Messi trốn thuế, Messi úp mặt vào ngực một người phụ nữ lạ, Messi đánh mất khát khao thi đấu, Messi giành sức cho World Cup... Chúng ta đã được nghe quá nhiều những thông tin như thế trên báo từ đầu mùa bóng và ít nhiều bản thân mỗi người đều đã đưa ra không ít những nhận định đầy cảm tính. Nhưng không ít người quên rằng Messi làm gì cho bóng đá.
Với bóng đá đẹp, Messi là một thiên sứ. Anh tạo ra những cảm xúc mãnh liệt nhờ những pha dốc bóng tuyệt vời và những pha ghi bàn mang đặc trưng riêng. Anh qua người quá nhiều, ghi bàn quá nhiều đến mức người ta quá quen và khi quen thì không còn thấy quý như trước. Một người vừa thoát khỏi căn phòng đầy khói hiển nhiên sẽ thấy không khí quý hơn nhiều so với người ở ngoài.
Messi đã mang lại quá nhiều thứ cho bóng đá, quá nhiều cảm xúc cho giới mộ điệu dù bạn có là fan của tiền đạo người Argentina hay không. Rất nhiều người cảm thấy tiếc nuối vì không được xem Diego Maradona hay Michel Platini thi đấu nhiều hơn vì thời ấy truyền hình chưa phát triển rực rỡ như bây giờ. Nhưng khi có một siêu sao đích thực, một người có thể sánh vai với những huyền thoại rực rỡ nhất trong lịch sử túc cầu, thì nhiều người lại không thấy quý. Hãy đặt một giả thiết, nếu Messi mà sinh vào thời của Platini hay Maradona, vị thế của anh trong làng túc cầu thế giới còn khủng khiếp đến mức nào. 4 Quả bóng vàng liên tiếp, 6 năm trời đứng trên podium. Hơn nửa thập kỷ không rời xa podium trao giải, thật khủng khiếp!
Pele, Maradona, Di Stefano, Cruyff... vĩ đại một phần vì những câu chuyện kể về họ. Nếu đã chán đếm bộ sưu tập danh hiệu của Messi thì xin kể lại một số câu chuyện để hầu bạn. Câu chuyện thứ nhất do nhà báo Guillem Balague, người viết tiểu sử cho Messi trong cuốn sách vừa phát hành, kể. Ông cho biết vào những ngày đầu tiên Messi đến sân tập Barça, chả ai biết anh là cả. Thế là các tuyển trạch viên làm khó anh để không phải ký hợp đồng với một cậu bé còi xương chỉ mới 13 tuổi, tương lai chả biết thế nào. Họ mang đến một rổ cam và một rổ bóng tennis và yêu cầu cậu bé tập luyện với chúng.
Một tuần sau, họ nhận được một đoạn băng Messi tưng quả cam... 113 lần và tâng quả bóng tennis 140 lần. Một người còn vào trong phòng tập thể lực và lấy ra một quả bóng bàn. Messi nhận lấy và tâng được 29 lần với tất cả niềm đam mê. Đấy là những dấu hiệu của một thiên tài thật sự.
Một câu chuyện khác do HLV Carlos Marconi của Messi ở Newell's Old Boys kể lại. Ngày ấy Leo rất thích bánh chocolate. Ông hứa với Messi là sẽ cho cậu 1 cái tương ứng với mỗi bàn ghi được. Thế là Leo cứ ghi 4 bàn, 5 bàn/trận. Marconi nghĩ ra cách khác để... tiết kiệm bánh. Ông chê Messi ít ghi bàn bằng đầu nên sẽ thưởng 2 cái bánh cho mỗi pha ghi bàn bằng đầu. Trận kế tiếp, Leo lừa bóng qua một loạt hậu vệ, loại nốt thủ môn rồi dùng chân hất bóng lên cao để... đánh đầu ghi bàn, Leo chạy về phía Marconi và nói: "2 cái nhé".
Leo đến với bóng đá với niềm đam mê thuần chất. Anh mê món thịt bê của mẹ kinh khủng, nhưng dù mùi bốc lên hấp dẫn đến mấy, cậu bé vẫn chơi bóng với các anh em họ đến khi tối mịt và mệt đến mức không chịu nổi mới về. Leo là cầu thủ hiếm hoi trên thế giới không bao giờ té để kiếm phạt đền. Đã bao lần anh bị đối phương đạp từ phía sau, chỉ ngã xuống là có phạt và đối phương nhận thẻ đỏ, nhưng anh vẫn lồm cồm chạy tiếp. Quả bóng với Messi là một người bạn, như nhân vật Tsubasa trong truyện tranh cùng tên vậy.
Pep Guardiola từng khổ sở với Messi vì anh quá ham đá, một trận giao hữu cũng dứt khoát xin vào sân và đá trọn vẹn 90 phút mới thôi. Liệu một cầu thủ yêu bóng đá đến dường ấy có phải là người chán nản với sự nghiệp, mất niềm đam mê chơi bóng và cố dưỡng sức để dành cho World Cup không? Thôi thì tùy mọi người nhận định. Chỉ xin trích lại câu nói của Carles Rexach, cựu cầu thủ, HLV, tuyển trạch viên của Barça: "Messi tri ân sự ủng hộ của tất cả, nhưng cậu ấy không chơi bóng vì mọi người. Đầu tiên và trên hết, Messi chơi bóng vì niềm đam mê của chính mình, một điềm đam mê không bao giờ cạn".
Bạn có thể chê Messi đá dở, nhưng đừng nói Messi ngừng khát khao. Chính bạn cũng vậy thôi, bạn luôn hết mình với công việc nhưng bị chê là lười biếng thì có buồn không?
Trần Minh
or post as a guest
Be the first to comment.