[youtube]jqsFwQpzgSQ[/youtube]
Dấu ấn chiến thuật trong trận EC
Barcelona kiểm soát hoàn toàn thế trận, có nhiều cơ hội hơn và giành chiến thắng. Một ngày ra mắt Siêu Kinh Điển gần như là tuyệt vời của tân HLV trưởng. Đúng là dưới triều đại của Tito, chúng ta thấy được nhiều nét mới nhưng phần nào đó cũng có sự ảnh hưởng chiến thuật từ Pep.
Sơ đồ 4-4-2 của Barca:
Như thường lệ, Barcelona khởi đầu bằng sơ đồ 4-3-3 với Messi, Pedro, Sanchez trên hàng công nhưng hầu hết cả trận Messi thi đấu ở trung tuyến, bên cạnh Xavi, Iniesta và Busquets. Hoàn toàn có thể cho rằng sơ đồ của Barca trận này là 4-4-2, một sơ đồ 4-4-2 mang phong cách tikit-taka. Tất nhiên, 4-4-2 mặc định được coi là sơ đồ truyền thống của người Anh với hai tiền vệ cánh và hai tiền đạo cao to, chuyên nghề đánh đầu đứng trong vòng cấm. Vậy 4-4-2 của Barca khác như thế nào? Để ý, ta sẽ thấy Pedro và Sanchez là hai tiền đạo trong sơ đồ xuất phát nhưng họ thi đấu 100% BÁM BIÊN. Đây là dấu ấn của Pep khi ông tiêu biến khả năng ghi bàn của tiền đạo và để họ thi đấu duy nhất theo trục dọc của sân (thời gian đầu mùa giải 2011-2012, bộ đôi Pedro và Sanchez cũng hay thi đấu như vậy). Lợi ích của hai tiền đạo “bám biên” là gì? Thứ nhất: Dãn cách hàng phòng ngự Real Madrid, tạo điều kiện cho bộ tứ tiền vệ có khoảng trống phối hợp bên trong. Thứ hai, thi đấu theo trục dọc sân với sự hỗ trợ của hai hậu vệ cánh Alves và Adriano, lùi xuống thu hồi bóng khi cần thiết. Sự khác biệt được thể hiện khi Sanchez là người thường xuyên phối hợp đôi với Alves chứ không phải Messi. Cuối cùng, chính là việc để Messi thi đấu ở trung lộ sẽ hút ánh mắt của các hậu vệ Real Madrid vào số 10. Minh chứng cho việc này là Coentrao và Arbeloa (hai hậu vệ cánh) đều phải phải bó vào trong và phạm lỗi khi cản phá Messi hay Xavi. Và chỉ bằng một cú phất bóng trong khi Coentrao xao nhãng Pedro đúng 1 tích tắc thôi, bàn thắng đến với Barcelona theo một cách thật dễ dàng.
Iniesta tự do:
Việc Messi bị bắt bài trong quá nhiều trận EC và các trận đấu quan trọng tại CL đã buộc Tito phải đi tìm một cầu thủ khác thi đấu vị trí tự do và được quyền thoải mái đi bóng bất kì khu vực nào mà anh ta thích. Khi Sanchez đã bám biên, có lẽ Barcelona chỉ còn duy nhất Iniesta với kĩ thuật cầm bóng siêu việt là đủ khả năng lãnh trọng trách này. Nếu để ý kĩ, ngoài hai đường chuyền ngắn tạo cơ hội cho Xavi và Messi thì đa phần những đường chuyền tầm trung, dài hay phối hợp 1,2 của Iniesta đều không sắc sảo như trước. Đó có lẽ là hậu quả tất nhiên của một cầu thủ được quyền rê dắt nhiều hơn chuyền bóng. Dù sao, Iniesta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần quan trọng vào chiến thắng. Tất nhiên cũng không quên kể đến sự vắng mặt của Pepe và những pha triệt hạ đã tạo điều kiện đáng kể cho Iniesta thi đấu xông xáo như vậy.
Bộ ba Busquets – Piqué – Mascherano.
Ba cầu thủ này hoán đổi vị trí vô cùng linh hoạt, EC này có thể coi là màn trình diễn xuất sắc nhất của những cầu thủ đảm nhận nhiệm vụ phòng ngự bên phía Barcelona. Lên xuống hợp lý, chuyền dài sắc sảo, có mặt đúng lúc cần thiết và phòng ngự chuẩn xác. Tình huống sơ ý duy nhất trong việc kèm người là của Busquets khi để Ronaldo thoải mái đánh đầu vào lưới. Tuy vậy nhìn chung không có gì để phàn nàn về những hòn đá tảng của chúng ta. Thật may mắn cho Barcelona khi Mascherano có thể thi đấu được ở vị trí trung vệ. Cùng với Piqué, Mascherano cũng sở hữu những đường chuyền dài cực kì chuẩn xác mà tiêu biểu nhất là bàn thắng của Pedro. Về phía Busquets, anh cũng dần trau chuốt khả năng kiến tạo của mình với tình huống chọc khe vô cùng tinh tế cho Iniesta băng xuống. Nếu nhìn xa một chút, thì khả năng Alex Song hoàn toàn có thể thi đấu tốt ở vị trí của một trong ba cầu thủ trên khi Song đã từng đá trung vệ và cũng sở hữu những đường phất bóng + chọc khe vô cùng tuyệt vời
Nhìn chung 3 – 2 là một tỉ số chưa đủ để đảm bảo sự an toàn nhưng hãy tha thứ cho Valdes. Vị trí của anh thật tội nghiệp khi chẳng một ai để ý đến Valdes trong suốt cả trận đấu và tâm lý chung của một thủ môn khi bị lãng quên là phải làm được một cái gì đó để người ta nhớ đến, Casillas cũng vậy thôi và cả hai thủ môn này đều đã từng "Làm trò cười" theo cách tương tự. Nếu như, EC lượt về, Barca có phải chịu sức ép của người Madrid thì hãy tin tưởng vào sự tập trung cao độ của Valdes.
Từ năm 2009 đến nay, chúng ta chưa bao giờ thua tại Bernabeu dù đã thủng lưới trước không ít lần. Ngẫm lại cũng hay, một đội bóng lần nào cũng chấp đứt đuôi đội bóng mạnh THỨ 2 thế giới một bàn mà vẫn đem về chiến thắng thì chỉ có thể là Barcelona mà thôi.