1. Xuôi dòng lịch sử
Thử tưởng tượng một đất nước nhỏ bé nằm giữa 2 cường quốc là Pháp và Tây Ban Nha sẽ ra sao? Đó là tình hình của Catalunya nếu thực sự độc lập. Phong trào ly khai là một vấn đề nhạy cảm, âm ỉ và có sức phá hoại khối đoàn kết chung của một đất nước. Nhắc đến hay cổ vũ nó cũng có thể khiến bản thân mỗi đất nước giật mình thon thót. Vậy bản chất Catalunya có phải ly khai?
Ngày 1 tháng 10 năm 2017, theo lịch thì đó là ngày người dân Catalunya được quốc hội Catalunya ấn định đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý có hay không độc lập với Tây Ban Nha. Đây là một cách chơi chữ và nếu chúng ta lăn xả vào việc phân tích sẽ không bao giờ có cái kết xứng đáng. Theo quan điểm pháp quyền, Tây Ban Nha có hiến pháp được thống nhất và Catalunya đã vi phạm điều đó. Cái lý của Catalunya lại nằm ở chỗ khác. Họ nói rằng đất nước Catalunya của mình ra đời trước khi có cái Hiến pháp đó. Nền văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử của Catalunya được định hình cả nghìn năm. Về bản chất, liên minh giữa hàng loạt các vương quốc trên bán đảo Iberia đã cho ra đời những đế quốc hùng mạnh. Chuyện anh hoàng tử nước này xả thân cưới chị công chúa nước kia để giúp lập ra các liên minh quá đỗi bình thường ở châu Âu. Tây Ban Nha vốn dĩ được lập ra bởi các cuộc hôn nhân kiểu này.
[video=youtube;WpoA23fn71o]https://www.youtube.com/watch?v=WpoA23fn71o[/video]
Catalunya nhỏ bé nằm giữa sự giằng xé quyền lực của Pháp và Castilla (đại diện là hoàng gia Madrid). Khi ngả về Pháp thì Catalunya yên ổn. Khi Pháp đánh nhau với Castilla và thua cuộc thì Catalunya bị đồng hóa. Nhưng giống như bất kỳ dân tộc nào trên trái đất có nét văn hóa bản sắc đậm đà, có ngôn ngữ riêng biệt đều có mạch sống dữ dội. Năm 1714 là lúc Catalunya mất độc lập. Năm 1939, Franco thắng trong đấu súng tiếp tục tìm cách tước bỏ ngôn ngữ vẫn không dập tắt được lý tưởng của một dân tộc.
2. Con người Catalunya
George Orwell viết bút ký kể lại thời kỳ hăng hái vác súng đi bảo vệ dân chủ ở Catalunya. Nếu đọc và ghi nhớ hết những phe phái, hội nhóm oằn tà là vằn mà Orwell viết ra thì bạn đúng là thiên tài. Hoặc bây giờ bạn nhớ được đầy đủ các đảng phái đang xây dựng chương trình hành động cho Catalunya thì bạn cũng quá giỏi. Thế đấy, đặc điểm chung của họ là chia bè chia phái, cãi nhau ủm tỏi, liên minh lộn xộn, nay thế này mai thế kia. Chẳng cần tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn vào chính thượng tầng đội bóng lớn nhất Catalunya để suy ra cũng tương tự. Đó là một đặc điểm cực kỳ quan trọng khiến hàng trăm năm nay xứ sở này không thể thống nhất một lòng cho quan điểm phải giành độc lập dân tộc bằng được. Có những bức ảnh được chụp vào ngày 1 tháng 10 cho thấy khi cảnh sát lôi thùng phiếu khỏi tay cô gái có trách nhiệm giám sát nó thì có những người đứng nhìn, có người rút điện thoại ra quay, có người giơ tay lên ám hiệu không chống đối và đương nhiên chỉ có vài người lao tới giúp đỡ cô gái. Đó là những bức ảnh thể hiện đầy đủ nhất tính chia rẽ trong tư tưởng của người Catalunya và nhất là giới trẻ vốn dĩ sinh ra và lớn lên trong một đất nước hùng mạnh có quá khứ từng là đế quốc toàn cầu.
Thế nhưng cũng có những bằng chứng hùng hồn khác chứng minh rằng người Catalunya đã biết đoàn kết lại.
Khi lực lượng bán quân sự Hiến binh hoàng gia đập cửa một nhà thi đấu thể thao với mục đích vây bắt, thu giữ và cản trở người Catalunya bỏ phiếu thì hàng dài những tiếng hô khẩu hiệu cổ vũ Catalunya vang lên. Máy quay đi theo lực lượng vũ trang vào bên trong địa điểm chứng kiến cả chục người trong nhóm phụ trách hòm phiếu chắn trước mặt và khoác vai nhau hát vang bài 'quốc ca' của họ. Vừa hát họ vừa đung đưa thân mình theo nhịp trước mặt lực lượng đàn áp hiên ngang chẳng khác gì cảnh những vị anh hùng cách mạng cười hiền trước mũi súng ở pháp trường.
Năm ngoái, người Catalunya phải thay đổi cách tổ chức trưng cầu dân ý bằng hành động thăm dò ý kiến. Có đến 52% người tham gia nói Không với kế hoạch tách khỏi Tây Ban Nha. Nhưng năm nay, những người nói không đó cảm thấy Bàng Hoàng trước cảnh tượng bạo lực đàn áp của chính quyền Madrid. Họ cảm thấy mình phải hành động để bảo vệ đồng bào của mình và cảnh sát Catalunya đã chạy ra giằng co với cảnh sát hoàng gia. Những người làm việc cho chính quyền nắm tay nhau chắn giữa cảnh sát với người tuần hành. Và kết quả khi Madrid dành tặng dùi cui thì người Catalunya đã bỏ phiếu bảo vệ lẫn nhau với hơn 90% nhất trí tách khỏi Tây Ban Nha. Đây là một kết quả cực kỳ bất ngờ với chính người Catalunya và ta đều hiểu người Madrid đã đi sai một nước cờ.
3. Hành động của Barça
Để giành được độc lập đầy mơ mộng như Catalunya quả thật sẽ không dễ. Hiến pháp Tây Ban Nha có quy định và quân đội nước này luôn nằm trong nhóm mạnh nhất thế giới. Đối với một điều được chính quyền coi là vi hiến thì việc kết quả bỏ phiếu có là 100% cũng không ảnh hưởng đến thái độ kết luận của Madrid. Người Cataluny thật lãng mạn khi nghĩ rằng có thể giành độc lập bằng lá phiếu. Đúng là tư tưởng luôn ôn hòa nhưng lịch sử thì rất đẫm máu. Xứ Basque theo đuổi học thuyết đó và có một thời gian dài xung đột không dứt trên đất Tây Ban Nha. Với luật pháp và sức mạnh có trong tay mình thì chuyện để Catalunya tách ra là điều khó chấp nhận với Madrid và họ có đủ công cụ để bảo vệ quan điểm của mình.
Người ta tranh cãi nhau về hành động của Barça vào ngày 1 tháng 10. Ngay khi Camp Nou không mở cửa cho vài nghìn cổ động viên được vào sân, mọi người đã mường tượng ra chuyện trận đấu có thể được hoãn. Khi quyết định được đưa ra, phó chủ tịch phụ trách pháp chế câu lạc bộ xin từ chức. Chúng ta bàn xem quyết định đó ra sao!
- Tự ý hủy hoặc hoãn trận đấu trong trường hợp có thiên tai, biến động chính trị, quân sự là điều đương nhiên.
- Có thể dừng trận đấu giữa chừng hoặc hoãn trận đấu theo ý kiến của giám sát, trọng tài vì tình hình trên sân cũng có trong luật. Nhưng Barça mà không đá thì sẽ bị xử thua (đương nhiên rồi). Và bị dọa sẽ trừ 6 điểm (sao không phải ít hoặc nhiều hơn). Khi xưa thời Pep đá có lần Barça ra sân không đủ người và chấp nhận thua.
- Nobita đã nói đây là quyết định khó khăn nhất của ông. Pique rơm rớm nước mắt sau trận. Valverde thổ lộ cả đội đã họp cùng với Ban lãnh đạo để đưa ra quyết định cuối cùng.
Camp Nou - biểu tượng và cũng là niềm tự hào của Catalunya vắng lặng đồng nghĩa với suy nghĩ Camp Nou đã chết?
Không, tôi không nghĩ thế. Đây là một quyết định có sự đồng thuận của tất cả tìm ra một giải pháp thích hợp nhất. Đây là một quyết định tập thể và chính các cầu thủ gánh vai trò không thể để đám chính trị gia có cớ dìm câu lạc bộ xuống nữa. Việc không mở cửa cho số ít cổ động viên vào sân là tội ác đối với họ nhưng đã giúp câu lạc bộ truyền đi khắp thế giới một thông điệp khá rõ ràng: Dân chủ đã bị chà đạp. Và rõ ràng tiếng vang ngày 1 tháng 10 đã vọng tới khắp nơi trên thế giới. Thế là quá đủ cho một sự kiện. Và đấy cũng là cách cắm bông hoa vào đầu súng mà Catalunya sẽ làm để đối chọi với những vũ khí mà Madrid sử dụng. Nghĩ theo kiểu đó, chúng ta cũng đã có trách nhiệm giúp đỡ hoặc không với phong trào của họ rồi.
Visca el Barça!
Visca el Catalunya!
[video=youtube;j9UGpBZz7WU]https://www.youtube.com/watch?v=j9UGpBZz7WU[/video]