khách quan mà nói, ông đang làm khá tốt công việc của mình trong một mùa giải gập ghềnh khó đi, nếu là ở một CLB bình thường, là miễn bàn.
Nhưng đây là Camp Nou, là Barça. Và vào mùa hè này họ nói rằng sẽ diễn ra một cuộc bầu cử Chủ tịch CLB. Nếu Josep Maria Bartomeu rớt ghế, Joan Laporta có thể sẽ chiến thắng và lên thay. Có cơ sở để nhiều người tin vào điều đó. Và Laporta sẽ làm gì với người đàn ông được bổ nhiệm bởi ban lãnh đạo ‘kẻ thù’? Lucho không phải là không có cái tôi lớn, nhưng trên hết, ông cực kỳ tận tâm và chuyên nghiệp. Ông sẽ quyết tâm giành chiến thắng trận El Clasico này, để bồi đắp cơ hội vô địch La Liga, để trả ơn những người đã thuê ông dẫn dắt Barça – đã mang ông đến Disneyland, để thoả đam mê người hâm mộ và để rạng danh CLB ông đang yêu đến nồng nàn.
Luis Enrique là một con người tranh đua và hiếu thắng đến mãnh liệt. El Clasico là câu chuyện của ông. Trận thua đầu tiên còn để lại sẹo, và bản năng chiến thắng biến trận đấu này còn hơn cả một mối bận tâm hay trách nhiệm với Lucho. Nó như một nỗi ám ảnh đối với ông!
Dịch từ bài viết của Graham Hunter trên ESPN