La Liga dưới bóng 'người khổng lồ' Barça

La Liga
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

La Liga dưới bóng "người khổng lồ" Barca

Có quá nhiều bất ngờ xảy ra ở bóng đá xứ sở đấu bò, nào là sự vượt trội của Barca, sự thiếu ổn định của nhóm ƯCV ngôi VĐ, hiện tượng bùng nổ bàn thắng… và cuối cùng là chẳng thấy nổi bóng dáng chú “ngựa ô” nào như mọi năm.


Barca vô địch mùa Đông

Guardiola đã đi vào lịch sử khi làm nên khởi đầu tốt nhất cho Barcelona với 13 chiến thắng, 2 hòa và chỉ phải chịu 1 trận thua. Đó là thất bại ở ngay trận mở màn trên sân tân binh Numancia. Nhưng có lẽ cũng nhờ cú ngã đau ấy mà thầy trò Pep thêm động lực để bứt phá đầy ngoạn mục ở giai đoạn sau.

Nên nhớ, sau mùa bóng 1995/96 không một đội bóng nào ở La Liga có thể vươn tới cột mốc 41 điểm sau 16 vòng đấu. Ngay cả giai đoạn đỉnh cao dưới thời người tiền nhiệm Frank Rijkaard (2004/05), Barca cũng chỉ đạt tới ngưỡng 39 điểm sau 19 vòng đấu. Thành tích tốt nhất của Real cũng chỉ có 38 điểm trong 2 mùa bóng 1996/97 và 2007/08.

Sức mạnh của Barca dưới triều đại Guardiola đã được thừa nhận sau khi đội quân xứ Catalan đánh bại cả 5 kình địch lớn nhất tại La Liga. Đầu tiên là cơn địa chấn 6-1 trước Atletico, tiếp đến là 3-0 Sevilla, 4-0 Valencia, 2-1 Villarreal và đặc biệt là chiến thắng nghẹt thở 2-0 trước Real Madrid.

Chủ tịch Laporta tự hào mà rằng: “Barca giống như một chiếc xe F1 với 5 bánh”. Ở những năm đầu năm 2000, Barca chỉ có 3 chiếc là “thể thao”, “kinh tế” và “xã hội” nhưng đến thời điểm này, chiếc F1 ấy đã được bổ sung thêm “lòng đoàn kết, tự tôn dân tộc” và “tinh thần quốc tế”.

Như đã biết, “més que un club” (tạm dịch: còn hơn cả một CLB) đã trở thành slogan của FC Barcelona trong hơn 100 năm qua. Điều đó cũng có nghĩa, mỗi cầu thủ Barca không chỉ thi đấu cho bản thân, cho đội bóng mà còn cho cả xứ sở và đế chế Catalonya rộng lớn.

Pep Guardiola đã đúng khi nhất quyết xây dựng một Barca của người Catalan với nòng cốt là những ngôi sao trưởng thành từ lò đạo tạo La Masia như Xavi, Messi, Iniesta, Puyol… Riêng ý tưởng đó thôi, dù chưa biết sẽ thành công đến đâu nhưng nó đã thành danh vì chiếm được niềm tin và tình yêu của các CLB.

Chẳng phải CLB nào cũng đủ tiềm lực tài chính và có thừa lòng hảo tâm để từ chối mọi đề nghị quảng cáo, nhưng lại đi khuyếch trương từ thiện cho tổ chức UNICEF ngay trên ngực áo như chủ sân Camp Nou.

Ứng cử viên thất thế

Người hâm mộ xứ sở đấu bò đã kỳ vọng quá nhiều vào những đội bóng tiềm năng vô địch như Sevilla, Atletico hay Villarreal để rồi phải thất vọng trước sự thất thường của những ƯCV này. Bên cạnh sự vươn lên mạnh mẽ của Barca đã lấn át họ. Một nguyên nhân chính khác đó là vấn nạn chấn thương cũng khiến rất nhiều ông lớn ở La Liga lao đao và trượt dốc.

Điển hình như Real Madrid, mất quá nửa đội hình chính. Diarra, Nistelrooy và De la Red phải nghỉ thi đấu hết mùa, trong khi đó sự trở lại của những ngôi sao như Sneijder, Pepe, Heinze …vẫn còn bỏ ngỏ. Hay Sevilla, có giai đoạn đội bóng xứ Andalusia không còn nổi một tiền đạo nào, phải đẩy tiền vệ lên làm nhiệm vụ săn bàn.

Bùng nổ bàn thắng

Giải đấu cao nhất Tây Ban Nha năm nay bỗng dưng bùng phát những "cơn mưa" gôn. Thống kê sau 16 vòng đấu, La Liga đã có 493 lần lập công, trung bình 3,08 bàn/trận. Có thể đem so sánh với các giải đấu hàng đầu khác để thấy sẽ vượt trội của bóng đá xứ sở đấu bò.

Trong 4 giải còn lại chỉ có Đức xứng đáng sánh với Tây Ban Nha. Bundesliga đã có 462 bàn thắng trung bình 3,02 bàn/trận nhưng lại đá nhiều hơn La Liga 1 vòng (17). Ligue 1 dù chơi hơn 3 vòng (19) song mới có 423 bàn (2,23).

Serie A sau 17 vòng đấu mới có 413 bàn (2,4 bàn/trận). Ngay cả khi so sánh với Premier League, một giải đấu có truyền thống tấn công đẹp mắt và nhiều bàn thắng cũng mới có 452 bàn sau 18 vòng, tức chỉ đạt 2,5 bàn/trận. Thế mới biết, sức hấp dẫn của La Liga lớn đến mức nào.

Mùa này, 3 đội bóng phòng ngự kém nhất là Mallorca, Numancia và Sporting Gijon lần lượt phải nhận 29, 33 và 35 bàn thua. 3 đội, tấn công kém nhất là Almeria, Espanyol và Recreativo lần lượt chỉ có 16, 14 và 11 lần làm rung lưới đối phương. Trong khi đó, 3 đội bét BXH lại mang tên Espanyol, Recreativo và Osasuna.

Qua đó để thấy rằng 3 đội phòng ngự dở nhất chưa bị đẩy xuống nhóm “cầm đèn đỏ”, trong khi 2/3 đội tấn công kém nhất lại phải đối mặt với nguy cơ bị trả về Segunda (hạng 2). Và thật khó tin khi một đội bóng có hàng phòng ngự tệ hại nhất như Sporting Gijon vẫn đứng thứ 11 trên BXH. Phải chăng ở xứ sở đấu bò này, đội nào “bắn chậm thì chết”?!

Mất bóng “ngựa ô”

Mùa bóng năm ngoái, Almeria từng khiến những ông lớn phải ngạc nhiên trước sự khó chịu của đội bóng xứ Andalusia dưới thời HLV Unai Emery. Mùa trước nữa, Recreativo cũng khiến khối “ông kẹ” phải té nhào ở thành Huelva. Song đến mùa bóng năm nay, những Malaga, Numancia hay Sporting Gijon đều chưa thể hiện được gì nhiều.

Numancia, sau chiến thắng gây chấn động ngay trận mở màn trước Barca (1-0) lập tức lộ nguyên hình một đội bóng thiếu sức sống và chiều sâu đội hình. Sporing Gijon trở thành “rổ đựng trứng” cho Real và Barca với 2 thất bại kỷ lục 0-6 và 1-7.

Nói chung, La Liga năm nay có quá nhiều biến động. Đương cử như trường hợp của Getafe, đội bóng nổi tiếng với lối chơi đầy khó chịu, sau những trận thắng cực kỳ ấn tượng và hòa trong thế ngẩng cao đầu (3-1 Real, 4-1 Mallorca, Barca 1-1, Villarreal 3-3) lại thua dễ trước Osasuna, đội bóng ở đáy BXH với tỷ số đậm 2-5 ngay tại vòng 16 vừa qua.

Bình Minh (vietnamnet)

 

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.