Mặc dù giải vô địch quốc gia Đức trên bản đồ thế giới hiếm khi được đánh giá ngang hàng với tính quyết liệt của bóng đá xứ sở sương mù, nét hoa mĩ của người Tây Ban Nha hay sự chặt chẽ trong những sơ đồ chiến thuật của người Ý, bóng đá Đức vẫn là nơi nuôi dưỡng và sản sinh ra những huyền thoại số 1 làng túc cầu. Còn đội tuyển Đức thì đã rất nhiều năm nay vẫn luôn là một ứng cử viên sáng giá cho tất cả các giải đấu mà họ tham dự. Ở Euro 2012 sắp tới, không ít người cho rằng họ sẽ là chướng ngại số một trên con đường bảo vệ ngôi vương của nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha. Nguyên nhân là do đâu ?
Ưu điểm của người Đức không gì hơn là tính khoa học và kỉ luật. Sự hoa mĩ có thể mất đi khi các nghệ sĩ không còn xuất hiện, một chiến thuật tốt luôn đòi hỏi những con người phù hợp và sự quyết liệt nhiều khi không nói lên được điều gì về chất lượng chuyên môn. Điều này giải thích vì sao các giải đấu và đội tuyển hàng đầu châu Âu đều đã trải qua nhiều thời kỳ suy thịnh. Một Italia cường thịnh cũng bị đánh gục bởi Calciopoli và đến giờ vẫn chưa lấy lại chỗ đứng vốn có, một giải ngoại hạng Anh từng làm khuynh đảo châu Âu chỉ mới một vài năm trước thì giờ chỉ còn như những chiếc bóng mờ. Còn bản thân đội tuyển Tây Ban Nha cũng đang có nhiều vấn đề, và câu trả lời vẫn còn đợi chúng ta ở kì Euro phía trước.
Tất nhiên bóng đá Đức không thoát được ra khỏi cái vòng suy thịnh ấy. Nhưng với đặc tính khoa học và kỉ luật của mình, dù suy hay thịnh thì họ vẫn lầm lũi đi lên. Minh chứng rõ ràng là, trong 3 kỳ World Cup gần đây, chính Đức chứ không phải Brazil, không phải Tây Ban Nha và không phải Pháp, không phải Anh là đội cả 3 lần đều lọt đến vòng bán kết.
Trên bình diện câu lạc bộ, trong khi người hâm mộ hướng cặp mắt theo những gương mặt quen thuộc đã và đang làm mưa làm gió ở châu Âu, thì người Đức, vẫn với tính khoa học và bền bỉ của mình, lẳng lặng tích cóp từng điểm số nhỏ nhặt, để làm đầy thêm vốn liếng. Kết quả ai cũng biết, và nhiều người đã phải ngỡ ngàng: Bóng đá Đức, một nền bóng đá vốn ít người Việt Nam chịu bỏ công theo dõi, đã âm thầm đẩy Italia xuống vị trí thứ tư bằng cái cách " kiến tha lâu đầy tổ" ấy.
Để làm nên thành công cần có 2 yếu tố: 1 là làm tốt công việc của mình hiện tại và 2 là sự bền bỉ, kiên trì. Một con đường một trăm ki lô mét thực ra cũng chỉ là tập hợp của nhiều con đường một trăm mét mà thôi. Người Đức có cả hai đang âm thầm đi đúng theo lộ trình ấy. Vì vậy, dù không mang lại nhiều cảm xúc như những nền bóng đá khác, nhưng chắc chắn họ sẽ thành công, trong một tương lai không xa.
Trong topic này, chúng ta sẽ tìm hiểu về lịch sử bóng đá Đức, để biết thêm về con đường đi của họ.