VÌ SAO TÔI KHÔNG CÒN BẦU DANH HIỆU QBV FIFA?
Francesc Aguilar
Tôi không còn là đại diện cho Tây Ban Nha tham gia bầu chọn danh hiệu QBV FIFA. Tôi đã giữ trọng trách này từ năm 1990, khi tôi thay thế nhà báo uy tín Andreu Marce Varela. Giờ đây, tôi xin trình bày lý do cho lời từ biệt ấy, bởi tính trước sau như một của bản thân và còn bởi vì một nền báo chí độc lập. Danh hiệu này đã không còn như nó của trước kia.
Tôi bắt đầu viết cho tờ France Football từ năm 1984, khi ấy tôi vẫn còn đang làm việc tại tờ El Periodico de Catalunya. Tôi làm chuyện đó, một phần vì chấp nhận lời mời của chủ tờ tạp chí về sau là Francois de Montvalon. Tôi đã có vinh dự được thay thế nhà báo uy tín người Catalunya, Andreu Merce Varela.
Ban đầu, tôi tiếp quản vị trí phóng viên của ông (bấy giờ ông đã tham gia sâu vào mảng Olympic, làm việc bên cạnh Juan Antonio Samaranch (người Catalunya, cố chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế)). Rồi vào năm 1990, tôi lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu bầu danh hiệu QBV.
Thời điểm ấy, người giành chiến thắng của danh hiệu cao quý này là Lothar Mathaus, cầu thủ của Inter và là thủ quân của tuyển Tây Đức vô địch World Cup 1990 tại Ý. Năm 1991, tôi chuyển công tác sang tờ Mundo Deportivo (MD) và tham gia bỏ phiếu bầu QBV liên tục về sau, kể cả sau năm 2010 khi danh hiệu này trở thành QBV FIFA.
Trong suốt những năm đó, tôi luôn cố gắng bỏ phiếu bầu một cách độc lập, mặc cho áp lực rất lớn từ lý trí của bản thân, từ các mối quan hệ thân hữu, hoặc nếu không thì là áp lực từ số đông. Bằng chứng cho phong cách làm việc độc lập của mình, là tôi đã nhận phải rất nhiều sự chỉ trích khi không đi theo sự ủng hộ của đám đông đối với một cá nhân nào đó. Họ tìm đến tận các sếp tôi để phản ánh, may mắn thay đó đều là các đồng sự ở France Football, hoặc là Santi Nolla – tổng biên tờ Mundo Deportivo.
Theo nguyên tắc, tôi phải luôn lắng nghe mọi phản hồi từ độc giả cùng với các đồng nghiệp khác tại MD, hoặc những người khác để có cái nhìn rộng hơn, nhưng cuối cùng, tôi quyết định dựa trên tính chất logic của sự việc. Trong điều kiện của bản thân, tôi luôn cố gắng làm những gì tốt nhất có thể cho bóng đá Tây Ban Nha, cho những cầu thủ nước ngoài thi đấu tại La Liga, và đặc biệt là kể từ khi có rất nhiều cầu thủ Tây Ban Nha góp mặt trong danh sách xem xét được đề cử QBV.
Tôi còn nhớ Emilio Butragueno từng nghiêm túc nói với tôi một câu cách đây vài năm ở Nyon: “Làm sao mà đại diện Tây Ban Nha bỏ phiếu QBV lại không phải là người của truyền thông Madrid nhỉ?”. Ông ấy đáng lẽ cũng phải thêm vào đuôi “là Madridista”. Emilio quá rõ mọi chuyện. Nhưng thú vị làm sao, bởi vào năm 1986, tôi từng cố gắng giúp El Buitre (kền kền Emilio Butragueno) cạnh tranh cho danh hiệu QBV. Không may là cuối cùng France Football cùng Adidas trao nó cho người Nga, Igor Belanov.
Người ta cho rằng chính việc cố chủ tịch Ramon Mendoza thay đổi nhà tài trợ áo đấu Real Madrid sang Hummel đã quyết định đến kết quả QBV. Chuyện đó tôi không rành. Nhưng có một chuyện mà Butragueno không biết, là thời điểm đó tôi đang cộng tác cùng Jose Maria Garcia trên mọi chương trình (truyền thông về QBV) kể từ khi ông rời SER (tên đài phát thanh) cho đến khi ông bị buộc về hưu (Jose Maria Garcia là một huyền thoại trên sóng phát thanh Tây Ban Nha, ông nổi tiếng bởi không ngại phê phán những thứ ông cho là bất công, thích đặt biệt danh cho mọi người – từng gọi Ramon Mendoza là gã tóc trắng, gọi chủ tịch Barça Jose Lluis Nunez là tiểu Basque vì ông này sinh ra ở xứ Basque mặc dù lớn lên ở Barcelona). Garcia luôn mang trong tim Madrid, nhưng lại là một ông sếp hoàn toàn độc lập.
Câu nói của Emilio Butragueno khiến tôi về sau bắt đầu suy nghĩ hơn, nhất là kể từ khi Florentino Perez trở lại làm chủ tịch Real Madrid. Rõ ràng không phải lỗi tại tôi, chỉ là sự trùng hợp của thời thế, của những giai đoạn huy hoàng nhất lịch sử FC Barcelona, như kỷ nguyên Dream Team của Johan Cruyff, hay kỷ nguyên vĩ đại Pep Guardiola và cùng với đó là rất nhiều cầu thủ Barça như Hristo Stoichkov, Ronaldinho và Lionel Messi giành QBV. Cái vận ấy Nhà Trắng chẳng thế nào chấp nhận nổi!
Những người kế nhiệm Ramon Mendoza về sau là Lorenzo Sanz hay Ramon Calderon đều có thái độ chân thành và ủng hộ công việc của tôi. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ khi Florentino trở lại vị trí chủ tịch Real Madrid. Những năm gần đây, với sự ra đi của đầu tiên là Gerard Ernault, sau là Denis Chaumier, tại France Football bắt đầu diễn ra một chiến dịch “tập thể hoá”, đám đông quyết định tất cả. Nói ngắn gọn, tình hình đã vượt quá giới hạn chịu đựng. Tờ tạp chí nước Pháp đăng tải các bài viết mà không có lấy một thông tin, hay bút danh tác giả nào, mọi thứ đều vô danh dưới danh nghĩa tập thể France Football. Họ không báo cho tôi một tiếng.
Chuyện ngày càng trở nên phức tạp khi năm 2013 France Football có sự thay đổi về chính sách dưới sự lãnh đạo của Gerard Ejnes. Giọng điệu ông này cho thấy sự thiên vị bóng đá Tây Ban Nha, tập trung vào Real Madrid, và không ngại che giấu sự ủng hộ cá nhân. Cùng lúc đó là những thông tin tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến FC Barcelona (như vụ Qatargate). France Football bắt đầu lôi kéo Michel Platini và Sepp Blatter vào cuộc chiến mà họ tạo ra giữa FIFA và UEFA.
Sự kiện gia hạn thời gian bỏ phiếu bầu danh hiệu QBV FIFA năm ngoái chính là giọt nước làm tràn ly. Sự kiện diễn ra đúng vào lúc sắp diễn ra trận đấu tranh vé vớt đến World Cup 2014 giữa Thuỵ Điển và Bồ Đào Nha. Bất kỳ ai nhìn vào cũng nhận ra rằng, quyết định ấy có chăng chỉ là để làm lợi cho Cristiano Ronaldo trong cuộc đua trực tiếp với Lionel Messi – khi ấy đang bị chấn thương.
Trước đó vài ngày, Real Madrid đã gây sức ép lên Sepp Blatter sau khi ngài chủ tịch FIFA bắt chước “Chiquito de la Calzada” (nghệ sĩ hài độc thoại nổi tiếng của Tây Ban Nha) diễn trò và so sánh giữa Messi với CR7. Florentino Perez đã làm rất nhanh và rất tốt.
Cầu thủ người Bồ Đào Nha sau đó trở thành người hùng khi ghi 3 bàn thắng và “gánh” đội tuyển đến Brazil. Bất ngờ làm sao, anh cũng giành luôn QBV thứ hai trong sự nghiệp. Những nhà báo như tôi đã lên tiếng phản đối, phê bình hành động sửa đổi luật lệ, việc gia hạn thời gian bỏ phiếu là một điều chưa từng có trong lịch sử danh hiệu này.
Sau khi tôi lên tiếng phản đối quyết định sửa đổi của hội đồng ban giám khảo danh hiệu, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ và ngột ngạt. Cuối cùng, tôi đệ đơn từ chức, nghỉ việc cộng tác cùng tờ France Football. Tôi không còn là phóng viên của France Football tại Tây Ban Nha nữa, đồng nghĩa với việc rời khỏi vị trí giám khảo QBV FIFA – đứa con của bản thân tờ tạp chí nước Pháp, chứ không phải của FIFA.
Tôi khá xót xa với quyết định của mình, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, bởi trên hết trước sau như một luôn là tôn chỉ làm việc của con người tôi. Bạn không thể níu kéo người đã ra đi. Tôi cảm thấy nhẹ gánh bên cạnh những đồng nghiệp cực kỳ chuyên nghiệp của mình tại MD, và những ngày này là tại L’Equipe.
Hôm thứ Tư qua, tờ nhật báo AS thông báo tổng biên Alfredo Relano của họ sẽ thay thế vai trò đại diện Tây Ban Nha bầu danh hiệu QBV FIFA của tôi. Tôi hoàn toàn ủng hộ và cầu mong điều thành công đến Alfredo – một nhà báo chuyên nghiệp, trung trực, khó trở thành con rối trong tay ai và không bạn bè gì với Florentino. Emilio Butragueno sẽ không còn hỏi tôi vì sao đại diện Tây Ban Nha bỏ phiếu QBV lại không phải là người của truyền thông Madrid nữa. Một vòng tròn được vẽ nên. Florentino Perez là thành viên của Uỷ ban FIFA lựa chọn 23 ứng cử viên QBV, và một nhà báo uy tín của Madrid trở thành giám khảo danh hiệu ấy.