Chỉ còn 1 tháng nữa, các lá phiếu bầu chọn QBV 2012 sẽ được gửi về Ban Tổ chức, rồi thì tên cầu thủ xuất sắc nhất của thế giới bóng đá cũng được xướng lên. Chưa khi nào, trong 20 năm nay cuộc đua giành QBV lại hấp dẫn và gay cấn đến vậy. Chỉ trừ năm 1992 khi Van Basten sau một mùa bóng đáng quên vượt qua Stoichkov (giành Cúp C1) vào phút chót nhờ 4 bàn thắng vào lưới IFK Goteborg ngày 25/11/1992 thì phần lớn các năm sau đó bóng đá luôn có quy luật riêng và luôn đưa ra cái kết cuối cùng rất “hợp lý” trong những so sánh tưởng khó khăn nhất.
Dù rằng lịch sử 20 năm qua đôi lần phải chứng kiến vài tiếng “thở dài hoài nghi” cho chủ nhân của QBV vào những năm 2000 hay 2010 thì chưa khi nào kết quả các lá phiếu lại bấp bênh đến vậy, ít ra là đến thời điểm trận Siêu Kinh điển ngày 7/10/2012 vừa qua.
Về mặt logic, danh sách cuối cùng cho cuộc chạy đua QBV năm nay sẽ vẫn là 2 cái tên quen thuộc Messi và Ronaldo, cùng với 1 cầu thủ chói sáng của Euro 2012. Bản danh sách này phù hợp với 3 tiêu chí tạm được cho là “bất thành văn” gồm:
1. Messi – Thành tích cá nhân
Anh đại diện cho tiêu chí về thành tích cá nhân nổi bật nhất, ngoạn mục nhất, khó lặp lại nhất của 1 cầu thủ trong 1 mùa giải. Với 82 bàn thắng và 25 đường chuyền thành bàn, mọi kỷ lục đã bị xô đổ, bất chấp “sự mông muội” của hệ thống phòng thủ cách đây 40-50 năm khiến các tiền đạo dễ ghi bàn hơn, bất chấp vóc dáng thấp bé và 1 sự “quan tâm đặc biệt” của các hậu vệ đối phương, Messi đã cho cả thể giới thấy rằng anh chính là chân sút tốt nhất (vua phá lưới tại 6 giải tham gia, trong đó lập kỷ lục tại giải VĐQG và Champion League), chân chuyền giỏi nhất (tại tất cả các mặt trận) trong mùa giải 2011-2012 và chẳng có gì đảm bảo kỷ lục vô tiền khoáng hậu đó lại không bị xô đổ sau 1 năm bởi chính anh.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trên con đường chinh phục QBV lần thứ 4 liên tiếp của Messi là sự thiếu vắng những danh hiệu tập thể. Mà cũng vì sự thiếu vắng đó những nhà báo, các fan hay anti và kể cả người viết bài này mới có cơ hội dự đoán, phân tích lấp đầy các trang mạng sau mỗi vòng đấu từ giải VĐ quốc gia, đến CL hay các trận vòng loại WC.
2. Người hùng Euro – Thành tích tập thế
Mặc dù giải vô địch châu Âu chỉ là 1 trong vài giải đấu tầm cỡ châu lục nhưng tầm ảnh hưởng của nó đến kết quả QBV tương đương WC hay CL và vượt xa Copa về mọi mặt. Do vậy đương nhiên dấu ấn của các cầu thủ tham gia trận chung kết (chứ không phải bán kết) sẽ là một điểm cộng đáng kể trong hành trình chinh phục danh hiệu QBV.
Nếu theo tiêu chí lấy thành tích tập thể là thước đo, những cái tên như Iker (VĐ Liga và Euro), Iniesta (Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu, VĐ Euro) và Pirlo (VĐ Calcio và giải nhì Euro) luôn được nhắc đến như một ứng viên sáng giá.
Đáng tiếc thay, ở thời đại của “Messi và Ronaldo”, 3 cái tên này quá khó để cùng nhau góp mặt trong danh sách cuối cùng mặc dù với 2 cái tên đầu, khả năng chiến thắng chẳng hề nhỏ so với Messi và Ronaldo nếu họ lọt vào top 3.
3. Ronaldo – Giữa 1 và 2
Nhắc đến Ronaldo, tất cả các fan hay anti đều phải thừa nhận về tài năng, sự khổ luyện và ý chí vươn lên của cầu thủ này đã được nhào nặn nhiều năm trong môi trường bóng đá đỉnh cao và ghi dấu ấn trong từng bước chạy, từng cú bứt tốc hay những kỹ năng làm bản đa dạng thuộc loại bậc nhất.
Mùa giải 2011-2012 của Ronaldo có lẽ đã là tuyệt vời, là xuất sắc nhất, và cũng là không tưởng nếu không có … màn trình diễn chói sáng hơn của Messi. Thực vậy, với 46 bàn ghi được tại Liga cùng với chức vô địch của giải đấu này, nếu không cú “tackle” của số 10 Barca, các lá phiếu đã không phải phân tán và khó đoán như hiện nay. Thật đáng tiếc cho 1 ý chí vươn lên, 1 sự bền bỉ, nỗ lực cho mục tiêu số 1, khi mọi kết quả cá nhân của Ronaldo đều nhất thế giới và chỉ sau mỗi … Messi, đối thủ đáng gờm nhất và có thể là khó đánh bại nhất trong cuộc đời cầu thủ của CR7.
Ở khía cạnh danh hiệu tập thể, Ronaldo không thể cạnh tranh với nhóm Iker, Iniesta hay Pirlo. Màn trình diễn của anh tại Euro cũng không quá xuất sắc khi mất hút tại 3/5 trận tham gia.
Có thể nói, Ronaldo chính là sự pha trộn giữa 1 Messi chói sáng trong thành tích cá nhân và nhóm cầu thủ có trong tay những danh hiệu tập thể cao quý. Nếu sự thành công từ nỗ lực cá nhân của Messi được ví như tố chất loài báo gấm, những danh hiệu tập thể của Iker, Iniesta hay Pirlo được ví như những nỗ lực của đàn sói thì Ronaldo chỉ khiêm tốn là 1 chú mèo rừng mà mà ở đó, nó không có tố chất của báo và chẳng đem lại chiến quả tập thể như đàn sói.
4. … và những tiêu chí khác:
Về nguyên tắc, QBV sẽ là kết quả từ những lá phiếu được chọn theo 1 trong các tiêu chí đã nêu: Danh hiệu cá nhân, danh hiệu tập thể hay 1 chút nào đó của cả 2. Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh, còn những tiêu chí khác để chọn ra QBV.
1. Tiêu chí thành tích gần nhất:
Mặc dù trên danh nghĩa, QBV sẽ được trao cho cầu thủ có màn trình diễn xuất sắc nhất trong cả mùa giải. Nhưng oái oăm thay, đặc tính của con người nói chung thường ấn tượng với những sự kiện xảy ra gần nhất và điều đó tác động đáng kể lên kết quả lá phiếu bầu chọn. Khi ánh sáng lấp lánh từ chiếc cúp bạc Euro hay Liga đã qua lâu, người ta sẽ chỉ nhìn vào phong độ ứng viên 1-2 tháng trước thời điểm bầu. Chính vì lý do này, Van Basten mới hoàn thành cú hattrick QBV và bỏ lại mùa bóng bết bát năm 1992 ở đằng sau bất chấp phong độ chói sáng của Stoichkov tại C1 năm đó.
Ở khía cạnh này, có thể nói Messi đang dần bỏ xa các ứng viên còn lại, đặc biệt là Ronaldo. Chấn thương vai, điểm rơi phong độ và những đối thủ ngẫu nhiên rất khó chịu (Nga của Capello và Bắc Ailen đặc chất Anh) đã làm mờ đi phần nào phong độ cũng như cơ hội của CR7. Nhìn 2 trận đấu sau Siêu Kinh Điển (thời điểm Ronaldo và Messi được coi là cân bằng nhất từ 4 năm nay), Ronaldo rõ ràng đã bị hệ thống phòng ngự của đối phương (Nga và Bắc Ailen) chăm sóc như với Messi vậy, không có không gian rộng như mọi khi, không được sự hỗ trợ tốt từ các chân chuyền, cộng thêm nhưng áp lực từ cuộc chạy đua đến QBV đã làm anh mất đi cảm giác bóng tốt nhất cùng với nó là sự hưng phấn trên sân.
Ở khoảng cách xa hơn, nhóm cầu thủ thâu tóm danh hiệu tập thể, giờ đều gặp vấn đề về phong độ, nếu Iker đang gặp chút rắc rối với Mou, với những tai nạn nghề nghiệp ngày một nhiều hơn tại Liga, Iniesta luôn gặp phải vấn đề về chấn thương và độ hợp lý trognt ừng tình huống, thì Pirlo, người hùng Ý tại Euro đang dần bị cất vào kho tại mùa giải mới ở Juve.
2. Tiêu chí “cảm tình”
Xét cho cùng, việc bầu chọn QBV luôn là cuộc trắc nghiệm về cảm tính của những HLV, cầu thủ và nhà báo. Cũng phải thôi, vì khi trình độ và sự thể hiện giữa các ứng viên không chênh lệch nhiều, khi chẳng phải ai cũng bỏ thời gian theo dõi từng trận đấu của những ứng viên, thì ai để lại nhiều “tình cảm” với những người “cầm cân nảy mực”, kẻ đó có nhiều hy vọng đăng quang. Xét về khía cạnh này, rõ ràng Ronaldo với cá tính và nỗi niềm khát khao “số 1” cháy bỏng, có phần thái quá không được hưởng lợi. Thậm chí, sự “hỗ trợ từ người thân” là Mou liên tục trên báo vừa qua lại phản tác dụng.
Với cái tôi quá lớn, với những màn khoe khoang cùng những scandal đủ loại, Ronaldo sẽ không quá bị ảnh hưởng từ những nhà chuyên môn, báo giới tại các nước phát triển, tuy nhiên với số lượng liên đoàn tham gia đến gần 200, trong đó có những liên đoàn thuộc vùng trũng về kinh tế, văn hóa, họ sẽ không ủng hộ Ronaldo bất chấp các nỗ lực và những đóng góp của anh với bóng đá thế giới.
Ở mặt này, Messi lại vượt lên tất cả bởi những phát biểu rất đời thường trước báo giới, sự khiêm tốn trong hành động, sự giản dị trong lối sống và tài năng kiệt xuất trong mỗi pha bóng trên sân.
3. Trở ngại từ quá khứ hay sức ép chính trị:
Với 3 quả bóng vàng (thậm chí là liên tiếp), Messi đã sánh ngang với thành tích của Platini, Cruyff và Van Basten dù anh mới chỉ 25 tuổi. Dẫu vẫn biết các trở ngại từ lịch sử chẳng mấy khi khuất phục được Messi nhưng đây là 1 giải thưởng do những lá phiếu đem lại chứ không chỉ là từ những nỗ lực hay tài năng cá nhân.
Do vậy, để trở thành cầu thủ đầu tiên giành 4 QBV ngay vào năm nay là 1 thách thức không nhỏ đối với Messi cho dù, người viết bài này tin rằng với quãng thời gian còn lại của cuộc đời cầu thủ, với ý chí và tài năng thiên bẩm, với mức sàn sàn của phần còn lại, Messi sẽ không có dưới 5 QBV cho riêng mình.
Ngoài trở ngại đến từ lịch sử, 1 trở ngại “tế nhị” khác đến từ ông Chủ tịch UEFA. Với uy tín và tầm ảnh hưởng rất lớn của mình, chỉ 1 phát biểu, 1 tác động ngầm, Platini cũng có thể làm chậm thời điểm bị phế ngôi (là 1 trong 2 cầu thủ duy nhất 3 lần liên tiếp đoạt QBV) ít nhất là 1 năm nữa. Dù đây chỉ là 1 giả thiết, những cũng chẳng ai có thể tự tin phủ nhận.
Ở phía đối diện, đây sẽ là cơ hội cho Iker và đặc biệt là Ronaldo, 1 kiểu “phán xét công bằng” mà Mou đã đưa ra cách đây ít ngày, tuy vô lý nhưng không phải không có cơ sở.
5. Kết luận:
Từ những phân tích về những tiêu chí và những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả bầu chọn QBV, người viết bài tin rằng, thực tế sẽ diễn ra theo 2 khả năng. 1 kịch bản an toàn, làm hài lòng tất cả mà ở đó Iniesta hay Iker sẽ lên ngôi như sự tưởng thưởng cho những đóng góp âm thầm của họ. Kịch bản còn lại, sẽ tốn nhiều giấy mực hơn, nhiều tiếc nuối và tranh cãi hơn khi Messi là cầu thủ đầu tiên giành 4 QBV liên tiếp. Và nếu không có gì thay đổi, Ronaldo sẽ là cầu thủ vĩ đại nhất đoạt … quả bóng bạc trong lịch sử bóng đá thế giới.
[h=2]
Quả Bóng Vàng 2012 - Tiêu chí và đánh giá[/h]