Lại là chuyện về Catalunya đó mà…
VẪN SẼ CÓ "TRƯNG CẦU DÂN Ý" TẠI CATALUNYA: CHUYỆN VỀ CÁCH DÙNG TỪ
Cụm từ và sự kiện trong quá khứ:
1)--“Referendum” là trưng cầu dân ý, là cái mà từ trước đến nay Catalunya (không có ý nói bao hàm tất cả người dân vùng này) luôn mong muốn tổ chức, nhưng đã bị Madrid (ý ở đây là Nghị viện và Toà án Hiến pháp TBN) cấm tiệt từ khoảng đầu năm 2014. Từ “referendum” tuỳ theo bối cảnh mà có nhiều cách gọi khác nhau, một trong số đó có “plebiscite”, mặc dù đôi khi hai từ này được dùng thay thế cho nhau mà không có sự phân biệt nào. Nhưng ở một số nước, “plebiscite” được dùng để chỉ một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong bối cảnh không thực sự dân chủ. Vì thế, trên một số báo nước ngoài, họ dùng từ “plebiscite” khi nói về Catalunya. Thiết nghĩ, “referendum” là “mơ ước, mong muốn” của Catalunya, nhưng “plebiscite” là “thực tại” của họ (trong chính nhìn nhận của họ cũng như người ngoài).
2)--Vì gần như không thể tổ chức “referendum”, tháng 9 vừa qua, Quốc hội Catalunya bỏ phiếu thông qua Luật Tra cứu ý kiến. Luật này cho phép chính quyền Catalunya của ông Chủ tịch Artur Mas tổ chức một cuộc “consultation”. Vài ngày sau đó, Artur Mas ký một Sắc lệnh kêu gọi tiến hành tổ chức “consultation” vào ngày 09/11. Tuy nhiên, ngay sau đó, Toà án Hiến pháp TBN tuyên bố tạm đình chỉ công tác chuẩn bị tiến trình mới này ở Catalunya, để xem xét lại tính hợp pháp của nó. Chính quyền Catalunya cân nhắc, hoặc huỷ tổ chức “consultation”, hoặc vẫn tiến hành bất chấp ngăn cấm từ Madrid, hoặc tìm một giải pháp khác.
3)--“Consultation” là cuộc thăm dò ý kiến trong dân. Theo Sắc lệnh mà Artur Mas đã ký, thì nó có ý nghĩa là một “cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc” (non-binding referendum), tức kết quả của cuộc bỏ phiếu – thăm dò chỉ nhằm mục đích thống kê ý kiến, xác định tình trạng trong dân. Dĩ nhiên, hiệu quả mà nó mang lại sẽ không thể bằng một cái “referendum” hẳn hoi, nhưng đấy là giải pháp cứu cánh. Cũng phải nói rằng, chính quyền Catalunya không muốn gọi cái “consultation” ấy là “referendum”, họ chỉ muốn xem nó đơn giản là “consultation” (và dẫn đến chuyện báo chí đôi lúc hiểu sai). Cuộc thăm dò ý kiến này nếu diễn ra sẽ bao gồm 2 câu hỏi: “Bạn có muốn Catalunya trở thành một Nhà nước?”, trả lời Có sẽ dẫn đến câu hỏi tiếp theo “Vậy bạn có muốn Catalunya trở thành một Nhà nước Độc lập?”. Như vậy, có 3 kết quả tồn tại: Không (Tôi muốn mọi thứ giữ nguyên như hiện trạng), Có/Không (Tôi muốn Catalunya trở thành một Nhà nước nhưng thuộc TBN) và Có/Có (Tôi muốn Catalunya có một Nhà nước Độc lập của riêng mình).
Hiện tại vừa diễn ra:
Chính quyền Catalunya vào đêm hôm qua (giờ địa phương) tuyên bố huỷ “cuộc trưng cầu dân ý” (theo diễn giải của báo chí trong nước) mà dự kiến diễn ra vào ngày 09/11 tới. Nhưng cái bị huỷ ở đây chính xác phải là cái “consultation”, chứ không phải “referendum”. Một số tờ báo quốc tế khi giật tít để hiển thị là “referendum” (mặc dù trong bài họ cũng có đề cập tới “consultation”). Vậy, xin nhắc lại, cái mà Catalunya muốn tổ chức vào ngày 09/11 là “cuộc thăm dò ý kiến” dựa trên Sắc lệnh được ký bởi Artur Mas, chứ không phải “trưng cầu dân ý”. Và vào đêm 13/10, nó đã bị huỷ bỏ. Hiểu và trình bày đúng nên là “Chính quyền Catalunya tuyên bố huỷ bỏ cuộc thăm dò ý kiến vào ngày 09/11”.
Nói thêm về lý do đi đến quyết định nói trên. Chuyện hoàn toàn không bất ngờ, vì như đã nói ban đầu, huỷ cuộc "thăm dò ý kiến" đã được chính quyền Catalunya tính đến. Cho dù chỉ mang ý nghĩa là một cuộc thăm dò, nhưng nó vẫn không có sự đảm bảo về mặt dân chủ bởi những rào cản pháp lý, đầu tiên là Hiến pháp, sau đó là Sắc lệnh và lại đang bị đình chỉ tạm thời bởi Toà án Hiến pháp TBN. Nói cách khác, mọi con đường dẫn tới hòm phiếu đều bị phong toả bởi vấn đề pháp lý từ chính quyền Madrid. Hay như một giáo sư nào đó (quên tên) của Đại học Barcelona từng nhận xét, đại ý “Anh đáp lại yêu cầu chính trị của Scotland bằng một giải pháp chính trị, còn TBN giải quyết vấn đề chính trị với Catalunya bằng vấn đề pháp lý”.
Quyết định nói trên được đưa ra sau “Hội nghị thượng đỉnh” lần thứ 3 chỉ trong vòng 10 ngày vào hôm thứ Hai của 6 đảng phái Catalunya. Ở đây, vấn đề cần được phơi ra chính là sự tan rã của “khối đại đoàn kết Catalunya”. Các đảng phái sau những phiên họp đã không đi đến thống nhất cho hướng đi tương lai, mặc dù đều ủng hộ viễn cảnh một Nhà nước Catalunya Độc lập. Đại loại, có anh thì sợ nếu làm liều thì không hợp tình hợp lý, có anh thì đề nghị một giải pháp mới là nếu không “thăm dò ý kiến” nữa thì tiến hành bầu cử sớm luôn để có một chính quyền mới và được đơn phương tuyên bố Độc lập,…
Đấy là cơ bản những gì diễn ra trước khi bước sang ngày 14/10, hôm nay.
Bởi vì vào sáng hôm nay (giờ Catalunya), tức buổi chiều (giờ Hà Nội), Artur Mas đã có bài phát biểu – trả lời phỏng vấn báo giới. Theo đó, ông tuyên bố chính quyền Catalunya sẽ chỉ “không tổ chức cuộc thăm dò ý kiến (như đã nói, chúng ta lẫn lộn thành trưng cầu dân ý) vào ngày 09/11 theo những kịch bản đã dựng từ trước dựa trên Sắc lệnh ký hồi tháng 9”. Thay cho điều này, Catalunya vẫn kiên trì, quyết tâm “tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến (như đã nói, chúng ta lẫn lộn thành trưng cầu dân ý) khác vào ngày 09/11”. Cuộc thăm dò ý kiến mới này sẽ dựa trên một khung pháp lý khác - thay vì Sắc lệnh (nói ở trên) vốn đang bị Toà án Hiến pháp TBN kiềm toả, và ông Mas nói rằng khung pháp lý mới “không trái Hiến pháp TBN, không nằm trong diện bị Toà án Hiến pháp TBN đình chỉ” và từ chối tiết lộ đấy là khung pháp lý nào (nói ra cho Madrid nó đình chỉ nữa hay chi).
Theo chính quyền Catalunya, hình thức thăm dò ý kiến mới này, là một dạng “phương pháp PP” (Participatory Processes), cho phép mọi thành phần cá nhân của một nhóm được đưa ra quyết định làm nên một tiến trình nào đó. Nhưng chắc chắn hiệu quả mà nó đạt được sẽ không như mong muốn trước đây của Catalunya, “hình thức này sẽ không mang đến câu trả lời đích xác rằng liệu Catalunya có đang hướng đến Độc lập hay không,” Mas cho biết sáng nay. “Ngày 09/11 tới, (thông qua hình thức mới này) sẽ chỉ là bước đệm cho một câu trả lời cuối cùng. Và câu trả lời ấy, hay bước đi cuối cùng, chính là một cuộc bầu cử. Madrid sợ nhất điều đó.” Theo ông Mas, 20.000 tình nguyện viên sẽ có mặt vào ngày 09/11 tới, cũng như sự hỗ trợ từ các đoàn thể khác, các thùng phiếu với 2 câu hỏi về tương lai Catalunya cũng sẽ được dựng nên.
Như vậy, kết luận cuối cùng: Ngày 09/11 vẫn sẽ diễn ra một cuộc thăm dò ý kiến trong dân, theo một kịch bản mới. Một cuộc bầu cử để thành lập chính quyền Catalunya mới (cho phép tự tuyên bố thành lập Nhà nước Catalunya) cũng sẽ không diễn ra sớm. Artur Mas vẫn đang cố gắng.
*Về cái tiêu đề: Dựa vào cách hiểu "sai" của chúng ta giữa "trưng cầu dân ý" và "thăm dò ý kiến" để chỉ ra vấn đề, rằng thời gian qua, vốn dĩ Catalunya đã chuyển sang tìm cách tổ chức "thăm dò ý kiến" thay vì "trưng cầu dân ý". Cho dù "thăm dò ý kiến" ngày 09/11 có diễn ra thành công đi chăng nữa thì vẫn không đảm bảo sẽ có một Nhà nước Catalunya Độc lập. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: cho dù ngày 09/11 có diễn ra như thế nào đi chăng nữa thì cơ hội, hay nguy cơ (tóm lại là "khả năng", tuỳ vào bạn thuộc phe nào) để Catalunya tách khỏi TBN, và Barça bla bla bla, vẫn còn.