Tin vui: vé đã bán được (không phải ôm 2 tờ giấy mầu đỏ chỉ to bằng chiếc danh thiếp nhưng nặng không kém gì bom). Tin buồn: cũng vì vé đã bán được (nên không thể vào được sân nữa). Nhưng đối với tôi, điều đó thực ra không quan trọng nữa. Chẳng có gì phải phàn nàn khi được đắm mình trong một không khí háo hức và vui vẻ nhường này.
Cha Josep gào lên với tôi trong khi đám CĐV Barcelona hát vang ầm ỹ dưới cái ánh oi bức kinh khủng của buổi trưa 26/5: "Cậu phải hứa với tôi, là hãy ủng hộ Barcelona. Để đổi lại, tôi sẽ cầu Chúa ủng hộ cậu thành công trong cuộc đời". Tôi cười, bảo, tôi không phải là người theo đạo. Vị linh mục đứng tuổi có gương mặt khá phúc hậu nhưng hóm hỉnh nom có vẻ thất vọng khi nghe câu trả lời ấy. Nhưng sau đấy, cha bật cười: "Vậy thì Chúa sẽ cứu vớt Barça" (Dio salvi il Barça). Trong đêm Olimpico, Chúa là người Tây Ban Nha. À không, người Catalunya. Như tôi".
Đấy là một trong hai cha cố, những CĐV đặc biệt của Barça tôi đã gặp trong khi đứng cùng cả trăm CĐV và phóng viên chờ Barcelona đến chỗ ở của họ cho trận CK, khách sạn Grand Hotel ở phố Veneto, một trong những con đường đẹp nhất thủ đô. Đám đông hét lên phấn khích, nhưng cũng nghe như những tiếng đe dọa khi xe bus chở M.U vừa đi qua đó trên đường về khách sạn Exedra trên quảng trường Repubblica cách đó chưa đầy 2 cây số.
Bây giờ, một dàn đồng ca đinh tai nhức óc vang lên bài hát chính thức của Barça. Một nhóm da đen giơ lên cờ Cameroon và hét to "Eto'o Eto'o". Xe cảnh sát hú còi ầm ỹ, tiếng những phóng viên nói liến thoắng trước camera, hòa trong một biển xanh-đỏ màu cờ của đội bóng xứ Catalunya. Lối đi trải thảm đỏ đến cửa khách sạn được ngăn bởi một hàng rào cảnh sát mặc đồng phục xanh đen với gương mặt lạnh lùng và đanh thép.
Ở phía kia của hàng rào, cha Felipe, bạn của cha Josep, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tay cầm bút và giấy để chờ những thần tượng của mình cho chữ kí. Nhưng tội nghiệp cha Felipe (tội nghiệp cả tôi nữa), đoàn quân Barça lướt qua như một làn gió mà không nhìn sang bất cứ ai ở 2 bên. Cả Messi, người được tung hô ầm ỹ, và Henry, một trong những thần tượng của đám đông trên phố Veneto, không ai cho chữ kí hay nói bất cứ câu nào với báo chí. Màn diễu binh của các cầu thủ diễn ra trong vài phút, nhưng các CĐV đã tự coi mình là có diễm phúc hơn người khác, vì được tận mắt nhìn thấy các thần tượng bằng xương bằng thịt.
Tôi phải chờ đón bằng được Barcelona bởi tôi đã lỡ cuộc đón M.U tối hôm trước vì tắc đường. Những khu phố cổ của Roma dường như bị đóng băng lại trong những ngày này bởi các hàng rào cảnh sát án ngữ mọi con đường, những khu đất được dành riêng cho các CĐV 2 đội được bố trí cách nhau 5 cây số và mỗi bên vào một cửa riêng ở Olimpico để tránh xảy ra những đụng độ đáng tiếc, cờ xí đã được treo đầy trời quanh những khu vực liên quan đến trận CK, CĐV Anh và TBN đã bắt đầu rảo bước trên những con phố chính. Olimpico treo những lá cờ màu đỏ huyết dụ gắn biểu tượng của trận CK.
Những đám CĐV không vé bắt đầu đi lùng sục khắp nơi để kiếm cho được vài chiếc với giá hạ đôi chút từ những ai nóng lòng muốn bán. Vấn đề ở chỗ, giá vẫn tiếp tục đội lên chóng mặt (chiếc vé 140 euro mùa chúng tôi mua hộ mấy đại gia nước mình với giá 2.500 euro giờ có thể bán được đến 3.500 euro). Những cái giá điên rồ ấy chỉ là một thước đo tương đối cho sự cuồng nhiệt và cái nóng đang dần tăng lên của trận đấu. Cha Josep và cha Felipe sẽ xem trận đấu ở đâu? "Chúng tôi đang nghĩ, nhưng chắc chắn là không thể xem được trong trường dòng". Ben, một CĐV người Ireland đã theo M.U suốt 20 năm, đứng ngay cạnh: "Tôi sẽ xem ở quán bar, ở bất cứ chỗ nào có màn hình tivi". Và sau đó, khi đội của mình thắng, họ sẽ làm gì? Cha Josep: "Sau khi Rafael Nadal giành chiến thắng ở sân Foro Italico (giải tennis BNL Open-A.N), tôi tự thưởng cho mình 2 cốc kem. Nếu Barça chiến thắng, sẽ là 3 cốc và một li sâmbanh. Nhưng chắc chắn sẽ không phải rượu trắng, vì trắng là màu của Real Madrid đáng ghét". Ben: "Tôi sẽ nhảy vào bất cứ đài phun nước nào mà tôi nhìn thấy đầu tiên. Roma nóng quá".
Sẽ không phải là một lễ ăn mừng cho tất cả. Trước khi bóng lăn, bữa tiệc là của chung. Sau khi tiếng còi cuối cùng vang lên, chỉ có một đội hạnh phúc. Niềm vui không dành cho đội về thứ nhì trong trận CK, bởi về nhì cũng có nghĩa là không gì hết. Nhưng cũng không nhiều người vui sướng khi nhìn thấy những giọt nước mắt của Terry đã rơi ở Luzhniki một năm về trước. Cũng không ai muốn trận đấu có lẽ là tổng kết thập niên đầu tiên của thế kỉ 21 kết thúc trong tẻ nhạt. Cha Felipe nói đến tỷ số thắng 5-4 cho Barcelona. Cha đang mơ mộng ư, 9 bàn trong 90 phút của một trận đấu nghẹt thở? Nhưng nếu đó là ánh sáng của Chúa, thì đấy có thể là chân lí.
Đội bóng trong trái tim cha còn chưa đá CK, nhưng đội bóng gồm các cha nói tiếng TBN của một trường dòng thuộc Vatican đã bị loại ở giải VĐ Giáo sĩ dành riêng cho các linh mục và chủng sinh vừa kết thúc hôm 24/5. Cha bảo: "Đấy là một kỉ niệm không vui. Nhưng là điềm báo cho thắng lợi của Barcelona". Ồ, cha cứ nói vậy đi...Cha Josep, rất tự hào về việc trùng tên với HLV Guardiola, ví von trận đấu ở Olimpico giữa Guardiola và Ferguson giống như cuộc đấu hoành tráng 2 nghìn năm trước giữa một võ sĩ giác đấu trẻ trung có tên Massimus Decimus (nhân vật được mô tả trong phim "Võ sĩ giác đấu") và vị hoàng đế Marcus Aurelius. Cha cười: "Cuối cùng, Massimus đâm được nhát dao vào tim kẻ thù". Ben chỉ nhún vai: "Viva Ronaldo".
Năm ngoái, mưa đã rơi ở Moskva. Terry đã trượt chân và khóc trên chấm phạt đền. Ronaldo là người chiến thắng với nụ cười rạng rỡ. Hôm nay Roma là mùa hè nắng rực rỡ, và tất cả tụ hội về đây cho một đêm hội đẹp dù kết cục của nó không đem đến niềm vui cho tất cả. Manchester được thành lập bởi những người La Mã (năm 79 sau CN, bởi Giulio Agricola) và Barcelona cũng từng trải qua nhiều năm tháng dưới tay đế chế hùng mạnh nhất châu Âu thời ấy. Thế nên, trận CK ở Roma giống như sự trở lại cội nguồn lịch sử của 2 thành phố. M.U-Barcelona cũng được kì vọng sẽ đưa những cảm xúc bóng đá trở lại với những cung bậc nguyên thủy khi nó mới sinh ra: lãng mạn, cống hiến và cháy lên những ngọn lửa đam mê. Từ bóng đá tấn công.
Anh Ngọc (Roma, Italia)
or post as a guest
Be the first to comment.