Bài viết dự thi của thí sinh Diệp Thanh Vy tại cuộc thi Miss FCBVN 2012. Với đề bài 'khó' và thời gian ngắn nhưng Vy đã tạo nên một tác phẩm thực sự xuất sắc: "Bài viết có 2934 chữ, mình không bỏ sót 1 ký tự nào, tuyệt vời. Diệp Thanh Vy, em là nhà truyền giáo trẻ tuổi xuất sắc nhất mà anh từng biết ở Việt Nam. Visca el Barca - Visca el Cataluynia" - trích dẫn một lời nhắn.
PEP G-O-D-IOLA và giấc mơ của Nhà Truyền Giáo
“Các bạn hãy thắt chặt dây an toàn vì chúng ta sắp bước vào một cuộc hành trình vĩ đại” – hành trình của những giấc mơ…
“Tôi có một giấc mơ, tới một ngày trên những ngọn đồi vùng Georgia, con cái của nô lệ và chủ nô có thể ngồi cùng nhau như anh em.
Tôi có một giấc mơ, bốn người con của tôi sẽ có một ngày sống trong một đất nước, nơi chúng sẽ không bị đối xử bằng màu da mà bằng cá tính của chúng.
Hôm nay tôi có một giấc mơ…”
Mùa hè năm 1963, tại cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc được xem là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kì, mục sư Martin Luther King Jr đã đọc bài diễn văn bất hủ “Tôi có một giấc mơ” trước hơn 250.000 cử tọa có mặt tại đài tưởng niệm Lincoln (Washington). Ấy là giấc mơ bắt nguồn từ “giấc mơ Mĩ quốc” mà Luther King ấp ủ suốt một đời và không ngừng đấu tranh để hiện thực hóa lý tưởng cao đẹp của mình. Bức thông điệp hùng hồn được King gửi gắm ước mơ và khát khao cháy bỏng về một thế giới tự do, bình đẳng, bác ái đã chạm đến con tim và đủ sức lay động tâm thức của triệu triệu con người. Có thể nói, Thánh tử đạo Martin Luther King xứng danh là một trong những “nhà truyền giáo” kiệt xuất nhất mọi thời đại và bản giáo lý mang tên Dân quyền của ông thực sự có tiếng vang rất lớn không chỉ lúc bấy giờ mà cho đến tận ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Dựa trên thước đo chuẩn mực mà ta có thể định nghĩa từ Luther King, Pep Guardiola cũng có thể được xem là một “nhà truyền giáo” mẫu mực của giáo phái túc cầu đương đại. Nếu Luther King của hơn bốn thập kỉ trước mơ về một thế giới tự do, bình đẳng thì Pep Guardiola của ngày hôm nay ắt hẳn cũng luôn trăn trở một giấc mơ thường trực trong tâm trí. Rất khó để gọi tên chính xác “giấc mơ của nhà truyền giáo” trong anh là gì. Tôi mạn phép đưa ra suy luận rằng: cũng như Luther King ngày trước, Pep muốn đem đến một sự đổi thay mang tầm vĩ mô cho bóng đá thế giới. Và quá trình định hình ước mơ và tiến tới chinh phục khát vọng của người đàn ông xứ Santpedor là cả một câu chuyện dài cần kể…
Lời chào lối cũ và chương mới của cuộc hành trình
Cuộc đời là những vòng xoay và mọi sự thăng trầm khó mà lường hết được. Ước mơ trong mỗi chúng ta vì thế chẳng bao giờ là một hằng số bất biến mà vận động không ngừng để tương thích với dòng chảy của nhận thức. Nếu điều đó đúng với chúng ta thì nó cũng đúng với Pep Guardiola.
Xuất phát điểm của mọi ước mơ trước hết là từ lòng đam mê. Với Pep, tình yêu trái bóng tròn đến với anh tự nhiên như hơi thở và cũng chính vì lẽ đó mà cậu thiếu niên Guardiola đã chấp nhận rời vòng tay gia đình ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” để bắt đầu cuộc sống tự lập ở mái nhà thứ hai – cái nôi đào tạo tài năng trẻ La Masia trứ danh. Thông minh, tài năng, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, ở Pep hội đủ những phẩm chất cần có để trở thành một cầu thủ giỏi. Từ đội trẻ Juvenil A, lọt vào mắt xanh của Johan Cruyff và rồi thẳng tiến đến với cánh cửa đội một: đó là chương đầu trong sự nghiệp quần đùi áo số của Pep.
Khởi đầu thuận lợi và trưởng thành vượt bậc, Pep nhanh chóng gia nhập hàng ngũ những cầu thủ chủ chốt không thể thay thế của đội một. Là một số 4 hoạt động ở khu vực giữa sân, Pep là nhân tố quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của Cruyff ngày ấy. “Tầm nhìn của cậu ấy, nó là một thứ rất đáng đồng tiền bát gạo” – đó là cách ông Josep Maria Fuste, một cựu cầu thủ của Barcelona nhận xét về người đồng đội khi xưa. Năm tháng khoác áo Blaugrana ghi dấu những khoảnh khắc huy hoàng và rực rỡ nhất trong nghiệp cầu thủ của Pep. Thành công của Barca dưới thời “Thánh” Johan là không phải bàn cãi và trong những chiến tích mà đội quân Dream Team của Cruyff đạt được có sự đóng góp rất lớn của người đội trưởng Pep Guardiola. Có một điều tôi chắc chắn: Pep đã chinh phục được cột mốc đầu tiên trên bản đồ Mơ ước của mình một cách đầy thỏa mãn.
Thế nhưng cuộc vui nào rồi cũng đi đến hồi kết. Ngày 24/6/2001, cả Camp Nou chật kín chỗ ngồi dõi theo một huyền thoại của CLB lần cuối cùng chơi bóng trong màu áo lam-đỏ. Đáng buồn thay, trong ngày định mệnh ấy, Pep và đồng đội đã thất thủ trước Celta Vigo và chính thức bị loại khỏi Cúp Nhà vua. Một đêm buồn Camp Nou, một lời tiễn biệt chua chát dành cho người hùng một thời của đội bóng hay nói như ông Carles Rexach (HLV Barca mùa bóng 2001/02) thì trận đấu kết thúc sự nghiệp của anh ở Barca mang “chút dư vị của một kẻ ra đi bằng cửa hậu”… Nhưng cũng từ đây, cuộc đời của Pep bước sang một trang mới.
“Tôi muốn nói với các bạn, bằng hữu của tôi. Chớ đắm mình trong thung lũng tuyệt vọng.”
Tái sinh từ tro tàn và vững vàng trong bão tố
Giã từ màu áo Blaugrana, Pep thử vận may của mình ở một CLB hạng hai trên đất Ý. Sóng gió liên tiếp ập đến với anh: mờ nhạt ở đội bóng mới vì không thể thích ứng với lối chơi, những chấn thương và thậm chí là bị cáo buộc sử dụng doping. Nhưng anh không gục ngã, tinh thần và ý chí thép không cho phép anh từ bỏ ước mơ: “Dù chỉ còn một euro trong túi, tôi cũng phải dùng nó để chứng minh chân lý thuộc về mình!”. Như loài chim bất tử tái sinh từ đống tro tàn, Pep hiên ngang trụ vững trước sóng gió cuộc đời.
Chuỗi ngày địa ngục ở Ý, cuộc hành trình dài hơi đến Qatar, Mexico và cả Argentina đã giúp Pep ngộ ra một chân lý mới. Dường như đó là cái mà anh đang thiếu, là hướng đi mà anh đang kiếm tìm. Năm 2006, Pep chính thức đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp cầu thủ. Quá trình học hỏi và tiếp thu không ngừng nghỉ “24/7 suy tư và hít thở bóng đá” (lời người mẹ) đã giúp định hình con đường của Pep sau này. Những bài học quý báu, những kinh nghiệm phong phú học được từ những HLV nổi tiếng ở Mexico, Argentina như Lillo, Lavolpe,… là những pho bí kíp tối quan trọng cho cuộc chiến trường kì trên băng ghế chỉ đạo trong tương lai. Nếu đem vào thế đối sánh với công cuộc xây dựng và đổi mới của nước ta sau ngày giải phóng năm 1975 thì những ngày khổ luyện và dày công tích lũy kiến thức nơi đất khách có thể ví như giai đoạn “quá độ” trong tư tưởng, đưa lý tưởng và ước mơ của Pep lên một tầm cao mới.
Năm 2001, hành động rời Barca có thể xem như một bước ngoặt trong cuộc đời anh. Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài, quyết định về lại mái nhà xưa đánh dấu một ngã rẽ quan trọng khác, với Guardiola và với cả FC Barcelona. Con đường mà Pep đã đi, một lộ trình dài và lắm chông gai đối với người lữ hành trẻ tuổi, cuối cùng cũng quay trở lại chính xuất phát điểm ban đầu. Từ một cầu thủ đội một anh trở thành một HLV ở đội B. Từ một nỗi thất vọng anh hồi sinh hi vọng cho cả một tập thể. Nói như thế bởi thời gian Pep trở lại và bắt đầu dẫn dắt Barca B thì đội bóng lúc ấy đang vật lộn trong địa ngục tại giải hạng 3 TBN. Dưới bàn tay thần kì của người nghệ nhân Guardiola, Barca B khoác lên mình một diện mạo khác hẳn và dần lên hạng. Một sự tái sinh tuyệt vời của Barca B và cũng là của “phượng hoàng bất tử” Pep Guardiola.
“Và ngay cả khi phải đối đầu với vô vàn khó khăn hôm nay và ngày mai, tôi vẫn ấp ủ một giấc mơ.”
Thành công nối thành công và con đường phía trước
“Tôi không chắc rằng liệu chúng tôi sẽ thắng hay không, nhưng tôi hứa với các bạn chúng tôi sẽ luôn cố gắng hết sức mình và sẽ chiến đấu đến cùng. Các bạn hãy thắt chặt dây an toàn vì chúng ta sắp bước vào một cuộc hành trình vĩ đại”, Pep đã tuyên thệ như thế ở lần đầu ra mắt tại Camp Nou trong tư cách mới là người thuyền trưởng lèo lái con tàu Barcelona. “Cuộc hành trình vĩ đại” của Pep thực ra đã bắt đầu từ nhiều năm trước đó song chính quyết định bổ nhiệm lịch sử của Laporta đã trao cho ông thời cơ không thể tuyệt vời hơn để tiến tới gia cố và biến giấc mơ ấp ủ bấy lâu thành hiện thực.
Nếu Rijkaard có công rất lớn trong việc tạo dựng nền móng vững chắc cho đế chế thì chính Pep Guardiola là người đưa Barca lên hàng bá chủ. Và nếu câu chuyện về một Guardiola với những thăng trầm và biến động ở chương cuối của đời cầu thủ là một góc khuất có thể không nhiều người biết đến thì thành công của ông trên băng ghế chỉ đạo cũng như giai thoại về một “Pep’s Team” làm mưa làm gió trên bầu trời túc cầu thế giới trong những năm gần đây đã phủ sóng rộng khắp hành tinh. Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên mà giáo phái Barcelona đã và đang thu hút hàng triệu triệu tín đồ của môn thể thao vua. Với tư cách là một “nhà truyền giáo”, Pep đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và ở một chừng mực nào đó, “giấc mơ của một nhà truyền giáo” phần nào đã được lấp đầy trong ông. Hãy tạm gác bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của Barca dưới triều đại Guardiola, tạm để sang một bên vô số kỉ lục và chiến tích phi thường được tạo ra bởi binh đoàn xứ Catalan dù rằng chính chúng mới là những bằng chứng thật nhất về thành công của Pep. Cái tôi muốn đào sâu không phải là những thành tích của đội bóng con cưng hay của vị HLV đáng kính mà có lẽ bất kì một culé chân chính nào cũng tường tận như trong lòng bàn tay. Chúng ta đang đi theo mạch nguồn chủ đạo là ước mơ của giáo sĩ Pep Guardiola và tôi bạo gan kết luận rằng: Barca chưa phải là toàn bộ giấc mơ của cuộc đời ông. Có một điều gì đó lớn lao hơn, kì vĩ hơn rất nhiều ẩn đằng sau tất cả những vinh quang mà ông cùng các học trò đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại. Có một ước mơ lẩn khuất trong Pep cao cả hơn và thậm chí là vượt lên trên tất cả những ranh giới thông thường, những lối mòn đã quá đỗi quen thuộc của một chiến lược gia đơn thuần. Thử đặt giả thiết về một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới bóng đá đương đại mà người khởi xướng không ai khác chính là Nhà Truyền Giáo vĩ đại Pep G-O-D-iola: nhân rộng mô hình kiểu mẫu của thứ bóng đá mang thương hiệu Barcelona và hồi sinh những giá trị tốt đẹp đang bị mai một dần của môn thể thao vua.
{pullquote}“Nguyện tiếng chuông tự do vang lên. Khi chúng vang lên, và khi chúng ta để chúng vang lên – khi chúng ta để chúng vang lên từ mọi ngôi làng, từ mọi thôn xóm, từ mọi tiểu bang và mọi thành phố, chúng ta có thể làm ngày ấy đến nhanh cho mọi con dân của Thiên Chúa - người da đen và người da trắng, người Do Thái và người ngoại bang, người Kháng Cách và người Công giáo - sẽ nắm tay nhau mà cùng hát ca từ này: "Cuối cùng đã có tự do! Cuối cùng đã có tự do! Tạ ơn Thiên Chúa Toàn năng, cuối cùng chúng ta đã được tự do!” (Luther King){/pullquote}
Trước hết, thực tế là Barca chơi bóng theo một trường phái hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Theo tôi, điểm mấu chốt trong bí quyết thành công của những nhà ĐKVĐ thế giới gói gọn trong hai từ “Tiki-taka” và “La Masia”. Bàn về nghệ thuật tiki-taka, với những ai chưa có cơ hội tiếp cận với khái niệm đầy đủ cũng như cách thức vận hành của lối đá này, tôi chỉ có thể nói với bạn: Hãy xem và tận hưởng. Biến ảo, đa năng, hiệu quả và đầy cuốn hút, đó là bóng đá “kiểu Barca”. Cốt lõi làm nên thành công của tiki-taka là sự đoàn kết và tinh thần cống hiến của 11 cầu thủ trên sân. Và từ đâu mà các chàng trai của chúng ta có thể trở thành những nghệ nhân tiki-taka đích thực? Ấy là nét khác biệt thứ hai của Barcelona: cách thức đào tạo cầu thủ trẻ và thành tựu to lớn nhất phải kể đến cái nôi trứ danh La Masia. Không như những đội bóng khác, gốc rễ của Barca không đâu xa mà chính là đội ngũ “cây nhà lá vườn” xuất thân từ lò đào tạo cầu thủ trẻ. Barca thành công nhờ dòng máu La Masia thuần ấy được lưu giữa qua biết bao thế hệ. Nếu như bí quyết ấy được nhân rộng ra trên toàn thế giới thì điều đó sẽ đem lại một hệ lụy vô cùng tốt đẹp cho nền bóng đá nhân loại. Thành công không phải thứ để độc chiếm mà vinh quang cần được san xẻ cho tất cả, có lẽ đó là cách nghĩ của Pep. Và tôi chắc chắn rằng, một khi mô hình “Barcelona” được phổ quát toàn thế giới, bóng đá sẽ tìm lại được những giá trị đích thực vô hình chung đang bị lãng quên giữa thời đại này. Đâu rồi những vũ điệu sân cỏ làm mê đắm hồn người của những nghệ sĩ sân cỏ thực thụ, đâu rồi cái thời mà con người ta đến với bóng đá bằng tất cả nhiệt huyết và đam mê của cả người xem lẫn người chơi, đâu rồi thứ bóng đá cống hiến và luôn hướng tới cái đích “vị nghệ thuật”? Ngày nay, con virus thực dụng đang sinh sôi nảy nở nhanh chóng một cách đáng báo động trong bóng đá. Lối chơi thực dụng, tử thủ theo kiểu xe buýt hai tầng hay chém đinh chặt sắt của những gã đồ tể trá hình cầu thủ, những vụ bán độ, dàn xếp tỉ số gây căm phẫn trong dư luận hay những mờ ám trong công tác trọng tài hiện đang làm dấy lên một luồng sóng tranh cãi mà tâm bão không đâu xa chính là xứ Bò tót… Chúng ta đang rất cần một cuộc cách mạng trên diện rộng, một chiến dịch cải tổ để quét sạch những vết nhơ đang bám chặt lấy bóng đá của thế kỉ XXI. Từ những gì Pep đã, đang làm với Barca và nhiều khả năng sẽ làm với La Furia Roja (Pep từng chia sẻ mong muốn được dẫn dắt ĐT TBN tham dự World Cup 2022), tôi đồ rằng cái đích ông đặt ra cho mình không chỉ dừng lại ở công việc của một HLV mà trên hết, giấc mơ của Pep là giấc mơ của một Nhà Truyền Giáo, một Nhà Truyền Giáo không chỉ của Barcelona hay một CLB bóng đá nào…
Khi xưa là một huyền thoại trên sân cỏ và ngày nay là một vĩ nhân trên băng ghế chỉ đạo, tài năng lẫn nhân cách của Pep rõ ràng có một chỗ đứng rõ rệt trong làng túc cầu. Con đường mà ông đã chọn sẽ đem lại điều gì cho Guardiola giữa thế giới bóng đá rộng lớn này? Tôi không chắc là mình biết. Có lẽ chỉ có một người duy nhất biết đích xác câu trả lời cho chính bản thân ông ấy. Còn tôi, với giả thiết có vẻ khả dĩ đã nêu trên, tôi vững tin rằng: Pep có thể! Còn thực tế ra sao thì hãy cứ đợi thời gian kiểm nghiệm vậy…
or post as a guest
Be the first to comment.