Đúng là Barca đá quen 4-3-3, và khi tôi thấy danh sách ra sân, tôi đã hình dung ra sơ đồ 4-3-3, bởi vì Pep rất ít khi đổi sơ đồ. Sơ đồ ban đầu tôi hình dung như sau:
Alves--Pique--Abidal--Adriano
----------Mascherano-------
-------Xavi--Busquets-------
-----Messi--Villa--Iniesta----
Trong đó Villa và Iniesta hoán đổi liên tục. Nhưng tôi chứng kiến khác hẳn. Iniesta vẫn đá rất thấp, có thể nói là ngang hàng với Xavi. Tôi chỉ có thể lý giải bằng 1 lý do: Pep muốn giữ possession (tôi sẽ giải thích tại sao sau). Tôi không rõ Pep có biết việc Unai Emery cất Soldado trên ghế dự bị hay không mà có quyết định như vậy. Nhưng kể cả có sự có mặt của Soldado, có thể xem Valencia là một đội khá yếu bóng bổng, và mạnh biên phải với sự góp mặt của Joaquin và Jemery Mathieu.
Với sự hiện diện của cả 4 tiền vệ Mascherano-Bus-Xavi-Iniesta, cộng thêm việc Valencia cũng cài hàng tiền vệ pressing gần như 1:1 để chống lại việc Barca tụ thành nhóm nhỏ 3 người trong đường kính 5-6 và bật 1-2. Phối hợp nhóm nhỏ cự li hẹp là tiền đề cho những đường chọc khe nguy hiểm vì 2 lý do: (1) hậu vệ biên sẽ không biết đeo bám ai, dẫn tới mất tập trung và lỗi vị trí, và (2) làm đối phương di chuyển cả sơ đồ 7-8 người liên tục dẫn đến việc xuống sức nhanh.
Như vậy, ý đồ của Emery đã rõ. Ông ta không muốn Xavi và Iniesta có thời gian, không gian để suy nghĩ và chọc khe. Pep đã làm ra vẻ là ông ta bố trí hàng tiền vệ đông như vậy để đá nhóm nhỏ. Trên thực tế, không có 1 đường chọc khe thẳng nào cho Villa, Messi thoát xuống, mà chỉ xẻ nách cho Adriano và Dani Alves. Vậy thì Pep đánh vào đâu?
Như tôi đã nói, cự li đội hình của Barca lẫn Valencia đều rất rất hẹp trận này. Chính vì vậy, khi có bóng, 2 trung vệ và thủ môn Valencia buộc phải đá bổng lên trên, nơi mà Abidal, Pique, và Busquets phán đoán và đoạt bóng quá tốt. Nếu cầu thủ Valencia muốn chuyển bóng từ từ lên bằng phối hợp nhỏ, buộc trung vệ họ phải chần chừ, và dính các cú tackling, đặc biệt là từ Messi. Điều này bạn chứng kiến không dưới 3 lần trong hiệp 1, và những sai lầm này của hậu vệ Valencia không phải ngẫu nhiên, mà họ bị mắc chiếc bẫy pressing kia. 2 trong số 3 cú tackling đó suýt thành bàn cho Barca. Bạn để ý tiếp hiệp 2, Valencia chừa hẳn thói chần chừ, và nếu các tiền vệ không ở vị trí thuận lợi, họ chọn cách đá bổng, và chịu mất bóng.
Qua trận này, tôi rút ra 1 bài học về giữ possession: nếu muốn giữ bóng thì (1) bạn phải phối hợp nhịp nhàng, cầm bóng tốt (điều Barca làm không tốt gần đây) hoặc (2) bạn phải buộc đối phương trao bóng cho bạn. Nếu đối phương không tuân thủ luật chơi này, đối phương sẽ dính tackling và bị trừng phạt. Valencia đã suýt bị trừng phạt 2 lần. Họ chừa!
Còn 1 khía cạnh nữa là cách đá này hủy hoại cánh phải của Valencia. Adriano trong suốt hiệp 1 đá rất cao, và tạo lỗ hỗng rất lớn bên trái. Điều này làm Joaquin mừng thầm và tích cực xuống bóng. Nhưng đây thực chất là chiếc bẫy. Abidal dạt cánh và dễ dàng cắt khi Joaquin thoát xuống, cùng lúc đó là sự chắc chắn ở giữa do Mascherano và Busquets quán xuyến. Thường ngày, nếu đá sơ đồ cũ, thì nếu Adriano không về kịp và Abidal dạt ra, Barca sẽ bị dính tình trạng báo động ở giữa. Nhưng trận này thì rất chặt chẽ. Vậy là Joaquin cứ hì hục khoan đá mà không nhận ra anh đang bị lừa để tiêu tốn sức, và anh đã phải rời sân ở hiệp 2 khi quá đuối (chính Adriano của chúng ta cũng đuối chứ chẳng phải đùa, nhưng chúng ta còn có phương án Maxwell đá thủ, và tung Pedro vào để trở lại 4-3-3 nguyên thủy).
Đây rõ ràng là một trận đậm dấu ấn chiến thuật của Pep.