Các trường phái bóng đá xuất hiện thế nào

denpietrau

Chuyên gia chăn Dê, diệt Cu-lét
Đầu quân
23/7/07
Bài viết
13,343
Solutions
1
Được thích
569
Điểm
113
Nơi ở
Hà Nội
Barça đồng
3,356
Bóng đá là môn thể thao, nhưng cũng bị chi phối bởi các tác động, bối cảnh xã hội và quan điểm chính trị. Những trường phái bóng đá chịu ảnh hưởng từ quy luật đó.

alt

Cuộc đối đầu giữa Milan (sọc đen đỏ) và Ajax ở chung kết Cup C1 châu Âu năm 1969 là điển hình của một cuộc chiến giữa hai trường phái phòng ngự và tấn công.

Cuốn sách của Benedikt Taschen về việc chụp ảnh bóng đá những năm 1970 có tựa "Thời đại Ngây thơ" (The Age of Innocence). Một cái tựa thật phù hợp, bởi đó có lẽ là thời kỳ cuối cùng mà những câu thủ bóng đá vẫn chưa phải là các ngôi sao thật sự, CLB vẫn tập trung vào cộng đồng, giá vé rẻ, và như nhà báo Ed Vulliamy viết: "Sự ngây thơ ở nơi hàng nghìn cậu trẻ vùng Merseyside đi xe khách xuống London và ngủ ngoài công viên để xem một trận chung kết".

Ở châu Âu, đó là thời kỳ nổi lên của bóng đá tổng lực (total football), thay cho triết lý cũ catenaccio. Kiểu đá đổ bê tông catenaccio đó bị cho là yếm thế, tiêu cực, và phản động, trong khi bóng đá tổng lực là nghệ thuật, tích cực, và cách mạng. Sự phân kỳ triết lý giữa hai phong cách đó sẽ chia rẽ bóng đá mãi mãi.

Là sự phản ảnh của những vấn đề xã hội rộng lớn hơn, hai phong cách này đều mang màu sắc của những người cánh tả. Trong khi David Winner gọi bóng đá tổng lực là một phần của phong trào phản văn hóa vô chính phủ kiểu Amsterdam những năm 1960, thì triết gia của phe cực tả và CĐV AC Milan, Antonio Negri, từng mô tả catenaccio là "cuộc chiến tranh giai cấp".

Bóng ma Machiavelli

Không lâu trước khi giới quý tộc bắt đầu chơi calcio fiorentino - thứ bóng đá cổ điển trên quảng trường Santa Croce ở Florence thế kỷ 16, một người Florence tên là Niccolo Machiavelli đã viết một luận văn khiến ông trở thành một trong những người sáng lập của khoa học chính trị hiện đại.

Trong khi nhiều người coi cuốn "Bậc Quân Vương" (The Prince) là "những đề xuất xấu xa cho các nhà độc tài để nắm giữ quyền lực", những triết gia thời kỳ Khai sáng như Rousseau và Diderot đã chứng minh rằng Machiavelli đã luôn là một người Cộng hòa, dù tác phẩm khét tiếng của ông nói khác.

alt

Lý thuyết của Machiavelli trở thành khởi nguồn cho những cuộc cách mạng chiến thuật về sau.

Vào lúc Italy bị chia rẽ giữa các nhà nước - thành bang và Giáo hội Công giáo, liên tục xung đột với nhau và với những kẻ xâm lăng từ bên ngoài, Machiavelli kêu gọi một vị minh quân đứng ra đoàn kết đám đông quần chúng. Vị quân vương của Machiavelli, thật tự nhiên, chống lại Giáo hoàng và các gia đình quý tộc tham quyền cố vị. Hơn nữa, ông khẳng định rằng vị quân vương đó phải xuất thân từ quần chúng chứ không phải từ giới quý tộc.

Là lý thuyết về chính trị thực dụng, giải phóng khỏi các ràng buộc đạo đức và tâm linh, "Bậc Quân Vương" thảo luận về cách giành và giữ quyền lực - trở thành cuốn sách phải đọc của mọi nhà cách mạng, từ những người Jacobin những năm 1790 ở Pháp, tới các triết gia Marxist như Antonio Gramsci, và cả các đảng xã hội ngày nay.

Điều khiến Machiavelli khác biệt với các nhà tư duy xã hội không tưởng như Thomas More và Plato là dự án của ông có cội rễ từ những điều kiện xã hội-chính trị thời bấy giờ. Negri, trong khi bình luận về xu hướng chiến thuật chung của bóng đá Italy, đã nói tới điều mà ông gọi là "chủ nghĩa Machiavelli" của dân Italy - "xoay xở với những gì bạn có trong tay".

Bản chất của Catenaccio

Các đội bóng Italy thời hậu Thế Chiến thứ II chơi với phong cách sau này sẽ được gọi là catenaccio. Với một hậu vệ quét đằng sau hàng thủ, họ chơi phòng ngự rất chặt, lôi kéo đối thủ dâng lên trước khi tung ra một cú phản đòn tốc độ, chính xác.

Trong số những người tiên phong cho hệ thống này có Helenio Herrera, hay Il Mago (nhà ảo thuật), một HLV nổi tiếng với việc xây dựng các đội bóng chơi tiêu cực và tàn nhẫn. Đầy tham vọng và theo đuổi sự hoàn hảo, Herrera thiết kế các đội bóng của ông chỉ vì một mục đích: chiến thắng.

Là con trai của một tay vô chính phủ bị trục xuất khỏi Andalusia (Tây Ban Nha), Herrera sinh ở Buenos Aires (Argentina), và lớn lên ở Casablanca (Morocco) cùng Paris (Pháp). Bên cạnh chơi bóng, ông làm các nghề khác để sinh nhai. Ý thức được tài năng khiêm tốn của bản thân, Herrera đã phát triển một tư duy chiến thuật sắc bén để bù đắp.

Herrera thành công đầu tiên trên ghế HLV ở Atletico Madrid, với hai lần vô địch Tây Ban Nha trong bốn năm. Ông là một trong những HLV đầu tiên nhấn mạnh tới các trại tập huấn cho CLB. Alfonso Aparicio, một học trò của Herrera ở Atletico, từng nói: "Helenio thường bắt chúng tôi tập như điên ba tiếng mỗi ngày, nhưng điều đó đồng nghĩa tới Chủ nhật chúng tôi có thể đè bẹp bất cứ đối thủ nào".

Sau khi Real, nổi tiếng là đội bóng con cưng của nhà độc tài Franco, đưa về Alfredo Di Stefano, Barça - biểu tượng của bản sắc và tinh thần cộng hòa Catalonia - đã bổ nhiệm Herrera với hy vọng xoay chuyển tình thế.

alt

Herrera chỉ ở Barça hai năm, nhưng gặt hái thành công lớn với hai danh hiệu La Liga.

Trong lời nói đầu cho cuốn "Bảo vệ sự khủng bố: Tự do hay là chết trong cách mạng Pháp" (In Defence of the Terror: Liberty or Death in the French Revolution) của Sophie Wahnich, triết gia và nhà phê bình văn hóa Marxist Slavoj Zizek lập luận rằng trong khi người ta nhất trí tính chất quân sự và quân phiệt hóa của xã hội Sparta là phi nhân, chính bản chất đó đã cho phép xã hội ấy chống lại thành công sức mạnh áp đảo của đế quốc Ba Tư.

Zizek cũng lập luận rằng những trại huấn luyện khắc nghiệt kiểu Sparta là biểu trưng cho ý tưởng rằng tự do có giá của nó, đó là sự hy sinh đau đớn. Tự do chỉ đạt được thông qua kỷ luật sắt và ý chí thép. Tất nhiên, Zizek nói về chính trị. Tuy nhiên, nhìn qua lăng kính bóng đá, thì cách tổ chức xã hội kiểu Sparta chính là đòi hỏi của catenaccio.

Ở Barça, Herrera bắt đầu với ba phiên tập mệt nhoài mỗi ngày. Sau ngày đầu tiên, một số cầu thủ nôn ói vì không chịu nổi cường độ, nhưng tới khi hết nhiệm kỳ tại đây, HLV này đã giành hai La Liga, bao gồm một danh hiệu ngay mùa đầu tiên.

Đòi hỏi về kỷ luật và tinh thần làm việc tới kiệt sức của Herrera được đúc kết thông qua chính cuộc đời ông - ông ăn ít, không bao giờ bia rượu hay hút thuốc, và tập yoga mỗi ngày. "Những ai không cố gắng hết sức, tức là chưa cố gắng gì cả" là tuyên ngôn sống của ông.

Herrera chuyển tới Inter năm 1960 và mang theo triết lý đó. Không ngôi sao cá nhân nào trong đội hình được vi phạm các giá trị tập thể và ai thách thức ông sẽ mất chỗ đá chính ngay lập tức. Không lâu sau đó, những Fachetti, Picchi, Mazzola, Guarneri và Burgnich bắt đầu gây kinh hoàng cho mọi đối thủ.

alt

Hệ thống chiến thuật và những con người ưa thích của Herrera ở Inter.

Lối đá catenaccio của Herrera bao gồm bốn hậu vệ và một libero tự do (hậu vệ quét). Trong khi các hậu vệ được huấn luyện để kèm người, libero là một hậu vệ bổ trợ, đón những tình huống bóng bật ra và chuyển nhanh sang tấn công. Các tiền vệ và tiền đạo sau đó sẽ tung ra cú phản đòn dứt điểm.

Trong khi Herrera được cho là người sáng lập nên hệ thống này, những ý tưởng của ông có lẽ xuất phát từ đối thủ Nereo Rocco, người lại lấy cảm hứng từ Karl Rappan. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Liberation, Antonio Negri cho rằng catenaccio có những tính chất cứng rắn và ương ngạnh của nông dân Italy: "Đó là cuộc đấu tranh giai cấp, của một giai cấp yếu ớt hơn và phải tự bảo vệ mình".

Sinh ở thành phố nhỏ Trieste, Rocco chơi cho Triestina - một CLB vô danh - trong thời kỳ trước Thế chiến thứ I. Ông khởi nghiệp HLV ở Triestina mùa 1947-1948 và đưa CLB về đích thứ nhì. Ở đó, ông bắt đầu phát triển lối chơi nhấn mạnh vào phòng ngự. Năm 1954, Rocco chuyển tới đội Serie B Padova, xây dựng một đội bóng phòng ngự phản công giàu kỷ luật và cứu họ khỏi rớt hạng mùa đó. Mùa 1957-1958, Padova thăng hạng Serie A và ngay lập tức về đích thứ ba.

Trong khi Rocco thích đội hình 1-3-3-3 (đôi khi chuyển sang 1-4-4-1 và 1-4-3-2), Herrera điều chỉnh nó thành 5-3-2 - nổi tiếng với biệt danh verrou (then cửa) - thêm một người ở hàng thủ để đội bóng có thể đá linh hoạt hơn.

Năm 1961, Rocco có bước chuyển lớn trong sự nghiệp với AC Milan. Áp dụng triết lý phòng ngự, ông vô địch Italy ngay mùa đầu tiên. Các ngôi sao như Dino Sani, Altafini, Cesare Maldini và Gianni Rivera còn đưa Milan vào chung kết Cup C1 1963, gặp "ngáo ộp" của bóng đá thời bấy giờ Benfica.

Catenaccio như thế đã ra đời trước hết nhờ thiên tài của Nereo Rocco. Ngay từ đầu, catenaccio đã bị chê bai về mặt mỹ thuật. Việc Herrera bảo vệ thành công Cup C1 với Inter vào năm 1965 được bình luận là "không phải một chiến thắng cho những người theo đuổi bóng đá thuần khiết".

alt

Với Herrera cùng chiến thuật catenaccio, Inter đoạt hai Cup C1 và một Cup Liên lục địa.

Trận chung kết Cup C1 1963 ở Wembley thì được gọi là cuộc đấu giữa sự thực dụng tiêu cực - AC Milan của Rocco - và lối đá nghệ sĩ phiêu lưu của Benfica. Milan đã chiến thắng và trở thành CLB Italy đầu tiên đoạt Cup C1 châu Âu.

Không giống Herrera, Rocco sống một cuộc đời lãng tử. Ông thường xuyên xuất hiện trong quá bar và các nhà hàng sang trọng, thích giao du với các phóng viên, với một trong những người bạn thân nhất của ông là biên tập viên của Gazzetta dello Sport, Gianni Brera.

Là thành viên của phong trào kháng chiến chống phát-xít ở Italy trong Thế chiến II, Brera còn viết cho các ấn phẩm cánh tả và có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa như Il Giorno và Il Repubblica. Ký giả này còn tự chế tác ra ngôn ngữ của riêng cho bóng đá và phá vỡ mối liên hệ khi đó còn là nội tại giữa những từ vựng của thời phát-xít với thể thao ở Italy. Chính ông là người tổng kết đầu tiên về phong cách chơi bóng đặc biệt của Rocco và Herrera.

Màu đỏ gây sợ hãi

Trước một lối chơi phòng ngự mới, các đội phải điều chỉnh lối đá tấn công của họ theo. Những người đầu tiên làm như thế là các HLV Đông Âu.

Boris Arkadyev, HLV Dynamo Moscow vào đầu những năm 1940, nghĩ ra điều mà Jonathan Wilson gọi là "sự mất trật tự có tổ chức" trong cuốn sách về chiến thuật nổi tiếng của ông "Đảo ngược kim tự tháp" (Inverting the Pyramid). Các tiền vệ và tiền đạo bắt đầu di chuyển tự do và ngẫu hứng, đổi chỗ cho nhau, để đối phó với libero tự do và hệ thống kèm người.

Mikhail Yaushin, người thừa kế của Arkadyev, từng nói: "Nguyên tắc của lối chơi tập thể hướng dẫn bóng đá Xô-Viết. Một cầu thủ không chỉ cần giỏi các kỹ năng, các kỹ năng có còn phải cần thiết cho đội bóng". Với tinh thần tập thể ấy, Hungary của Gusztav Sebes vào đầu những năm 1950 - đội bóng bất bại trong năm năm liền - sẽ chơi thứ bóng đá mà họ gọi là "bóng đá xã hội chủ nghĩa".

Không giống ở các ĐTQG khác, Sebes không chọn những người giỏi nhất cho mỗi vị trí, ông chọn người tốt nhất cho đội bóng. Về chiến thuật, tư duy của ông thật đơn giản: đội bóng chơi tấn công càng trôi chảy, hàng thủ đối phương càng khó tổ chức.

Những năm 1960, Valeriy Lobanovskyi - người sẽ mang Cup C2 châu Âu về Dynamo Kyiv - cùng với chuyên gia thống kê Anatoliy Zelentsov xây dựng lý thuyết bóng đá riêng của họ. Cuốn "Cơ sở phương pháp luận để phát triển các mô hình huấn luyện" (The Methodological Basis of the Development of Training Models) mà họ cùng viết có đoạn: "Cần phải đẩy đối thủ vào tình thế mà bạn muốn. Một trong những cách quan trọng nhất để làm điều đó là thay đổi các không gian của trận đấu".

Lý thuyết về không gian đó sau này sẽ được hoàn thiện bởi hai người Hà Lan - Rinus Michels, và tông đồ của ông, Johan Cruyff.

Cuộc nổi loạn của bóng đá Tổng lực

Là một tiền đạo tài năng đá cho Ajax Amsterdam những năm hậu chiến, Rinus Michels lần lượt được thụ giáo các HLV Jack Reynolds và Vic Buckingham. Tới năm 1965, ông được bổ nhiệm dẫn dắt Ajax. Michels, giống các đồng nghiệp Xô Viết, ý thức được việc phải xây dựng một triết lý bóng đá của riêng ông - thứ về sau sẽ được gọi là bóng đá tổng lực.

alt

Rinus Michels (phải) được xem là cha đẻ của lý thuyết bóng đá tổng lực, trước khi học trò của ông - Johan Cruyff - nâng tầm triết lý ấy thành một trường phái.

Với việc phần lớn diện tích Hà Lan ở dưới mực nước biển, không gian là tài sản quý giá nhất của xã hội Hà Lan. Trong nhiều thế kỷ, người Hà Lan đã xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng mét đất. Một câu ngạn ngữ nổi tiếng của nền văn hóa này là: "Chúa tạo ra thế giới. Người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan".

Michels lấy cảm hứng từ tính kinh tế học về không gian rất tinh tế của Hà Lan để xây dựng triết lý bóng đá của ông: "kích cỡ sân bóng là cố định, nhưng các không gian chơi bóng có thể được điều chỉnh tùy theo nhu cầu của đội".

Trong cuốn "Màu da cam xuất sắc: Những thiên tài tư duy của bóng đá Hà Lan" (Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football), David Winner viết: "Khi có bóng, Ajax - và sau này là tuyển Hà Lan - cố gắng mở rộng sân bóng tối đa có thể..., mọi tình huống di chuyển là một cách để tận dụng các không gian. Khi họ mất bóng, tư duy tương tự cũng được áp dụng: mục đích là phá hủy các không gian của đối thủ".

Trong khi các HLV Xô Viết chỉ áp dụng việc hoán đổi vị trí cho các tiền vệ và tiền đạo, Michels mở rộng điều đó ra khắp mặt sân. Ngày 7/12/1966, trong một buổi tối mù sương ở Amsterdam, Ajax, lúc đó hãy còn vô danh, đánh bại Liverpool của Bill Shankly 5-1 ở vòng 2 Cúp C1.

Liverpool là ứng viên số một của giải, và Shankly tuyên bố trước trận sẽ "đè bẹp đối phương với bảy bàn" trong lượt về tại Anfield. Nhưng kết quả trận đó là 2-2. Những người Hà Lan đang tới.

Những năm 1960 cũng là thời kỳ xã hội Hà Lan thay đổi mạnh mẽ với các phong trào phản văn hóa ở Amsterdam - một thành phố được triết gia chuyên nghiệp và thủ môn nghiệp dư người Pháp Albert Camus mô tả rằng đáng chán tới mức "trong hàng thế kỷ, dân hút thuốc tẩu đã lặng nhìn cùng trận mưa đó rơi xuống cùng con kênh đó".

Bắt đầu là một phong trào chống hút thuốc, cuộc đấu tranh của những người phi chính phủ trở thành phong trào chống lại văn hóa tiêu dùng, chống chủ nghĩa bảo thủ, phát-xít, và chiến tranh Việt Nam.

Năm 1966, những sinh viên vô chính phủ và công nhân cánh tả xuống đường, đụng độ với cảnh sát. Chính trong bối cảnh đó, Ajax nổi lên, phá vỡ trật tự ở châu Âu và làm mê hoặc thế giới với lối đá tổng lực của họ. Đội bóng Hà Lan vô địch quốc gia tới bốn lần, từ 1966 tới 1970, và đoạt Cup C1 châu Âu ba năm liền, từ 1971 tới 1973.

alt

Bóng đá tổng lực giúp Ajax có ba Cup C1 liên tiếp trong kỷ nguyên Michels - Cruyff.

Giống phong trào phản văn hóa, triết lý của Michels nhấn mạnh vào lối chơi tập thể chứ không phải tài năng cá nhân. Nhưng không giống catenaccio, bóng đá tổng lực vẫn khuyến khích kỹ thuật và tư duy thông minh. Cruyff sẽ được mô tả là một "nghệ sĩ" và "Pythagore của bóng đá".

Cruyff và các cầu thủ Hà Lan khác cũng đấu tranh để bóng đá được chuyên nghiệp hóa. Khi ông phát hiện các quan chức của LĐBĐ Hà Lan (KNVB) được mua bảo hiểm khi đi nước ngoài, còn cầu thủ thì không, Cruyff đã sử dụng ảnh hưởng rất lớn của ông để thay đổi. Ngay trước World Cup 1974, Cruyff - lúc đó là đội trưởng ĐTQG - dọa rằng cả đội sẽ biểu tình nếu họ không được thưởng giống các đội châu Âu khác.

Năm 1971, Rinus Michels chuyển tới Barça. Michels nhận ra cầu thủ Barça không thiếu tố chất kỹ thuật, nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi các chỉ trích và thiếu tinh thần chiến thắng. Cruyff thì gây sự với ban huấn luyện ở Ajax vào năm 1973. Khi Ajax muốn bán ông cho Real Madrid, Cruyff đã ép họ phải bán ông cho Barça. Cruyff nói thẳng, không muốn đá cho một đội liên hệ với Franco.

Vào lúc Franco ủng hộ Madrid từ trên giường bệnh, Cruyff là ngôi sao trong đội hình Barça đè bẹp kình địch này 5-0 ngay trên sân khách. Ở Barcelona, hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng. Một phóng viên của New York Times viết rằng chỉ trong 90 phút, Cruyff đã làm được cho xứ Catalonia nhiều hơn bất cứ chính trị gia nào trong nhiều thập kỷ. Từ vị trí áp chót bảng điểm trước khi Cruyff tới, Barça trải qua 17 trận bất bại và vô địch La Liga mùa đó.

Cuộc chạm trán định mệnh

Năm 1969, ở Bernabeu, Ajax của Michels gặp AC Milan của Rocco trong trận chung kết Cup C1. Đó là cuộc đối đầu đỉnh cao giữa thực dụng và nghệ thuật, thụ động và chủ động, và tấn công và phòng ngự.

Danh tiếng của Cruyff khiến nhiều người kêu gọi Rocco thay đổi phong cách chỉ cho trận này, nhưng ông tất nhiên từ chối. Trong khi Michels muốn tìm kiếm khoảng trống, Rocco quyết không để đối thủ có điều đó. Ông yêu cầu các học trò hậu vệ kèm người mà họ được phân công "từ phòng thay đồ vào tới toilet". Milan áp đảo và Cruyff mất hút. Đội bóng Italy thắng 4-1, và catenaccio coi như thắng lượt đi.

Michels sẽ nhanh chóng điều chỉnh. Mùa tiếp theo, ông đưa về Johan Neeskens, một chiến binh thực thụ. Vì Ajax không tìm được khoảng trống ở trận chung kết với AC Milan, nhiệm vụ của Neeskens là tạo ra khoảng trống đó. Mạnh mẽ và thông minh, ông chơi như một tiền vệ bao sân, bẻ gẫy các mối liên kết của đối thủ và hỗ trợ đội nhà khi tấn công. Năm 1971, Ajax đánh bại Panathinaikos và lần đầu đoạt Cup C1.

Năm 1972, bóng đá tổng lực lại gặp catenaccio ở chung kết Cup C1 - Ajax đối đầu Inter ở De Kuip (Rotterdam, Hà Lan). Cả hai đội đã thay HLV - Stefan Kovacs ở chỗ của Michels và Giovanni Invernizzi thay Herrera - lối chơi của họ vẫn không khác nhiều. Nhưng kết quả lần này khác. Ajax làm chủ thế trận từ đầu, Cruyff ghi hai bàn để mang Cup C1 về cho Ajax lần thứ hai.

alt

Cruyff cùng Ajax đánh bại Inter trong trận chung kết Cup C1 năm 1972.

Suốt những năm 1970, bóng đá tổng lực sẽ trở thành triết lý áp đảo. Tuyển Hà Lan, với những Suurbier, Hulshoff, Krol, Swart, Rensenbrink, và hai chàng Johan - Cruyff và Neeskens, vào tới chung kết World Cup hai lần liền, các năm 1974 và 1978.

Mối quan hệ giữa hai phong cách bóng đá này có lẽ có thể mô tả tốt nhất qua kiểu tư duy âm-dương của phương đông, tương kết, tương thuộc và tương liên, mà sự tiến lên một bước của phong cách này sẽ thúc đẩy sự thay đổi của phong cách kia, và cứ thế bóng đá tiến hóa.

Trâm Anh (vnexpress tổng hợp)
 

SirAlex007

Sứ giả của Quỷ đỏ
Đầu quân
29/5/11
Bài viết
1,909
Được thích
124
Điểm
63
Tuổi
35
Barça đồng
0
Bài viết khá hay nhưng cá nhân mình nghĩ bóng đá phòng ngự sẽ không bao giờ đuổi kịp bóng đá tấn công được nữa.

Suy cho cùng thì bóng đá vẫn là một bộ môn giải trí cho nên chân giá trị của nó phải luôn là tấn công chủ động, tìm kiếm những bàn thắng.

Tất nhiên phòng ngự thì không bao giờ mất đi giá trị nhưng nó sẽ khó có thể trở thành chủ đạo mà vươn tới đỉnh cao được, ngay đến một nền bóng đá rất lớn như Đức mà còn chuyển hướng từ lối đá thực dụng sang tấn công (ngay cả các HLV của họ cũng thay đổi tư duy như vậy) thì đủ hiểu bóng đá tấn công đang lấn át thế nào.

Bây giờ chỉ còn mình Italia đơn độc với thứ bóng đá cổ điển của mình, vây quanh là những Đức-TBN-Pháp-Hà Lan-Anh-BĐN.

Thậm chí ngay chính Italia bây giờ thì chẳng phải đội bóng biểu tượng của họ là Juventus cũng được dẫn dắt bởi 1 HLV theo đuổi lối đá cống hiến là Sarri đấy thôi tức là cũng manh nha có sự thay đổi dần dù chưa thể đánh bật được gốc rễ bám sâu vào nền bóng đá này.

Bây giờ sẽ chỉ còn là cuộc chiến nội bộ của bóng đá tấn công, giữa sự pha trộn của các yếu tố kỹ thuật-tốc độ-sức mạnh và cả một chút sự thực dụng nữa.

Sẽ là sự kết hợp của 4 yếu tố trên tùy vào sự phân bổ nhiều hay ít vào từng yếu tố để tạo nên các phong cách riêng biệt dù tất nhiên sẽ có những điểm tương đồng bởi cùng 1 gốc sinh ra.
 

Xã viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Chủ đề mới nhất

Giới thiệu

  • Barçamania Việt Nam thành lập từ năm 2005. Chúng tôi không thiên vị trong các thảo luận, đảm bảo thông tin chính xác không giả mạo. Chúng tôi cam kết xây dựng diễn đàn lành mạnh và phi lợi nhuận.
Top