Nếu ai để ý thì ngay từ thời Hoàng kim, Barca và Tây Ban Nha đã lộ nhiều nhược điểm mà bây giờ giết chết chúng ta như là khả năng tranh chấp bóng rất kém. Quãng thời gian từ 2009-2012 chúng ta leo lên đỉnh châu Âu (và Tây Ban Nha lên đỉnh thế giới) chỉ bởi lý do là các trụ cột của tiki-taka còn đang thời trai trẻ sung sức. Ai xem các trận đấu thời đó cũng thấy các cầu thủ Barca di chuyển với cường độ cao khủng khiếp, bóng luân chuyển rất nhanh khiến đối phương không theo kịp để bù lại cho khả năng tranh chấp.
Tiki-taka không chết như bọn nhà báo nói láo, chỉ là những chi tiết cấu tạo nên bộ mấy ấy đã bị han gỉ. Đây là thời điểm hợp lý để cất nó vào trong viện bảo tàng với những huyền thoại một thời như Xavi, Iniesta v.v. Cesc phải ra đi để chính thức tống tiễn lối đá này vì anh là một phần của nó. Messi đã sắp bước sang tuổi 27 và đã qua thời có thể hùng hục kéo đội suốt một mùa mà trận nào cũng đá trọn vẹn.
Rakitic là một lựa chọn khôn ngoan. Anh vừa có thể bổ sung sức mạnh cơ bắp cho tuyến giữa (Busquets cao to nhưng không khỏe), vừa có nhãn quan chiến thuật và khả năng phát động tấn công. Nhưng bạn nào nói Rakitic thay thế cho Xavi thì không hẳn. Giữa Modrid và Rakitic thì Modrid mới là mẫu playmaker tương đồng với Xavi nhất (có thể thấy qua số liệu thống kê mùa vừa rồi ở Liga: tỷ lệ chuyền bóng trung bình xấp xỉ 90%/trận, trung bình ~7 đường chuyền dài chính xác mỗi trận dù không kiến tạo và ghi bàn nhiều). Rakitic là mẫu "Todocampista" (từ dùng của Marca), là một tiền vệ có thể chơi được ở nhiều vị trí trên sân. Rakitic hoạt động rộng, có thể chơi ở mọi vị trí trên hàng tiền vệ, tung ra các đường chuyền quyết định và ghi bàn từ sút xa. Có thể nói Rakitic là sự thay thế trực tiếp cho Cesc - một sự thay thế không kém phần sáng tạo nhưng quyết liệt và giàu sức chiến đấu hơn (thực tế phải đợi mùa sau kiểm chứng).
Trận gặp Brazil (và loạt trận vòng loại) Croatia thi đấu không thực sự tốt vì HLV của họ đặt quá nhiều trách nhiệm lên vai Modrid (vừa phân phối bóng, vừa chịu áp lực trực tiếp ở tuyến giữa) trong khi thế mạnh của anh này là điều tiết nhịp độ trận đấu. Điều này làm Croatia gặp khó khăn trong những lần lên bóng. Chúng ta sẽ phạm sai lầm tương tự nếu để Busquets một mình gánh cả tuyến giữa trong khi đẩy ông già Xavi và (phần nào là) Iniesta vào dĩ vãng. Thêm một lá chắn trước hàng phòng ngự là cần thiết và hy vọng BLĐ đã nghĩ đến điều này khi giữ lại Mascherano - chứ không phải lại đẩy anh này xuống làm trung vệ bất đắc dĩ. Nếu điều này xảy ra, hãy chuẩn bị để đón chờ một Barca hoàn toàn lạ lẫm trong mùa sau.
Pique không quá tệ hại, vấn đề ở trận Tây Ban Nha là Sergio Ramos đá cũng siêu dở. Pique không phải mẫu hậu vệ trực tiếp đoạt bóng với những cú truy cản. Vai trò của Pique giống như một gạch nối từ hàng hậu vệ lên tiền vệ, nên sau Pique bắt buộc phải có một người bọc lót. Hòn đá tảng Subotic là một lựa chọn vừa tầm và đủ tin cậy. Ngoài ra những cái tên khác đều không đáng tin để trấn giữ tử huyệt của Barcelona.
Nếu quả thực như tin đồn, BLĐ đang có ý săn Marco Reus, một tiền đạo cắm và tìm người thay Alves thì rất có thể mùa sau Barca sẽ đá 4-2-3-1 trong nhiều trận, với Messi đóng vai trò hộ công, Higuain hoặc một ai đó đá cắm, bộ tiền vệ có thể luân chuyển linh hoạt giữa Iniesta, Rakitic, Busquets, Mascherano và Reus (trong đó Rakitic có thể thi đấu nhiều vị trí). Nhưng Reus về có lẽ khó vì vị trí sở trường Left-Wing của Reus sẽ chồng lên Neymar. Sanchez và Alves khi đó ra đi là vừa đẹp để lấy tiền lấp vào các vị trí còn trống. Barca cũng có thể giữ nguyên đội hình 4-3-3 với Rakitic không dâng lên cao, Busquets làm nhiệm vụ luân chuyển bóng còn Iniesta giữ nguyên vai trò cũ. Messi nhiều khả năng sẽ không chịu từ bỏ vai trò của mình, và khi đó sẽ phải tìm thêm một tiền đạo cánh phải chất lượng.