Bao giờ cũng vậy, mỗi cuộc đụng độ giữa Barça và Real Madrid là một cuộc chiến tranh. Đó không chỉ đơn thuần là cuộc đối đầu giữa hai CLB danh tiếng, mà còn là dịp người ta giải quyết mối thù truyền kiếp. Mối thù này sinh ra và tồn tại không chỉ trong quan hệ thể thao. Lật lại từng trang lịch sử Tây Ban Nha mới thấy rằng, thay vì dùng súng đạn, cuộc tranh đua khốc liệt giữa hai CLB này chỉ là cơ hội bộc lộ một cách "hoà bình" nhất những mâu thuẫn sâu sắc của xã hội đất nước này trong thế kỷ 20.
Cuộc đối đầu thế kỷ - Kỳ I : Hãy giết bọn Catalan
Tiếng gầm khủng khiếp từ cả khối người và tiếng rít ghê rợn của những tên lửa tự chế đã tạo nên khung cảnh hãi hùng đến nỗi thủ môn Barcelona phải giữ khoảng cách tối đa với khung thành mình - cũng có nghĩa là lánh xa đám đông Madrid cuồng nhiệt trên khán đài SVĐ Charmatin. Dù sao đi nữa, anh ta chỉ bị đe doạ, nghĩa là vẫn may mắn hơn các đồng đội trên sân.
Những chiếc "máy chém" Moleiro, Querejât, Souto của Madrid luôn sẵn sàng phạng thẳng vào ống quyển bất cứ cầu thủ Barça nào đang điều khiển bóng. Trọng tài thì gần như không hiện diện, hoặc nếu có cũng chỉ để phạt những cầu thủ Barça khi có dịp. Nhìn đồng đội Escola quằn quại trên cáng, một cầu thủ Barça đã bật khóc.
Trên đường piste, một người khoác quân phục, thay vì giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh lại luôn hò hét: "Hãy giết bọn Catalan. Giết đàn chó Catalan ấy đi". Chịu hết xiết, Angel Mur- nhân viên xoa bóp của Barcelona - đứng lên phản ứng: "Xin lỗi, có thể tôi không sinh ra ở Catalanoia, nhưng tôi thấy mình thuộc về xứ sở ấy. Không được xúc phạm xứ Catalonia của tôi". Thế là Mur chuốc lấy hậu quả. Viên sĩ quan gằn giọng: "Đồ chó đẻ theo chủ nghĩa ly khai. Mày đã bị bắt vì tội cổ súy phong trào ly khai".
Đấy là trận lượt về bán kết cúp Tây Ban Nha vào mùa xuân 1943. Dưới thời Franco, cúp Tây Ban Nha được đặt tên theo vị trí trong quân đội của nhà độc tài: Cúp Tổng tư lệnh. Lượt đi, Barcelona thắng Madrid 3-0 trên sân nhà và đấy thật sự là "trọng tội" đối với những cầu thủ Barcelona vốn đã mang nặng trên vai quá nhiều "tội lỗi" kể từ khi nội chiến diễn ra ở Tây Ban Nha.
Trước khi bước vào trận lượt về, Barcelona còn bị viên Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Jose Fiant y Escriva de Romani cảnh cáo: "Hãy nhớ rằng các anh là những kẻ phản quốc. Nhờ sự khoan hồng của chế độ, các anh mới được tự do chơi bóng". Thế thì làm gì những Raich, Escola của Barça chẳng rúm ró? Hồ sơ "từng trốn ra nước ngoài" của họ tuy đã được xếp vào ngăn kéo, nhưng chính quyền có thể mở ra xem lại bất cứ lúc nào. Cuối cùng, Madrid thắng đậm 11-1 trong trận lượt về, trận đấu mà cựu cầu thủ Madrid Eduardo Teus (sau này là HLV trưởng đội Tây Ban Nha) viết trên tờ Ya: "Chiến thắng vang dội nhất kể từ ngày thành lập của Madrid".
Trong lịch sử châu Âu, Francisco Franco là viên tướng trẻ nhất từ sau Napoleon Bonaparte. Franco tự nguyện xông ra trận tiền ở Ma Rốc và nổi lên như một sĩ quan rất can đảm ở tuổi 18. Thận trọng, lạnh lùng, đạm bạc, Franco dần dần thu phục thuộc cấp sau khi nhanh chóng chiếm được lòng tin của cấp trên và thăng tiến rất nhanh trong binh nghiệp. Ông ta được thăng cấp tướng ở tuổi 33 và trở thành ngôi sao sáng giá nhất trọng cuộc nội chiến 1936-1939. Franco là nhân vật bảo thủ, không liên kết với bất kỳ đảng phái chính trị nào.
Nhưng kể từ khi đã thâu tóm được quyền lực, Franco nhanh chóng kết hợp các nhóm cánh hữu chống nền cộng hoà thành phong trào Dân tộc và trở thành thủ lĩnh của phong trào này. Kẻ thù số 1 của phong trào Dân tộc do Franco đứng đầu, mặc nhiên là phe Cộng hoà ngự trị xứ Catalonia trong cuộc nội chiến. Trước, trong và sau chiến tranh, các nhà chính trị ở Catalonia bao giờ cũng xem Barcelona là lá cờ đầu, là niềm tự hào vô bờ bến, là biểu tượng sức mạn của mình.
Khi Catalonia thất thủ trước sức tấn công của quân đội Franco đầu năm 1939, người ta không chỉ thấy rõ tương lai đen tối của CLB Barcelona mà còn dễ dàng dự đoán về một giai đoạn hoàng kim của Real Madrid. So với hai đồng minh Hitler ở Đức và Mussolini ở Ý, chắn chắn Franco hơn đứt về lĩnh vực thể thao. Ông ta rất mê bóng đá, thường cá độ (lấy tên là Francisco Cofran) và từng 2 lần hốt bạc nhờ đoán trúng tỷ số bóng đá. Madrid là đội bóng mà Franco thích nhất, đồng thời là công cụ ngoại giao hữu hiệu nhất đối với chính quyền độc tài Franco. Thế thì, Barcelona còn cửa nào để vươn lên trong làng bóng Tây Ban Nha.
Những bàn thắng được "phát không" cho Madrid và Athletic Bilbao vào năm 1955 đã tước đi chức vô địch xứng đáng của Barcelona. Hàng loạt cầu thủ Madrid đánh "bề hội đồng" Kubala - một cầu thủ huyền thoại của Barça - trong trận đấu ngày 21/2/1954 mà không ai bị đuổi khỏi sân. Madrid được hưởng quả phạt đền khi một cầu thủ cố ý ngã nhào ngoài khu 15m50 của Barcelona đến 3m trong một trận đấu năm 1970.
Barcelona cũng như Real Madrid đều là những CLB lừng lẫy, làm rạng danh bóng đá Tây Ban Nha trên đấu trường quốc tế. Madrid giữ kỷ lục 8 lần đoạt cúp C1 trong khi Barcelona lại là CLB Tây Ban Nha duy nhất đoạt cả 3 cúp châu Âu. Nhưng dưới thời Franco, Barcelona luôn chịu số phận hẩm hiu của cô bé lọ lem khi cạnh tranh với Madrid. Bảng vàng bóng đá Tây Ban Nha (và cả châu Âu) có lẽ đã khác đi rất nhiều nếu chính quyền Franco không giúp Madrid phỗng từ tay Barcelona ngôi sao có một không hai trong lịch sử cúp C1 châu Âu: đó là Alfredo Di Stefano.