5 năm trước, Guardiola đến và thổi vào Barça luồng gió mới mang tên Tiqui-Taca. Barça giành vô số những danh hiệu trong từng ấy thời gian bằng chính lối đá này. Từ thời Pep đến Tito, Tiqui-Taca nhìn chung không có quá nhiều thay đổi. Có lẽ cũng bởi vì Tito đã từng là trợ lý của Pep mà cũng có thể do ông chưa có đủ thời gian để tạo ra những thay đổi.
Sự bất biến ấy có 2 mặt lợi hại rất rõ ràng. Điểm lợi mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy là việc cỗ máy Barça vận hành gần như tự động. Trong những thời điểm khó khăn, sự "tự động hóa" này là vô cùng cần thiết. Ví như nếu Barça không có khả năng "auto-Tiqui-Taca" trong khoảng thời gian mà Tito vắng mặt thì chưa biết chúng ta có thể lọt đến bán kết Champions League hay không. Còn mặt hai nhãn tiền chính là việc các đối thủ đã dần dần bắt bài được lối đá của Barça. Mùa giải 2012-2013, Barça đã có khá nhiều lần "chết hụt" vì sự bế tắc trong tấn công và sự lỏng lẻo của hàng phòng ngự. "Lội ngược dòng lịch sử" trước Milan thì hay thật đấy, nhưng suy cho cùng, thắng một cách chắc chắn vẫn...đỡ đau tim hơn.
Rõ ràng đã đến lúc Barça phải thay đổi, cách tân Tiqui-Taca là nhiệm vụ bắt buộc dành cho tân HLV 'Tata' Martino. Điều này nói khó thì không quá khó, nhưng cũng chẳng dễ dàng gì. Căn bản, cái cốt của Tiqui-Taca là con người vẫn được duy trì. Đó là những cầu thủ cầm bóng siêu hạng như Xavi, Iniesta, Busquets, Alves, Messi, và mới đây nhất là Neymar... Nhưng với những con người đó, bài toán dành cho 'Tata' là làm sao để hòa hợp Tiqui-Taca với triết lý bóng đá mà ông đã từng thành công cùng Paraguay ở World Cup 2010 trên đất Nam Phi?
Nền tảng của Tiqui-Taca là kiểm soát bóng chắc chắn vẫn phải được duy trì. Bạn sẽ không bị tấn công một khi bóng không ở trong chân đối thủ. Càng giữ nhiều bóng, Barça càng có thời gian để tìm ra kẽ hở của hàng phòng ngự đối phương. Tuy vậy, việc giữ quá nhiều bóng cũng nảy sinh những vấn đề. Đó là Barça dễ dính phải đòn "hồi mã thương" của đối thủ. Mùa giải 2012-2013, có không biết bao nhiêu lần Victor Valdés và Jose Pinto phải vào lưới nhặt bóng sau những pha mất bóng hớ hênh của đồng đội tuyến trên. Barça vốn không phải là một đội bóng giỏi chống phản công, vì thế họ thường lâm vào tình thế "lành ít dữ nhiều" khi đối phương cướp được bóng.
Barça cần phải giữ bóng, nhưng họ cũng phải nhanh chóng tìm ra những miếng đánh hiệu quả về phía đối thủ. Họ không thể cứ chuyền lòng vòng một cách bế tắc như những gì đã làm trong mùa giải trước. Bóng cần phải được đẩy lên trên một cách thường xuyên hơn, hướng lên khung thành đối thủ nhiều hơn. Đã từng có những lúc Barça kiểm soát bóng hơn 80% nhưng lại chẳng được "tích sự" gì như trận thua Celtic tại Champions League mùa trước. Rõ ràng, việc thiếu ý tưởng là vấn đề lớn nhất với các cầu thủ Barça. 'Tata' cần phải hướng toàn đội đến những đòn đánh trực diện hơn, duy trì sức ép mang tính liên tục hơn để "buộc" đối phương phải lộ ra điểm yếu.
Barça cũng cần phải táo bạo hơn. Mùa vừa qua, các cầu thủ có thói quen đi bóng đến vòng cấm (thậm chí vào trong vòng cấm) rồi không biết phải xử lý thế nào. Vậy là tiếp tục chuyền về. Cứ thế, Barça tự đưa mình vào thế bế tắc trong những pha tấn công. Đã đến lúc mỗi cầu thủ cần phải có những pha đi bóng táo bạo để mang lại tính đột biến cao hơn trong mặt trận tấn công. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn đưa bóng đến vòng cấm mà chẳng mang lại hiệu quả gì cả. Nói đến đây mới thấy, sự có mặt của Neymar tốt như thế nào. Với kỹ thuật của mình cùng thời gian hòa nhập với những người đồng đội mới, chắc chắn những pha đi bóng của Neymar dù cho có cá nhân, nhưng cũng sẽ trở nên vô cùng lợi hại trong những thời điểm mà Barça bế tắc. Thêm vào đó, những cú sút xa là điều cần được chú trọng hơn. Các cầu thủ Barça dường như không có thói quen xuyên thủng mành lưới đối phương bằng những cú sút trái phá ngoài vòng cấm. Trên thực tế, tính bất ngờ cộng với một chút may mắn sẽ giúp các cầu thủ Barça tạo ra đột biến trong những thế trận đôi co không lối thoát.
Và có vẻ như 'Tata' Martino đang đi đúng hướng. Chúng ta cùng nhìn lại những trận đấu giao hữu tiền mùa giải này. Không kể đến trận thua không nhiều ý nghĩa trên đất Đức trước Bayern thì trong những trận giao hữu khác, Barça luôn duy trì được một lối đá pressing ngay trên phần sân của đối thủ. Các miếng đánh trở nên đa dạng hơn, các cầu thủ tự tin đột phá và trong những thời khắc quyết định, sự táo bạo đã được nhìn thấy. Chúng ta có thể kể đến siêu phẩm của Adriano vào lưới Santos hay bàn thắng mở tỉ số trong thế trận bế tắc trước Malaysia XI của Cesc. Những điều mà 'Tata' đang làm là cơ sở để chúng ta hi vọng.
Còn nhớ Paraguay của 'Tata' Martino tại World Cup 2010 đã thi đấu với một phong cách cực kỳ lì lợm và hiệu quả. Nếu Oscar Cardozo không đá hỏng quả 11m trong trận cầu quyết định với Tây Ban Nha, chưa biết lịch sử World Cup sẽ thay đổi như thế nào. Có thể thấy rằng, nếu hòa trộn thành công triết lý bóng đá của mình vào Tiqui-Taca, Martino sẽ tạo nên một Barça cực kỳ đáng sợ, bằng không, nếu 2 lối chơi này không thể tương thích với nhau, ông sẽ đưa Barça vào một thời kỳ khủng hoảng mới.
Thay đổi là bắt buộc, nhưng có thể thay đổi thành công không, 'Tata'?
Ryan Barca
or post as a guest
Be the first to comment.